YOMEDIA
NONE

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước.

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước.

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (2)

  • Số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa cũ luôn gặp phải những sóng gió của cuộc đời. Bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương là một trong những bài thơ xuất sắc khi sử dụng một hình ảnh quen thuộc "bánh trôi nước" và đã tạo cho bạn đọc một sợi dây nối vô hình giữa những con người khác nhau, hai thời đại khác nhau đó chính là sự cảm thông: Thân em vừa trắng lại vừa tròn

    Bảy nổi ba chìm với nước non

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

    Hai tiếng "thân em" đi vào trong văn học đã trở thành một hình tượng quen thuộc để nói về người phụ nữ, người con gái trong xã hội phong kiến. Kể đến trong ca dao:

    Thân em như tấm lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai

    Hay:

    Thân em như hạt mưa sa

    Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cầy

    "Thân em" thân thuộc và thân thương. Không phải "thân chị, thân cô" mà là "thân em". Cách gọi ấy toát lên một sự nhỏ bé, một số phận thấp kém không được xem trọng trong xã hội. Và "thân em" ấy được hình dung tưởng tượng so sánh với hình ảnh bánh trôi nước. Một hình ảnh chạy xuyên suốt bốn câu thơ, Hồ Xuân Hương với con mắt nghệ sĩ của mình, tâm hồn bà mở ra đón nhận những rung động mới lạ khi làm bài thơ này. Dựa vào đặc điểm riêng biệt của bánh trôi: bên ngoài trắng và tròn mịn bởi lớp bột thơm tho nên tác giả đã ví người con gái đẹp, và nõn nà như bánh trôi. Đó là nét đẹp riêng biệt của người phụ nữ Á Đông, dịu dàng và đằm thắm biết mấy. Không những có điểm tương đồng vẻ ngoài mà bên trong đều có tâm hồng cao quý "tấm lòng son" ấy vừa là son sắc, thủy chung, trinh nguyên. Nhưng tiếc thay, thân phận phụ nữ lại "bảy nổi ba chìm với nước non". Một cách vận dụng thành ngữ (ba chìm bảy nổi) quen thuộc và lối so sánh đã hiện lên thân phận hẩm hiu, dầm mưa dãi nắng của cuộc đời. Người phụ nữ xưa không làm chủ được cuộc đời của chính họ, chính những áp bức bất công, những khổ đau và bất bình đẳng trong xã hội đã khiến họ long đong lận đận, trôi dạt trên biển đời rộng lớn và mênh mông không tìm thấy một nơi để về. Để rồi họ phó mặc cuộc đời mình cho kẻ khác:

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

    Khi làm bánh trôi nước, thợ làm bánh có công đoạn nhào nặn bột để thành hình dạng bánh trôi. So sánh như vậy với người phụ nữ tức những số phận nhỏ bé ấy chẳng những mông lung không tìm ra phương hướng mà nó còn bị sự thô bạo phũ phàng vùi dập tấm thân, tâm hồn của họ. Hai từ "mặc dầu" như chứa đựng một sự phó mặc và bất lực của người phụ nữ trước những hành hạ về thể xác và tâm hồn. Mọi thứ khiến họ bị tổn thương. Nhưng không vì thế, mà người phụ nữ mất đi vẻ đẹp vốn có của mình:

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

    Sau bao thử thách gian truân nhưng vẻ đẹp của người phụ nữ không hề mai một. Chính kết cấu đối lập đã tạo ra một sự khác biệt giữa tấm lòng của họ và những gì họ phải trải qua và chịu đựng. Sau cùng họ vẫn giữ một thái độ kiên quyết, nhất định bảo vệ tâm hồn của mình, thứ còn sót lại duy nhất họ có thể làm chủ. Bởi lẽ, tâm hồn của mỗi người chúng ta là những vùng kì diệu vô hình chỉ chính họ mới biết tâm hồn họ cần gì, muốn gì? Họ dù bị “nặn” "bảy nổi ba chìm" nhưng họ vẫn muốn giữ lại phần tâm son sắc, trong trắng và thủy chung của mình. Đó là nét đẹp riêng biệt và cao quý nhất của người con gái, người phụ nữ Việt Nam. Hồ Xuân Hương làm bài thơ không chỉ thể hiện sự cảm thông mà còn khẳng định giá trị đáng kính của người phụ nữ.

    Bài thơ bánh trôi nước là một trong những bài thơ tiêu biểu cho số phận phụ nữ thời phong kiến xưa. Tuy gian khổ, trầm luân nhưng tâm hồn họ vẫn sáng mãi, chiếu dọi cả một thời đại.

      bởi ngọc trang 11/02/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Hồ Xuân Hương với mệnh danh Bà Chúa Thơ Nôm đã để lại cho đời nhiều áng thơ có giá trị. Thơ của bà là tiếng nói bênh vực người phụ nữ, lên án chế độ nam quyền độc đoán. Bánh trôi nước là bài thơ tiêu biểu của nhà thơ Hồ Xuân Hương.

    Mở đầu bài thơ là lời tự giới thiệu của bánh trôi nước – một món ăn dân dã:

    Thân em vừa trắng lại vừa tròn

    Bảy nổi ba chìm với nước non,

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

    Hình ảnh Bánh trôi nước thật đẹp, bánh "vừa trắng lại vừa tròn". Trắng ở đây là trắng trẻo, tinh khiết. Tròn là cái dáng tròn trịa, đẹp mắt. Hồ Xuân Hương cũng muốn nói lên cái phẩm hạnh trong trắng và vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ. Họ luôn làm tròn bổn phận của mình. Thế nhưng, số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ lại trôi nổi, lênh đênh giữa dòng đời:

    Bảy nổi ba chìm với nước non

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.

    Người nặn bột làm bánh có khéo tay thì bánh mới đẹp, mới ngon. Nếu vụng tay thì bánh sẽ bị rắn hoặc nát. Nhưng dù thế nào đi nữa thì bánh trôi nước vẫn là món ăn được mọi người ưa thích. Thông qua hình ảnh bánh trôi nước, tác giả muốn nói lên cuộc đời người phụ nữ ngày xưa. Tác giả cảm thương sâu sắc cho thân phận chìm nổi của họ. Hình tượng bánh trôi nước và hình ảnh người phụ nữ đều có bề ngoài rất đẹp và đều có phẩm chất bên trong thật cao quý. Thế nhưng cả hai đều có số phận trôi nổi lênh đênh. Với vẻ đẹp bên ngoài và bên trong như vậy, đáng lẽ ra người phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc nhưng xã hội cũ đã vùi dập thân phận của họ. Người phụ nữ phải chịu nhiều đăng cay, tủi nhục, không được làm chủ cuộc đời mình, cuộc đời như bèo dạt mây trôi, bị phũ phàng vùi dập. Cũng như bánh trôi nước, cuộc đời họ tốt đẹp hay đên tối là do xã hội định đoạt:

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.

    Câu thơ như một lời than vãn ngậm ngùi, người phụ nữ không được làm chủ cuộc đời mình mà phải tùy thuộc vào người khác. Nếu như nàng Kiều không gặp kẻ sở khanh như Mã Giám Sinh thì cuộc đời nàng sẽ khác. Giá như Vũ Nương không gặp Trương Sinh độc đoán, nam quyền thì Vũ Nương sẽ không tìm đến cái chết. Dù cuộc đời có thế nào đi chăng nữa thì người phụ nữ luôn vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp, trong trắng của mình:

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

    Người phụ nữ quyết bảo vệ tấm lòng son sắt, không làm ô nhục danh giá của mình bởi những biến cố bên ngoài. Dẫu cuộc đời cay đắng trái ngang nhưng người phụ nữ quyết vượt lên số phận để bảo vệ phẩm chất tốt đẹp của con người.

    Bài thơ chỉ có bốn câu, lời thơ giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, có giá trị hiện thực và xã hội cao. Hình tượng bánh trôi nước là hình tượng của người phụ nữ ngày xưa. Nhà thơ đã mượn hình ảnh bánh trôi nước để người phụ nữ tự khẳng định vẻ đẹp bên ngoài và phẩm chất bên trong của mình. Nhà thơ đã đại diện cho những người bất hạnh tố cáo xã hội bất công và vùi dập thân phận người phụ nữ đương thời. Lời thơ cũng là khát vọng được bình đẳng, được coi trọng phẩm giá, nó là "tiếng lòng chung" đầy phẫn nộ của người phụ nữ thời xưa.

      bởi thu hảo 11/02/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON