Qua bài giảng Tập đọc: Thư thăm bạn giúp các em bước đầu biết đọc diễn cảm một đoạn thư thể hiện sự thông cảm, chia sẻ với nỗi đau của người khác. Hiểu tình cảm của người viết thư. Đồng thời, nắm được tác dụng của phần mở đầu và phần kết thúc bức thư.
Tóm tắt lý thuyết
1.1. Hướng dẫn luyện đọc
a. Đọc thành tiếng
- Đọc đúng các tiếng, từ khó hoặc dễ lẫn do ảnh hưởng của phương ngữ: Mãi mãi, tấm gương, xả thân, khắc phục, quyên góp ,..
- Đọc trôi chảy được toàn bài, ngắt, nghỉ hơi đúng sau các dấu câu, giữa các cụm từ, nhấn giọng ở các từ ngữ gợi tả, gợi cảm.
- Đọc diễn cảm toàn bài, thể hiện giọng đọc phù hợp với nội dung. Đọc với giọng trầm, buồn, thể hiện sự chia sẻ chân thành.
- Thấp giọng hơn khi nói đến sự mất mát: “ … mình rất xúc động được biết ba của Hồng đã hi sinh trong trận lũ lụt vừa rồi. Mình gởi bức thư này chia buồn với bạn”.
- Cao giọng hơn khi đọc những câu động viên, an ủi: “Nhưng chắc Hồng cũng tự hào/ về tấm gương dũng cảm của ba/ xả thân cứu người giữa dòng nước lũ…vượt qua nỗi đau này” .
- Nhấn giọng ở những từ ngữ: Xúc động, chia buồn, xả thân, tự hào, vượt qua, ủng hộ ,…
b. Đọc – hiểu
- Từ khó
- Hiểu các từ ngữ khó trong bài : xả thân , quyên góp , khắc phục
- Xả thân: Không tiếc thân mình vì việc nghĩa
- Quyên góp: Vận động mọi người góp tiền của để làm việc nghĩa, hay việc ích lợi chung
- Khắc phục: Vượt qua khó khăn. trở ngại
- Bố cục:
- Chia làm 3 đoạn
- Đoạn 1: Hòa bình … với bạn
- Đoạn 2: Hồng ơi … bạn mới như mình
- Đoạn 3: Mấy ngày nay … Quách Tuấn Lương
- Chia làm 3 đoạn
- Hiểu nội dung câu chuyện
- Tình cảm bạn bè: Thương bạn, muốn chia sẻ cùng bạn khi bạn gặp chuyện buồn, khó khăn trong cuộc sống.
- Nắm được tác dụng của phần mở đầu và kết thúc bức thư
1.2. Hướng dẫn trả lời câu hỏi
Câu 1. Bạn Lương viết thư cho bạn Hồng để làm gì?
- Đọc báo Thiếu niên Tiền Phong, Lương biết Hồng bất hạnh bị trận lũ cướp mất ba.
→ Lương viết thư để chia buồn với Hồng
Câu 2. Tìm những câu cho thấy bạn Lương rất thông cảm với bạn Hồng.
- Những câu cho thấy bạn Lương rất thông cảm với bạn Hồng
- "Hôm nay, đọc báo Thiếu niên Tiền Phong, mình rất xúc động được biết ba của Hồng đã hi sinh trong trận lũ lụt vừa rồi".
- "Mình gửi bức thư này chia buồn với bạn".
- "Mình hiểu Hồng đau đớn và thiệt thòi như thế nào khi ba Hồng đã ra đi mãi mãi".
Câu 3. Tìm những câu cho thấy bạn Lương biết cách an ủi bạn Hồng.
- Khơi gợi trong lòng bạn niềm tự hào về người cha dũng cảm: "Chắc là Hồng cũng tự hào về tấm gương dũng cảm của ba xả thân cứu người giữa dòng nước lũ".
- Khuyến khích bạn noi gương cha vượt qua nỗi đau: "Mình tin rằng theo gương ba, Hồng sẽ vượt qua nỗi đau này".
- Làm cho bạn yên lòng: "Bên cạnh Hồng còn có má, có cô bác và có cả những người bạn mới như mình".
Câu 4. Nêu tác dụng của những dòng mở đầu và kết thúc bức thư.
- Những dòng mở đầu bức thư cho biết rõ: Địa điểm, thời gian viết thư, lời chào hỏi người nhận thư.
- Những dòng cuối bức thư ghi: Lời chúc, lời nhắn nhủ, cám ơn, hứa hẹn và kí tên, ghi họ và tên người viết thư.
→ Nội dung: Tình cảm của bạn Lương dành cho bạn Hồng: thương bạn, muốn chia sẻ đau buồn cùng bạn.
- Thông qua bài giảng Tập đọc: Thư thăm bạn, các em cần nắm được:
- Cách đọc diễn cảm một đoạn thư thể hiện sự thông cảm, chia sẻ với nỗi đau của người khác.
- Nắm được tác dụng của phần mở đầu và phần kết thúc bức thư.
- Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Chính tả: Nghe - viết: Cháu nghe câu chuyện của bà để có bước chuẩn bị thật tốt cho tiết học tiếp theo.