Các tác phẩm văn học thường để lại ấn tượng trong các em về nội dung và nghệ thuật. Nhằm giúp các em cần nắm những yêu cầu và cách làm bài văn nghị luân một tác phẩm cụ thể, HOC247 xin giới thiệu bài soạn Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học nằm trong chương trình mới - Cánh Diều dưới đây. Từ đó trau dồi kĩ năng viết văn ngày càng tốt hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Kiểu bài
- Trước một tác phẩm truyện, mỗi người đọc có thể có những cảm nhận, quan điểm riêng biệt
- Khi cần chia sẻ những cảm nhận, quan điểm đó, chúng ta có thể sử dụng kiểu bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học
- Ở dạng bài viết này, bạn cần làm rõ chủ đề, những nét đặc sắc nào về hình thức nghệ thuật,...
1.2. Các lưu ý
Để viết bài nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học các em cần chú ý thêm một số điểm sau:
- Xác định đối tượng phân tích, đánh giá: toàn bộ tác phẩm hay một số yếu tố, thể loại của tác phẩm, tác giả và bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh ra đời,...
- Xem xét cách triển khai bài phân tích, đánh giá toàn bộ tác phẩm khác phân tích, đánh giá một số yếu tố như thế nào. Có thể tham khảo các ý sau:
Các phần |
Phân tích, đánh giá toàn bộ tác phẩm |
Phân tích, đánh giá một số yếu tố |
Mở bài |
Giới thiệu tên tác phẩm, tác giả, bối cảnh lịch sử và khái quát giá trị lịch sử của tác phẩm |
- Giới thiệu tên tác giả, tác phẩm, thể loại - Nêu yếu tố nổi bật sẽ phân tích, đánh giá |
Thân bài |
- Nêu tóm tắt nội dung chính của tác phẩm - Phân tích giá trị của tác phẩm (nội dung và nghệ thuật) - Đánh giá (nhận xét, bình luận) về thành công của tác giả trong việc thể hiện nội dung và nghệ thuật |
- Giới thiệu cụ thể một số yếu tố nổi bật mà bài viết phân tích, đánh giá - Phân tích cái hay, cái đẹp của các yếu tố đã nêu
- Đánh giá (nhận xét, bình luận) về vai trò, tác dụng của các yếu tố ấy trong tác phẩm |
Kết bài |
- Khái quát về vị trí, ý nghĩa của tác phẩm đối với sự nghiệp văn học của tác giả. - Chỉ ra tác động của tác phẩm với người đọc và với cá nhân người viết |
- Khái quát về giá trị của các yếu tố đã phân tích đối với tác phẩm
- Nêu ấn tượng và cảm xúc của người viết về các yếu tố đã phân tích. |
2. Soạn bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều
Câu hỏi: Đọc hai đoạn trích sau và trả lời câu hỏi bên dưới:
Đoạn 1:
Khác với bút pháp truyện cổ tích, truyện Nôm,... nhân vật và hoàn cảnh được lí tưởng hoá, phân tuyến rạch ròi, Kiêu binh nổi loạn không thế, đã được ghi chép gần gũi với hiện thực. Điều đó được thể hiện trong việc xây dựng các nhân vật. Kiêu binh nổi loạn có hai phe: Trịnh Tông và Trịnh Cán; phe Trịnh Tông có thể xem là chính thống, phe Hoàng Đình Bảo và Đặng Thị Huệ là phản nghịch nhưng cả hai đều không có những nhân vật cực đoan, hoặc quá hoàn hảo, hoặc quá xấu xa, mà nói chung đều đa dạng, đều thực.
Lấy nhân vật Hoàng Đình Bảo làm ví dụ, Hoàng là nhân vật phản diện, thao túng cả triều đình, nhiều tham vọng, quyền mưu nhưng y vẫn còn chút ánh sáng trong lương tâm, thể hiện ở việc đối xử với Trịnh Tông, người đã từ chối sự cộng tác và đe doạ sẽ giết Hoàng, đối thủ chính có thể đem đến sự nguy hiểm cho sự nghiệp của Hoàng Hoàng còn có thể khóc khi người ta đặt vấn đề tính mạng của Tông với y. [...]
(Theo Trần Thị Băng Thanh, Kiêu binh nổi loạn, in trong Giảng văn văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, 2005)
Đoạn 2:
Ở bài Thu điếu, ta gặp một tiếng cá quẫy vọng lên từ đáy nước (Cá đâu đớp động dưới chân bèo). Ở bài Thu vịnh, ta lại gặp một tiếng chim di trú rớt xuống từ không trung. Đến từ hai phía khác nhau, nhưng cũng đánh động một tâm hồn, cả hai đều là những tiếng động nhằm làm cho vẻ yên tĩnh của trời và nước trở nên thẳm sâu, thanh vắng. Âu đó cũng là cái thủ pháp quen thuộc: dùng cái động để gợi cái tĩnh. Hai chữ nước nào cuối câu, thực ra cũng là chữ rất không đâu nhưng sao lại dồn chứa được trong đó bao nhiêu là xa vắng của thiên không. Nó gợi ra dáng điệu thi nhân nghe vọng vào xa xăm. Mà vọng vào xa xăm kì thực là chìm vào cõi tâm tư bất tận của chính mình. Chữ nghĩa của Nguyễn Khuyến ở đâu cũng lắng, cũng lặng những cảm xúc chìm. Cảm xúc được tiết chế, được giấu kín. Lối thể hiện ấy giữ cho tình nồng mà lời vẫn đạm là thế.
(Theo Chu Văn Sơn, Thơ điệu hồn và cấu trúc)
- Yếu tố hình thức nghệ thuật nào đã được xác định để phân tích, đánh giá trong từng đoạn trích trên?
- Mỗi tác giả đã chỉ ra tác dụng của yếu tố hình thức ấy trong việc thể hiện nội dung, ý nghĩa như thế nào?
- Đoạn nào chủ yếu sử dụng thao tác phân tích và đoạn nào tập trung nêu cảm nhận, đánh giá của người viết? Hãy chỉ ra sự khác nhau giữa phân tích và đánh giá trong hai đoạn trích trên.
Trả lời:
* Đoạn 1:
- Yếu tố hình thức nghệ thuật đã được xác định để phân tích, đánh giá trong đoạn trích số 1 là: Bút pháp hiện thực
- Tác giả đã chỉ ra tác dụng của yếu tố hình thức ấy trong việc thể hiện nội dung, ý nghĩa là:
+ Điều đó được thể hiện trong việc xây dựng các nhân vật, chia thành hai phe: chính thống và phản nghịch, đều rất thực
- Đoạn từ đầu đến “đều thực” là đoạn tập trung nêu cảm nhận, đánh giá của người viết và phần còn lại chủ yếu sử dụng thao tác phân tích.
* Đoạn 2:
- Yếu tố hình thức nghệ thuật đã được xác định để phân tích, đánh giá trong đoạn trích số 2 là: dùng cái động để gợi cái tĩnh
- Tác giả đã chỉ ra tác dụng của yếu tố hình thức ấy trong việc thể hiện nội dung, ý nghĩa là:
+ Giúp cảm xúc của Nguyễn Khuyến được tiết chế, giấu kín
+ Lối thế hiện ấy giữ cho tình nồng mà lời vẫn đạm
- Từ đầu đến “bao nhiêu xa vắng của thiên không” chủ yếu sử dụng thao tác phân tích và đoạn còn lại tập trung nêu cảm nhận, đánh giá của người viết
- Sự khác nhau giữa phân tích và đánh giá trong hai đoạn trích trên là:
+ Ở đoạn 1 thì người viết tập trung nêu cảm nhận, đánh giá trước rồi mới đi vào phân tích
+ Còn ở đoạn 2 thì người viết phân tích xong mới nêu cảm nhận, đánh giá của mình.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Viết bài văn phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung hoặc hình thức nghệ thuật của một tác phẩm văn học mà em đã học hoặc đã đọc.
Trả lời:
Dàn ý tham khảo:
I. Mở bài
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
+ Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn tiêu biểu của nền văn học cách mạng Việt Nam.
+ “Chiếc lược ngà” là tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông. Truyện viết về tình cảm gia đình, tình cảm cha con trong chiến tranh. Điều em ấn tượng sâu sắc trong tác phẩm chính là tình huống truyện độc đáo.
II. Thân bài
1. Tình huống truyện là gì?
Tình huống truyện hay còn gọi tình thế câu chuyện là ngữ cảnh, tình tiết mang tính xung đột, mâu thuẫn dẫn đến việc phát triển cốt truyện và qua đó giúp các nhân vật trong truyện dễ dàng bộc lộ tính cách của mình. Cũng thông qua cách giải quyết mâu thuẫn/ xung đột trong tình huống truyện, ta sẽ hiểu hơn về nội dung tư tưởng tác phẩm cũng như dụng ý nghệ thuật của nhà văn trong việc xây dựng các tình huống truyện như vậy.
2. Tình huống truyện bất ngờ mà tự nhiên, hợp lí trong Chiếc lược ngà:
- Truyện xoay quanh hai nhân vật: ông Sáu và bé Thu. Tham gia kháng chiến, ông Sáu bị thương, vết thương để lại trên khuôn mặt ông một vết thẹo lớn. Vì vết thẹo ấy, trong lần về thăm nhà ông Sáu đã phải chịu nỗi đau tinh thần: đứa con gái ông hằng thương nhớ, khát khao gặp mặt suốt bảy năm đằng đẵng lại vì vết thẹo mà không chịu nhận cha mặc dù lần gặp con này là cơ hội gần gũi, yêu thương duy nhất của ông vì ông chuẩn bị tập kết ra Bắc, không biết khi nào quay lại.
- Đó là một tình huống bất ngờ, éo le mà tự nhiên, hợp lí:
+ Bé Thu đã lâu ngày không gặp cha. Hình ảnh của người cha trong tâm trí nó chỉ được khắc ghi qua tấm ảnh đã cũ rồi. Người cha trong nó hiền lành lắm! Còn ông Sáu, với vết thẹo dữ dằn kia, khác người đàn ông trong ảnh quá!
+ Điều này gây bất ngờ với bé Thu vì gương mặt ông Sáu giờ đã quá xa lạ. Và phản ứng không nhận cha của Thu cũng gây bất ngờ cho ông Sáu bới nó hoàn toàn trái ngược với những mong muốn và tưởng tượng của ông Sáu về cuộc đoàn tụ gia đình sau nhiều năm xa cách. Nhưng nó cũng rất tự nhiên, hợp với tâm lí, tình cảm của một đứa trẻ thơ.
+ Tình huống càng trở nên éo le, khiến người đọc phải hồi hộp theo dõi từng trang truyện vì thời gian ông Sáu ở nhà không nhiều và dù chỉ còn một ngày nữa, đứa bé vẫn quyết không nhận cha.
- Có thể coi đó là tình huống thử thách, thử thách để con nhận cha, cha chứng minh với con. Qua tình huống này, tình cha con sâu nặng và cao đẹp càng được thể hiện
3. Ý nghĩa tình huống truyện Chiếc lược ngà
- Nút thắt của câu chuyện: Vết thẹo trên mặt ông Sáu là nguyên nhân khiến cho bé Thu nhất quyết không nhận cha → Tình huống đầy éo le, bất ngờ nhưng cũng rất đỗi hợp lí, tự nhiên theo tâm lí của trẻ nhỏ khi nhìn cha hiện tại khác hoàn toàn với người cha trong bức ảnh. Đó cũng là thử thách lớn nhất để hai cha con phải vượt qua và khi đã vượt qua thử thách lớn này, càng tô đậm tình phụ tử sâu nặng, thiêng liêng.
- Tình huống truyện cũng góp phần bộc lộ tính cách của các nhân vật:
+ Ông Sáu: Là người cha hiền lành, mẫu mực, dành trọn cho đứa con gái bé bỏng của mình tình cảm yêu thương, ông khao khát tiếng con gọi cha từng ngày và tranh thủ từng phút giây nghỉ phép ngắn ngủi để thể hiện tình cảm của mình đối với đứa con, và đau buồn thậm chí nổi giận khi đứa con mình mong mỏi bấy lâu nay không nhận cha.
+ Bé Thu: Là cô bé có cá tính mạnh mẽ, bướng bỉnh, ương bướng ngay cả khi bị cha đánh cũng nhất quyết không khóc, tuy nhiên là một cô bé rất yêu kính cha mình khi không nhận người không giống cha trong bức ảnh; chỉ đến khi hiểu ra vấn đề, em mới bộc lộ toàn bộ nỗi niềm nhớ nhung, tình cảm của mình đối với người cha thân yêu.
III. Kết bài
- Tác giả đã tạo được hai tình huống truyện khá bất ngờ, nhưng tự nhiên, hợp lí, thể hiện được chủ đề tác phẩm: Ca ngợi tình cha con trong hoàn cảnh chiến tranh đầy éo le, mất mát.
- Khẳng định tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng, cao quý nhất, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để mỗi con người vượt lên những khó khăn, trở ngại của cuộc sống.
Bài mẫu tham khảo
Nghệ thuật viết văn nói theo nhà văn Nga Sê-khốp đúng là "nghệ thuật của những chi tiết". Sự lựa chọn chi tiết "đắt giá" có khả năng "nói" được nhiều về tính cách nhân vật, thể hiện tài quan sát, tài kể chuyện của người viết. Trong Chiếc lược ngà người đọc có thể tìm thấy rất nhiều những chi tiết như thế thông qua tình huống truyện độc đáo.
Có hai tình tiết cơ bản tạo nên tình huống truyện trong đoạn trích này. Tình tiết thứ nhất kể người cha đi kháng chiến về thăm nhà sau gần bảy năm đi vắng, não nức được gặp cô con gái bé bỏng – đứa con duy nhất – chưa đầy một tuổi khi anh ra đi, nhưng đến giây phút thiêng liêng mà người cha hằng chờ đợi ấy, bé Thu lại không chịu nhận cha. Để rồi, cuối cùng nhận ra cha mình và biểu lộ tình cảm với cha thì người cha cũng đã hết ngày phép phải ra đi. Tình huống thứ hai là sau khi ông Sáu đi vào khu căn cứ, ông dành tất cả những tình cảm và tình yêu thương, nỗi nhớ bé Thu bằng việc làm chiếc lược ngà tặng con, nhưng khi chưa kịp tặng thì ông đã hi sinh.
Truyện viết về tình cảm cha con, nhưng là tình cảm cha con được thể hiện trong chiến tranh. Người cha là anh Sáu, "thoát li đi kháng chiến từ đầu năm 1946". Con gái anh là bé Thu "đứa con gái đầu lòng – và cũng là đứa con duy nhất của anh", lúc anh đi bé Thu "chưa đầy một tuổi". Biền biệt sáu, bảy năm trời hai cha con không được gặp nhau. Anh Sáu chỉ thấy con qua "tấm ảnh nhỏ". Vì thế, nay được về thăm nhà mấy hôm, "cái tình người cha cứ nôn nao trong người anh". Và mong muốn tha thiết nhất của anh là được đứa con gọi mình một tiếng "ba". Tình huống truyện thật tự nhiên, hợp lí: còn gì tự nhiên hơn tình cảm cha con; chiến tranh, người cha đi đánh giặc phải xa con; vậy mà cũng thật bất ngờ và không kém phần gay cấn: khi người cha có dịp về thăm con thì đứa con nhất định không chịu gọi cha mặc dù anh cố gắng làm mọi cách. Khoảng thời gian về phép thăm nhà lại chỉ vẻn vẹn gói gọn có ba ngày ngắn ngủi, tạo thêm sự dồn nén cho câu chuyện.
Cái mong ước của người cha được nghe con mình gọi "ba" tưởng đơn giản nhưng mà thực ra lại vô cùng khó khăn. Ngay từ khi mới trông thấy con từ xa, anh Sáu đã không thể kìm được tình cảm của mình: "không thể chờ xuồng cặp lại bến, anh nhún chân nhảy thót lên vội vã bước những bước dài, rồi đứng lại kêu to: "Thu ! Con" anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh". Nhưng, những phản ứng của bé Thu, con anh, lại hoàn toàn trái ngược với những gì anh nghĩ: "nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng". Và khi thấy anh vẫn tiếp tục tiến về phía nó, thì "mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: "Má ! Má!". Những hành động cảm xúc của anh Sáu lẫn bé Thu đều rất đúng với tâm lí của mỗi người, ngẫm kĩ thì khó mà khác được. Đó chính là cái tài của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Nguyên cớ của tình huống này là vết thẹo trên mặt người cha – dấu ấn của chiến tranh – đã khiến cho em bé thấy khác với tấm hình ba chụp chung với mẹ mà em vẫn coi. Thế nên, trong mấy ngày ba về phép, Thu đã không chịu gọi ba lấy một tiếng. Ngay cả khi mẹ nó cố tình đặt nó vào những tình huống bắt buộc phải gọi đến ba nó, thì Thu cũng chỉ gọi trống không: "Vô ăn cơm !", "Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái", "Cơm sôi rồi, nhão bây giờ". Cả hai cha con thi gan với nhau, không ai chịu ai và những lần này phần thắng thuộc về bé Thu.
Và cao trào của tình huống này là chi tiết trước sự bướng bỉnh của bé Thu, anh Sáu đã không giữ được bình tĩnh "vung tay đánh vào mông nó và hét lên" khi nó hất cái trứng anh gắp cho nó. Bé Thu phản ứng lại bằng cách bỏ sang nhà bà ngoại. Và đến đây, nhà văn đã tạo ra chi tiết để "cởi nút" truyện. Bà ngoại đã giải thích cho bé Thu hiểu về vết thẹo mà ba em có, vi vậy, Thu đã chấp nhận người ba của mình. Thế nhưng, éo le thay, đây cũng là lúc mà anh Sáu phải quay lại căn cứ. Đoạn văn miêu tả cuộc chia tay của hai cha con đã bộc lộ tình yêu thương mãnh liệt của con đối với cha.
Khác với lúc về, lần này anh Sáu cố gắng kìm nén tình cảm của mình, "anh chỉ dám đứng nhìn nó". Bé Thu, sau một ngày ở bên nhà bà ngoại, lúc này đã biết được nhiều điều về ba nó. "Vẻ mặt của nó có gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi, sâu xa". Và cái giây phút bùng nổ tình cảm của bé Thu là giây phút mà Thu gọi ba, không phải là một tiếng gọi thầm mà là một tiếng kêu thét kéo dài.
Tình huống thứ nhất kết thúc, mở ra tình huống thứ hai. Nỗi nhớ con, sự dằn vặt vì đã đánh con khiến anh Sáu ngày đêm làm chiếc lược ngà cho con – đúng theo lời dặn của bé lúc chia tay cha "Ba về ! Ba mua cho con một cây lược nghe ba!".
Một buổi chiều, anh Sáu hớt hải chạy từ rừng về như trẻ con bắt được quà, thì ra anh đã tìm được một khúc ngà voi. Sau đó ngày đêm anh lấy vỏ đạn cưa nhỏ khúc ngà voi thành từng miếng nhỏ, tỉ mẩn làm từng chiếc răng lược. Dường như, trong khi làm cây lược từ ngà voi ấy, người cha được đối diện cùng con, tâm sự, trò chuyện với con, vì thế, những lúc rỗi, anh cưa từng chiếc răng lược kì công như "người thợ bạc". Người cha còn cẩn thận khắc lên lược dòng chữ để tặng con gái của mình: "Yêu nhớ tặng Thu con của ba". Vậy mà, thật đáng buồn vì anh đã không chờ được đến lúc trao tận tay con gái mình chiếc lược mà anh đã kì công làm cùng với tất cả những yêu thương của cha dành cho con. Giây phút cuối cùng khi chuẩn bị lìa xa cuộc đời, không còn đủ sức để trăn trối điều gì, nhưng tình cha con là không thể chết được, anh đưa cho người bạn chiến đấu của mình cây lược. Đó chính là tâm nguyện cuối cùng của anh, tâm nguyện muốn gửi gắm cây lược để trao nó lại cho bé Thu.
Bằng các tình huống truyện khá bất ngờ, nhưng tự nhiên, hợp lí, Nguyễn Quang Sáng đã thể hiện được chủ đề tác phẩm, ca ngợi tình cha con, cao cả thiêng liêng. Chính tình cảm này đã góp phần làm nên sức mạnh cho những người lính nơi chiến trường, và cả cho những người thân nơi hậu phương.
4. Hỏi đáp về bài Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều
Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.