Với mục đích có thêm tài liệu cung cấp giúp các em học sinh lớp 9 có tài liệu ôn tập rèn luyện kĩ năng làm bài tập và nắm vững kiến thức bài học. HOC247 giới thiệu đến các em tài liệu Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Địa Lí Kinh Tế môn Địa lí 9 năm 2021 có đáp án được HOC247 biên tập và tổng hợp với phần tóm tắt lí thuyết và bài tập tổng hợp. Hi vọng tài liệu sẽ giúp ích cho các em.
Chúc các em có kết quả học tập tốt!
LÍ THUYẾT VÀ BÀI TẬP TỔNG HỢP CHỦ ĐỀ ĐỊA LÍ KINH TẾ MÔN ĐỊA LÍ 9 NĂM 2021
BÀI 5 SỰ PHÁT TRIỂN NỀN KINH TẾ VIỆT NAM
A. Kiến thức trọng tâm:
I. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế: là nét đặc trưng của quá trình đổi mới, thể hiện ở ba mặt chủ yếu:
- Chuyển dịch cơ cấu ngành: giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp; tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
- Chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ: hình thành các vùng chuyên canh trong nông nghiệp, các lãnh thổ tập trung công nghiệp, dịch vụ, tạo nên các vùng kinh tế trọng điểm.
- Chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế: phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.
II. Những thành tựu và thách thức:
- Thành tựu: tăng trưởng kinh tế nhanh, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, phát triển nền sản xuất hàng hóa hướng ra xuất khẩu.
- Thách thức:
+ Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, thiếu việc làm, sự chênh lệch về kinh tế giữa các vùng miền còn lớn.
+ Biến động trên thị trường thế giới và khu vực. Các thách thức khi tham gia AFTA, WTO…
B. Câu hỏi và bài tập:
Câu 1: Cho bảng số liệu sau:
Cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế của nước ta năm 1995 và năm 2008
(đơn vị: tỷ đồng)
Thành phần kinh tế |
Năm 1995 |
Năm 2008 |
Tổng số |
228.892 |
1.485.038 |
Kinh tế Nhà nước |
91.977 |
527.732 |
Kinh tế ngoài Nhà nước |
122.487 |
683.654 |
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài |
14.428 |
273.652 |
a) Tính tỷ trọng cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế năm 1995 và năm 2008.
b) Vẽ biểu đồ hình tròn thể hiện cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế nước ta năm 1995 và năm 2008.
c) Dựa vào biểu đồ nhận xét sự thay đổi cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế nước ta năm 1995 và năm 2008.
Gợi ý trả lời:
a) Xử lý số liệu:
Cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế của nước ta (đơn vị: %)
Thành phần kinh tế |
Năm 1995 |
Năm 2008 |
Tổng số |
100,0 |
100,0 |
Kinh tế Nhà nước |
40,2 |
35,5 |
Kinh tế ngoài Nhà nước |
53,5 |
46,0 |
Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài |
6,3 |
18,5 |
b) Vẽ 2 biểu đồ hình tròn:
c) Nhận xét:
Cơ cấu GDP phân theo thành phần kinh tế của nước ta năm 1995 và năm 2008 có sự thay đổi:
- Tỷ trọng thành phần kinh tế Nhà nước và ngoài Nhà nước giảm.
- Tỷ trọng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh.
- Tỷ trọng thành phần kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng cao nhất.
Câu 2: Dựa vào Atlat Địa lý Việt Nam (trang Kinh tế chung), hãy xác định các vùng kinh tế ở nước ta.
Gợi ý trả lời:
Nước ta có 7 vùng kinh tế:
- Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ
- Vùng Đồng bằng sông Hồng
- Vùng Bắc Trung Bộ
- Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ
- Vùng Tây Nguyên
- Vùng Đông Nam Bộ
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long
BÀI 7: CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NÔNG NGHIỆP
A. Kiến thức trọng tâm:
I. Các nhân tố tự nhiên:
Tài nguyên thiên nhiên là tiền đề cơ bản.
1. Tài nguyên đất: vô cùng quý giá và khá đa dạng.
- Đất phù sa: khoảng 3 triệu ha thích hợp nhất với cây lúa nước, nhiều loại cây ngắn ngày khác, tập trung tại các đồng bằng.
- Đất feralit: khoảng 16 triệu ha thích hợp trồng cây công nghiệp lâu năm, tập trung chủ yếu ở trung du và miền núi.
2. Tài nguyên khí hậu:
- Khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa.
- Phân hoá rõ rệt theo chiều bắc - nam, theo mùa và theo độ cao.
+ Thuận lợi: cây cối xanh tươi quanh năm, sinh trưởng nhanh, có thể trồng được cây nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới.
+ Khó khăn: bão, gió Tây khô nóng, thời tiết thất thường, sâu bệnh phát triển.
3. Tài nguyên nước: phong phú, có giá trị về thủy lợi. Tuy nhiên, còn nhiều lưu vực sông có lũ vào mùa mưa, cạn vào mùa khô nên cần phải có hệ thống thủy lợi để khắc phục.
4. Tài nguyên sinh vật: phong phú, là cơ sở để thuần dưỡng, tạo nên các giống cây trồng, vật nuôi.
II. Các nhân tố kinh tế – xã hội:
Điều kiện kinh tế - xã hội là yếu tố quyết định sự phát triển.
- Dân cư và lao động nông thôn: chiếm tỷ lệ cao, nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.
- Cơ sở vật chất – kỹ thuật: ngày càng hoàn thiện.
- Chính sách phát triển nông nghiệp: nhiều chính sách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển như: phát triển kinh tế hộ gia đình, trang trại, nông nghiệp hướng ra xuất khẩu…
- Thị trường trong và ngoài nước: ngày càng được mở rộng đã thúc đẩy sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp.
B. Câu hỏi và bài tập:
Câu 1: Phân tích những thuận lợi của tài nguyên thiên nhiên đến phát triển sản xuất nông nghiệp ở nước ta.
Gợi ý trả lời:
1. Tài nguyên đất: vô cùng quý giá và khá đa dạng.
- Đất phù sa: khoảng 3 triệu ha thích hợp nhất với cây lúa nước, nhiều loại cây ngắn ngày khác, tập trung tại các đồng bằng.
- Đất feralit: khoảng 16 triệu ha thích hợp trồng cây công nghiệp lâu năm, tập trung chủ yếu ở trung du và miền núi.
2. Tài nguyên khí hậu:
- Khí hậu nhiệt đới ẩm, gió mùa.
- Phân hoá rõ rệt theo chiều bắc - nam, theo mùa và theo độ cao.
Thuận lợi: cây cối xanh tươi quanh năm, sinh trưởng nhanh, có thể trồng được cây nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới.
3. Tài nguyên nước: mạng lưới sông ngòi dày đặc, nguồn nước dồi dào có giá trị về thủy lợi.
4. Tài nguyên sinh vật: phong phú, là cơ sở để thuần dưỡng, tạo nên các giống cây trồng, vật nuôi.
Câu 2: Khí hậu nước ta có thuận lợi và khó khăn gì trong sản xuất nông nghiệp?
Gợi ý trả lời:
* Thuận lợi:
- Nước ta có khí nhiệt đới gió mùa ẩm. Nguồn nhiệt, ẩm phong phú giúp cho cây cối xanh tươi quanh năm, sinh trưởng nhanh, có thể trồng 2 đến 3 vụ trong năm.
- Khí hậu nước ta phân hoá nhiều theo chiều bắc - nam; theo mùa và theo độ cao nên có thể trồng được các loại cây nhiệt đới, cận nhiệt và ôn đới.
* Khó khăn:
Khí hậu nước ta nóng ẩm dễ phát sinh sâu bệnh, dịch bệnh. Ngoài ra, còn có nhiều thiên tai khác như: bão, gió Tây khô nóng, sương muối, mưa đá, rét hại…
BÀI 8 SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ NÔNG NGHIỆP
A. Kiến thức trọng tâm:
I. Ngành trồng trọt:
1. Cây lương thực:
- Lúa là cây trồng chính, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn để xuất khẩu.
Diện tích, năng suất, sản lượng lương thực, sản lượng lương thực bình quân đầu người không ngừng tăng.
- Cây lúa được trồng chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng.
2. Cây công nghiệp:
- Nước ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp.
- Cây công nghiệp hàng năm phân bố chủ yếu ở đồng bằng.
- Cây công nghiệp lâu năm phân bố vùng núi và trung du (với 2 vùng trọng điểm là Đông Nam Bộ và Tây Nguyên với các loại cây: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu,…)
3. Cây ăn quả:
Phát triển mạnh với nhiều loại cây có giá trị như: nhãn, sầu riêng, cam, xoài,… trồng nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ.
II. Ngành chăn nuôi:
Chiếm tỷ trọng còn nhỏ trong cơ cấu nông nghiệp; đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh.
- Chăn nuôi trâu, bò: được phát triển ở khu vực miền núi và trung du.
- Chăn nuôi lợn và gia cầm: chủ yếu ở khu vực đồng bằng.
B. Câu hỏi và bài tập:
Câu 1: Cho bảng số liệu:
Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời kỳ 1990 – 2005
(đơn vị: %)
Ngành |
1990 |
1995 |
2000 |
2005 |
Trồng trọt |
79,3 |
78,1 |
78,2 |
73,5 |
Chăn nuôi |
17,9 |
18,9 |
19,3 |
24,7 |
Dịch vụ nông nghiệp |
2,8 |
3,0 |
2,5 |
1,8 |
a) Vẽ biểu đồ miền thể hiện cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta từ năm 1990 đến năm 2005.
b) Rút ra nhận xét.
Gợi ý trả lời:
a) Vẽ biểu đồ miền:
b) Nhận xét:
Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp ở nước ta từ năm 1990 đến năm 2005 có sự thay đổi:
- Tỷ trọng ngành trồng trọt giảm từ 79,3% xuống còn 73,5%.
- Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 17,9% lên 24,7%.
- Tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp thấp và giảm nhẹ.
- Tỷ trọng ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng nhiều nhất.
Câu 2: Cơ cấu cây trồng nước ta chia mấy nhóm? Cơ cấu cây trồng đang thay đổi như thế nào?
Gợi ý trả lời:
- Cơ cấu cây trồng chia 3 nhóm:
+ Cây lương thực: lúa và hoa màu (ngô, khoai, sắn).
+ Cây công nghiệp: cây công nghiệp lâu năm (chè, cà phê, cao su,…) và cây công nghiệp hàng năm (mía, lạc, đậu tương,…).
+ Cây ăn quả và cây khác.
- Cơ cấu cây trồng thay đổi theo chiều hướng giảm tỷ trọng cây lương thực, tăng tỷ trọng cây công nghiệp.
Câu 3: Cho bảng số liệu:
Diện tích gieo trồng và sản lượng lúa cả năm ở nước ta giai đoạn 1990 – 2005
Năm |
1990 |
1995 |
1997 |
2000 |
2005 |
Diện tích (nghìn ha) |
6042,8 |
6765,6 |
7099,7 |
7666,3 |
7326,4 |
Sản lượng (nghìn tấn) |
19225,1 |
24963,7 |
27523,9 |
32529,5 |
35790,8 |
a) Hãy tính năng suất lúa bình quân ở nước ta qua các năm nói trên (đơn vị tạ/ ha).
b) Từ bảng số liệu, hãy nhận xét và giải thích về tình hình sản xuất lúa ở nước ta trong giai đoạn nói trên.
Gợi ý trả lời:
a) Năng suất lúa bình quân năm:
Năm |
1990 |
1995 |
1997 |
2000 |
2005 |
Năng suất (tạ/ha) |
31,8 |
36,9 |
38,8 |
42,2 |
48,9 |
b) Nhận xét:
Ngành sản suất lúa nước ta những năm qua có những bước phát triển mạnh. Từ năm 1990 - 2005:
+ Diện tích tăng (dẫn chứng số liệu)
+ Sản lượng tăng (dẫn chứng số liệu)
+ Năng suất tăng (dẫn chứng số liệu)
* Sự phát triển của ngành sản xuất lúa ở nước ta những năm qua là do chính sách quan tâm đầu tư của nhà nước nhằm thực hiện chương trình lương thực thực phẩm và phát huy được các tiềm năng thế mạnh sản xuất trong nước đặc biệt về tự nhiên (đất, khí hậu, nguồn nước, sinh vật...).
----
-(Để xem tiếp nội dung của tài liệu, các em vui lòng xem online hoặc đăng nhập tải về máy)-
Trên đây là trích đoạn một phần nội dung tài liệu Lí thuyết và bài tập tổng hợp chủ đề Địa Lí Kinh Tế môn Địa lí 9 năm 2021 có đáp án. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !