Trong cuộc sống, những thói quen, quan niệm chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tư tưởng của mỗi người, để thuyết phục người khác từ bỏ chúng các em có thể viết bài văn nghị luận. Bài học Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm thuộc bộ sách Chân Trời Sáng Tạo được HOC247 biên soạn dưới đây sẽ giúp các em có thêm kiến thức về kiểu bài, yêu cầu và cách làm dạng đề trên. Từ đó có những bài viết thuyết phục để khuyên mọi người từ bỏ điều xấu hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Kiểu bài
Bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm là kiểu bài nghị luận dùng lí lẽ và bằng chứng để chỉ ra sự sai trái và tác hại của một thói quen hay quan niệm nhằm giúp họ từ bỏ thói quen hay quan niệm ấy.
1.2. Các yêu cầu
- Nêu rõ thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; mục đích lí do viết bài luận.
- Trình bày các luận điểm: tác hại của thói quen/quan niệm, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm, những gợi ý về giải pháp thực hiện.
- Sử dụng lí lẽ xác đáng, bằng chứng thuyết phục, có lí, có tình.
- Sắp xếp luận điểm, lí lẽ theo trình tự hợp lí.
- Diễn đạt mạch lạc, gãy gọn, lời lẽ chân thành.
- Bố cục bài luận gồm 3 phần:
+ Mở bài: nêu thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; lí do hay mục đích viết bài luận.
+ Thân bài: lần lượt đưa ra ít nhất hai luận điểm (lí lẽ, bằng chứng) làm rõ mặt trái và tác hại của thói quen hay quan niệm; nêu lợi ích/giải pháp khắc phục, từ bỏ thói quen hay quan niệm.
+ Kết bài: khẳng định lại ý nghĩa, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm; thể hiện niềm tin vào sự cố gắng và thành công của người thực hiện.
1.3. Cách làm
Bước 1: Chuẩn bị viết
Xác định đề tài: Với đề bài nêu trên, bạn cần chọn một thói quen hay quan niệm của một đối tượng cụ thể nào đó trong đời sống để trình bày ý kiến thuyết phục họ từ bỏ.
Chẳng hạn, bạn có thể chọn các thói quen:
+ Ăn quà vặt không đúng lúc, đúng chỗ.
+ Cười nói to hoặc gây tiếng ồn nơi công cộng.
+ Xả rác, chất thải không đúng nơi quy định.
+ Đến lớp học hay đi họp muộn so với giờ quy định.
+ Không học bài làm bài cũ ở nhà, đến lớp mới tìm cách học qua loa, đối phó.
+ …
Hoặc một số quan niệm sai lệch, phiến diện:
+ Chỉ có không gian ảo trên mạng mới đem lại cho mỗi người tri thức, tự do, hứng thú nhiều nhất.
+ Xem văn chương là phù phiếm.
+ Đề cao quá đáng cái tôi cá nhân.
+ Cần ăn mặc khác người để tỏ ra sành điệu.
+…
Xác định mục đích viết, đối tượng người đọc:
Bạn cần trả lời các câu hỏi dưới đây nhằm lựa chọn nội dung và cách viết phù hợp:
- Việc viết văn bản này nhằm mục đích gì?
- Ai sẽ là người đọc văn bản?
Thu thập tư liệu: Tư liệu liên quan đến thói quen có hại hay quan niệm tiêu cực trong đời sống có thể thu thập từ những nguồn khác nhau, bao gồm tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ. Có thể thu thập từ truyền thông và từ những quan sát, trải nghiệm đời sống của chính bạn; nên ưu tiên thu thập tư liệu liên quan đến tác hại hay mặt trái của thói quen hoặc quan niệm mà mình muốn bác bỏ
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
Tìm ý:
+ Xác định hướng nghị luận về vấn đề: chẳng hạn bạn sẽ tập trung khẳng định hay bác bỏ hay kết hợp khẳng định với bác bỏ nghị luận về vấn đề.
+ Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong đầu trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.
+ Phác họa một số luận điểm chính, rồi tìm lí lẽ, bằng chứng cho các luận điểm ấy.
Lập dàn ý: Bạn sắp xếp nội dung các phần mở bài, thân bài, kết bài; các luận điểm, lí lẽ và bằng chứng trong thân bài.
Riêng với phần thân bài, bạn cần chi tiết hóa các luận điểm, định hướng lí lẽ và bằng chứng. Ví dụ, với đề bài “Viết bài luận thuyết phục bạn từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động” như tham khảo ngữ liệu trên đây, bạn cần nêu rõ tên các luận điểm, định hướng lí lẽ, bằng chứng trong dàn ý nhằm chỉ ra tác hại của thói quen, lợi ích của việc từ bỏ thói quen, gợi ý về giải pháp thực hiện. Dàn ý của phần thân bài, theo đó, gồm các luận điểm chính:
1. Thói quen lạm dụng điện thoại di động và tác hại.
(Luận điểm thứ nhất: Lí lẽ và bằng chứng )
2. Ích lợi của việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động.
(Luận điểm thứ hai: Lí lẽ và bằng chứng )
3. Giải pháp khả thi đối với việc từ bỏ thói quen lạm dụng điện thoại di động.
(Luận điểm thứ hai: Lí lẽ và bằng chứng )
Một ví dụ khác: Nếu cần thuyết phục người khác từ bỏ quan niệm cho rằng: ngày nay, chỉ có không gian ảo trên mạng mới đem lại cho mỗi người tri thức, tự do, hứng thú, có thể lập ý cho phần thân bài như sau:
1. Không gian ảo trên mạng thực ra chỉ là một trong nhiều nguồn đem lại cho mỗi người tri thức.
(Luận điểm thứ nhất: Lí lẽ và bằng chứng )
2. Không gian ảo trên mạng cũng có các kiểu luật lệ riêng, nếu vi phạm có thể đồng nghĩa với phạm pháp và chuốc lấy hậu quả khôn lường.
(Luận điểm thứ nhất: Lí lẽ và bằng chứng )
3. Không gian ảo trên mạng có thể mang lại cho người dùng một số hứng thú nhưng cũng có thể để lại nhiều tác hại.
(Luận điểm thứ nhất: Lí lẽ và bằng chứng )
Bước 3: Viết bài
- Bố cục bài luận gồm 3 phần:
+ Mở bài: nêu thói quen hay quan niệm cần thuyết phục người khác từ bỏ; lí do hay mục đích viết bài luận.
+ Thân bài: lần lượt đưa ra ít nhất hai luận điểm (lí lẽ, bằng chứng) làm rõ mặt trái và tác hại của thói quen hay quan niệm; nêu lợi ích/giải pháp khắc phục, từ bỏ thói quen hay quan niệm.
+ Kết bài: khẳng định lại ý nghĩa, lợi ích của việc từ bỏ thói quen/quan niệm; thể hiện niềm tin vào sự cố gắng và thành công của người thực hiện.
Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa
- Sau khi viết xong, em đọc lại bài viết và tự đánh giá.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy viết bài văn nghị luận thuyết phục các bạn từ bỏ thói thói quen đi học muộn.
Hướng dẫn giải:
- Xác định rõ vấn đề sẽ viết: Thuyết phục các bạn từ bỏ thói quen thói quen đi học muộn
- Tìm ý và lập dàn ý rõ ràng để viết bài:
1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về thói quen đi học muộn và quan niệm của bản thân.
2. Thân bài:
a) Tác hại của việc đi học muộn:
- Đi học muộn có thể khiến ta mất uy tín, khiến các bạn và thầy cô không tin bạn và không muốn giao lưu với bạn nữa.
- Đi học muộn cũng làm cắt ngang mạch dạy học của thầy cô cũng như ảnh hưởng đến việc học của các bạn trong lớp.
- Đi học muộn còn khiến bạn bị mất kiến thức bài học, mất thời gian ôn lại bài mà mọi người đã học.
b) Nguyên nhân dẫn đến việc đi học muộn có thể là những nguyên nhân khách quan như tắc đường, hỏng xe,... hay nguyên nhân chủ quên như ngủ quên hoặc đơn giản nó là một thói quen không thể bỏ.
c) Biện pháp giúp bỏ thói quen đi học muộn:
- Sắp xếp thời gian hợp lý, cần dự tính thời gian cho những sự cố phát sinh thêm.
- Đặt đồng hồ báo thức hẹn giờ để tránh quên giờ và không lỡ mất thời gian.
- Rèn luyện bản thân nhiều hơn để không bị ỷ lại vào người khác.
3. Kết bài: khẳng định lại vấn đề:
- Cần từ bỏ thói quen đi học muộn để không làm mất thời gian của bản thân cũng như không làm ảnh hưởng đến người khác
Lời giải chi tiết:
Lần gần nhất mà bạn phải ngồi chờ đợi một ai đó là bao lâu rồi? Có lẽ thói quen đi trễ đã không còn xa lạ gì với mọi người nữa, nó gần như trở thành thói quen của rất nhiều người trong xã hội, đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi,…và đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh có thói quen đi học muộn với đủ mọi lí do hết sức vô lí được đưa ra.
Quản lý thời gian là một giải pháp cần thiết để khắc phục được tình trạng trễ giờ, quên thời gian,… và cần phải bố trí đủ thời gian vào buổi sáng để sẵn sàng đi học, trì hoãn các công việc không cần thiết cũng như dự đoán được các vấn đề về giao thông. Rất nhiều người không có ý thức sắp xếp, phân bổ thời gian một cách hợp lý, làm việc gì cũng chậm chạp và họ coi việc đi học muộn trở thành một việc hết sức bình thường. Việc đi đúng giờ không chỉ thể hiện bạn là một người văn minh, hiện đại mà còn là một người biết tôn trọng người khác. Chẳng hạn việc bạn thường xuyên đi trễ sẽ làm mất đi uy tín của bạn, lời hứa không còn có trọng lượng và bị đánh giá là người không đáng tin cậy. Nếu bạn nghĩ rằng đi học muộn là việc của bạn và hậu quả ra sao mình bạn chịu thì nhầm rồi nhé. Khi bạn đến lớp muộn, nó không chỉ làm gián đoạn dòng chảy của một bài giảng hoặc thảo luận, mà còn ảnh hưởng đến sự tập trung của học sinh khác, cản trở việc học của tập thể và thường ăn mòn tinh thần lớp học. Thầy cô cũng vì thế mà cảm thấy bực mình và không muốn dạy một lớp học mà có nhiều bạn vô ý thức, vô kỉ luật như vậy.
Việc mọi người đi trễ có thể do một sự cố ngẫu nhiên như: ngủ quên, tắc đường, nhỡ xe, thời tiết,…. nhưng cũng có thể đó đã trở thành một thói quen ngấm vào máu. Có rất nhiều nguyên nhân khiến các bạn đến lớp muộn, có thể là nguyên nhân chủ quan với lí do làm bài tập ngủ muộn, sáng dậy muộn,… hay nguyên nhân khách quan như việc tắc đường, xe hỏng,…. Nhưng dù có là lý do gì đi nữa thì việc đi trễ vẫn là một thói quen không tốt để lại rất nhiều hậu quả đáng tiếc và chúng ta cần từ bỏ nó ngay từ bây giờ. Tác hại của việc đi trễ là vô cùng lớn. Nếu mỗi người trong xã hội đều không coi trọng việc đúng giờ thì xã hội sẽ không thể nào tiến bộ được. Để tránh tình trạng đi học muộn, các bạn hãy tự chọn cho mình một biện pháp khắc phục phù hợp với bản thân mình, giảm thiểu tối đa thời gian bị mất bởi những lí do không cần thiết.
Đi trễ không chỉ đơn thuần là một thói quen xấu mà còn là căn bệnh bám rễ vào tư tưởng mỗi người và có thể gây nên những hậu quả khó lường nếu không được khắc phục ngay từ bây giờ. Để khắc phục thói quen đi trễ của bản thân đầu tiên bạn phải là một người biết coi trọng thời gian và đơn giản là có ý thức tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình. Thứ nhất, bạn phải biết cách lập kế hoạch phân bổ thời gian trong ngày một cách hợp lí. Nếu bạn là người chậm chạp, lề mề trong việc chuẩn bị trước khi ra khỏi nhà thì hãy nhớ cài đồng hồ hẹn trước một chút thời gian để không bị lỡ hẹn và đi học đúng giờ. Thứ hai, nếu bạn là người đãng trí hay quên thì hãy tự lập cho mình một thời gian biểu khoa học và nhớ thường xuyên theo dõi nó để chắc chắn rằng mình không bỏ quên hay đi trễ một cuộc hẹn hay một buổi học nào cả. Và bạn cũng nên dự trù thời gian để có thể hoàn thành công việc và những việc có khả năng phát sinh thêm, tránh để quỹ thời gian của bạn bị quá tải, trôi đi một cách lãng phí.
Cha ông ta có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” dù biết rằng việc thay đổi thói quen từ thường xuyên đi trễ thành một người luôn đúng giờ là một việc làm rất khó nhưng không phải là không làm được. Vì vậy bạn và tôi, chúng ta đừng để đi muộn trở thành thói quen không thể sửa mà hãy cùng nhau trở thành người có thói quen làm việc khoa học và hiệu quả hơn. Hãy biết quý trọng thời gian!
Lời kết
- Học xong bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm, các em cần:
+ Nắm được các yêu cầu về nội dung và hình thức của bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm
+ Vận dụng viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm cụ thể
Soạn bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Bài học Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm sẽ giúp các em nắm được các yêu cầu và cách làm bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm cụ thể. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Viết bài luận thuyết phục người khác từ bỏ một thói quen hay một quan niệm Ngữ văn 10 tập 2 Chân Trời Sáng Tạo
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247