YOMEDIA

Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

Tải về
 
NONE

Bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương được xem là bài ca ân tình cảm động bởi nó là tình cảm không chỉ của tác giả mà còn là của nhân dân cả nước. Triệu trái tim Việt Nam vẫn hướng về Bác - vị cha già của dân tộc. Để hiểu hơn về tình cảm của tác giả đối với vị lãnh tụ đáng quý của chúng ta, mời các em cùng tham khảo tài liệu Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương dưới đây.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Đã hơn 160 năm ngày Bác mất, nhưng những nỗi đau đớn mất mát vẫn còn hằn trong trái tim của người dân Việt Nam ta.

- Một trong những tác phẩm tiêu biểu nói về nỗi đau này là bài thơ "Viếng lăng Bác" của Viễn Phương, mạch cảm xúc xuyên suốt là nỗi day dứt, tiếc thương đồng thời là lòng kính trọng vô vàn của một người con từ miền Nam ra thăm lăng Bác.

2.2. Thân bài

* Khổ 1:

- Cụm từ xưng hô "Con -Bác" thể hiện tình cảm thân thiết, tác giả đã xem Bác như một Người thân thương, ruột thịt trong nhà, hết lòng kính trọng và thương yêu, mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc.

- Hình ảnh hàng tre xanh có nhiều ý nghĩa:

+ Là hình ảnh tả thực, quang cảnh hàng tre xanh tươi xung quanh lăng Bác

+ Tre là biểu tượng cho đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, nhắc đến tre để gợi không khí thân thuộc, giản dị của đồng quê đất nước từ ngàn đời, đó là cảm giác yên bình, ấm áp.

+ Ngoài ra, hình ảnh ảnh tre đứng thẳng hàng còn tượng trưng cho hình ảnh con dân Việt Nam đang canh giữ quanh lăng, cho Bác một giấc ngủ bình yên.

* Khổ 2:

- Hình ảnh sóng đôi "Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ", khẳng định tầm vóc vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhằm khẳng định Bác là mặt trời chân lý sáng đỏ trong tim mỗi người dân Việt Nam, soi rõ đường cách mạng của dân tộc ta tìm tới hòa bình và tự do.

- Hình ảnh dòng người đi trong thương nhớ như một sợi dây tiếc thương vô hình của cả dân tộc, cứ chảy mãi không bao giờ ngừng và nỗi tiếc thương, kính trọng ấy kết thành một tràng hoa thật đẹp thành kính dâng lên Bác.

* Khổ 3:

- Nói giảm nói tránh về sự ra đi của Bác, đồng thời khẳng định tầm vóc vĩ đại của Bác qua hình ảnh "vầng trăng" và "trời xanh".

- Tuy biết rằng Bác vẫn sống mãi trong trái tim dân tộc Việt Nam, nhưng có một sự thật rằng Bác đã vĩnh viễn ra đi, điều đó đã trở thành nỗi đau ngự trị trong trái tim của mỗi con người, không thể quên đi.

* Khổ 4:

- Nỗi xúc động nghẹn ngào của Viễn Phương khi phải rời xa Bác.

- Những tình cảm trân trọng, kính mến, nỗi luyến lưu đã khơi gợi những ước muốn giản dị trong tâm hồn tác giả, ước được thành chim, thành hoa, thành cây tre để giữ cho Bác giấc ngủ bình yên.

2.3. Kết bài

- Khép lại bài thơ, dẫu chỉ có 4 khổ thơ ngắn ngủi, nhưng bằng giọng thơ hiền hòa, như thì thầm, như tâm sự, Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã đem đến cho độc giả thật nhiều cảm xúc.

- Dù đã được viết cách đây hơn 40 năm trời, thế nhưng cho đến tận hôm nay, khi đọc lại bài thơ dù là thế hệ nào cũng không khỏi cảm thấy xúc động bởi tính truyền cảm mạnh mẽ, cùng những ân tình mộc mạc mà tác giả dành cho Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta ngàn đời.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Viếng lăng Bác là bài ca ân tình cảm động của Viễn Phương

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Đã hơn 160 năm kể từ ngày Bác ra đi, nhưng nỗi đau mất mát vẫn còn vĩnh viễn nằm trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam, hàng loạt những tác phẩm viết về Bác, về nỗi đau Người ra đi, trong đó có những tác phẩm đã trở thành bất hủ, dường như là đại diện cho tình cảm tiếc thương của hàng triệu trái tim Việt Nam. Có thể nhắc đến những câu thơ thấm đẫm nước mắt của Tố Hữu trong bài Bác ơi!: "Suốt mấy hôm rày tiễn đưa/Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa" đó là những câu thơ đã để lại trong lòng người đọc những cảm xúc thật nghẹn ngào khó tả, là nỗi đau đớn sâu sắc, là nước mắt tiếc thương cho vị lãnh tụ vĩ đại trong những ngày Bác vừa ra đi. Song song với Bác ơi! thì tác phẩm Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương, ta lại tìm thấy một cảm xúc khác, ấy là nỗi day dứt, tiếc thương của một người con miền Nam, mãi đến sau ngày giải phóng mới có thể đến viếng thăm Bác một lần. Bài thơ thường được nhắc đến như là một bài ca ân tình đầy cảm động của nhà thơ đối với vị cha già kính yêu của dân tộc.

Nói đến bài ca ân tình, có thể dễ dàng nhận thấy thơ của Viễn Phương rất đỗi êm đềm, nhẹ nhàng, nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc, từng câu từng chữ dẫu đọc thấy rất giản dị, mộc mạc, nhưng đó lại chính là là những cảm xúc chân thực nhất mà tác giả muốn đưa vào thơ của mình. Trong Viếng lăng Bác, Viễn Phương tuy là viết thơ nhưng ta lại cứ ngỡ đang được nghe kể chuyển bởi lời thơ thật dịu dàng êm ái, như thì thầm, như tâm sự.

"Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng."

Nhà thơ nói về chuyến viếng thăm một cách rất từ từ, sâu trong ấy là nỗi bồi hồi, là niềm vui, cũng là niềm thương với Bác, cách xưng hô thân tình "con - Bác", là một cách thể hiện tình cảm rất tinh tế, dường như Bác chính là người thân ruột thịt, gần gũi và thân thiết với Viễn Phương vậy. Một chuyến viếng thăm được chờ mong từ lâu thế nên suốt dọc đường đi tác giả luôn cẩn thận quan sát, có thể thấy trái tim cũng như ánh mắt của Viễn Phương chỉ hướng về lăng, nơi Bác đang nằm yên nghỉ. Thế mới có câu thơ thật hay, thật đẹp "Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát", có lẽ rằng nhà thơ đã đáp chuyến bay sớm nhất để có thể được gần Bác, bắt gặp hình ảnh đầu tiên là hàng tre vương mờ sương sớm lại càng khiến con người ta cảm thấy thân thuộc biết bao nhiêu. Hàng tre xanh từ xưa tới nay vốn đã trở thành biểu tượng cho đất nước Việt Nam và cả con người Việt Nam nữa, tre tham gia vào lao động sản xuất, tre dựng nhà, dựng lán, tre cũng lại tham gia vào chiến đấu. Việt Nam vốn là một đất nước có truyền thống nông nghiệp lâu đời, hình ảnh lũy tre trước làng, trên đê ngày ngày đung đưa theo gió đã trở nên quá đỗi quen thuộc, tre cùng với con trâu đã đi sâu vào tiềm thức của biết bao nhiêu thế hệ con người. Hơn thế nữa, tre còn gắn bó với nhân dân ta không chỉ ở cuộc sống, mà từ lâu nay tre đã luôn mang những đức tính thật đáng quý, tựa như mỗi người con Việt Nam, là linh hồn của cả dân tộc. Tre cũng như người "bão táp mưa sa đứng thẳng hàng", có thể nói hiếm có loài cây nào lại kiên cường, ngay thẳng và đoàn kết như tre, dẫu có biết bao thăng trầm, bom đạn, nhưng cũng chẳng thể tận diệt loài cây ấy, chúng vẫn sinh sôi khỏe mạnh, trên cây mẹ hiên ngang, dưới gốc đã trồi lên mấy cái búp măng nhọn hoắt, thẳng tăm tắp. Những đức tính tốt đẹp ấy trong con người Việt Nam đã chẳng còn cần phải bàn cãi, bởi suốt hơn 4000 năm văn hiến, với biết bao thăng trầm lịch sử và gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã quá đủ để chứng minh điều đó. Hình ảnh tre xanh trong khổ thơ đầu, vừa là tả thực quang cảnh tươi đẹp trước lăng, vừa gợi nhắc đến vẻ đẹp của con người Việt Nam, từ đó dẫn chúng ta đến những liên tưởng xa hơn, tình cảm hơn. Bởi tre vừa mang lại không khí thân thuộc, gần gũi, êm đềm nơi lăng Bác và lũy tre xanh thành hàng thành lối cũng như thay mặt cho hàng triệu người dân Việt đang canh giữ cho Bác được giấc ngủ bình yên, ấm áp. Đó là ngụ ý thật hay, thật sâu sắc của Viễn Phương.

Ở khổ thơ thứ 2, gây ấn tượng với người đọc chính là hình ảnh sóng đôi đặc sắc, một hình ảnh ẩn dụ rất đúng, rất hay thể hiện được hết những tình cảm từ sâu trong trái tim của người con từ miền Nam xa xôi.

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân..."

Trời trên cao ngày ngày vẫn có một mặt trời luôn tỏa xuống những ánh nắng ấm áp, đó là mặt trời của tự nhiên của tạo hóa, vốn đã là chân lý hàng triệu năm nay. Nhưng trong trái tim của Viễn Phương và cả hàng triệu đồng bào Việt Nam, vẫn còn một mặt trời khác "rất đỏ", rất cao quý và vĩ đại ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, người đã hy sinh cả cuộc đời vì hạnh phúc của nhân dân. Bác là mặt trời chân lý của nhân dân, Bác đã soi sáng và dẫn đường cho một đất nước vốn nhỏ bé, nhưng kiên cường đến đích của độc lập và tự do. Lối so sánh ẩn dụ của Viễn Phương còn nhằm chứng minh tầm vóc vĩ đại của Bác, tầm vóc ấy xứng đáng được sánh ngang và vươn tầm tới bên ngoài vũ trụ rộng lớn. Đó cũng chính là những tình cảm tôn kính và chân thành mà Viễn Phương và hàng triệu con người Việt Nam vẫn luôn mang trong tim, vẫn luôn nghĩ đến khi nhắc về Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Hình ảnh "Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ" kết hợp với hình ảnh "tràng hoa", mang đến những liên tưởng về nỗi thương tiếc không ngừng của người dân dân Việt Nam dành cho Bác, những tình cảm trân trọng, mến yêu đã kết thành tràng hoa đẹp nhất để kính dâng lên Người với một tấm lòng thành kính nhất. "Bảy mươi chín mùa xuân" của Bác đều dành trọn vẹn cho dân tộc Việt Nam, chẳng phút giây nào Bác chịu suy nghĩ cho bản thân mình, Người tuy mở lòng với cả một nhân dân, nhưng lại lãng quên đi chính mình. Có chăng chỉ là lúc sắp về với cõi vĩnh hằng Bác lại mới thèm nghe một câu hò ví dặm, một làn dân ca quan họ Bắc Ninh, để được mang theo một chút hồn dân tộc sang thế giới bên kia. Tấm lòng của vị cha già dân tộc khiến người ta không khỏi đau xót khôn nguôi.

"Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim."

Khi đã vào được trong lăng, được ngắm nhìn di thể của Bác, nhà thơ đã hết sức tôn kính và khéo léo chọn được một hình ảnh rất đẹp và sáng, cách nói giảm nói tránh "Bác nằm trong giấc ngủ bình yên", vừa là lòng kính yêu cũng vừa để giảm bớt nỗi xót xa khi chứng kiến Bác đang yên giấc ngàn thu. Trong khổ thơ này Viễn Phương lần nữa khẳng định tầm vóc của Hồ Chủ tịch, nếu như khổ thơ trên Bác sánh ngang với mặt trời, thì trong khổ thơ này, giấc ngủ của Bác lại cũng được vầng trăng soi sáng. Dẫu biết rằng trong lăng chỉ có ánh điện, nhưng với tấm lòng thương yêu vô hạn của Viễn Phương dành cho Bác thì những ánh điện sáng ấy chẳng khác nào trăng, bởi Bác xứng đáng có được điều ấy. Tác giả viết "Vẫn biết trời xanh là mãi mãi", một lần nữa Bác lại được so sánh với trời xanh vĩnh hằng, điều ấy cũng nói lên rằng tuy Bác đã ra đi mãi mãi, nhưng hình ảnh Bác, công ơn của Bác cùng với những tư tưởng sáng ngời, sẽ luôn mãi sống trong lòng nhà thơ và hàng triệu người dân Việt Nam. Đó là lời khẳng định bất tử, nhưng dẫu có thế nào, thì nỗi đau Người ra đi vẫn là sự thật chẳng thể thay đổi, những gì Bác để lại chẳng đủ để che lấp đi những nỗi đau thương vào ngày Bác ra đi. Nỗi đau ấy âm ỉ, nghẹn ngào và vĩnh viễn ngự ở một góc trong trái tim từng người dân Việt Nam, tùy thời lại nhói đau và cơn đau ấy chẳng bao giờ có thể khỏi.

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này..."

Cuộc hội ngộ và chia ly diễn ra quá nhanh, dường như làm Viễn Phương đau đớn và tiếc nuối hơn cả, nước mắt nhà thơ không rơi từng giọt mà "trào" hẳn ra, đó là cảm xúc mãnh liệt và đột ngột vô cùng, có lẽ không còn có thể kìm nén được nữa. Bởi mới đó thôi còn nhìn thấy hàng tre mờ trong sương sớm, mới được gặp Bác có một lần, nay đã phải chia xa, đối với một người con miền Nam đã hết lòng kính trọng và thương yêu Bác thì làm sao có thể đủ, niềm cảm xúc của Viễn Phương là có thể lý giải. Có lẽ vì niềm thương tiếc và nỗi day dứt của một người con ở nơi xa mà Viễn Phương đã có những nỗi niềm lưu luyến không rời, với những mong ước thật giản dị, muốn được làm con chim, được là đóa hoa, được làm cây tre trung hiếu, cốt sao cho được gần bên Bác, cho thỏa nỗi lòng mong nhớ, kính yêu. Tấm lòng của Viễn Phương đối với Bác thật đáng quý và đáng trân trọng biết mấy.

Khép lại bài thơ, dẫu chỉ có 4 khổ thơ ngắn ngủi, nhưng bằng giọng thơ hiền hòa, như thì thầm như tâm sự, Viếng lăng Bác của Viễn Phương đã đem đến cho độc giả thật nhiều cảm xúc, đúng với cái danh bài ca ân tình cảm động mà nhiều độc giả khen tặng. Bởi dù đã được viết cách đây hơn 40 năm trời, thế nhưng cho đến tận hôm nay, khi đọc lại bài thơ dù là thế hệ nào cũng không khỏi cảm thấy xúc động bởi tính truyền cảm mạnh mẽ, cùng những ân tình mộc mạc mà tác giả dành cho Bác - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta ngàn đời.

3.2. Bài văn mẫu số 2

 Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài ngợi ca của biết bao thi nhân trong và ngoài nước. Có thể kể đến Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,... Và trong số rất nhiều những tên tuổi nổi tiếng, Viễn Phương vẫn giành được một vị trí riêng cho mình với bài thơ “Viếng lăng Bác”. Bài thơ là bài ca ân tình cảm động, đẹp đẽ của nhà thơ Viễn Phương và đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ vô cùng kính yêu.

      Bài thơ ra đời năm 1976 - một năm sau ngày đất nước thống nhất. Được ra miền Bắc thăm Bác Hồ là niềm mong mỏi cũa biết bao người con miền Nam. Viễn Phương may mắn là thế hệ đồng bào miền Nam đầu tiên được ra viếng lăng Bác. Nhà thơ đón nhận niềm may mắn ấy bằng một tâm trạng xúc động vô bờ:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hang”…

      Nhà thơ xưng "con” gọi ”Bác”, cách xưng hô ấy vừa yêu thương, thân thiết lại vừa thể hiện được tấm lòng kính yêu của tác giả hướng về Bác Hồ. Viễn Phương đến với lăng Bác vào buổi sớm mai khi sương còn giăng mờ những hàng tre quanh lăng, cỏ phải nhà thơ đã đợi chờ, mong mỏi giây phút này từ lâu lắm... Không nên ngồi mong chờ, thi nhân đã đến lăng Người từ rất sớm. Từ xa, nhà thơ hướng về lăng Bác đã thấy hình ảnh hàng tre ngà gần gũi, thân quen: ” Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”. Không nén được xúc động, Viễn Phương như thốt lên:

"Ôi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa vẫn thẳng hàng’’.

       Hình ảnh hàng tre có người Việt Nam nào không thấy gắn bó. Tre bao quanh làng cho bóng mát. Tre làm rá, rổ, giần sàng... Tre làm chông, làm gậy đánh giặc thù giữ nước. Và tre còn là biểu tượng cho bao đức tính tốt đẹp của người dân Việi Nam chịu thương, chịu khó, cần cù, chăm chỉ... Và hơn hết, qua bao gian khó, hiểm nguy tre vẫn kiên trì bám đất, bám làng sống hiên ngang như dân tộc Việt Nam vững vàng đi qua những sóng gió cùa thời đại. Trong câu thơ “Bão táp mưa sa vẫn thẳng hàng”, nhà thơ đã vận dụng thành công thành ngữ “bão táp mưa sa" để thể hiện những khó khăn, vất vả mà cây tre phải đương đầu cũng như những vất vả, truân chuyên mà bao thế hệ người Việt đã chiến đấu để chiến thắng. Đến với lăng Bác, bắt gặp hình ảnh hàng tre xanh xanh thắm tươi, nhà thơ dâng trào những cảm xúc yêu thương, tự hào về nhân dân, về Tổ quốc thân yêu của mình.

        Qua những hàng tre, nhà thơ bồi hồi tiến về lăng Bác. Khung cảnh gần lăng càng khiến Viễn Phương xúc động hơn nữa:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”...

     Mặt trời trong câu “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng” là hình ảnh nhân hoá. Từ sự nhân hoá này để tạo ra liên hệ với mặt trời trong cậu sau: mặt trời trong lăng. Mặt trời trong lăng là hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho Bác Hồ. Viết như vậy, nhà thơ muốn khẳng định: nếu mặt trời mang lại ánh sáng cho trái đất thì Bác Hồ mang lại ánh sáng cho dân tộc Việt Nam và rồi Bác cũng sẽ bất tử như vầng thái dương rực sáng. Không chỉ vậy, “mặt trời” của thiên nhiên đi qua lăng còn phải nghiêng mình trước “mặt trời” của dân tộc: “Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Hình ảnh dòng người xếp hàng vào lăng viếng Bác được ví với tràng hoa cũng là một liên tưởng độc đáo vừa mang tính tả thực vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Đoàn người đi từ bên lăng lên trước lăng, vào trong lăng rồi lại đi ra bên lăng giống như một tràng hoa. Bảy mươi chín mùa xuân, bảy mươi chín năm của cuộc đời Bác dành trọn cho dân tộc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Tràng hoa viếng Người được kết bằng những tấm lòng thành kính, nhớ thương của triệu triệu người con hướng về vị cha già dân tộc. Điệp từ “ngày ngày” tạo ấn tượng về thời gian vĩnh viễn, vô tận, mặt trời kia là vĩnh viền, tình cảm nhớ thương của nhân dân đối với Bác cũng là vĩnh viễn. Lòng tiếc thương khôn nguôi đốì với Bác tiếp tục được khắc sâu trong khổ thơ tiếp theo:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!”…

        Không gian trong lăng được cảm nhận là không gian của giấc ngủ, nơi Bác nằm được cảm nhận là vầng trăng toá sáng dịu hiền. “Nằm trong giấc ngừ" cũng là cách nói nhằm giảm cảm giác mất mát, gợi vẻ ung dung, tự tại của Bác. Vầng sáng như vầng trăng bao quanh hình hài Người một không gian yên bình tuyệt đối. Tuy nhiên, mặc dù vẫn biết trong tình cảm mọi người, Bác sẽ sống mãi cùng thời gian, vĩnh viễn như trời xanh, nhưng không thể không đau lòng trước một sự thật: Người đã vĩnh viễn ra đi.

Khổ thơ cuối cùng là những lời ước nguyện nghẹn ngào:

"Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”…

        Điệp ngữ “Muốn làm'' diễn tả trạng thái xúc động mãnh liệt đang dâng lên trong lòng người con sắp trở về miền Nam, từ biệt nơi có người cha già yên nghỉ. Lời thơ giản dị mà giàu sức truyền cảm. Muốn gắn bó với lăng Bác, dường như tác giả còn muốn thể hiện tình cảm của cả miền Nam với Bác Hồ, với miền Bắc ruột thịt. Bài thơ mở đầu bằng hình ảnh hàng tre xanh và khép lại cũng bằng hình ảnh cây tre như sự khẳng định về lòng trung kiên, son sắt, bộc lộ tâm nguyện hướng về Bác Hồ, như một lời hứa về tinh thần bền bỉ gìn giữ nước non thống nhất.

        Trong bài thơ “Viếng lăng Bác”, Viễn Phương đã sử dụng thành công nhiều biện pháp nghệ thuật đặc biệt là thủ pháp ẩn dụ, nhân hoá... Điều đó đã tạo nên nét độc đáo cho bài thơ.

       Trong nhiều bài thơ rất hay viết về Bác Hồ, “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương đã tự dành cho mình một vi trí rất riêng bởi sự kết hợp nhuần nhị giữa tình cảm chân thành sâu lắng và những thủ pháp nghệ thuật sáng tạo, độc đáo.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF