Bài văn mẫu Kể về ông của em dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 4 biết cách viết một bài văn kể một câu chuyện hay và sáng tạo nhất. Bên cạnh đó, bài văn mẫu này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy kể về người ông đáng kính của em.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Ông của em rất thích câu cá. Em rất thích được theo ông ra hồ câu.
Bầu trời hôm đó rộng lớn, trong xanh. Thỉnh thoảng gợn lên một vài đám mây trắng xốp, lơ lửng trôi nổi hoà vào nền trời xanh thẳm. Trên cành cây, những chú chim sẻ đang lích chích, chuyền cành. Những anh lá cùng chị gió hoà vào nhau, cùng đùa vui nhảy múa. Những tia nắng tinh nghịch cũng không chịu đứng yên, nhảy nhót, xuyên qua những tán lá xanh. Thiên nhiên cùng hoà tấu nên bản nhạc vui nhộn.
Ông và em tìm một cái chòi. Em đứng nhìn ông chuẩn bị. Ông lấy một tờ báo cũ, rải xuống sàn, tay ông cầm chiếc cần câu bằng tre do chính ông làm. Khuôn mặt ông chăm chú nhìn vào chiếc phao, chờ cá cắn câu. Khuôn mặt ông hồng hào, hiền từ với mái tóc và chòm râu trắng. Em thấy ông em như một ông tiên trong truyện cổ tích mẹ thường kể mỗi đêm.
Em đến ngồi gần ông và ngắm nhìn ông kĩ hơn. Ánh mắt ông rất sáng và đẹp lạ thường. Nhìn ông, chẳng ai biết ông đã ngoài 70. Tuy tuổi đã cao nhưng ông em vẫn còn khoẻ mạnh và dẻo dai. Vừa nhìn ông, em vừa hỏi: "Bao giờ thì cá mới cắn câu hả ông?", "Ông ơi, làm sao biết được cá cắn câu?".
Ông khẽ suỵt tôi: "Cháu phải biết kiên nhẫn chờ đợi. Đi câu chính là học đức tính kiên nhẫn, rèn cho ta sự kiên trì, không nên hấp tấp, vội vàng. Và giúp ta suy nghĩ mọi việc cho thấu đáo. Cháu hiểu không?" Tôi lắc đầu. Ông xoa đầu tôi, mỉm cười: "Khi cháu lớn thêm chút nữa, cháu sẽ hiểu được ông muốn nói gì". Ông giảng giải, khi câu cá, cháu phải biết chờ đợi. Cháu càng kiên nhẫn chờ lâu, khi cá đớp mồi, cháu sẽ câu được. Lúc đó, cháu sẽ rất vui. Đấy chính là phần thưởng cho lòng kiên nhẫn. Nếu cháu nóng vội, cháu sẽ bỏ dở công việc. Thế là chưa biết kiên nhẫn. Ông đang giảng cho tôi thì chiếc phao khẽ động đậy. Rất nhanh, ông giật lên được một chú cá chép rất to. Ông nhanh chóng gỡ cá ra, bỏ vào Xô. Ông bảo sẽ mang con cá này về cho bà nấu canh chua cho ông cháu mình. Ông lấy mồi câu khác gắn vào lưỡi câu, quăng cần xuống nước. Nhưng những con cá sau, ông đều thả chúng xuống nước. Ông bảo ông đi câu là vì thú vui thích câu cá.
Những khi được đi câu với ông, tôi lại học thêm được nhiều bài học mới. Bài học hôm nay của tôi là bài học về đức tính kiên nhẫn. Ông bảo lần sau sẽ dạy tôi cách làm thế nào để câu được cá. Buổi đi chơi với ông hôm nay thật lý thú.
2. Bài văn mẫu số 2
“Một hai ba, một hai ba, một hai ba…”. Nghe tiếng hô nhịp nhàng quen thuộc vang lên ngoài sân, em bừng tỉnh giấc. Kim đồng hồ chỉ 5 giờ 5 phút. Thôi chết, muộn rồi! Em thu dọn chăn màn rất nhanh rồi chạy vội ra sân tập thể dục cùng ông ngoại. Hai ông cháu tập xong bài thể dục buổi sáng thì bắt đầu chạy bộ dọc theo đường Thanh Niên, hít thở không khí trong lành. Hồ Tây, hồ Trúc Bạch mặt nước giăng giăng sương phủ. Khung cảnh ven hồ buổi bình minh tuyệt đẹp, rất hợp với tâm hồn nghệ sĩ của ông. Nhắc đến nghệ nhân cây cảnh Thanh Tâm, tức ông ngoại của em, quanh vùng Nhật Tân, Hữu Tiệp, Nghi Tàm này rất nhiều người biết. Từ thuở ấu thơ, em đã được sống với ông bà ngoại trong ngôi nhà đơn sơ, giữa khu vườn quanh năm sực nức hương hoa. Tình cảm ông cháu gắn bó vô cùng thân thiết.
Năm nay, ông em đã bảy mươi tư tuổi nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai và trí nhớ còn minh mẫn lắm. Là con người của công việc nên ít khi ông ở trong nhà. Khách tìm ông, cứ ra vườn là gặp. Vườn hoa, cây cảnh không chỉ là nguồn thu nhập hằng ngày mà hơn thế, nó là niềm vui, là lẽ sống của đời ông.
Em thường ra vườn xem ông làm việc. Đôi tay khéo léo, tài hoa của ông uốn từng nhánh cây, tỉa từng chiếc lá, nâng niu vun xới từng gốc hoa. Ông giải thích cặn kẽ cho em ý nghĩa sâu xa chứa đựng trong mỗi hình dáng mà ông mất bao công phu để tạo nên. Cây si bonsai đặt trong chiếc khay gốm hình bầu dục có năm tầng lá so le, ông bảo rằng tượng trưng cho năm điều cốt yếu trong đạo làm người là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Hai gốc đinh lăng, gốc cao gốc thấp, ông tỉa thành dáng phụ tử tình thâm. Mấy cây đào bích có thế rồng bay, phượng múa.
Cảm động biết bao khi em được ông cầm tay, dạy cho cách uốn những sợi dây thép vô tri thành hình những chú nai, chú hươu xinh xắn, để làm khung cho cây mọc theo ý muốn người trồng, ông bảo em rằng nghề làm vườn bắt buộc con người phải kiên trì, tỉ mỉ, nhất là phải thật sự yêu mến thiên nhiên, trái tim dễ dàng rung động trước một nụ hồng vừa hé nở, lóng lánh sương đêm; một bông đào thắm rung rinh trong gió sớm, báo hiệu mùa xuân sắp trở về. Em thích được nghe ông giải thích ý nghĩa một số loài cây, loài hoa quý như tùng, cúc, trúc, mai, liên (sen), tượng trưng cho cốt cách thanh cao, khí tiết hiên ngang và quan niệm sống trong sạch của bậc chính nhân quân tử. Em tin lời ông khẳng định là cây và hoa cũng biết vui buồn giống như con người vậy. Chúng có đời sống riêng, có tiếng nói riêng. Nếu chịu khó quan sát, lắng nghe, chúng ta sẽ hiểu.
Có lẽ tình yêu thiên nhiên tha thiết của ông đã dần dần thấm vào máu thịt đứa cháu trai mà ông quý mến. Nhiều lần, ông dẫn em đi chơi chợ hoa ngày Tết, hoặc đến tham quan Hội chợ hoa của Thủ đô. Em chụp ảnh cùng ông bên những cây cảnh mà ông mang đến dự thi và được tặng huy chương.
Không thể kể hết những kỉ niệm vui buồn về tình ông cháu. Rất giản dị, tự nhiên, ông ngoại đã truyền cho em ngọn lửa đam mê cuộc sống và những bài học quý báu trên đường đời. Em thấm thía lời dạy tâm huyết của ông: “Không có gì sung sướng bằng được hưởng thành quả lao động do chính bàn tay mình làm ra, cháu ạ!”. Được ông ngoại hết mực yêu thương, em thấy quả là hạnh phúc!
3. Bài văn mẫu số 3
Ông của tôi là một người cán bộ Đảng, ông đã mất khi tôi còn chưa có mặt trên cuộc đời này nhưng tôi được nghe mọi người kể lại rất nhiều. Chính vì thế dù chưa một lần được nhìn thấy ông một lần nhưng mỗi khi nhắc đến ông của mình tôi luôn cảm thấy và tự hào về một vị cán bộ Đảng liêm khiết và trong sạch, một người chồng hiền lành thường yêu vợ con hết mực.
Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hay thỉnh thoảng có dịp cả nhà ngồi quây quần bên nhau, tôi thường đề nghị bố hoặc bà mình kể về ông nội. Bà nói ngày trước khi ông bà mới lấy nhau, ông rất đẹp. Ông có một nét đẹp hiền hậu mà ngay từ lần đầu tiên nhiên bà đã ưng thuận theo ông rồi. Bà nói ngày xưa làm gì có yêu đương gì, dựng vở gả chồng là chuyện của cha mẹ, họ đặt đâu thì con cái phải ngồi ở đó, cấm có được cãi lời. Đời bà may mắn khi gặp được ông nội, hai người kết hôn từ năm mười bốn tuổi đến năm mười tám tuổi mới về ở với nhau.
Thời đó đang chuẩn bị bước vào thời kì dẹp hết quân Mỹ trên đất nước và bắt tay vào xây dựng đất nước. Ông ở nhà với bà rất ít vì ông bận việc cơ quan, ông luôn phải đi công tác xa nhà. Việc nhà ông cũng không thạo bằng ba, gia cảnh thì những bảy người con một mình bà ở nhà lo lắng nuôi nấng. Ông tôi thì yếu, làm việc nhà không được mấy là mỏi là đau nên bà nhiều lần bực tức nói ông thậm tệ. Thế nhưng ông cũng chỉ cười hề hề cho qua bởi ông biết bà vất vả lắm nên lúc tức bà nói vậy thôi.
Những lần đi công tác xa về ông lại mang về cho các con của mình vài gói bánh. Thời ấy mà có gói bánh ăn là cũng sang lắm rồi, nhà người ta còn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn nhưng nhà tôi nhờ có ông mà bố tôi và các bác được ăn cơm trắng. Bố tôi cũng kể lại rằng ngày bố con nhỏ bố được ông đưa ra Hà Nội chơi. Ở cơ quan của ông ai cũng quý ông, cơ quan tặng ông hai miếng đất tại Hà Nội để mai này xây dựng nhà cửa nhưng ông tôi vốn là người liêm khiết cho nên ông đã từ chối. Ông luôn luôn làm đúng trách nhiệm và bổn phận của mình với nhà nước và Đảng.
Nhiều khi ông đi xa, ăn một vài thứ quả ngon ông lại xin giống về trồng. Cho đến tận bây giờ cây mít mà ông mang về trồng vẫn còn đó, mỗi năm độ hè cây cho biết bao nhiêu là quả. Ăn những múi mít mật ngọt bùi, thơm nức tôi luôn mường tượng hình ảnh trìu mền hiền dịu của ông. Lần nào cây mít ra quả bà cũng chia đều những quả ngon nhất to nhất cho các cô các bác trong nhà. Đó là món quà của ông dành cho tất cả những đứa con của mình. Mỗi lần ngắm nhìn bức chân dung của ông tôi luôn luôn có một ước muốn ông còn sống để tôi có thể ngắm nhìn và yêu thương vị Đảng viên gương mẫu năm nào.
Đối với tôi, dù người ông ấy chưa một lần tôi được nhìn thấy, chưa một lần chạm tay, chưa một lần được ông ôm vào lòng nhưng tôi rất hạnh phúc vì có một người ông như vậy. Cuộc đời ông tuy ngắn nhưng ông đã để lại cho đất nước, cho gia đình biết bao nhiêu thứ quý giá.
4. Bài văn mẫu số 4
Cứ đến dịp nghỉ hè, bố mẹ lại cho tôi về quê. Bước vào trong nhà, một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên và kèm theo một cái xoa đầu: “Ôi! Đứa cháu yêu của ông đã về, năm nay kết quả học tập của cháu thế nào, có tốt không?” Đó chính là giọng nói của ông tôi đấy và cũng là người mà tôi yêu quý nhất trong nhà.
Năm nay, ông tôi đã chín mươi hai tuổi rồi nhưng vẫn còn minh mẫn. Ông không còn khỏe mạnh như xưa nữa mà gầy hẳn đi. Khuôn mặt in sâu những nếp nhăn vất vả. Đôi mắt đã mờ đục, không còn được tinh nữa nên mỗi khi đọc báo thì phải đeo kính, nhưng đôi mắt ấy luôn luôn nhìn tôi với một vẻ trìu mến, hiền từ. Mái tóc ông bạc trắng như cước làm ông giống như một ông bụt có tấm lòng nhân hậu trong những câu chuyện cổ tích bước ra vậy. Đôi bàn tay gầy gầy xương xương, rám nắng, luôn run run mỗi khi làm việc. Nước da không còn hồng hào nữa mà đen sạm đi vì nắng. Răng của ông đã rụng nhiều nhưng nhờ đeo thêm hàm răng giả nên nụ cười vẫn còn tươi. Ông ăn mặc rất giản dị, với những bộ quần áo được may bằng vải thô màu sang và đi đôi dép cao su màu nâu của bộ đội.
Vào những buổi sáng sớm, khi mặt trời bắt đầu từ từ nhô lên sau những dãy núi, màn sương trắng mỏng của ban đêm còn chưa tan hết thì đấy là lúc ông tỉnh dậy và cũng là người dậy sớm nhất nhà. Ra sân, ông hít căng lồng ngực tận hưởng không khí trong lành dễ chịu của buổi sáng. Năm nay, tuổi của ông đã cao mà vẫn dậy sớm để tập thể dục. Nhìn động tác ông xoay người, cúi xuống thì mới thấy hồi còn trẻ ông rất dẻo dai và nhanh nhẹn làm sao. Sau khi tập thể dục xong, ông thường làm bữa sáng cho cả nhà.
Mặc dù năm nay ông đã chín mươi hai tuổi, nhưng ông vẫn rất chăm chỉ. Ông rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội và các chương trình của nhà văn hóa đề ra. Có một lần ông nói với tôi rằng: “Từ hồi còn nhỏ ông đã là một cậu bé rất yêu quý thiên nhiên”. Cho nên ông rất thích trồng cây, chăm sóc cây cảnh những chú sâu tinh nghịch nào mà đến quấy phá khu vườn của ông là ông đi bắt luôn rồi lấy nước đi tưới cho cây. Cứ mỗi khi rảnh rỗi là ông lại ngồi vót tre hoặc đi cho gà ăn. Vào những buổi trưa hè nóng bức, ông thường lấy chiếc võng, chiếc quạt nan và chiếc đài ở trong nhà ra và chọn những chỗ có bóng râm của cây để mắc võng rồi nằm lên, nghe đài phát thanh, tay phe phẩy chiếc quạt nan. Vào những đêm trăng, ông thường lấy cái ghế mây trong nhà ra hiên ngồi kể chuyện cổ tích cho tôi và một vài đứa trẻ con trong làng nghe. Con cháu nhà mình mà có làm điều gì sau trái thì ông không hề quát mắng, trách móc mà nhẹ nhàng ôn tồn giảng giải, khuyên bảo. Ông rất nhiệt tình khi hàng xóm nhờ một việc gì đó nên mọi người trong làng ai cũng kính trọng và quý mến ông.
Mọi người ai ai cũng chúc thọ cho ông nhưng riêng tôi, tôi sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn để làm ông vui lòng, sống lâu trăm tuổi. Tôi rất yêu quý và kính trọng người ông của mình.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------