YOMEDIA
NONE

Soạn bài Người ngồi đợi trước hiên nhà - Huỳnh Như Phương - Ngữ văn 7 Tập 2 Cánh Diều

Với hi vọng giúp các em nắm nội dung bài học trước khi đến lớp và tiếp nhận kiến thức mới đạt kết quả cao! HOC247 đã biên soạn bài Người ngồi đợi trước hiên nhà thuộc sách Cánh Diều dưới đây. Bài soạn bám sát phần câu hỏi tìm hiểu bài và luyện tập trong SGK. Ngoài ra, để hiểu hơn về lý thuyết văn bản, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Người ngồi đợi trước hiên nhà - CD. Chúc các em học tập thật tốt!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

Tác phẩm phơi bày hiện thực tàn khốc của chiến tranh đẩy những gia đình vào cảnh chia ly, tan tác. Ca ngợi những người phụ nữ tần tảo, thủy chung, son sắt họ chính là những người hi sinh âm thầm lặng lẽ, góp công lớn cho công cuộc giải phóng đất nước.

1.2. Nghệ thuật

- Ngôn ngữ giàu chất thơ, lắng đọng cảm xúc.

- Cách miêu tả nhân vật chân thật, sinh động.

2. Soạn bài Người ngồi đợi trước hiên nhà - Huỳnh Như Phương Ngữ văn 7 tập 2 Cánh Diều

2.1. Chuẩn bị đọc

Câu hỏi: Xem lại khái niệm tản văn ở phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.

- Khi đọc tản văn, các em cần chú ý 

+ Bài tản văn viết về ai, về sự việc gì (đề tài)?

+ Tác giả sử dụng phương thức biểu đạt nào?

+ Vấn đề tác giả nêu lên có ý nghĩa xã hội như thế nào?

+ Những yếu tố nào bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ của tác giả

- Đọc trước văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà, tìm hiểu thêm về tác giả Huỳnh Như Phương.

- Tìm hiểu những hi sinh, mất mát của nhân dân ta trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

Trả lời:

- Bài tản văn viết về sự hi sinh thầm lặng mà lớn lao của những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.

- Phương thức biểu đạt:biểu cảm, tự sự.

- Ý nghĩa xã hội:Thấy được những hi sinh thầm lặng của những người phụ nữ.

- Những yếu tố bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, tình cảm của tác giả: Ngôi kể, câu chuyện có thật.

- Tác giả Huỳnh Như Phương: Huỳnh Như Phương (sinh năm 1955), là giảng viên cao cấp tại Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP.HCM.

- Những hi sinh mất mát của nhân dân ta trong thời chống Mĩ cứu nước: những người chồng phải xa vợ, những người mẹ phải xa con, rất nhiều người phải nằm lại nơi chiến trường.

2.2. Trải nghiệm cùng văn bản

Câu 1: Tranh minh họa và nhan đề văn bản có mối liên hệ gì?

Trả lời:

Tranh minh họa minh họa cho nhan đề “Người ngồi đợi trước hiên nhà”

Câu 2: Chú ý hoàn cảnh chia tay của nhân vật dượng Bảy.

Trả lời:

Hoàn cảnh chia tay của nhân vật dượng Bảy: Dượng Bảy chia tay dì Bảy khi đơn vị phải chuyển đi.

Câu 3: Chú ý ngôi kể của văn bản.

Trả lời:

Ngôi kể của văn bản là ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi”.

Câu 4: Vì sao dì Bảy biết dượng Bảy vẫn còn sống?

Trả lời:

Dì Bảy biết dượng Bảy còn sống vì dượng Bảy đã nhờ một người đi đường báo tin và gửi tặng dì Bảy chiếc nón bài thơ mua được trên đường hành quân.

Câu 5: Chú ý hoàn cảnh hi sinh của dượng Bảy.

Trả lời:

Hoàn cảnh hi sinh của dượng Bảy: dượng ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông bắc Sài Gòn.

Câu 6: Qua lời văn, hình dung giọng kể của tác giả.

Trả lời:

Qua lời văn, hình dung giọng kể của tác giả, đó là tình cảm xót xa trước sự cô đơn của dì.

Câu 7: Trước hoàn cảnh của dì Bảy, tác giả có suy nghĩ gì?

Trả lời:

Trước hoàn cảnh của dì, tác giả có suy nghĩ rằng nếu dì đi bước nữa thì dì có được hưởng hạnh phúc không. Tác giả băn khoăn.

Câu 8: Việc nhắc tên thật của dì Bảy ở đây có tác dụng gì?

Trả lời:

Việc nhắc tên thật của dì Bảy ở đây có tác dụng xác thực câu chuyện, để người đọc tin câu chuyện là có thật và nhân vật dì Bảy cũng là có thật.

2.3. Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1: Bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà viết về ai, về việc gì?

Trả lời:

Bài tản văn viết về dì Bảy, về việc dì mòn mỏi ngóng trông ngày dượng Bảy trở về.

Câu 2: Sắp xếp các sự kiện chính sau đây theo trật tự như tác giả đã kể trong văn bản:

a. Dượng Bảy ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, trên đường tiến vào Sài Gòn.

b. Dì Bảy năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết

c. Dượng Bảy cùng nhiều người con đất Quảng lên đường ra Bắc tập kết 

d. Ngày hòa bình, dì tôi đã qua tuổi 40. Vẫn có người đàn ông để ý dì, nhưng lòng dì không còn rung động.

e. Ra miền Bắc rồi lại vào miền Nam chiến đấu, dượng Bảy vẫn liên lạc với gia đình.

Trả lời:

Sự kiện chính theo trật tự như tác giả đã kể trong văn bản:

c. Dượng Bảy cùng nhiều người con đất Quảng lên đường ra Bắc tập kết .

e. Ra miền Bắc rồi lại vào miền Nam chiến đấu, dượng Bảy vẫn liên lạc với gia đình.

a. Dượng Bảy ngã xuống trong trận đánh ở Xuân Lộc, trên đường tiến vào Sài Gòn.

d. Ngày hòa bình, dì tôi đã qua tuổi 40. Vẫn có người đàn ông để ý dì, nhưng lòng dì không còn rung động.

b. Dì Bảy năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết.

Câu 3: Trong bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà, tác giả đã kết hợp phương thức tự sự với phương thức nào? Chỉ ta tác dụng của việc kết hợp đó.

Trả lời:

- Trong bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà, tác giả đã kết hợp phương thức tự sự với phương thức miêu tả, biểu cảm.

- Tác dụng: thể hiện được thái độ, tình cảm của người viết bên cạnh việc kể chuyện.

Câu 4: Tìm và phân tích một số câu hoặc đoạn văn trực tiếp bộc lộ tình cảm, suy nghĩ của tác giả.

Trả lời:

- Câu văn, đoạn văn thể hiện trực tiếp tình cảm suy nghĩ của tác giả:

+ "Mỗi lần về thăm, ngồi bên mâm cơm đạm bạc với dì, tôi chợt nghĩ nếu ngày đó dì đi bước nữa, thì liệu bây giờ dì có được hạnh phúc hay không. [...]"

+ "Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ."

- Tác giả thể hiện sự quan tâm, yêu thương, lo lắng và cả xót xa khi dì phải sống một mình. Tác giả cầu mong cho dì được sống bình an, mạnh khỏe.

Câu 5: Bài tản văn cho người đọc thấy sự hi sinh thầm lặng mà lớn lao của những người phụ nữ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Vấn đề ấy gợi cho em suy nghĩ gì khi sống trong hòa bình?

Trả lời:

Bài tản văn cho người đọc thấy sự hi sinh thầm lặng mà lớn lao của những người phụ nữ trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta là những người được sống trong hòa bình cần phải biết ơn những người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc cũng như cần giúp đỡ những bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Câu 6: Có người nói: Dì bảy trong bài tản văn giống như hình tượng hòn Vọng Phu ở các câu chuyện cổ. Ý kiến của em như thế nào?

Trả lời:

Có người nói: Dì bảy trong bài tản văn giống như hình tượng hòn Vọng Phu ở các câu chuyện cổ. Em cũng đồng tình với ý kiến này. Bởi dì Bảy đã dành cả một đời để ngóng trông ngày dượng Bảy trở về.

Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

Mùa lụt năm ngoái, sau những trận mưa dữ dội, vùng quê tôi nước tràn trắng trời trắng đất. Nhà ngoại tôi nước ngập ngang cửa sổ, gần bằng trận lụt năm Giáp Thìn (1964). Nhớ hồi đó, tôi còn nhỏ, nhà tôi đông người, thôn xóm cho ghe đến tận nhà chuyển người và gia súc lên vùng đồi cao. Lần này, chỉ có dì Bảy với người cháu gái, nửa đêm nước dâng vào nhà bất thần, may có vài người bà con ở gần đến giúp đỡ kê bàn ghế có chỗ nằm cao hơn mặt nước, chờ đất trời thu nước xuống.

Mùa lũ dữ rồi cũng qua, vườn rau xanh trở lại. Những ngày này, dì tôi, bà Lê Thị Thỏa, mootjt trong baao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyện cầu hồn thiêng những người đã ngã xuống độ trì cho dì bình an, trường thọ.

(Trích Người ngồi đợi trước hiên nhà - Huỳnh Như Phương)

a. Trong đoạn trích, tính chân thực (không hư cấu) của tác phẩm kí được thể hiện ở chi tiết, câu, đoạn văn nào?

b. Dẫn ra một số chi tiết (từ ngữ) để thấy dấu ấn ngôn ngữ địa phương được thể hiện ở đoạn trích trên.

Trả lời:

a. Tản văn thuộc thể kí. Kí nói chung dựa vào sự thực (người thực, việc thực, …), không hư cấu, tưởng tượng. Đặc điểm chung này được thể hiện khá rõ trong đoạn trích. Cụ thể, tác giả đã dẫn ra các sự kiện như: Trận lụt năm ngoái to “gần bằng trận lụt năm Giáp Thìn” và đặc biệt, phần cuối tác giả nêu rõ tên, tuổi, quê quán thực của dì Bảy: “… bà Lê Thị Thỏa, một trong bao người phụ nữ bình dị đã đi qua chiến tranh, năm nay tròn 80 tuổi, đang ngồi một mình đợi Tết ở ngôi nhà gần cầu Vĩnh Phú thuộc thị trấn Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.”.

b. Có thể thấy, trong đoạn trích có nhiều từ ngữ địa phương Nam Bộ nói chung và nam miền Trung nói riêng. Chẳng hạn: cách gọi tên “dì Bảy”, “ngoại”; từ chỉ phương tiện như “ghe”; …

4. Hỏi đáp về bài Người ngồi đợi trước hiên nhà - Huỳnh Như Phương Ngữ văn 7 tập 2 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

5. Một số văn mẫu bài Người ngồi đợi trước hiên nhà - Huỳnh Như Phương Ngữ văn 7 tập 2 Cánh Diều

Tác phẩm Người ngồi đợi trước hiên nhà - Huỳnh Như Phương viết về sự hi sinh thầm lặng mà lớn lao của những người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:

---------------------------(Đang cập nhật)--------------------------------

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON