YOMEDIA

Cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng

Tải về
 
NONE

Xin giới thiệu đến các em học sinh bài văn mẫu Cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng. Với bài văn mẫu này, các em sẽ biết ý thức sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước mình, sẽ sống hết mình, cống hiến thật nhiều cho sự phát triển của Tổ quốc hôm nay và mai sau. Mời các em cùng tham khảo nhé! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tỏ lòng.

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu về tác giả Phạm Ngũ Lão, bài thơ Tỏ lòng.

- Cảm nhận chung về bài thơ: đã khắc họa được vẻ đẹp của con người có sức mạnh cũng như lý tưởng, nhân cách cao cả cùng khí thế hào hùng của thời đại.

b. Thân bài:

* Vẻ đẹp hào hùng của con người thời Trần

- Vẻ đẹp người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên

+ Tư thế “hoành sóc”: cầm ngang ngọn giáo

  • Ngọn giáo: Là vũ khí chiến đấu của quân đội thời trước
  • Tay cầm ngang ngọn giáo: thể hiện sự chủ động, tự tin
  • So sánh mở rộng với bản dịch thơ của Trần Trọng Kim: là “múa giáo”: mang tính hình ảnh, hoa mĩ, phù hợp với vần nhịp nhưng chỉ thể hiện được hành động phô trương, biểu diễn bên ngoài, không nói lên được được sức mạnh nội lực bên trong.

=> Tư thế chủ động, tự tin cũng như đầy kiên cường, hiên ngang, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng.

+ Tầm vóc của người anh hùng thể hiện qua không gian, thời gian:

  • Không gian: “Giang sơn” - đất nước, rộng lớn. Nam nhi thuở trước thường nói chí tỏ lòng qua không gian vũ trụ rộng lớn.
  • Thời gian: “kháp kỉ thu”: Con số ước lệ tượng trưng cho thời gian dài, vô tận.

=> Khẳng định tầm vóc lớn lao, kì vĩ, sánh ngang tầm vũ trụ, lấn át cả không gian và thời gian của người anh hùng nhà Trần. Họ như những dũng tướng uy phong, lẫm liệt.

- Vẻ đẹp của quân đội nhà Trần.

+ Tiềm lực quân đội: “Tam quân” - ba quân tiền quân, trung quân, hậu quân: Ý chỉ quân đội nhà Trần, tiềm lực quân sự của cả dân tộc.

=> Nhấn mạnh sự mạnh mẽ, vững vàng của quân đội nhà Trần.

+ Khí thế đội quân:

  • “Tam quân” so sánh với “tì hổ”: Hổ báo là chúa tể rừng xanh, so sánh nhằm nhấn mạnh tiềm lực sức mạnh dũng mãnh của quân đội nhà Trần là nỗi khiếp đảm của quân thù.
  • Tác giả làm rõ sức mạnh ấy bằng hình ảnh “khí thôn ngưu” có hai cách hiểu: Khí thế ba quân hùng mạnh nuốt trôi trâu hoặc khí thế hào hùng ngút trời làm mờ sao Ngưu

=> Cho thấy khí thế dũng mãnh, hào dùng ngút trời, tinh thần “sát thát” của quân đội nhà Trần được cụ thể hóa bằng những hình ảnh ước lệ.

=> Qua hai câu thơ khiến ta thêm yêu và hiểu hơn về sức mạnh và tinh thần chiến đấu, ý chí chiến bại và phẩm chất anh hùng của quân đội nhà Trần. Từ đó có những suy nghĩ và hành động đúng đắn xứng đáng với cha ông.

* Vẻ đẹp chí làm trai qua tâm tư của nhà thơ

- Món nợ công danh của đáng nam nhi

+ Chí nam nhi: Làm trai phải có ý chí nam nhi, xông pha, gánh vác.

+ Nợ công danh: Xuất phát từ tư tưởng Nho giáo, đây là món nợ mà một kẻ làm trai sinh ra đã phải có trách nhiệm trả. Có hai hình thức là lập công và lập danh.

=> Trân trọng sự ý thức, trách nhiệm về việc hoàn trả món nợ công danh của tác giả.

- Nỗi lòng của Phạm Ngũ Lão

+ “Thẹn”: xấu hổ, ngại ngùng khi không bằng người khác.

+ “Thuyết Vũ Hầu”: Điển tích Trung Quốc nói về Vũ Hầu - một con người tài năng, mưu lược và hết lòng báo đáp công ơn của chủ tướng, lập được công danh sự nghiệp lớn.

+ Phạm Ngũ Lão cũng là một trang nam nhi hết lòng vì nước, cả công lao và danh tiếng đều vang xa. Vậy mà ông vẫn thẹn vì chưa báo đáp được hết ơn chiêu mộ của Trần Quốc Tuấn, chưa tận tâm tận lực trả hết món nợ công danh.

=> Tâm trạng hổ thẹn của nhà thơ khi chưa thể trả món nợ công danh với đời. Đó là tấm lòng thiết tha muốn cống hiến cho đất nước.

c. Kết bài:

- Đánh giá về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn nêu cảm nhận về bài thơ Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Trong dòng chảy của văn học trung đại Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước là một nội dung lớn, bao trùm và xuyên suốt văn học giai đoạn này với nhiều tác giả, tác phẩm nổi tiếng và bài thơ “Thuật hoài” (Tỏ lòng) của tác giả Phạm Ngũ Lão là một trong số những tác phẩm tiêu biểu. Ra đời sau chiến thắng Mông - Nguyên của quân đội nhà Trần, bài thơ đã thể hiện vẻ đẹp của hào khí Đông A, sức mạnh của con người và quân đội thời Trần.

Đọc bài thơ, người đọc có thể nhận thấy hai câu thơ mở đầu bài thơ đã khắc họa một cách rõ nét, chân thực hình tượng của con người và quân đội thời trần. Trước hết đó chính là hình tượng con người thời Trần được khắc họa qua câu thơ đầu tiên:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

(Múa ngang ngọn giáo trải mấy thu)

Câu thơ đã vẽ lên hình ảnh con người tay cầm ngang ngọn giáo mà bảo vệ, trấn giữ quê hương, đất nước. “Cầm ngang ngọn giáo” là một hành động rất mạnh mẽ, nó gợi lên tư thế hiên ngang, hùng dũng, sẵn sàng chiến đấu của người chiến sĩ. Thêm vào đó, tác giả còn đặt hình ảnh người tráng sĩ trong không gian “giang sơn” rộng lớn của núi rừng, của Tổ quốc và thời gian chiến đấu dài đằng đẵng, suốt từ năm này qua năm khác - “kháp kỉ thu” đã thêm một lần nữa tô đậm thêm tư thế tư thế hiên ngang, bất khuất của người tráng sĩ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước.

Thêm vào đó, hình tượng quân đội nhà Trần tràn đầy sức mạnh và khí thế cũng được tác giả Phạm Ngũ Lão tái hiện thật sống động, rõ nét.

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu

(Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)

“Tam quân” chính là ba quân trong được quân đội nhà Trần xây dựng, đó là tiền quân, trung quân và hậu quân. Thêm vào đó, câu thơ với việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh và lối nói phóng đại khi so sánh quân đội nhà Trần với “tì hổ” - sức mạnh của loài hổ báo, nó có thể át đi cả sao Ngưu trên trời đã cho thấy khí thế dũng mãnh, hào hùng của quân đội nhà Trần. Đó cũng chính là sức mạnh, là khí thế của hào khí Đông A được cả dân tộc tự hào.

"Đất nước còn nhiều những thách thức, khó khăn, vật cản trên con đường đấu tranh còn nhiều gian khó, dù đã quyết chí, dù đã vững lòng nhưng tác giả vẫn còn điều gì đó chưa hài lòng khi nghĩ về bản thân. Bởi thế mà những câu thơ được bộc bạch đầy tâm trạng, chứa chan nỗi lòng của người quân tử:

"Nam nhi vị liễu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

Dịch thơ:

“Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu”

Công danh sự nghiệp luôn là khát khao của con người trong bất kỳ thời đại nào. Phạm Ngũ Lão cũng không nằm ngoài nỗi ưu tư về công danh của mình, dù ông đã là một kẻ tài cao, đức trọng, lập báo chiến công chỗ đất nước. Kẻ "nam tử" lúc này đây vẫn thấy mình còn một mối nợ với đất nước, đó là tấm lòng của một bậc đại tài đầy khiêm tốn và trách nhiệm.

"Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu"

Tác giả mượn điển cố xưa về Vũ Hầu- một kẻ bề tôi trung thành, vị quân sư tài ba bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa. Đó là lòng cảm thấy hổ thẹn, không thể hài lòng về bản thân khi nhắc đến bậc vĩ nhân xưa. Với tác giả, không thể nào chấp nhận một cuộc sống không công danh, một sự tồn tại nằm ngoài trách nhiệm với dân tộc, với đất nước.

Bài thơ được viết nên bởi cả tấm lòng của người quân tử. Chỉ với 4 câu thơ thôi nhưng ý tứ thật sâu sắc, chí nguyện giúp đời cứu nước thật lớn lao. Bài thơ đã thôi thúc trong lòng em ý thức sống trách nhiệm với bản thân, gia đình và đất nước mình, sẽ sống hết mình, cống hiến thật nhiều cho sự phát triển của Tổ quốc hôm nay và mai sau.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Với bài thơ “Tỏ lòng”, nhà thơ Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được “hào khí Đông A” nổi bật trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược. Cũng như cho người đọc thấy được tấm lòng cao đẹp của mình:

“Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu

Tam quân tì hổ khí thôn Ngưu”

Khi giặc Nguyên tràn vào xâm lược nước ta. Chúng đã bộc lộ rõ sự tàn ác, hung bạo. Và để đối phó với kẻ thù man rợ và nguy hiểm ấy cần có một bản lĩnh phi thường. Với hai câu thơ này, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện được tầm vóc của con người cũng như quân đội nhà Trần. Cụm từ “hoành sóc giang sơn” cho thấy hình ảnh giữa giang sơn rộng lớn, người tráng sĩ cầm ngọn giáo giặc trong tư thế đầy hiên ngang để bảo vệ tổ quốc. Ngọn giáo là vũ khí đắc lực, cùng với người anh hùng xông pha trận mạc. Lúc này, người anh hùng đứng giữa không gian bao la của vũ trụ mà không hề nhỏ bé. Ngược lại họ mang một tầm vóc lớn lao, mạnh mẽ. “Trải mấy thu” - hình ảnh ước lệ thể hiện khoảng thời gian làm nhiệm vụ ấy đã kéo dài rất lâu, từ năm này qua năm khác. Nhưng dù có vậy, năm tháng không thể nào đo được ý chí người quân tử.

Câu thơ thứ hai mang cả ý chí quyết đấu của toàn dân tộc. Sự đồng lòng của “tam quân” tạo nên một sức mạnh, sánh ngang với loài hổ - chúa sơn lâm, với khí thế ngùn ngụt chất cao hơn núi “nuốt trôi trâu”. Nếu ở câu thơ thứ nhất là bản lĩnh của một người quân tử, trách nhiệm của một cá nhân với đất nước thì sang câu thơ thứ hai đó là bản lĩnh của một cộng đồng, của trăm vạn người quân tử, trách nhiệm của muôn người với dân tộc. Nó đã trở thành “hào khí Đông A của cả một đất nước.

Nếu hai câu thơ mở đầu, Phạm Ngũ Lão muốn làm nổi bật vẻ đẹp của con người, đội quân nhà Trần. Thì hai câu thơ cuối, tác giả tập trung thể hiện nỗi lòng của chính mình:

“Nam nhi vị liễu công danh trái,

Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu”

Theo tư tưởng Nho giáo, “công danh” chính là lập công để lưu danh vào sử sách, để lưu lại tiếng thơm cho đời sau. Đó chính là một món nợ lớn của bất kì đấng nam nhi nào thời xưa. “Công danh” đã trở thành lý tưởng đối với họ dưới trong triều đại phong kiến. Phạm Ngũ Lão là một người văn võ song toàn, nhưng vẫn luôn thấy bản thân còn mắc nợ - món nợ “công danh”. Nhà thơ đã mượn điển tích về nhân vật Vũ Hầu - một bề tôi trung thành nhất nhì trong lịch sử Trung Quốc để nói chí tỏ lòng. Khi nhắc đến điển tích này, Phạm Ngũ Lão tự cảm thấy “thẹn” - hổ thẹn với lòng khi chưa lập được công danh với đời. Qua đó, ta thấy được một nhân cách cao đẹp của nhà thơ, với hoài bão to lớn đáng ngưỡng mộ.

Vẻ đẹp nhân cách của của người dũng tướng được thể hiện ngay ở nỗi “thẹn”. Đó là nỗi “thẹn” khi chưa có tài mưu lược lớn như Vũ Hầu đời Hán để trừ giặc cứu nước. Nỗi thẹn xuất phát từ khát vọng, hoài bão lớn lao của người anh hùng muốn được cống hiến cho đất nước vô cùng lớn, nên công danh của ông lập được còn bé nhỏ. Nhưng, nỗi “thẹn” ấy sẽ là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Thật đáng khâm phục biết bao trước chí hướng của một con người.

Vẻ đẹp tráng lệ của hình tượng người anh hùng thời Trần trong “Tỏ lòng” được thể hiện bằng bút pháp nghệ thuật đặc sắc. Hình tượng người anh hùng “sát thát” được thể hiện bằng ngôn ngữ tráng lệ, kỳ vĩ gợi ra dáng vóc của những người anh hùng trong thần thoại và người dũng tướng trong sử thi. Tuy là bài thơ “nói chí tỏ lòng”, nhưng không hề khô khan bởi nghệ thuật dựng hình ảnh biểu tượng hàm súc, giàu ý nghĩa.

Với “Tỏ lòng’, Phạm Ngũ Lão đã thể hiện rõ sức mạnh của “hào khí Đông A”. Đồng thời, bài thơ đã thôi thúc trong lòng người đọc một ý thức trách nhiệm với quê hương, đất nước.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF