YOMEDIA
NONE

Tình hình khai thác nuôi trồng chế biến hải sản như thế nào về du lịch biển đảo?

Tình hình khai thác nuôi trồng chế biến hải sản như thế nào về du lịch biển đảo?

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • 1. Đánh bắt và nuôi trồng thuỷ, hải sản

    Đây là nghề biển truyền thống có thế mạnh của nước ta, với vùng biển có nguồn sinh vật đa dạng, phong phú, trữ lượng hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta khoảng 3,5 - 4,1 triệu tấn, hàng năm có thể khai thác 1,5 - 1,67 triệu tấn, đồng thời có diện tích nuôi lớn, khoảng 76 vạn ha. Trong 10 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế biển, sản lượng thuỷ sản tăng 7,7%/năm, sản lượng khai thác tăng bình quân 5%/năm. Đánh bắt hải sản đã tạo việc làm cho hơn 5 vạn lao động đánh cá trực tiếp và 10 vạn lao động dịch vụ nghề cá. Hệ thống hậu cần nghề cá đã có những chuyển đáng kể, đặc biệt là hệ thống các cảng cá được xây dựng suốt dọc bờ biển. Đã triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản như cấp giấy phép khai thác thuỷ sản; kiểm tra theo dõi giám sát các hoạt động nghề cá trên biển; kiểm tra giám sát an toàn cho người và phương tiện nghề cá trên biển.

    Nghề nuôi trồng hải sản đã có bước phát triển khá, tăng nhanh cả diện tích nuôi trồng lẫn sản lượng, ở cả 3 vùng nước lợ, mặn, ngọt (sản lượng nuôi trồng đã tăng 16%/năm). Nuôi trồng hải sản đã góp phần đáng kể vào chuyển đổi mạnh trong cơ cấu kinh tế nông thôn ven biển; chất lượng và giá trị của sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản xuất khẩu ngày càng cao, nhất là tôm, đảm bảo an ninh thực phẩm, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến, tạo việc làm góp phần xoá đói giảm nghèo. Đến năm 2003, sản lượng nuôi trồng đạt 1,1 triệu tấn, gấp 1,9 lần so với năm 1998.

    Công nghiệp chế biến hải sản, đặc biệt chế biến xuất khẩu đã làm tốt vai trò mở đường và cầu nối, tạo thị trường để nuôi trồng khai thác hải sản phát triển. Đến nay, đã có 390 nhà máy chế biến thuỷ hải sản, trong đó hàng trăm nhà máy được công nhận đạt tiêu chuẩn, và 60% cơ sở chế biến được công nhận tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của ngành. Năm 2003, xuất khẩu hải sản đạt trên 2 tỷ USD, gấp 3,9 lần năm 1998.

    2. Kinh tế hàng hải

    Việt Nam đã xây dựng được đội tàu biển quốc gia với tổng trọng tải là 2.322.703 DWT (gấp 2 lần số lượng tàu và 2,3 lần về trọng tải so với 1997, bình quân tăng 6,4% về số lượng và 11% về trọng tải/năm). Nòng cốt của đội tàu biển quốc gia là đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES), với số lượng đội tàu trọng tải khoảng 1.125.159 DWT, chiếm khoảng 50% tổng trọng tải của đội tàu quốc gia. Không chỉ tăng năng lực vận tải mà còn có sự thay đổi cơ bản về cơ cấu, chất lượng đội tàu, tạo thêm thị trường và trực tiếp tham gia thị trường khu vực, khách hàng nước ngoài đã sử dụng trên 50% năng lực đội tàu của Việt Nam.

    Qui mô cảng ngày càng tăng, cuối năm 1995 nước ta chỉ có hơn 70 cảng biển, thì đến nay Việt Nam đã xây dựng được hệ thống cảng biển gồm hơn 90 cảng lớn nhỏ với 25.617 m cầu bến, trải dài từ Nam chí Bắc; ngoài ra còn có trên 10 khu chuyển tải để tăng cường khả năng thông qua của hàng hoá và tạo điều kiện cho những tàu có trọng tải lớn ra vào cảng dễ dàng, an toàn. Khối lượng hàng hoá qua cảng tăng nhanh, năm 1991 là 17,9 triệu tấn; năm 1995 tổng năng lực thông qua là 52,40 triệu tấn/năm; năm 1999 đạt 63 triệu tấn và đến hết năm 2002, tổng công suất qua cảng của Việt Nam hơn 100 triệu tấn/năm, tốc độ tăng bình quân 17%/năm. Bước đầu hiện đại hoá phương tiện xếp dỡ, qui hoạch và sắp xếp lại kho bãi, xây dựng và nâng cấp thêm các cầu cảng nên năng lực xếp dỡ được nâng cao, giải phóng tàu nhanh. Một số cảng đã và đang được nâng cấp và mở rộng như Hải Phòng, Cái Lân, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn, Cần Thơ. So sánh với quốc tế, nhìn chung quy mô cảng còn nhỏ nhưng thời gian qua hệ thống cảng biển Việt Nam đã đảm nhiệm thông qua hầu hết lượng hàng ngoại thương của ta và hỗ trợ một phần việc trung chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu của Lào, góp phần đưa nước ta từng bước tiếp cận và hội nhập với khu vực và thế giới. Hơn 80% khối lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển thông qua hệ thống cảng biển.

    3. Công nghiệp tàu biển

    Trình độ, năng lực đóng, sửa chữa tàu so với trước đây đã có tiến bộ vượt bậc, hiện đại hoá một bước theo hướng tập trung quy mô lớn, bước đầu có phân công chuyên môn hoá, vươn ra đóng tàu cỡ lớn, chuyên dùng đạt chất lượng đăng kiểm quốc tế. Một số doanh nghiệp đang đầu tư lớn hiện đại để đóng tàu lớn (3 - 5 vạn tấn). Liên doanh Vinashin - Huyndai đã chính thức đi vào hoạt động được 2 ụ tàu có thể sữa chữa tàu từ 50.000 đến 400.000 tấn.

    4. Nghề làm muối

    Bờ biển dài 3.260 km, đã có 20 tỉnh thành có nghề sản xuất muối biển với tổng diện tích 15.000 ha và trên 80 ngàn lao động nghề muối. Đã sản xuất được bình quân 800 ngàn tấn đến 1,2 triệu tấn/năm. Một số đồng muối ở miền Trung nước ta được đánh giá là muối sạch, ngon của thế giới, có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn muối công nghiệp và muối sạch cho tiêu dùng.

    5. Công nghiệp dầu khí

    Ngành dầu khí là một trong những ngành chủ lực của kinh tế biển, có đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân. Đã xác định tiềm năng và trữ lượng dầu khí của Việt Nam khoảng 3 - 4 tỷ m3 dầu quy đổi, trong đó 0,9 - 1,2 tỉ m3 dầu và 2100 - 2800 tỷ m3 khí. Năm 2003 đã thác 17,6 triệu tấn dầu thô và 2,17 tỷ m3 khí; xuất khẩu dầu thô đạt 17, 143 triệu tấn. Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn với công suất tối đa 7 tỷ m3 khí/năm đã hoàn thành vào cuối năm 2002, đưa dòng khí đầu tiên vào bờ. Trong giai đoạn 2003 - 2004 cung cấp 2,1 - 2,7 tỷ m3 khí/năm cho các nhà máy điện Phú Mỹ. Đang triển khai xây dựng đường ống dẫn khí Phú Mỹ - Thành phố Hồ Chí Minh với công suất khoảng 2 tỷ m3 khí/năm, hoàn thành vào năm 2004 nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ khí ở miền Đông Nam Bộ.

    Hoạt động kinh doanh dịch vụ dầu khí cũng từng bước phát triển theo hướng hiện đại. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành như: dịch vụ căn cứ, dịch vụ tàu thuyền, dịch vụ sửa chữa thiết bị dầu khí, dịch vụ dung dịch khoan, vật tư, hoá phẩm cho khoan, dịch vụ phân tích các loại mẫu, gia công chế tạo, lắp ráp các khối chân đế giàn khoan, xây lắp và bảo dưỡng các công trình biển, xây lắp các đường ống dẫn dầu khí; bảo hiểm dầu khí, cung cấp lao động và dịch vụ sinh hoạt đã được xây dựng.

    6. Du lịch biển

    Hàng năm, vùng biển thu hút 73% số lượt khách du lịch quốc tế, với tốc động tăng trưởng bình quân khoảng 12,6%/năm. Năm 1997, số lượt khách du lịch quốc tế đến vùng biển đạt 2,1 triệu người, năm 2000 đạt 3,29 triệu người, năm 2002 đã đón khoảng 5,3 triệu lượt người ; riêng năm 2003, do ảnh hưởng của dịch SARS, số khách đạt khoảng 4,7 triệu lượt, giảm so với năm 2002. Khách du lịch quốc tế đến các khu vực trọng điểm du lịch tăng nhanh, riêng khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng và Huế - Đà Nẵng tăng 41%/năm; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 22,6%.

    Đối với khách du lịch nội địa, biển thu hút tới trên 50% số lượt, với tốc độ tăng trung bình thời kỳ 1994 - 2003 là 16%/năm. Năm 1997, toàn vùng đón được 5,7 triệu lượt khách, năm 2000 đón 7,46 triệu lượt, năm 2002 đạt 10, 8 triệu lượt và năm 2003 tới 12,4 triệu lượt khách.

    II. Triển vọng phát triển kinh tế biển

    Mặc dù kinh tế biển của nước ta đạt được những kết quả bước đầu không nhỏ, nhưng nhìn chung quy mô kinh tế biển của Việt Nam còn nhỏ bé và đang ở trình độ thấp. Nếu so với các nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam còn thấp thua nhiều mặt. Đến nay quy mô kinh tế biển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế biển của nước ta. Xét về giá trị tuyệt đối, giá trị thu được từ hoạt động kinh tế biển của Việt Nam so với giá trị từ hoạt động kinh tế biển của một số nước đều ở mức thấp hoặc rất thấp. Cho đến nay, nghề biển Việt Nam vẫn chủ yếu là nghề truyền thống và ước tính chiếm khoảng trên 60% GDP do kinh tế biển tạo ra. Các nghề mới như khai thác dầu khí, nuôi trồng hải sản đặc sản, du lịch biển đang trong quá trình phát triển bước đầu. Các nghề biển hướng tới tương lai như năng lượng sóng thuỷ triều, dược liệu biển, khai thác khoáng sản dưới lòng nước sâu, hoá chất và dược liệu biển... chưa được nghiên cứu nhiều. Kỹ thuật tổng thể khai thác kinh tế biển vẫn còn ở trình độ rất thấp. Ô nhiễm biển, đặc biệt các vùng biển tập trung tài nguyên, đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản, vận tải biển và công nghiệp ven bờ... đang gây ra nhiều vấn đề đối với phát triển bền vững. Dịch vụ xây dựng hạ tầng biển và các công trình kỹ thuật khác của biển còn nhiều yếu kém. Tình hình trên đang đặt ra nhu cầu cấp bách phải có một chiến lược phát triển kinh tế biển có căn cứ khoa học vững chắc, đáp ứng những nhiệm vụ tăng tốc phát triển kinh tế trong thời kỳ mới hiện nay.

    Việc tập trung vào phát triển kinh tế biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không chỉ bởi thế kỷ XXI mà chúng ta đang bước vào được coi là thế kỷ đại dương, các quốc gia có biển đều nhất loạt hướng về biển để tăng cường tiềm lực kinh tế của mình; mà trên thực tế, biển Việt Nam chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế rất lớn, trong đó nổi bật lên các lợi thế là:

    1. Vị trí chiến lược của biển - nhân tố địa lợi đặc biệt của sự phát triển. Việt Nam nằm ở rìa biển Đông, án ngữ trên các tuyến hàng hải và hàng không huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa châu Âu, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhận Bản và các nước trong khu vực, Biển Đông đóng vai trò là chiếc "cầu nối" cực kỳ quan trọng, là điều kiện rất thuận lợi để giao lưu kinh tế giữa nước ta với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khu vực phát triển kinh tế năng động và có một số trung tâm kinh tế của thế giới. Sự ra đời của một loạt các nước công nghiệp mới, có nền kinh tế phát triển năng động nhất trong khu vực, những năm gần đây đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, mà trước hết là thông qua vùng biển và ven biển.

    2. Các nguồn tài nguyên biển có khả năng khai thác lớn, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong đó phải kể đến dầu khí, một nguồn tài nguyên mũi nhọn, có ưu thế nổi trội nhất của vùng biển Việt Nam. Mặc dù so với nhiều nước, nguồn tài nguyên dầu khí chưa phải là thật lớn, song đối với nước ta nó có vị trí rất quan trọng, đặc biệt là trong giai đoạn khởi động nền kinh tế đi vào công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

    Khả năng phát triển cảng và vận tải biển là yếu tố trội cơ bản, là nguồn lực rất quan trọng để phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Dọc bờ biển đã xác định nhiều khu vực có thể xây dựng cảng, trong đó một số nơi có khả năng xây dựng cảng nước sâu như: Cái Lân và một số điểm ở khu vực Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, Nghi Sơn, Hòn La - Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất, Văn Phong, Cam Ranh, Vũng Tàu, Thị Vải… Riêng khu vực từ Vũng Tàu đến Hà Tiên do biển nông, nhiều sình lầy nên ít có năng xây dựng cảng biển lớn, nhưng vẫn có thể xây dựng cảng quy mô vừa ở Hòn Chông, Phú Quốc hoặc cảng sông Cần Thơ.

    Tài nguyên du lịch biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát triển mạnh. Dọc bờ biển đã xác định khoảng 125 bãi biển lớn và nhỏ thuận lợi cho phát triển du lịch, có dung lượng chứa khách cùng một lúc đến vài trăm ngàn người, trong đó có khoảng 20 bãi biển đạt quy mô và tiêu chuẩn quốc tế. Các bãi biển của Việt Nam nhìn chung khá bằng phẳng, nước trong, sóng gió vừa phải, không có các ổ xoáy và cá dữ…, rất thích hợp cho tắm biển và vui chơi giải trí trên biển. Sự kết hợp hài hoà giữa cảnh quan tự nhiên với cảnh quan văn hoá - xã hội của biển, vùng ven biển và các hải đảo cùng với điều kiện thuận lợi về vị trí, địa hình của vùng ven biển đã tạo cho du lịch biển có lợi thế phát triển hơn hẳn so với nhiều loại hình du lịch khác trên đất liền.

    Nguồn lợi hải sản nước ta được đánh giá vào loại phong phú trong khu vực. Ngoài cá biển là nguồn lợi chính còn nhiều loại đặc sản khác có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, mực, hải sâm, rong biển… Riêng cá biển đã phát hiện hơn 2.000 loài khác nhau, trong đó trên 1.000 loài có giá trị kinh tế. Đến nay đã xác định 15 bãi cá lớn quan trọng, trong đó 12 bãi cá phân bố ở vùng ven bờ và 3 bãi cá ở các gò nổi ngoài khơi. Dọc ven biển có trên 37 vạn héc ta mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thuỷ sản nước mặn - lợ, nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu… Riêng diện tích cho nuôi tôm nước lợ có tới 30 vạn ha. Ngoài ra còn hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Phá Tam Giang, Vịnh Văn Phong… là môi trường rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển. Với tiềm năng trên trong tương lai có thể phát triển mạnh ngành nuôi trồng hải sản ở biển và ven biển một cách toàn diện và hiện đại với sản lượng hàng chục vạn tấn/ năm.

    Các tài nguyên khoáng sản khác (ngoài dầu khí) ven biển cũng là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các khoáng sản quan trọng và có tiềm năng lớn ở vùng ven biển là than, sắt, titan, cát thuỷ tinh và các loại vật liệu xây dựng khác.

    3. Nguồn nhân lực dồi dào ven biển là một nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định kết quả khai thác tiềm năng nguồn lợi biển. Lao động trong độ tuổi có khỏang 12,8 triệu người, chiếm 35,47% lao động cả nước.

    Với tiềm năng sẵn có như trên, việc phát triển kinh tế biển nước ta cần tập trung vào:

    - Huy động và phát huy tốt tất cả các nguồn lực để khai thác tối đa mọi tiềm năng và lợi thế nhiều mặt của biển, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về kinh tế biển, hướng mạnh về xuất khẩu, góp phần tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển.

    - Tạo bước "nhảy vọt" trong phát triển kinh tế biển. Kết hợp kinh tế ven biển, kinh tế trên biển và kinh tế hải đảo theo một chương trình liên kết có hiệu quả và hiệu lực cao.

    - Phát triển và hiện đại hoá có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thích hợp có tính tới hợp tác quốc tế và hội nhập.

    - Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng và bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, đảm bảo sự phát triển bền vững của vùng biển, ven biển và các hải đảo.

    Mục tiêu phát triển tổng quát của phát triển kinh tế biển là đảm bảo ổn định và an tòan lãnh hải quốc gia, xây dựng vùng ven biển thành vùng kinh tế phát triển năng động, thúc đẩy các vùng khác trong cả nước phát triển với tốc độ nhanh và tạo môi trường hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài.

    NHẬN THỨC VỀ GIÁ TRỊ KINH TẾ THỰC CỦA CÁC HỆ SINH THÁI BIỂN

    Trong 30 năm gần đây, kể từ ngày thống nhất đất nước, các ngành kinh tế biển của Việt Nam đã gặt hái được những thành tựu rất đáng khâm phục. Đặc biệt là kinh tế cảng biển - vận tải hàng hải, đóng tàu… đã mở ra những đột phá ngoạn mục như chuyển tải dầu ở vịnh Vân Phong, Khánh Hòa mới qua 2 năm đã thu cho ngân sách địa phương hơn 969 tỷ đồng, các doanh nghiệp thu lợi cũng không nhỏ. Du lịch, nghỉ dưỡng cũng đang phát triển. Vịnh Nha Trang là một trong 29 vịnh đẹp nhất trên hành tinh… Những tôn vinh quốc tế đã nâng tầm vóc của vùng biển, đất nước Việt Nam. Đó là tiền đề cho hợp tác, cho hội nhập trong quá trình khai thác và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

    Nhưng chưa có ai tính được để có vị trí và tầm vóc trên trường quốc tế, để thu được hàng chục tỷ đô la từ biển, môi trường đã phải trả giá như thế nào?

    Chúng ta đang đứng trước một thực tế, tuy kinh tế biển có những thành tựu hết sức lớn lao, nhưng so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, thì kết quả đó còn khá khiêm tốn so với tiềm năng vùng biển của Việt Nam. Chúng ta có vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, có đường bờ biển dài hơn 11.409 km, có hơn 3 triệu ha đất ngập nước… với các hệ sinh thái điển hình hết sức quý giá. Hệ sinh thái thềm lục địa rộng hơn 450 nghìn km2. Có hơn 180 cửa sông, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ ở ven bờ. Hệ sinh thái rừng ngập mặn đã từng có diện tích hơn 430 nghìn ha (năm 1943). Hệ sinh thái các rạn san hô với tổng diện tích ước tính khoảng 127 nghìn ha. Hệ sinh thái cỏ biển vào khoảng 8 nghìn ha… Đó là những nguồn lợi, tài nguyên vô cùng quý giá.

    Một câu hỏi đặt ra: Có thể định giá các nguồn lợi, tài nguyên đó được không? Giá là bao nhiêu?

    Đây là bài toán sinh thái kinh tế không đơn giản, nhưng có thể giải được. Tất nhiên là kết quả gần đúng và phải được các chuyên gia, các nhà kinh tế, các nhà quản lý cập nhật, bổ sung và phán quyết trong tình hình cụ thể của địa phương theo tiêu chí phát triển bền vững. Các nhà kinh tế cho rằng, giá trị cụ thể của lượng vật chất khai thác từ biển mà con người vẫn cân, đong, đo, đếm như xưa nay là quá ư nhỏ bé so với giá trị thực của nó. Giá trị chức năng sinh thái của các vùng biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập cho con người cao hơn hàng chục lần, nếu không nói đến hàng nghìn lần, so với những gì mà người dân ven biển đang nhặt nhạnh được hàng ngày như hiện nay.

    Hiện nay, giá trị kinh tế của các hệ sinh thái được tính là tổng số của các nguồn lợi và tài nguyên không (hoặc chưa sử dụng) gồm: Đa dạng sinh học, du lịch, nghỉ ngơi, khoa học, giáo dục, chức năng sinh thái - bảo vệ và bảo tồn… Vậy 1 ha rừng ngập mặn có giá bao nhiêu? Cách đây hơn 50 năm, các chuyên gia xếp đất rừng ngập mặn thuộc dạng đất hoang và giá trị đất đai không đáng kể. Ngày nay, chỉ với giá trị mặt bằng đã được các chuyên gia định giá khoảng 160 - 530 USD/ha/năm. Các nguồn lợi sử dụng và nuôi hải sản, làm du lịch… đã tăng giá của rừng ngập mặn lên khoảng 95 - 98 nghìn USD/ha/năm. Còn giá trị chức năng sinh thái của hệ rừng ngập mặn có thể nói là vô giá.

    Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học trong dự án “Đánh giá giá trị kinh tế - sinh thái của các rạn san hô Đông Nam Á” (Việt Nam, Philíppin, Inđônêxia); kết quả bước đầu, giá trị tính ra đô la Mỹ trên diện tích 1 km2 của hệ sinh thái san hô Hòn Mun tại vịnh Nha Trang (Lưu ý là chỉ tại Hòn Mun, nơi có hệ sinh thái có đa dạng sinh học san hô cao nhất Việt Nam hiện nay là 350 loài), giá trị do khai thác cá là 36,207 nghìn USD, giá trị do thu từ du lịch là 15 nghìn USD, còn giá trị chức năng sinh thái, bảo vệ bờ là 60,145 nghìn. Tổng cộng là 111,352 nghìn USD/km2. Đây là con số gây nhiều ấn tượng nhưng cũng chỉ bằng 37,9% so với tổng thu nhập từ hệ sinh thái rạn san hô ở Maricanban của Philíppin (đạt đến 293,796 nghìn USD). Đây là điều mà tất cả chúng ta phải suy nghĩ.

    Điều quan trọng, phải nhận thức là các giá trị kinh tế của các hệ sinh thái ở các vùng khác nhau sẽ có những tiêu chí đánh giá khác nhau. Nó dao động trung bình ít nhất cũng khoảng từ 3 đến 159 lần. Do đó khi nói đến giá trị kinh tế thực của các hệ sinh thái thì phải xác định rõ địa chỉ (không thể đem giá trị sinh thái của Hòn Mun gắn cho vùng khác - ví dụ như vịnh Vân Phong chẳng hạn) và các đối tượng định giá: giá trị hàng hóa hay giá trị chức năng. Điều quan trọng hơn nữa, trong đánh giá kinh tế các hệ sinh thái tự nhiên là phải có nhận thức đầy đủ và có sự quyết đoán dựa vào tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và nhu cầu phát triển bền vững tại địa phương. Có thể tham khảo nhưng không thể rập khuôn hay áp dụng máy móc kết quả tính toán của vùng này cho vùng khác

      bởi Nguyễn Thi 02/11/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON