Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà còn là những bài học về cuộc sống sâu sắc. Tài liệu văn mẫu Ý nghĩa của truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi dưới đây sẽ giúp các em hiểu được những ý nghĩa trong văn bản đồng thời có thêm kiến thức bổ ích về cách nhìn nhận, đánh giá một sự vật, hiện tượng trong đời sống. Mời các em cùng tham khảo!
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
2.1. Mở bài
– Nhân dân ta thường lấy tiếng cười để mua vui giải trí, để chế giễu châm biếm những thói hư tật xấu hoặc để phê phán đả kích những gì xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.
– Truyện “Thầy bói xem voi” là một trong những truyện cười hay, chứa đựng một bài học giáo dục sâu sắc đối với mọi người.
2.2. Thân bài
a) Nội dung câu chuyện
– Câu chuyện kể về việc 5 ông thầy bói ngồi chuyện gẫu với nhau nhân buổi ế hàng. Cá 5 ông đều mù. Ông nào cũng phàn nàn không biết hình thù con voi như thế nào. Thế là khi nghe có voi đi qua, năm ông chung nhau liền biếu người quản voi xin cho voi dừng lại để cùng xem.
– Điều đặc biệt là cả 5 ông đều xem voi bằng “tay”. Người thì sờ vòi, người thì sờ ngà, người thì sờ tai, người thì sờ chân còn người thì lại sờ đuôi.
– Mỗi thầy chỉ “quan sát” một bộ phận của cơ thể con voi chứ không thể quan sát được toàn bộ cơ thể của nó.
– Vì quan sát bằng “tay” nên mỗi thầy đưa ra một nhận xét khác nhau về con voi.
+ Thầy sờ vòi thì bảo “Tưởng con voi như thế nào, hóa ra nó sun sun như con đĩa”. Sự so sánh cái vòi con voi với con đĩa rất hay vì cái vòi voi và con đỉa cũng có nét tương đồng.
+ Thầy sờ ngà thì lại cho rằng con voi “nó chằn chẳn như cái đòn càn”. Sự so sánh và đưa ra nhận xét của thầy bói thứ hai này cũng thật lí thú. Cái ngà voi và cái đòn càn cũng có nét tương đồng.
+ Thầy sờ tai thì khẳng định con voi “bè bè như cái quạt thóc”. Tai voi cũng to và bè bè như cái quạt ngày xưa người nông dân thường dùng để quạt thóc. Sự so sánh này cũng rất hay.
+ Thầy sờ chân thì nhất quyết cho rằng con voi “sừng sững như cái cột đình”. Sự so sánh này rất đúng và rất hay. Chân voi to như cây cột người xưa thường dùng làm cột đình của làng xã.
+ Thầy sờ đuôi cũng chẳng chịu thua. Thầy cứ một hai khẳng định rằng con voi “tun tủn như cái chổi sể cùn”.
– Thầy bói nào cũng nói đúng về con voi như mình đã sờ được. Năm thầy đều nhận xét một cách hóm hỉnh và cho rằng ý kiến của mình là đúng tuyệt đối. Như vậy là thầy nào cũng có lí, nhưng cộng cả năm ý kiến lại thì thật là vô lí vì chẳng ý kiến của thầy nào đúng với con voi thật ngoài đời.
b) Ý nghĩa rút ra từ câu chuyện
Câu chuyện cho em những bài học sâu sắc:
– Khi nhận xét đánh giá về sự vật, sự việc,… ta không được nhìn nhận, đánh giá một cách phiến diện. Muốn hiểu biết sự vật, sự việc, ta phải xem xét chúng một cách toàn diện.
– Ta không nên tin vào những điều mê tín dị đoan. Cha ông ta đã nhắc nhở con cháu “thầy bói nói mò”. Nếu ta tin thầy bói, khác nào ta tin con voi giống như con voi của mỗi thầy đã định nghĩa.
– Không vì bảo vệ cái vô lí của mình mà dẫn đến gây gỗ mất đoàn kết như 5 ông thầy bói trong truyện. Trong cuộc sống, ta cần phải lắng nghe, biết phân biệt cái đúng cái sai để từ đó ta rút ra được một nhận xét đúng nhất.
2.3. Kết bài
– Truyện “Thầy bói xem voi” có nội dung phê phán một cách nhẹ nhàng và thâm thúy. Người xưa đã nhắc nhở con cháu phải biết nhìn sự vật, sự việc một cách toàn diện không nên đánh giá sự vật, sự việc bằng sự nhìn nhận phiến diện chủ quan.
– Truyện còn gây cười bằng cách đưa ra những yếu tố riêng lẻ có lí đê rồi hợp lại tạo thành một điều hoàn toàn phi lí.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Ý nghĩa truyện Thầy bói xem voi
Gợi ý làm bài
3.1. Bài văn mẫu số 1
Truyện ngụ ngôn “Thầy bói xem voi” không chỉ mang ý nghĩa giải trí mà con mang lại những bài học về cuộc sống vô cùng sâu sắc. Cụ thể là câu truyện đã khuyên răn con người ta khi nhìn nhận, đánh giá về một sự vật, hiện tượng, sự việc cần có cái nhìn đa chiều, toàn diện, không nên chỉ nhìn một chiều, phiến diện khiến cho những đánh giá chưa thực sự đúng đắn, trọn vẹn.
Câu chuyện kể về năm ông thầy bói bị mù chưa biết con voi trông như thế nào mà muốn đi xem voi. Chính vì bị mù nên các ông không thể xem voi bằng mắt mà phải xem bằng cách sờ tay cảm nhận và hình dung ra hình dáng của con voi. Con voi thì quá to mà các ông thì quá nhỏ nên dù có sờ tận tay nhưng các ông chỉ sờ được một bộ phận riêng lẻ của con voi. Mỗi ông sờ một bộ phận khác nhau rồi lại mỗi người đưa ra một lời phán khác nhau về con voi. Ông sờ vòi thì phán voi sun sun như con đỉa, ông sờ ngà voi lại bảo voi chần chẫn như cái đòn càn, ông lại bảo con voi bè bè như cái quạt thóc khi sờ tai voi, rồi ông lại bảo voi nó to như cái cột đình khi sờ chân voi, ông cuối cùng khẳng định con voi như cái chổi sể cùn khi sờ vào đuôi nó.
Chính những lời phán xét về con voi khác nhau giữa năm ông nên đã không thống nhất được về hình thù con voi, mỗi ông lại khăng khăng mình đúng, không ai chịu nghe ai nên đã dẫn tới xung đột, xô xát đến rơi máu. Có thể thấy tác giả dân gian đã tô đậm cho người đọc thấy rõ cách nhìn nhận sai lầm của năm ông thầy bói. Cả năm ông cùng xem voi nhưng đó chỉ là cách xem phiến diện, xem một bộ phận của voi nhưng đã phán về cả con voi, dẫn tới những lời phán xét khác nhau và đều không chính xác về con voi. Bởi đó chỉ là những bộ phận trên mình con voi chứ không phải cả con voi. Từ những lời phán xét sai mà giữa các ông nảy ra mâu thuẫn, xô xát, đó là điều không đáng có.
Chính vì vậy câu truyện đã cho chúng ta bài học nhân sinh về cách nhìn nhận con người hay các sự việc, sự vật và hiện tượng. Để có được cái nhìn đúng đắn và chính xác nhất chúng ta cần phải nhìn một cách toàn diện, đa chiều và tổng thể nhất, không chỉ quan tâm tới bề ngoài mà cần tìm hiểu rõ bản chất bên trong.
Những đánh giá phiến diện, một chiều hay chủ quan sẽ dẫn đến những cái nhìn sai lệch và thiếu đúng đắn với thực tế, bản chất của sự vật, hiện tượng, con người. Bên cạnh đó truyện còn nhắc nhở chúng ta về cách tiếp thu, lắng nghe ý kiến và tích lũy kiến thức. Chúng ta không nên bảo thủ, tự mãn với những gì mình đã có, đã biết mà khi đã biết về một sự vật nào đó ta cần phải lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, nhiều chiều để đúc kết được cái nhìn bao quát nhất, đúng đắn và chính xác nhất.
Có thể thấy câu truyện không chỉ mang lại tiếng cười vui vẻ cho người đọc mà qua đó ta rút ra được những bài học bổ ích cho chính bản thân mình về các đánh giá, nhìn nhận mọi vật, mọi việc trong cuộc sống sao cho thật thấu đáo, tường tận.
3.2. Bài văn mẫu số 2
Thầy bói xem voi là truyện ngụ ngôn mang đầy tính giải trí và khuyên răn con người khi đánh giá về một sự vật sự việc nào đó ta không nên chỉ nhìn ở một khía cạnh mà đánh giá.
Thầy bói xem voi kể về 5 ông thầy mù cả 5 ông đều chưa biết con voi như thế nào, do các ông bị mù cho nên không thể biết nó như thế nào cho nên sờ vào các bộ phận của nó rồi phán.
Các lời nhận xét mỗi ông về con voi lại khác nhau vì vậy lại dẫn tới xung đột, tranh luận và ẩu đả. Từ những đánh giá phiến diện diện bên ngoài thì các thầy bói mù đã đưa ra những lời nhận xét không đúng. Vì vậy qua câu truyện này muốn để lại cho con người bài học nhân sinh về sự việc, cần phải tìm hiểu rõ về sự vật hiện tượng và cả những tính chất bên trong chứ không nên đánh giá phiến diện từ bên ngoài dẫn tới sai lệch không đúng với sự thực.
Khi 5 ông thầy bói này đều xem voi bằng việc sờ vì cả 5 ông mù, ông thì sờ vòi ông thì sờ ngà, ông thì sờ tai và có ông thì sờ chân , thầy khác lại sờ đuôi. Do các ông thầy bói khi sờ ở các bộ phận khác nhau cho nên con voi qua cảm nhận phán xét của các ông có sự khác nhau.
Truyện ngụ ngôn thầy bói xem voi để lại người đọc những tiếng cười đặc sắc, thú vị bởi vì tình tiết câu chuyện thực sự rất hấp dẫn, qua câu chuyện này người đọc còn rút ra được nhiều bài học trong cuộc sống khi đánh giá sự vật, hiện tượng nào đó cần trung thực, khách quan và nhìn nhận thật thấu đáo.
----------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----------