YOMEDIA

Ý nghĩa trong truyện cổ tích Cây bút thần

Tải về
 
NONE

Truyện cổ tích Việt Nam luôn chứa đựng nhiều ý nghĩa nhằm giáo dục con người, một trong số đó là truyện Cây bút thần. Để hiểu thêm về những ý nghĩa trong văn bản mà tác giả muốn gửi gắm đến bạn đọc, mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Ý nghĩa trong truyện cổ tích Cây bút thần dưới đây! Chúc các em học tập thật tốt!

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

  2.1. Mở bài

- Giới thiệu câu chuyện: Truyện cổ tích Việt Nam luôn chứa đựng tâm tư tình cảm mà con người gửi gắm vào đó, nổi bật lên trong số đó là “Cây bút thần” câu chuyện với nhiều bài học đáng suy ngẫm mà nhân dân muốn gửi gắm cho thế hệ sau

2.2. Thân bài

– Tóm tắt khái quát nội dung câu chuyện

+ Nhân vật: Mã Lương: Cậu bé nghèo, thông minh, thật thà, đam mê vẽ

+ Hình ảnh cây bút: Được ông cụ râu tóc bạc phơ tặng cho cậu bé

– Nội dung truyện: Giúp đỡ người nghèo và trừng trị những kẻ tham lam

+ Đối với nhân dân nghèo: Cậu bé vẽ các vật dụng hằng ngày cần thiết cho những người nông dân

+ Đối với địa chủ, vua: Không vẽ theo ý muốn, vẽ cuồng phong nhấn chìm thuyền vua

+ Kiến thức rỗng, học trước quên sau và thất bại trong học tập.

– Ý nghĩa truyện qua hình ảnh cây bút được ban tặng cho cậu bé

– Câu chuyện kì diệu ban thưởng xứng đáng đối với người cái tài, có đức, có đam mê, vượt lên khó khăn cuộc sống

Khát vọng của con người: Khát vọng công bằng đối với những người lao động nghèo khổ, những người nông dân chân lấm tay bùn, khát vọng thực hiện khao khát, ước mơ

– Ý nghĩa truyện qua những hình ảnh mà cậu bé vẽ

+ Không dùng cây bút để vẽ cho bản thân, vẽ những vật dụng cần thiết đối với người dân nghèo, không vẽ theo ham muốn của địa chủ, vua chúa: Thể hiện đức tính trung thực, thật thà, không vụ lợi, ghét áp bức

+ Thể hiện giá trị của người lao động qua những hình ảnh mà cậu bé vẽ: Không vẽ vàng bạc, nhà cửa, chỉ vẽ những vật dụng lao động

+ Khát vọng về công lí, khát vọng về cuộc sống công bằng, cái thiện luôn được giúp đỡ còn cái ác sẽ bị trừng phạt, bị lụi tàn

2.3. Kết bài

- Suy nghĩ về ý nghĩa câu chuyện: Câu chuyện gửi tới tất cả những thế hệ sau, ai cũng có những ước mơ, niềm đam mê riêng của mình, hãy theo đuổi đam mê và vượt lên chính mình.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Ý nghĩa truyện Cây bút thần

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Truyện cổ tích Việt Nam luôn mang trong mình nét đẹp của dân tộc, chứa đựng tâm tư tình cảm mà con người gửi gắm vào đó, trong số những câu chuyện rất hay được lưu truyền từ đời này sang đời khác nổi bật lên trong số đó là “Cây bút thần” câu chuyện với nhiều bài học đáng suy ngẫm mà nhân dân muốn gửi gắm cho thế hệ sau.

Câu chuyện kể về một cậu bé nghèo, thông minh, có sở thích học vẽ mang tên Mã Lương. Một hôm nằm mơ được ban tặng cây bút thần, với cây bút thần có thể biến những nét vẽ trở thành sự thật cậu bé đã dùng cây bút giúp đỡ những người dân nghèo khó xung quanh, tiếng vang của cây bút và cậu bé cũng từ đây vang xa. Tới tai nhà vua, nhà vua bắt cậu bé về cung và bắt cậu bé vẽ theo ý mình. Vốn ghét sự áp bức bóc lột cậu bé không những không vẽ theo ý vua mà còn làm trái lại hoàn toàn, cậu vẽ ra những con vật xấu xí, rồi vẽ trận cuồng phong to lớn nhấn chìm thuyền rồng chôn vùi tên vua độc ác. Sau đó cậu bé đi khắp mọi nơi giúp đỡ những người nghèo khó.

Qua câu chuyện mà dân gian để lại đã gửi gắm đến người đọc rất nhiều ý nghĩa về tình người, đức tính con người và cách làm người. Trước tiên xét về hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ ban cho cậu bé nghèo, thông minh cây bút thần thể hiện sự ban thưởng xứng đáng đối với những con người thật thà, trung thực, có tài, có đam mê, đầu tư thời gian theo đuổi đam mê của mình, vượt lên sự khó khăn nghèo khó của cuộc sống mà lạc quan yêu đời, không chán nản, không vì sự ràng buộc của cuộc sống mà từ bỏ. Bên cạnh đó còn là khát vọng mà con người gửi vào trong đó, khát vọng công bằng đối với những người lao động nghèo khổ, những người nông dân chân lấm tay bùn, những con người không đề cao vật chất, dùng tình thương để đùm bọc lẫn nhau, hình ảnh cậu bé tuy tài giỏi, thật thà nhưng cậu cần có được sự giúp đỡ để thể hiện tài năng, đức tính của mình, hình ảnh cây bút như một sự giúp đỡ để cậu có thể thực hiện ước mơ, khát vọng đó.

Xuyên suốt câu chuyện người đọc chỉ thấy được những việc mà cậu bé giúp đỡ cho người khác, những hình ảnh được vẽ ra không có một chút nào để dành cho chính bản thân cậu cả, chỉ vẽ những vật dụng thông thường mà người lao động cần thiết, không vẽ những ham muốn mà địa chủ, quan vua yêu cầu, một con người không hề có gì trong tay, không gia đình, không tài sản nhưng lại không hề có một chút vụ lợi, luôn lo nghĩ cho những người xung quanh, quên đi bản thân mình, dù còn nhỏ nhưng đã tự tập cho bản thân đức tính trung thực, thật thà, hành động đó thật khiến bất kì ai đọc qua tác phẩm đều thấy khâm phục. Những hành động của cậu bé tuy không đem lại giá trị vật chất nhưng những gì cậu bé làm khiến cậu mãn nguyện, yêu đời và cảm thấy cuộc sống có ích.

Tại sao cậu không vẽ ra tiền bạc nhà cửa cho những người nông dân, tại sao không vẽ ra những viễn cảnh an nhàn không làm cũng có ăn, đơn giản bởi vì cậu hiểu giá trị của lao động, hiểu giá trị của những người nông dân, sản phẩm tạo ra từ chính bàn tay lao động là đáng quý và đáng chân trọng hơn bao giờ hết. Cuối cùng truyện cổ tích là thể hiện khát vọng của con người, khát vọng về công lý, cái thiện luôn chiến thắng cái ác trong bất cứ hoàn cảnh nào, khát vọng về cuộc sống công bằng với tất cả mọi người trong cuộc sống, cái thiện luôn được giúp đỡ còn cái ác sẽ bị trừng phạt, bị lụi tàn.

Qua câu chuyện cổ tích này dân gian gửi gắm thông điệp tới tất cả những thế hệ sau, ai cũng có những ước mơ, niềm đam mê riêng của mình, “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” hãy biết cách tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống, theo đuổi đam mê và vượt lên chính bản thân mình.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Cây bút thần là một thiên cổ tích nổi tiếng của Trung Quốc. Nhân vật Mã Lương gần giống với Thạch Sanh, Sọ Dừa ... trong truyện cổ tích nước ta, là những nhân vật bất hạnh nhưng lại có tài năng kì lạ. Trong tay Mã Lương, cây bút thần đã tạo ra bao điều kì diệu: giúp đỡ người nghèo khó, trừng trị kẻ tham lam, độc ác. Truyện Cây bút thần thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí xã hội và ước mơ về khả năng kì diệu của con người; đồng thời nhấn mạnh mục đích của nghệ sĩ là đem tài năng sáng tạo nghệ thuật để phục vụ nhân dân và làm đẹp cuộc đời. Sức hấp dẫn lạ lùng của truyện không chỉ ở nội dung, ý nghĩa, mà còn ở rất nhiều chi tiết thần kì.

Mã Lương là một chú bé nghèo khổ, mồ côi cha mẹ. Chú rất thông minh và thích học vẽ. Ngày ngày, Mã Lương phải lên rừng chặt củi hay cắt cỏ đem bán lấy tiền mua gạo. Không có tiền mua bút, chú vẽ bằng que trên mặt đất, nhúng tay xuống nước rồi vẽ tôm cá trên đã, lấy than vẽ hình các đồ vật lên bốn bức tường ... Khó khăn, gian khổ không thể ngăn nổi ý chí và niềm say mê của Mã Lương.

Do dốc lòng học vẽ và luyện tập như vậy nên Mã Lương tiến bộ rất mau. Em vẽ chim, vẽ cá giống như thật. Người xem tưởng như sắp được nghe chim hót, được trông thấy cá bơi lội. Thế nhưng em vẫn chưa có cây bút vẽ. Em chỉ mong sao có được một chiếc. Mong muốn ấy ám ảnh Mã Lương cả trong giấc ngủ. Cảm động trước mong ước chân thành và cháy bỏng của chú bé nghèo, Tiên ông đã ban cho chú một cây bút và dặn: - Đây là cây bút thần, nó sẽ giúp con nhiều trong cuộc sống.

Việc Tiên ông cho Mã Lương cây bút thần bằng vàng sáng lấp lánh thể hiện khát vọng của người xưa: ở hiền sẽ gặp lành, sống tử tế nhân đức sẽ được Trời, Phật giúp đỡ. Mơ ước bao ngày đã thành hiện thực. Mã Lương sung sướng lấy bút ra vẽ một con chim. Chim tung cánh bay lên trời, cất tiếng hót líu lo. Em vẽ tiếp một con cá. Cá vẫy đuôi trườn xuống sông, bơi lượn trước mắt em. Mã Lương thích thú vô cùng.

Mã Lương vẽ giỏi là do có sự say mê, cần cù, chăm chỉ, cộng với sự thông minh và khiếu vẽ sẵn có kết hợp với việc được Tiên ông ban cho cây bút thần bằng vàng để vẽ gì được nấy. Nhớ lời Tiên ông dặn, Mã Lương dùng cây bút thần vẽ cho tất cả những người nghèo trong làng. Nhà nào không có quốc, em vẽ cho cuốc. Nhà nào không có đèn, em vẽ cho đèn. Nhà nào không có thùng múc nước, em vẽ cho thùng ... Như vậy, đối tượng mà Mã Lương nghĩ đến đầu tiên chính là những người nghèo khổ. Chú bé đã dùng cây bút thần để giúp đỡ họ một cách thiết thực nhất.

Mã Lương không vẽ trước thóc gạo, nhà cửa, vàng bạc, châu báu mà vẽ cái cày, cái cuốc, cái đèn, cái thùng ... Điều này có ý nghĩa rất lớn. Mã Lương không vẽ của cải vật chất có sẵn mà vẽ các phương tiện cần thiết để người dân sản xuất, sinh hoạt, tạo ra thóc gạo, nhà cửa ... vì chú bé cho rằng muốn hưởng thụ, con người phải tự làm ra của cải.

Mã Lương không chỉ có tài mà còn có đức, tuy còn nhỏ nhưng tính tình khảng khái, rất ghét bọn nhà giàu tham lam. Chuyện cây bút thần của chú lọt đến tai một tên địa chủ. Hắn dùng đủ mọi cách ép buộc Mã Lương vẽ theo ý hắn nhưng chú bé dứt khoát không vẽ bất cứ một thứ gì, mặc chúng hết lời dụ dỗ, dọa nạt. Thêm một đức tính nữa của Mã Lương khiến cho mọi người càng yêu mến chú: không nao núng, run sợ trước kẻ xấu, kẻ ác; không lay chuyển trước những lời cám dỗ đường mật giả dối. Cây bút thần của Mã Lương không bao giờ phục vụ kẻ thống trị. Thái độ kiên quyết của Mã Lương chính là thái độ của những nghệ sĩ chân chính đã xác định được mục đích đúng đắn là đem tài năng sáng tạo nghệ thuật để phục vụ nhân dân.

Dụ dỗ, đe dọa đều vô ích, tên địa chủ tức tối tống giam Mã Lương vào chuồng ngựa, bỏ đói suốt mấy ngày, tưởng chú sẽ nghĩ lại. Hắn không thể ngờ với cây bút thần trong tay, Mã Lương tiếp tục sáng tạo ra những điều kì diệu: lò sưởi và bánh nướng. Chú bé vẫn sống ung dung nhờ tài năng của mình và sự giúp đỡ của thần linh. Thấy thế, tên địa chủ tức giận, sai đầy tớ giết Mã Lương để cướp lấy cây bút thần. Mã Lương đã thoát chết nhờ chiếc thang chú vẽ trên tường. Tên địa chủ bám thang đuổi theo nhưng hắn đã bị ngã lộn xuống đất, chiếc thang biến mất.

Lòng tham khiến cho tên địa chủ trở nên điên cuồng. Hắn phi ngựa cố đuổi theo Mã Lương để cướp bằng được cây bút thần. Khi hắn và bọn đầy tớ đến gần, Mã Lương lặng lẽ rút cây bút thần vẽ chiếc cung và mũi tên. Em giương cung. "Vút", mũi tên lao đúng họng tên địa chủ, hắn ngã nhào xuống đất. Mã Lương ra roi thúc ngựa, ngựa tung vó phóng như bay. Chi tiết này thật là thú vị. Chú bé Mã Lương không những thông minh, tài giỏi mà còn vô cùng dũng cảm. Với cây bút thần, chú đã thay mặt nhân dân thực hiện công lí, trừng trị kẻ xấu, kẻ ác. Chuyện không dừng ở đó mà diễn biến càng về sau càng hấp dẫn hơn. Suốt mấy ngày đêm phi ngựa ròng rã, cuối cùng Mã Lương dừng lại ở một thị trấn nhỏ xa xôi. Chú bé kiếm sống qua ngày bằng nghề vẽ tranh. Vì muốn giấu kín tung tích, Mã Lương cố ý để cho các bức tranh chú vẽ thiếu một nét nào đó như chim thì thiếu mỏ hoặc thiếu một chân ...

Nhưng rồi một sự việc tình cờ đã xảy ra ngoài ý muốn của Mã Lương. Chú vẽ con cò trắng không có mắt. Chẳng may, một giọt mực rơi đúng vào chỗ mắt cò. Thế là cò mở mắt, xòe cánh, bay đi. Chuyện làm chấn động cả thị trấn và đến tai vua. Vua phái triều thần đến đón Mã Lương về kinh đô. Mã Lương không muốn đi nhưng bọn họ tìm đủ cách dụ dỗ, dọa nạt để bắt em về hoàng cung. Một lần nữa chú bé Mã Lương phải đối đầu với thử thách. Chú không hề sợ hãi. Vua bắt chú vẽ rồng, chú vẽ con cóc ghẻ; bắt vẽ phượng, chú vẽ con gà trụi lông. Tài năng của chú, cây bút thần trong tay chú không thể đem ra phục vụ tên vua tàn bạo. Không sai khiến nổi Mã Lương, hắn liền cho quân lính đến cướp cây bút thần trong tay Mã Lương rồi nhốt em vào ngục.

Công lý nhân dân không đời nào để cho tên vu tham tàn kia được thỏa lòng tham không đáy. Hắn vẽ núi vàng, hết núi này đến núi khác ... Vẽ xong, xem lại thì không phải là những núi vàng mà chỉ là những tảng đá lớn. Những tảng đá đó từ trên đỉnh núi lăn xuống, suýt đè gãy chân hắn. Không chịu từ bỏ lòng tham, hắn vẽ thỏi vàng, trước nhỏ sau lớn, trước ngắn sau dài, dài mãi ... Vẽ xong, tên vua nhìn lại thì thấy trước mắt không phải là một thỏi vàng lớn mà lại là một con mãng xà miệng há hốc, đỏ lòm, đang lao về phía hắn. May mà có triều thần xô tới cứu, nếu không, hắn đã bị mãng xà nuốt chửng.

Tên vua gian tham đành chịu thua. Hắn tìm kế khác để lừa Mã Lương là thả em ra, dùng vàng bạc dỗ dành và hứa gả công chúa cho. Vốn thông minh, Mã Lương vờ đồng ý để lấy lại cây bút thần. Tên vua đã mắc mưu chú bé thông minh. Hắn đòi vẽ biển, vẽ thuyền, Mã Lương chiều ý hắn. Gió nhẹ, sóng êm, tên vua không thích mà lại thích gió to thêm một tí. Mã Lương chớp lấy cơ hội để tiêu diệt hắn và cả cái triều đình xấu xa của hắn. Chỉ mấy nét bút đậm, sóng biển liền nổi lên, buồm căng phồng, chiếc thuyền lao khỏi bờ nhanh vun vút. Tên vua hoảng sợ cuống quýt. Mã Lương không đếm xỉa tới lời kêu cứu của hắn. Cây bút của em tiếp tục vẽ những đường cong lớn. Biển động dữ dội, sóng biển xô vào thuyền hết đợt này đến đợt khác ... Gió bão càng to, mây đen kéo mù mịt, trời tối sầm. Sóng lớn nổi lên dữ dội như những trái núi đổ sập xuống thuyền. Chiếc thuyền ngả nghiêng rồi bị chôn vùi trong những lớp sóng hung dữ.

Tên vua tham lam độc ác đã phải bỏ xác dưới đáy biển sâu. Không chỉ Mã Lương và nhân dân vui sướng mà cả chúng ta cũng hả hê trước kết thúc có hậu của câu chuyện về cây bút thần kì. Quả là trí tưởng tượng của người xưa cực kì phong phú và độc đáo. Mã Lương không chỉ dùng bút thần để giúp ích cho nhân dân mà còn dùng cây bút thần để chống lại tên địa chủ và tên vua tham lam độc ác. Trong truyện, nhân vật Mã Lương đã phải trải qua nhiều tình huống thử thách, từ thấp đến cao. Lần thử thách sau khó khăn, phức tạp hơn lần trước. Nhờ đó, phẩm chất của nhân vật ngày càng được bộc lộ rõ hơn. Từ chỗ dứt khoát không vẽ gì cho tên địa chủ đến chỗ vẽ ngược hẳn ý muốn của nhà vua. Từ chỗ trừng trị kẻ ác để thoát thân đến chỗ chủ động diệt kẻ ác lớn nhất để trừ họa cho mọi người. Mã Lương như được trời trao cho sứ mệnh vung bút thần lên để tiêu diệt kẻ ác. Mã Lương không chỉ tài ba, khẳng khái mà còn hết sức mưu trí và dũng cảm.

Truyện Cây bút thần được sáng tác bằng trí tưởng tượng phong phú của nhân dân. Truyện có nhiều chi tiết lí thú là nhờ xoay quanh hình ảnh cây bút thần và khả năng kì diệu của nó. Đây là báu vật, là phương tiện thần kì, giống như đôi đũa thần, lọ nước thần, cây đàn thần ... ở nhiều truyện cổ tích khác. Cây bút thần là phần thưởng xứng đáng cho Mã Lương – một chú bé đam mê nghệ thuật và giàu lòng nhân ái. Chỉ trong tay Mã Lương, bút thần mới tạo ra được những sự vật mong muốn; còn vào tay kẻ ác, nó tạo ra những điều ngược lại. Với cây bút thần, Mã Lương đã giúp đỡ người nghèo khó và trừng trị kẻ tham lam độc ác.

Truyện Cây bút thần có nhiều ý nghĩa. Trước hết, nó thể hiện quan niệm của nhân dân về công lí. Những người chăm chỉ, tốt bụng, thông minh sẽ được nhận phần thưởng xứng đáng; kẻ độc ác tham lam sẽ bị trừng trị. Truyện còn ngầm khẳng định rằng nghệ thuật phải được sử dụng để phục vụ nhân dân, phục vị chính nghĩa, chống lại cái ác và tài năng của nghệ sĩ chỉ có được sau bao ngày khổ công luyện tập.

Cuối cùng, chú bé Mã Lương lại trở về với những người bạn ruộng đồng. Chú đi khắp đó đây, đem hết thời giờ và sức lực để vẽ cho những người nghèo khổ. Mã Lương là nghệ sĩ của nhân dân. Chú biết dành hết tài năng, tâm huyết để phục vụ nhân dân, làm đẹp thêm cho cuộc sống. Đó cũng là ý nghĩa lớn lao, sâu sắc của truyện này.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON