Bài học Giọt sương đêm dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 6 trau dồi thêm tình yêu quê hương, đất nước của mình. Đồng thời, giúp các em hiểu hơn về các loài vật quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Chuẩn bị đọc
a. Đôi nét về tác giả, tác phẩm:
- Nhà văn Trần Đức Tiến sinh năm 1953, quê ở làng Cao Đà, xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông đã sáng tác nhiều tác phẩm cho thiếu nhi, trong đó có truyện đồng thoại như Dế mùa thu, Làm mèo, Xóm Bờ Giậu… Trần Đức Tiến viết bằng tâm thế của một đứa trẻ nên truyện đồng thoại của ông mang nét tinh tế, hồn nhiên.
- Truyện Giọt sương đêm được in trong Xóm Bờ Giậu (NXB Kim Đồng, 2018).
b. Tìm hiểu từ khó:
- Chạng vạng: Khi mặt trời vừa mới lặn, sắp tối.
- Quý danh: Từ dùng khi muốn hỏi tên người khác.
- Tuồn: Di chuyển đến nơi khác một cách mau lẹ, thường là áp sát thân mình trên bề mặt hoặc dọc theo vật gì.
- Xoàng xĩnh: Thường, tầm thường.
c. Đại ý:
Qua hình ảnh loài vật tác giả muốn nhắc nhở con người phải biết nhớ đến cội nguồn, quê hương của mình.
d. Bố cục: Có thể chia thành 3 phần như sau:
- Phần 1: Từ đầu đến "làm nghề buôn" -> Cuộc gặp gỡ của Bọ Dừa và Thằn Lằn.
- Phần 2: Tiếp theo đến "Thằn Lằn gật gù" -> Cuộc nói chuyện của Thằn Lằn và Bác Cóc.
- Phần 3: Còn lại -> Sự tác động của giọt sương đêm đến quyết định của Bọ Dừa.
1.2. Trải nghiệm cùng văn bản
a. Cuộc gặp gỡ của Bọ Dừa và Thằn Lằn:
- Thời gian: Trời chạng vạng tối.
- Không gian: Xóm Bờ Giậu.
- Lí do gặp gỡ: Bọ Dừa muốn hỏi một chỗ trọ trong xóm.
- Cuộc gặp gỡ:
+ Bọ Dừa:
- Lai lịch: Cánh Cứng, nghề buôn.
- Ngoại hình: Béo, râu ngắn.
→ Đặc trưng ngoại hình loài bọ dừa.
- Thận trọng đáp xuống ngọn măng trúc ngoài cùng xóm Bờ Giậu.
→ Sự thận trọng. Đặc trưng của loài bọ: thích măng trúc.
- Hỏi thăm về chỗ trọ trong xóm, kể cả một chỗ trọ xoàng xĩnh.
→ Lịch sự "Xin chào", "làm ơn" và không coi trọng điều kiện chỗ trọ "Tôi chỉ cần một chỗ trọ xoàng xĩnh...". Chấp nhận chỗ ngủ đơn giản "Thôi, tôi ngủ tạm dưới vòm trúc kia cũng ổn.".
- Sợ hãi chiếc bình: "Khách giật mình", "Ôi tôi sợ các thứ bình, lọ, thùng, hộp ấy lắm.", "Hai sợ râu khách run run".
→ Ám ảnh, sợ hãi vì mấy lần bị bọn trẻ con bắt cóc làm đồ chơi, giam trong những không gian tăm tối, chật hẹp, khó thở. Đặc trưng thích những không gian rộng, tự do.
=> Thái độ lịch sự, hợp tác, nhờ cậy.
+ Thằn Lằn:
- Đặc điểm: Sống bên trong chiếc bình gốm vỡ lăn lóc dưới chân giậu, cặp mắt nhỏ sắc, thụt đầu vào rồi nhanh chóng tuồn ra cửa sau. Đặc trưng nơi sống, hành động, ngoại hình thằn lằn.
- Hiếu khách: Hỏi han, đề nghị cho ở nhờ, hỏi để báo tin và ái ngại trước việc Bọ Dừa không ngủ được.
→ Thân thiện, nhanh nhẹn, hiếu khách.
b. Cuộc nói chuyện của Thằn Lằn và Bác Cóc:
- Thời gian: Trời chạng vạng tối.
- Không gian: Xóm Bờ Giậu.
- Lí do gặp gỡ: Thằn Lằn đến thông báo về sự có mặt của Bọ Dừa.
- Cuộc gặp gỡ:
+ Thằn Lằn:
- Đến báo tin.
- Kinh ngạc trước sự hiểu biết của ông giáo Cóc.
+ Cụ giáo Cóc:
- Thông thái, hiểu biết.
- Có sự hiểu biết sâu rộng về họ cánh cứng: "Có hàng trăm, hàng nghìn... cũng có,...".
→ Nghệ thuật điệp ngữ "Có...", "Anh..." + Liệt kê + So sánh "Anh ria dài như hai sợi ăng-ten vắt vẻo".
→ Nhận ra ngay Bọ Dừa chỉ từ hình dáng được Thằn lằn cung cấp.
- Sự hiểu biết về dân gian: "Bọ Dưa Bọ Dứa Bọ Dừa/ Bọ ăn lá trúc, bọ chừa lá me..."
→ Kinh nghiệm dân gian.
- Sự thâm trầm, sâu lắng: "Có khi người ta thức trắng đêm chỉ vì một giọt sương."
→ Từng trải, triết lí sâu sắc.
c. Sự tác động của giọt sương đêm đến quyết định của Bọ Dừa:
- Cảnh đêm sương: Bọ Dừa cảm nhận từng sự chuyển động trong đêm
+ Trời nhiều mây.
+ Sương rơi lần trong tiếng thở dài của gió.
+ Lá cây xào xạc.
+ Côn trùng trong lòng đất rỉ rả mãi điệu buồn.
- Tắc Kè khuya khoắt gọi cửa.
- Nghe thấy cả tiếng Ốc Sên nhẹ nhàng trườn qua chiếc lá rụng.
- Quyết định của Bọ Dừa:
+ Nguyên nhân: Một giọt sương rơi trúng cổ ông khách rớt xuống khiến Bọ Dừa rùng mình, tỉnh hẳn.
+ Cả đêm đó Bọ Dừa chẳng chợp mắt được nhưng lại rất hài lòng.
→ Cảm thấy biết ơn vì điều đó.
+ Giọt sương khiến Bọ Dừa sực nhớ quê nhà. Bao nhiêu năm biền biệt đi xa, mải làm ăn mà Bọ Dừa quên mất quê hương.
+ Quyết định trở về quê hương.
→ Nghệ thuật: Nhân hóa.
→ Giọt sương đó trong trẻo như sự thức tỉnh đối với Bọ Dừa, khiến Bọ Dừa trở về với bản thể, nhớ về quê hương.
=> Ý nghĩa của câu chuyện: Tác phẩm nhắc nhở con người đừng vì cuộc sống làm ăn xô bồ mà quên đi quê hương của mình.
1.3. Tổng kết
- Về nội dung: Qua câu chuyện của những loài vật và đặc biệt là Bọ Dừa, tác giả vừa khắc họa thành công những đặc trưng của loài vật vừa thể hiện lời nhắc nhở con người đừng vì cuộc sống xô bồ mà quên mất quê hương mình.
- Về nghệ thuật:
+ Truyện đồng thoại nhân cách hóa các loài vật kết hợp các biện pháp tu từ so sánh, liệt kê, điệp từ.
+ Nghệ thuật miêu tả loài vật sinh động, đặc sắc.
+ Ngôn ngữ chính xác, giàu tính tạo hình.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của bản thân em về nhân vật Bọ Dừa trong tác phẩm Giọt sương đêm của nhà văn Trần Đức Tiến.
a. Hướng dẫn giải:
- Theo dõi văn bản, nhớ lại các chi tiết xoay quanh Bọ Dừa.
- Cảm nhận của em có thể là: Yêu mến, trân trọng,...
b. Lời giải chi tiết:
Khi đọc tác phẩm Giọt sương đêm hình ảnh ý nghĩa, sâu sắc nhất chính là hình ảnh Bọ Dừa, Bọ Dừa xuất hiện xuyên suốt tác phẩm nhằm thể hiện một cách chân thực nhất về bài học cội nguồn qua câu chuyện này. Nhân vật Bọ Dừa trong văn bản Giọt sương đêm của nhà văn Trần Đức Tiến là nhân vật để lại trong bạn đọc nhiều suy ngẫm. Thật vậy, Bọ Dừa được xây dựng trong truyện là một vị khách tình cờ đến xóm trọ để qua đêm sau rất nhiều ngày tháng bôn ba. Bọ Dừa là người từng trải, vị khách đã từng đi qua những ngày tháng mưu sinh, từng sợ hãi đến ám ảnh những khoảnh khắc bị bọn trẻ bắt cóc, bị giam hãm trong những chiếc hộp. Vị khách đã quen ngủ dưới vòm trúc giống như việc quen thuộc với cuộc sống bôn ba. Và đêm khuya tình cờ, từ vòm lá trúc rơi xuống một giọt sương, làm lạnh toát cơ thể Bọ Dừa và khiến nhân vật sực tỉnh, chợt nhớ về những điều đã qua. Có thể nói, từ nhân vật Bọ Dừa, bạn đọc ngẫm ra được nhiều bài học nhân sinh sâu sắc. Đó là bài học về sự biết ơn nguồn cội mà nhân vật đã vô tình lãng quên. Bọ Dừa vì mưu sinh mà dành nhiều ngày tháng để bươn chải đó đây, lấy những tán cây làm nhà để rổi một đêm tình cờ, giọt sương đêm rơi xuống đã khiến vị khách nhớ da diết những kỉ niệm và thời thơ ấu và rồi ông quyết định chuẩn bị cho một chuyến hành hương. Nhờ giọt sương tình cờ mà nhân vật đã nhận được bài học thấm thía sâu sắc về lòng biết ơn đối với nguồn cội. Có thể nói, nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Bọ Dừa và các tình tiết một cách nhẹ nhàng nhưng thấm thía và để lại cho câu chuyện nhiều dư âm.
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Hiểu hơn về những truyện đồng thoại.
+ Nắm được nội dung, ý nghĩa của truyện Giọt sương đêm.
+ Có thái độ yêu mến quê hương mình.
Soạn bài Giọt sương đêm
Bài học Giọt sương đêm nhằm giúp các em có thái độ sống đúng đắn hơn, không vì cuộc sống phồn hoa, xô bồ mà quên mất quê hương, cội nguồn của mình. Để hiểu hơn về câu chuyện này, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Giọt sương đêm Ngữ văn 6
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Giọt sương đêm
Giọt sương đêm là một tác phẩm đặc sắc của tác giả Trần Đức Tiến, nhà văn đã mượn chuyện loài vật để chuyển tải đến con người những thái độ sống đúng đắn. Để cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu về tác phẩm Giọt sương đêm dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247