Nhằm giúp các em biết cách viết được đoạn văn kể về một người có ý chí học tập Học247 mời các em cùng tham khảo tài liệu Đoạn văn kể về một tấm gương hiếu học dưới đây. Chúc các em có được những đoạn văn thật hay nhé!
Đề bài: Em hãy viết một đoạn văn ngắn kể về một tấm gương hiếu học mà em biết.
Gợi ý làm bài:
1. Đoạn văn mẫu số 1
Thầy Nguyễn Ngọc Kí là một tấm gương hiếu học sáng rỡ cho các thế hệ học sinh noi theo. Sau cơn bạo bệnh vào năm 4 tuổi, thầy đã bị liệt cả hai tay. Tuy nhiên, điều đó chẳng chút nào mai một tinh thần học tập của thầy. Thầy Nguyễn Ngọc Kí đã dùng đôi chân của mình để tập viết. Dần dần, vượt qua bao đau đớn, khó khăn, thầy Kí đã viết được và đến trường học như bao bạn khác. Không những thế, thầy còn học rất giỏi và đạt được những thành tích cao, trở thành một nhà giáo tuyệt vời. Thầy Nguyễn Ngọc Kí thực sự là tấm gương sáng cho toàn thể các học sinh noi theo.
2. Đoạn văn mẫu số 2
Lên sáu tuổi, Nguyễn Hiền theo học ông thầy trong làng. Thầy đồ luôn phải kinh ngạc vì Hiền học đến đâu hiểu ngay đến đó và có trí nhớ lạ thường. Có hôm, chú thuộc đến hai mươi trang sách mà vẫn có thì giờ chơi diều. Sau vì nhà nghèo quá, Hiền phải bỏ học. Ban ngày, đi chăn trâu, dù mưa gió thế nào, chú cũng đứng ngoài lớp nghe giảng nhờ. Tối đến, chú đợi bạn học thuộc bài mới mượn vở về học.
3. Đoạn văn mẫu số 3
Nguyễn Quan Quang là người ở huyện Từ Sơn. Từ nhỏ, gia đình ông đã thuộc diện nghèo khó nhất vùng, đến cơm cũng không có để ăn. Vậy nên, Quang không được đến trường học tập. Nhưng sự ham học đã khiến cậu đến bên cửa lớp học để nghe và học kiến thức từ bên ngoài. Không những thế, Quang còn tự luyện chữ rất đẹp ở trên nền đất nữa. Một lần, thầy đồ thấy chữ viết của ông, đã nhận ra đây là người có tiềm năng nên nhận cậu vào học không lấy tiền. Đúng như thầy đồ nghĩ, Nguyễn Quan Quang học một biết mười, nhanh chóng vượt lên trước bạn bè. Cuối cùng, ông thi đỗ trạng nguyên, trở thành một trong những trạng nguyên đầu tiên của nước ta.
4. Đoạn văn mẫu số 4
Thuở bé, Trần Quốc Khái rất ham học. Cậu học ngay cả khi đốn củi, kéo vó tôm. Vì nhà nghèo nên buổi tối không có đèn, cậu bé bèn bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng lấy ánh sáng mà đọc sách. Nhờ học say mê và chăm chỉ như vậy nên chẳng bao lâu Khái đỗ tiến sĩ rồi làm quan to cho nhà Lê. Ông còn có công truyền dạy cho dân nghề thêu và nghề làm lọng. Nhân dân biết ơn ông nên tôn ông là “Ông tổ nghề thêu”.
5. Đoạn văn mẫu số 5
Theo chị Mai kể, anh Linh là một người có thân hình cao, gầy, nhưng dẻo dai, tràn trề sức sống như một cây tre ngà. Anh ấy luôn là con ngoan, trò giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Thế nhưng, điều khiến ai cũng phải bất ngờ chính là về hoàn cảnh gia đình anh Linh. Anh ấy lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Bố mất sớm, một mình mẹ anh Linh nuôi anh ấy ăn học. Đã vậy, mẹ anh ấy lại còn ốm yếu, không thể làm được việc nặng. Thế nên, hằng ngày chăm sóc vườn rau, rồi đem ra chợ bán, kiếm sống qua ngày. Thương mẹ, hằng ngày, sau giờ học, anh Linh lại giúp mẹ cuốc đất, trồng rau, tưới cây… Rồi anh còn quét dọn nhà cửa, nấu cơm và làm các công việc nhà khác. Mỗi sáng, anh ấy dậy sớm, giúp mẹ hái rau chở ra chợ rồi mới đi đến trường. Nghe chị Mai kể, mà em vô cùng xúc động trước sự hiếu thảo của anh.
6. Đoạn văn mẫu số 6
Tô Tịch là một học trò nghèo hiếu học. Cha mẹ mất sớm, lại không có người thân, nên từ nhỏ, ông đã tự làm lụng, chăm lo cho bản thân. Hằng ngày ông luôn tất bật với việc học tập và công việc. Dù thế, ông Tô vẫn học rất giỏi. Cho đến năm đó, khi kì thi đến sát, vì quá bận ôn thi nên Tô Tịch không có thời gian kiếm gạo nấu cơm. Vì thế, ông bèn mượn nồi nhà hàng xóm, giả vờ để nấu cơm, nhưng thực chất là để ăn phần cơm cháy dưới đáy nồi cho chắc bụng. Nhờ thế ông tiết kiệm được nhiều thời gian. Năm đó, ông đỗ Trạng Nguyên, được vua ban cho nhiều phần thưởng. Nhưng ông chỉ xin nhận một cái nồi vàng để mang về trả ơn người hàng xóm nọ. Từ đó, dân gian gọi Tô Tịch là Ông Trạng Nồi.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------