Ở nội dung Bài 4: Giai điệu đất nước, các em đã được học những văn bản thể hiện tình cảm thiêng liêng, cao quý của tác giả đối với quê hương, đất nước. Đồng thời biết cách viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc trong cuộc sống hay trong tác phẩm văn học. Bài học Củng cố, mở rộng Bài 4 thuộc bộ sách Kết Nối Tri Thức dưới đây sẽ giúp các em hệ thống hóa các kiến thức trên và vận dụng viết những bài văn biểu cảm sinh động, lôi cuốn hơn. Chúc các em có nhiều kiến thức thật bổ ích!
Tóm tắt bài
1.1. Ôn lại kiến thức các văn bản đã học
- Tình cảm, cảm xúc trong thơ:
+ Tình cảm chính là cội nguồn làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của thơ trữ tình. Gốc của thơ là tình cảm, nội dung chủ yếu của thơ là tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước cuộc đời.
+ Cảm xúc của nhà thơ trước cuộc đời thuộc thế giới tình cảm riêng, nhưng lại có những điểm đồng điệu với cảm xúc chung của nhiều người. Chính vì thế, người đọc đến với thơ để tìm sự đồng cảm, chia sẻ. Người đọc có thể cảm nhận như nhà thơ đang nói hộ nỗi lòng mình.
- Hình ảnh trong thơ là một yếu tố quan trọng trong thơ trữ tình, là phương tiện để nhà thơ bộc lộ tình cảm, tư tưởng. Hình ảnh trong thơ có nguồn gốc từ đời sống (con người, thiên nhiên,...) nhưng luôn mang dấu ấn của sự hư cấu, tưởng tượng, in đậm tình cảm, cảm xúc chủ quan của nhà thơ.
- Nhịp thơ là phương tiện quan trọng để cấu tạo hình thức nghệ thuật đặc thù của văn bản thơ. Người đọc có thể nhận biết nhịp thơ qua hệ thống những điểm ngắt, ngừng được phân bố trên dòng thơ hoặc giữa các dòng thơ, theo sự chi phối của nội dụng cảm xúc và quy định riêng của từng thể thơ.
1.2. Ôn tập cách viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc
1.2.1. Yêu cầu đối với bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc
- Giới thiệu được đối tượng biểu cảm (con người hoặc sự việc) và nêu ấn tượng ban đầu về đối tượng đó.
- Nêu được những đặc điểm nổi bật khiến người, sự việc đó để lại tình cảm, ấn tượng sâu đậm trong em.
- Thể hiện được tình cảm, suy nghĩ đối với người hoặc sự việc được nói đến.
- Sử dụng ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc.
1.2.2. Các bước viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc
Trước khi viết
a. Lựa chọn đề tài
Lựa chọn đối tượng để lại cho em nhiều cảm xúc, ấn tượng.
b. Tìm ý
Sau khi lựa chọn được người hoặc sự việc để bày tỏ tình cảm, suy nghĩ, hãy tìm ý cho bài viết bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Người đó là ai? Sự việc đó là gì?
- Người hoặc sự việc đó có những đặc điểm nào nổi bật?
- Em có ấn tượng, suy nghĩ gì đối với người hoặc sự việc đó?
- Chi tiết nào gắn với người hoặc sự việc đó khiến em không thể quên?
c. Lập dàn ý
Sau khi đã tìm được các ý, em hãy lập dàn ý theo gợi ý sau:
- Mở bài: Giới thiệu người hoặc sự việc mà em muốn bày tỏ tình cảm, suy nghĩ.
- Thân bài: Nêu cảm xúc về những đặc điểm nổi bật của sự việc.
- Kết bài: Khẳng định lại tình cảm, suy nghĩ của em.
Viết bài
Dựa vào dàn ý đã lập, em viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Trong quá trình viết, hãy lưu ý:
- Nêu được đặc điểm nổi bật của đối tượng.
- Ngôn ngữ sinh động, giàu cảm xúc.
Chỉnh sửa bài viết
Hãy rà soát bài viết của em theo những yêu cầu ở cột trái và gợi ý chỉnh sửa ở cột phải.
Yêu cầu |
Gợi ý chỉnh sửa |
Giới thiệu được người hoặc sự việc mà em muốn bộc lộ cảm xúc. |
Nếu còn thiếu, hãy bổ sung. |
Nêu đặc điểm nổi bật của đối tượng. |
Đối chiếu với mục tìm ý xem đoạn văn đã nêu được cảm xúc về đối tượng chưa. Nếu còn thiếu hãy bổ sung, điều chỉnh. |
Thể hiện được suy nghĩ, tình cảm của em về đối tượng đó. |
Đánh dấu từ ngữ, câu văn thể hiện cảm xúc về người hoặc sự việc được nói tới. Hãy bổ sung nếu còn thiếu. |
Đảm bảo yêu cầu cần đạt về chính tả, diễn đạt. |
Rà soát lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu,... và chỉnh sửa nếu phát hiện lỗi. |
Bài tập minh họa
Bài tập: Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải SGK Ngữ văn 7 Tập 1 - Kết Nối Tri Thức, có những hình ảnh mùa xuân nào? Em hãy phân tích mối quan hệ giữa những hình ảnh mùa xuân ấy.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại văn bản Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải SGK Ngữ văn 7 Tập 1 - Kết Nối Tri Thức
- Dựa vào nội dung bài học và hiểu biết cá nhân để phân tích
Lời giải chi tiết:
Trong bài có hình ảnh của 3 mùa xuân:
+ Mùa xuân của thiên nhiên.
+ Mùa xuân của đất nước.
+ Mùa xuân của tác giả.
Mùa xuân của thiên nhiên được tác giả tái hiện qua những hình ảnh nổi bật, đặc trưng nhất của thiên nhiên xứ Huế, cũng là mùa xuân trong tưởng tượng của tác giả. Mùa xuân của đất nước bằng những hình ảnh “lộc” của người ra đồng và người cầm súng với không khí “hối hả”, “xôn xao” khiến người ta nghĩ tới những âm thanh liên tiếp vọng về, hòa lẫn với nhau xao động. Sức sống của đất nước, của dân tộc cũng tạo nên được sự hối hả, háo hức của người cầm súng, người ra đồng hình ảnh mùa xuân đất nước được mở rộng dần.
Lời kết
- Học xong bài Củng cố, mở rộng Bài 4, các em cần:
+ Nắm được các đặc điểm chính trong văn bản thơ
+ Nắm được quy trình và yêu cầu khi viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc
+ Vận dụng viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc trong đời sống hoặc tác phẩm văn học cụ thể
Soạn bài Củng cố, mở rộng Bài 4 Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Bài học Củng cố, mở rộng Bài 4 nhằm hệ thống hóa lại những kiến thức đã học trong Bài 4: Giai điệu đất nước. Từ đó, các em có thể vận dụng viết bài văn biểu cảm về con người hoặc sự việc trong đời sống hoặc tác phẩm văn học cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Củng cố, mở rộng Bài 4 Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 7 HỌC247