Qua bài soạn giúp các em xã định được yếu tố tự sự và miêu tả trong một văn bản biểu cảm. Đồng thời, giúp các em rèn luyện kỹ năng viết bài văn biểu cảm kết hợp yếu tố tự sự và miêu tả.
1. Tóm tắt nội dung bài học
- Muốn phát biểu suy nghĩ, cảm xúc đối với đời sống xung quanh hãy dùng phương thức tự sự và miêu tả để gợi ra đối tượng tả và gửi gắm cảm xúc.
- Tự sự và miêu tả ở đây nhằm gợi cảm xúc, do cảm xúc chi phối chứ không nhằm mục đích kể chuyện, miêu tả đầy đủ sự việc, phong cảnh.
2. Soạn bài Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm
Câu 1. Yêu tố tự sự và miêu tả trong bài "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá"? Nêu ý nghĩa của chúng đối với bài thơ?
- Yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ được kết hợp chặt chẽ, xen kẽ nhau, cụ thể là:
- Phần đầu
- Khổ 1
- 2 câu đầu tự sự
- 3 câu sau miêu tả
- Khổ 2: Tự sự
- Khổ 3: Tự sự + miêu tả
- Khổ 1
- Phần cuối: Chủ yếu biểu cảm → Ước mơ cao thượng của tác giả
- Phần đầu
- Tác dụng
- Phương pháp phong phú, linh hoạt, hình ảnh thơ sinh động, giàu sức gợi.
- Miêu tả, tự sự làm tăng thêm giá trị biểu cảm của bài thơ
Câu 2. Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi.
- Yếu tố miêu tả tập trung tả bàn chân của bố
- Màu, ngón, gan, mu của bàn chân
- Thúng câu, ống câu của bố
- Hòm đồ nghề cắt tóc...
- Yếu tố tự sự
- Kế về việc bố ngâm chân nước muối
- Bố đi sớm vè khuya
- Việc bố đi giăng câu.
- Nếu không có yếu tố tự sự và miêu tả thì yếu tố biểu cảm khó thực hiện được và hạn chế sự xúc động.
- Yếu tố tình cảm chi phối
- Tự sự không nhằm mục đích kể lại sự việc một cách đầy đủ, chi tiết.
- Miêu tả không nhằm mục đích tả lại phong cảnh.
⇒ Cả hai nhằm mục đích khêu gợi cảm xúc.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm để củng cố hơn nội dung bài học.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Kể lại nội dung bài "Bài ca nhà tranh bị gió thu phá" của Đỗ Phủ bằng bài văn xuôi biểu cảm.
- Khi viết, chúng ta cần lưu ý yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm kết hợp với nhau trong một bài văn xuôi.
Bài văn mẫu
Vào độ tháng tám, mùa thu năm ấy trời lạnh, gió thổi dữ dội liên hồi. Căn nhà tranh của ta mới dựng được vài tháng bị gió cuốn tung cả ba lớp. Cái thì bay sang sông rải khắp bờ. Cái thì bị cuốn thốc treo lên ngọn cây ở cánh rừng xa. Cái thì bị cuốn xuống vào rãnh mương đầy nước.
Lũ trẻ ở thôn Nam thấy ta già yếu không có sức nên thi nhau chạy ra cướp giật ngay trước mắt mà ta chẳng làm gì được. Chỉ một loáng, tất cả những mảnh tranh bị gió cuốn đã bị chúng lấy sạch, chạy tuốt vào lũy tre phía trong. Mặc cho ta chạy theo gào thét khản cả cổ, đành phải chống gậy quay về với bao nỗi buồn bực, ấm ức.
Đến lúc gió không thổi nữa thì mây đen ngùn ngụt kéo tới, trời tối đen như mực. Mưa ào ào trút xuống, trong nhà không có chỗ nào là không bị dột, chiếc mền vải cũ mỏng tanh không đủ ấm, lại còn bị con trẻ đạp cho rách nát. Ngoài trời mưa cứ tiếp tục rơi, rơi hoài, rơi mãi chẳng dứt. Ta từ lúc cơn loạn xảy ra đến giờ vốn đã chẳng ngủ được lại thêm bây giờ trời lạnh, mưa ướt lại càng khó ngủ hơn.
Ta chỉ mong sao có một ngôi nhà rộng muôn ngàn gian, để cho tất cả những kẻ sĩ nghèo, những dân chúng lầm than trong thiên hạ đều có chỗ nương thân, đều hân hoan, sung sướng. Than ôi! Nhưng đến bao giờ căn nhà vững như bàn thạch, gió mưa không lay chuyển được ấy mới sừng sững hiện ra trước mắt. Có được như vậy thì riêng một nhà ta, một mình ta chịu chết rét ta cũng thấy vui.
Câu 2. Trên cơ sở văn bản "Kẹo mầm", viết lại thành 1 bài văn biểu cảm
- Các yếu tố tự sự
- Chuyện đổi tóc lấy kẹo mầm ngày trước, loại kẹo làm bằng mầm thóc chỉ đổi tóc rối, ko bán.
- Tả cảnh chải tóc của người mẹ, hình ảnh người mẹ.
- Bộc lộ cảm xúc
- Lòng nhớ mẹ khôn xiết
Bài văn mẫu
Bạn đã bao giờ ăn kẹo mầm chưa? Loại kẹo mà ở những làng quê xưa, bọn trẻ chúng tôi thích nhất. Điều thú vị hơn là nó được đổi từ tóc rối. Bà tôi, mẹ tôi và các cô tôi, mỗi lần chải đầu, gội đầu lại chải ra được một tí tóc rối. Đó là những búp tóc chỉ bé bằng đầu ngón tay thôi, ai chải đầu được tý nào cũng cuộn lại, gài lên mái gianh trước cửa nhà. Có lẽ đó là một quy định chung cho mọi người phụ nữ trong nhà, do bà tôi, hoặc ông tôi ra lệnh từ bao giờ chúng tôi cũng không biết.
Thường thì những ngày hai chín, ba mươi Tết, dù bận đến thế nào, những người phụ nữ cũng phải gội đầu để đón năm mới. Đó là những ngày có nhiều tóc rối cài lên mái nhà. Cả trước ngày rằm tháng giêng, mọi người chuẩn bị tắm gội sạch sẽ để lên chùa lễ Phật, ai chả phải gội đầu.
Và chỉ sau đó vài hôm, thế nào cũng có những bà hàng kẹo mầm đi thu nhặt những búi tóc rối ấy bằng cái nồi kẹo mầm, đổi kẹo cho trẻ con để lấy tóc rối.
Đó là những ngày hết Tết rồi. Trong mọi nhà chả còn một thứ bánh mứt, kẹo gì, bọn trẻ con chúng tôi mới mong những bà hàng kẹo mầm xuất hiện trên đường làng. Với tiếng rao: "Ai tóc rối đổi kẹo không nàỏ". Tiếng rao như một câu hỏi vu vơ cứ ngân dài trong những ngõ quê. Chắc người lớn chẳng ai để ý đến tiếng rao ấy. Nhưng bọn trẻ con chúng tôi thì cứ dỏng tai lên nghe, xem cái tiếng rao của bà hàng kẹo mầm đã gần đến ngõ nhà mình chưa. Và khi đã chắc chắn là bà hàng kẹo mầm đang đi về phía nhà mình rồi, anh em tôi bắc cái ghế đẩu trèo lên, đưa tay vào những khe tầu lá cọ moi ra những búi tóc rối. Chúng tôi gỡ gỡ búi tóc ra, vo lẫn vào nhau thành một nắm tưởng như to tướng trong lòng bàn tay, với hy vọng sẽ đổi được cái kẹo to.
Bọn trẻ ngồi vây quanh bà hàng kẹo mầm, vừa xem, vừa chờ đến lượt mình, mỗi thằng cầm một nắm tóc rối bù xù. Bà hàng kẹo đỗ quang gánh, mở cái mẹt đậy thúng ra, lấy nồi kẹo mầm và một nắm que tăm để lên mẹt. Tay phải bà ta thoăn thoắt véo kẹo, kéo dài sợi kẹo từ trong nồi ra như làm phép. Tay trái bà ta cầm cái que tăm, mỗi lần hai tay bà chập vào nhau là một đoạn của sợi kẹo lại dính vào đầu que tăm que bên trái. Những sợi kẹo nhỏ như tơ tằm, cứ chập vào lại kéo ra như người biểu diễn một điệu múa. Người xem đến hoa mắt không nhận ra hai tay bà hàng kẹo vừa xoay que tăm vừa dính sợi kẹo vào đầu que nữa. Bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng kêu rằng túm tóc của mình to, bà phải thêm kẹo. Bà hàng kẹo không bao giờ cãi lại bọn trẻ con, bà nhanh miệng làm vừa lòng bọn trẻ bằng cách càng kéo mỏng sợi kẹo ra và chập thêm vào đầu que tăm. Mỗi lần thêm như vậy, bà ta lại kèm thêm một câu nói: "Này to, này!... Này, nhiều này!...". Tay bà ta làm, miệng nói, cứ như người phù thủy bắt quyết và đọc thần chú. Bà hàng kẹo làm xong một que, đưa cho đứa nào bà cũng nói thêm một câu: "To nhớ!... Thích nhớ!" cùng với miệng cười tươi hơn cả cô đào đóng vai Thị Mầu.
Bà hàng kẹo làm rất nhanh, chỉ một lúc sau, hơn một chục đứa chúng tôi đứa nào cũng có trên tay một que kẹo. Những sợi kẹo xù trên đầu que tăm như một bối bòng bong. Trông thì to xù như một bông hoa mẫu đơn, tưởng có thể ăn suốt ngày cũng không hết được. Nhưng chỉ cần cho vào mồm ngậm lại, xoay một cái là những sợi kẹo tóp lại dính vào nhau, chỉ to bằng cái quả xoan hay cái hạt táo.
Và đúng như lời bà hàng kẹo nói câu: "Thích nhớ", đứa nào cũng thích thật. Kẹo ngọt mát, tưởng như chẳng có thứ mứt tết nào bằng. Và chúng tôi coi đây là ngày "Tết" của trẻ con xóm quê vậy. Bởi đứa nào cũng vui tíu tít. Chúng tôi đứng nhìn theo bà hàng kẹo gánh hàng đi ngõ khác. Tiếng bà ta lại ngân dài trên đường làng: "Ai tóc rối... đổi kẹo kh..ộ.ông? Nà..àọ.?". Câu hỏi vu vơ bay vào trong các ngõ. Và lại có những đứa trẻ chạy ra, tay mỗi đứa cầm một nắm tóc rối.
Đó là những kỷ niệm của một thời thơ ấu, của lớp người bây giờ đã bạc đầu cả rồi. Ai còn sống trong những làng quê, ai đã đi ra thành phố? Ai đã đi nước lạ, quê người? Cuộc sống náo nhiệt, sung túc, tràn trề bánh kẹo ngoại hôm nay, có ai nhớ về quê làng cái thuở lắng tai nghe tiếng rao ngọt ngào, câu hỏi vu vơ bay trong lối ngõ quê hương?
4. Hỏi đáp về bài Các yếu tố tự sự, miêu tả trong văn bản biểu cảm
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.