YOMEDIA

Phân tích truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm

Tải về
 
NONE

Truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” là một trong những tác phẩm có các sự kiện liên quan đến lịch sử dân tộc. Để hiểu thêm về cuộc kháng chiến chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo, mời các em cùng tham khảo tài liệu văn mẫu Phân tích truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm. Chúc các em học tập vui vẻ!

ADSENSE

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

2.1. Mở bài

- Giới thiệu, dẫn dắt câu chuyện truyền thuyết về hồ Gươm.

   Ví dụ: Hồ Gươm là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Tên hồ gắn liền với truyền thuyết Rùa Vàng đòi lại gươm thần mà Long Quân đã cho Lê Lợi mượn để đánh tan quân xâm lược nhà Minh, đem lại thái bình cho đất nước. Truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” là một trong những tác phẩm tiêu biểu có cốt lõi lịch sử, ca ngợi cuộc kháng chiến chính nghĩa chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo đồng thời lí giải tên gọi hồ Gươm.

2.2. Thân bài

a. Luận điểm 1: Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần

- Vì sao Đức Long Quân cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần?

+ Hoàn cảnh nước ta bấy giờ:

Giặc Minh đô hộ nước ta, chúng hết sức bạo ngược, nhân dân ta hết sức căm giận

Ở vùng Lam Sơn nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn yếu, nhiều lần bị thua.

+ Vì không muốn con cháu phải sống mãi dưới ách đô hộ của kẻ thù tàn bạo, Đức Long Quân đã quyết định cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm thần để họ đánh đuổi chúng.

- Lê Lợi đã được Đức Long Quân cho mượn gươm thần theo một cách đặc biệt

+ Lê Lợi: chủ tướng, nhặt được chuôi gươm nạm ngọc ở trên ngọn cây đa trong một khu rừng sau khi phát hiện thấy có ánh sáng lạ trên ngọn đa.

+ Lê Thận: người dân đánh cá, nhặt được lưỡi gươm trong cả ba lần thả lưới, lưỡi gươm phát sáng với hai chữ "Thuận Thiên"

=> Lê Lợi đem lưỡi gươm của Lê Thận tra vào chuôi gươm mình nhặt được thì thấy vừa như in.

- Cách cho mượn gươm khác thường này mang nhiều ý nghĩa:

+ Đây là thanh gươm thần, do thần Long Quân cho mượn nên không thể trao tay theo cách thức thông thường.

+ Cách cho mượn này làm tăng sự chú ý tới thanh gươm để cuối cùng mới nhận được giá trị to lớn và linh thiêng, quý giá của gươm thần.

+ Hình ảnh lưỡi gươm thì nằm ở dưới nước, chuôi gươm lại treo ở trên rừng nhưng vẫn gặp nhau và làm thành một thanh gươm hoàn chỉnh như muốn nói lên sự hợp nhất, sự đoàn kết của nhân dân miền đồng bằng sông nước và miền rừng thẳm non cao trong sự nghiệp chống ngoại xâm, đánh giặc cứu nước.

+ Hình ảnh Lê Thận bắt được lưỡi gươm, Lê Lợi tìm thấy chuôi gươm ý nói người cầm gươm chỉ đạo cuộc kháng chiến là Lê Lợi, nhưng sức mạnh đánh giặc là sự đóng góp của nhiều người, nhiều tướng tài trong đó có Lê Thận, một người đánh cá bình thường.

b. Luận điểm 2: Gươm thần mở đường cho nghĩa quân đánh thắng giặc

- Gươm thần đã tỏ ra sức mạnh của mình trong cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lam Sơn:

+ Làm cho tinh thần đoàn kết xung quanh Lê Lợi và ý chí chiến đấu đánh quân xâm lược của quân tướng thêm dâng cao.

+ Làm cho mọi người thêm tin tưởng ở Lê Lợi vì Lê Lợi đúng là một minh công được Trời phó thác cho việc lớn.

+ Làm nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng: Lưỡi gươm thần trong tay Lê Lợi, tung hoành khắp các trận địa làm quân Minh kinh hồn, bạt vía.

+ Làm cho uy thanh của nghĩa quân vang dội khắp nơi: Gươm thần như một biểu tượng của lòng tin, của sức mạnh mở đường cho quân ta giành chiến thắng rực rỡ, hào hùng, oanh liệt.

c. Luận điểm 3: Lê Lợi hoàn gươm lại cho Long Quân

- Một năm sau chiến thắng quân Minh, Long Quân mới cho đòi lại gươm.

- Hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ:

+ Giặc Minh xâm lược đã bị đánh tan

+ Chủ tướng Lê Lợi lên ngôi vua

- Cảnh đòi gươm và trao gươm thiêng đã diễn ra rất khác lạ:

+ Vua Lê đang cưỡi thuyền rồng dạo trên hồ Tả Vọng

+ Bỗng nhiên có con rùa lớn nhô đầu lên rồi bơi nổi hẳn lên mặt nước và nói với nhà vua: "Xin bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân".

+ Vua nâng gươm hướng về phía Rùa Vàng

+ Rùa há miệng, đớp lấy thanh gươm và lặn xuống nước.

+ Gươm và Rùa chìm đáy nước mà người ta vẫn còn thấy vật gì le lói dưới mặt hồ xanh.

-> Một cảnh tượng kỳ lạ, đẹp đẽ mang tính chất thiêng liêng, thần bí.

=> Ca ngợi tính chất toàn dân, chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa. Đồng thời, lí giải tên gọi hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Gươm hiện nay.

d. Ý nghĩa của truyện Sự tích Hồ Gươm

- Truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo.

- Truyện cũng giải thích tên hồ Hoàn Kiếm, một hồ nước đẹp nằm giữa lòng thủ đô Hà Nội mà ngày nay giữa hồ còn có tháp Rùa. Tên hồ Hoàn Kiếm có ý nghĩa đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thể hiện ước vọng hòa bình của dân tộc.

2.3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của truyền thuyết:

   + Giá trị nội dung: ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo ở đầu thế kỉ XV và giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình dân tộc

   + Đặc sắc nghệ thuật: Kết cấu chặt chẽ, các chi tiết nghệ thuật thực - ảo đan xen hợp lí, sử dụng các chi tiết tưởng tượng kì ảo…

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Phân tích truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm

Gợi ý làm bài

3.1. Bài văn mẫu số 1

Trong hệ thống truyền thuyết của nước ta, có lẽ Sự tích Hồ Gươm là truyền thuyết ít mang tính chất tưởng tượng, kì ảo nhất. Đọc tác phẩm ta như được sống lại những năm tháng chiến đấu hào hùng, oanh liệt của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Và càng thêm kính yêu hơn nữa vị anh hùng Lê Lợi đã đem lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Giặc Minh lấy cớ phù Trần diệt Hồ mà thực chất là sang xâm chiếm, đô hộ nước ta. Cuộc sống của nhân dân vô cùng khổ cực, bị quân Minh chèn ép, bức hại. Trước tình cảnh lầm than của nhân dân, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Nhưng buổi ban đầu nghĩa quân còn yếu, nhiều lần bị đánh lui. Thấy vậy, Long Quân bèn cho Lê Lợi mượn gươm thần. Nhưng cách Long Quân cho mượn gươm cũng hết sức đặc biệt, ngài không đưa tận tay cho Lê Lợi mà phải trải qua một quá trình gian nan.

Quân cho gươm mắc vào lưới đánh cá của Lê Thận ba lần, Lê Thận lần nào cũng gỡ lấy gươm rồi vứt trở lại sông, qua khúc sông khác thả lưới lại vẫn vớt được lưỡi gươm ấy. Thấy sự lạ, Lê Thận bèn mang gươm trở về. Còn chuôi gươm lại là do vị chủ tướng Lê Lợi lấy được trên cây đa. Cách cho mượn gươm của Long Vương cho thấy rằng đây là thanh gươm thần, bởi vậy không thể trao theo một cách thức dễ dàng mà phải vượt qua thử thách mới có được nó. Không chỉ vậy, hình ảnh lưỡi gươm và chuôi gươm được tìm thấy ở hai địa điểm khác nhau (dưới nước, trên rừng) cũng cho thấy muốn đánh lại kẻ thù thì toàn dân ta phải đoàn kết, hợp nhất, chỉ có như vậy mới tạo nên sức mạnh to lớn đánh đuổi kẻ thù. Chi tiết này giúp chúng ta nhớ lại truyền thuyết Con rồng cháu Tiên khi Lạc Long Quân và Âu Cơ chia năm mươi con lên rừng, năm mươi con xuống biển cai quản các phương, khi có việc thì đoàn kết giúp đỡ nhau.

Như vậy, điều tất yếu ở đây lưỡi gươm phải tìm được ở dưới nước, chuôi gươm phải tìm thấy trên rừng, khi khớp vào nhau thì “vừa như in” thể hiện sự đồng lòng, nhất trí của toàn bộ nhân dân miền ngược và miền xuôi. Ngoài ra chi tiết Lê Lợi nhìn thấy lưỡi gươm và bắt được chuôi gươm còn cho thấy để cuộc đấu tranh đi đến thành công còn cần đến sự anh minh, sáng suốt của người lãnh đạo và người đó chính là vị anh hùng Lê Lợi.

Có được gươm thần, sức mạnh của nghĩa quân ngày càng lớn mạnh, chẳng mấy chốc đã đánh lui được quân địch, khiến chúng phải rút lui về nước. Sức mạnh của thanh kiếm cũng là minh chứng cho ta thấy sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Dưới sự lãnh đạo anh minh, sáng suốt của Lê Lợi, sự đồng lòng nhất chí của toàn dân thử thách nào cũng có thể vượt qua, kẻ thù nào cũng có thể đánh thắng.

Quân Minh thảm bại, trở về nước, nhân dân ta được hưởng cuộc sống ấm no, yên bình. Một năm sau, Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại gươm thần. Không phải lấy lại ngay lúc quân ta giành chiến thắng mà phải một năm sau, bởi lúc này nước nhà mới ổn định, kinh tế quân sự đã được phục hồi và ngày càng vững mạnh. Hình ảnh rùa vàng hiện lên giữa hồ đớp lấy thanh kiếm rồi lặn xuống hồ sâu, mặt hồ vẫn le lói những ánh sáng. Đây là một chi tiết kì ảo mang tính thiêng liêng, huyền bí. Đồng thời chi tiết này cũng để giải thích tên gọi hồ Hoàn Kiếm (hồ trả gươm). Hồ Hoàn Kiếm gắn liền với chi tiết mang tính huyền bí đã góp phần thiêng liêng hóa một địa danh lịch sử.

Sự tích Hồ Gươm không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn rất phong phú về nghệ thuật. Trong truyền thuyết này có hai câu chuyện vừa lồng ghép vừa tách bạch với nhau: câu chuyện mượn gươm và câu chuyện trả gươm. Chúng có nội dung riêng nhưng đồng thời bổ sung ý nghĩa cho nhau. Không chỉ vậy văn bản là sự kết hợp giữa yếu tố thực và yếu tố tưởng tượng, kì ảo một cách hài hòa, hợp lí.

Với sự kết hợp hài hòa các yếu tố li kì, huyền bí với các yếu tố lịch sử, sự tích Hồ Gươm không chỉ giải thích nguồn gốc ra đời của tên gọi Hồ Gươm. Mà qua câu chuyện này còn nhằm ca ngợi, tôn vinh tính chất chính nghĩa, tính chất nhân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Tên hồ Hoàn Kiếm đồng thời cũng dùng để đánh dấu chiến thắng của dân tộc, thể hiện ước mơ, khát vọng hòa bình của nhân dân.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Đọc truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm”, ta không chỉ được sống lại những năm tháng gian lao và anh dũng của ông cha ta thuở "bình Ngô” mà còn được bồi đắp, nâng cao thêm niềm tự hào dân tộc, được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, văn hóa trên cố đô Thăng Long.

Chàng trai làm nghề đánh cá tên là Lê Thận đã vinh dự được Long Quân trao cho lưỡi gươm báu. Hai lần đầu, Lê Thận chỉ cho đó là “thanh sắt”, một vật tầm thường mắc vào lưới. Mãi đến lẫn thứ ba anh đưa thanh sắt lại cạnh mồi lửa nhìn xem, rồi ngạc nhiên sung sướng reo lên: "Ha ha! Một lưỡi gươm!". Thanh sắt ấy, lưỡi gươm ấy như biết “bơi” trên sông, vì thế Lê Thận dù đã thay đổi nơi thả lưới ở ba khúc sông khác nhau mà “báu vật” vẫn tìm đến với anh. Chi tiết ấy gợi lên màu sắc li kì, linh nghiệm.

Lê Lợi và mấy người tuỳ tùng đến nhà Thận đã bất ngờ thấy thanh sắt “sáng rực lên” trong túp lều tối om. Khi Lê Lợi cầm lên xem và thấy hai chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi gươm, nhưng mọi người vẫn không biết đó là báu vật. Hình như Long Quân vẫn còn thử lòng người! Chỉ đến khi bọn giặc Minh truy đuổi vô cùng nguy nan, Lê Lợi bỗng thấy ánh sáng lạ trên ngọn đa, trèo lên lấy xuống mới biết đó là một cái chuôi gươm nạm ngọc. Ba ngày sau đem tra gươm vào chuôi thì “vừa như in”. Được gươm thần, các nghĩa sĩ Lam Sơn có thêm niềm tin và sức mạnh chiến đấu. Câu nói của Lê Thận khi dâng gươm báu cho chủ tướng Lê Lợi vang lên như một lời thề: "Đây là Trời có ý phó thác cho mình công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh gươm thần này để báo đền Tổ quốc!”.

Long Quân trao gươm báu cho nghĩa quân Lam Sơn và Lê Lợi đã làm nhuệ khí của nghĩa quân ngày một tăng. Trong tay chủ tướng, lưỡi gươm thần tung hoành khắp các trận địa, quân Minh bị đánh tan tác, bạt vía kinh hồn. Nghĩa quân càng đánh càng mạnh, càng thắng to. Lưỡi gươm thần như đã đem đến cho họ một sức mạnh vô cùng to lớn, xốc tới, đánh tràn ra mãi cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước ta. Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn sau mười năm gian lao và anh dũng chiến đấu, với lưỡi gươm thần Long Quân trao cho đã hoàn thành sự nghiệp cao cả mà Trời đã phó thác.

Phần cuối truyền thuyết kể lại chuyện Long Quân sai Rùa Vàng bơi theo thuyền ngự của Lê Lợi trên hồ Tả Vọng để đòi lại thanh gươm thần. Chi tiết Rùa Vàng cất tiếng nói và há miệng đớp lấy thanh Gươm rồi lại lặn sâu dưới nước; dưới mặt hồ xanh còn “sáng le lói”, đã tạo nên màu sắc thần kì thiêng liêng của truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm”. Ánh sáng le lói ấy là ánh sáng của lưỡi gươm thần, và đó cũng là ánh sáng của hồn thiêng sông núi, là hào khí Đại Việt rực sáng đến muôn đời.

Truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” vừa giải thích tên hồ Tả Vọng – Hồ Hoàn Kiếm, một cảnh quan, một di tích lịch sử, văn hoá của cố đô Thăng Long, vừa chỉ rõ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là một sự nghiệp cao cả, chính nghĩa thuận theo ý Trời (Thuận Thiên) nên đã toàn thắng. Long Quân đã cho Lê Lợi mượn gươm thần để đánh giặc; giặc nước đuổi xong rồi. Lê Lợi lại trả gươm thần cho Long Quân. Chi tiết ấy đã thể hiện một cách tuyệt đẹp lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân ta. “Sự tích Hồ Gươm” là một huyền thoại khơi gợi lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc cho mỗi chúng ta.

----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF