Bài văn mẫu Kể về nữ anh hùng chống ngoại xâm - Hai Bà Trưng dưới đây nhằm giúp các em có thái độ trân trọng, biết ơn những người anh hùng đã giữ gìn và bảo vệ độc lập của dân tộc. Chúc các em học tập thật tốt nhé!
Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy kể về nữ anh hùng chống ngoại xâm - Hai Bà Trưng mà em biết.
Gợi ý làm bài:
1. Bài văn mẫu số 1
Năm 34 sau tây lịch, nhà Đông Hán sai Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ.
Tô Định là một người tham lam tàn bạo. Dân chúng vô cùng oán hận, Lạc hầu, Lạc tướng cũng căm hờn. Còn Lạc tướng huyện Châu Diên là Thi Sách, mưu tính việc chống quân Tàu. Tô Định hay được bèn giết Thi Sách đi. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc nổi lên đánh Tô Định để báo thù cho chồng, rửa hận cho nước.
Trưng Trắc là con gái Lạc tướng Mê Linh, nay thuộc tỉnh Phúc Yên. Khi bà cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa thì các Lạc tướng và dân chúng hưởng ứng rất đông. Chẳng bao lâu, quân Hai Bà Trưng tràn đi khắp nơi, chiếm được 65 thành trì. Tô Định chống cự không lại trốn chạy về Tàu.
Hai Bà lên ngôi vua, đóng đô ở Mê Linh (năm 40 sau tây lịch). Dân chúng vui mừng độc lập.
Trưng Nữ Vương trị vì được hơn một năm thì nhà Đông Hán sai danh tướng là Mã Viện đem binh sang đánh. Quân cùa Mã Viện là quân thiện chiến, quân ta thì mới nhóm lên, nhưng nhờ sự dũng cảm, quân ta thắng được mấy trận đầu. Quân giặc phải rút về đóng ở vùng Lãng Bạc (tức gần Hồ Tây ở Hà Nội bấy giờ). Sau đó, Mã Viện được thêm viện binh, dùng mưu lừa quân ta kéo lên mạn thượng du rồi đánh úp. Hai Bà thua trận nên rút quân về giữ Mê Linh.
Mùa thu năm 43, Mã Viện đem binh vây đánh thành Mê Linh. Quân ít, thế cùng. Hai Bà phải bỏ chạy. Mã Viện xua quân đuổi theo. Hai Bà nhảy xuống sông Hát (chỗ sông Đáy đổ ra sông Hồng Hà) trầm mình để khỏi sa vào tay giặc.
Hai Bà Trưng làm vua không được bao lâu nhưng là hai vị anh thư cứu quốc đầu tiên của nước ta nên được hậu thế sùng bái đời đời.
Hiện nay, ở làng Hát Môn, thuộc huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây và làng Đồng Nhân, gần Hà Nội, có đền thờ Hai Bà, hàng năm, đến ngày mồng sáu tháng hai âm lịch là ngày hội để nhớ ơn hai vị nữ tướng.
2. Bài văn mẫu số 2
Lịch sử nước ta có rất nhiều vị anh hùng chống giặc ngoại xâm để giành lại non sông, đất nước.
Em ấn tượng nhất là Hai Bà Trưng. Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em, quê ở Bắc Ninh. Hai bà tuy là nữ giới nhưng giàu lòng yêu nước. Lòng căm thù giặc ngoại xâm dâng cao, khi chồng của bà Trưng Trắc bị thái thú Tô Định giết hại một cách dã man. Nên Bà quyết định nổi binh cùng em gái là Trưng Nhị. Trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, có rất nhiều nữ tướng tham gia và họ cùng nhau lập những chiến công khiến cho quân giặc khiếp sợ. Tuy nhiên vào năm 43, quân giặc tiến quân xâm lược trở lại. Hai Bà kiên cường chống trả nhưng do quân địch quá mạnh. Hai Bà thua trận và đã tự tử tại Hát giang. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa của hai nữ tướng đã góp phần không nhỏ vào công cuộc chống giặc ngoại xâm.
Hai bà mãi là những vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam. Các thế hệ con cháu đời sau luôn ghi nhớ công lao to lớn của hai bà.
3. Bài văn mẫu số 3
Lịch sử nước ta có biết bao nhiêu cuộc đấu tranh để giữ nước và đòi lại độc lập chủ quyền. Chính vì vậy nước ta có rất nhiều vị anh hùng chống ngoại xâm cứu nước lỗi lạc mà xuất thân của họ từ chính những người dân bình thường. Hai Bà Trưng cũng vậy. Hai Bà Trưng ghi danh vào trang sử hào hùng với cuộc chiến chống ách đô hộ nhà Đông Hán (40-43) tại quê nhà Bắc Ninh của hai bà. Chồng của bà Trưng Trắc bị thái thú Tô Định giết hại một cách dã man, bà quyết định nổi binh cùng em gái là Trưng Nhị tại thành Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh. Trước khi xuất binh, hai bà đã đọc vang lời thề:
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này
Trong cuộc khởi nghĩa của hai bà, có rất nhiều nữ tướng tham gia và họ cùng nhau lập những chiến công khiến cho quân giặc khiếp hồn, thái thú Tô Định phải bỏ chạy về nước. Sau khi làm chủ đất Mê Linh, Trưng Trắc lên làm vua lấy hiệu là Trưng Vương, hoàn thành sứ mệnh nối nghiệp họ Hùng. Năm 43, quân giặc tiến quân xâm lược, Hai Bà Trưng kiên cường chống trả, song quân địch quá đông và mạnh, Hai Bà thua trận và đã tự tử tại sông Hát. Tuy thất bại nhưng cuộc khởi nghĩa của hai nữ tướng đã góp phần không nhỏ vào việc chống giặc ngoại xâm.
Hai bà mãi là những vị tướng tài của dân tộc, cả dân tộc không quên công lao to lớn ấy của hai bà.
4. Bài văn mẫu số 4
Đất nước ta từ xưa đến nay đã sinh ra không kể hết những vị anh hùng hào kiệt lừng lẫy. Trong đó không phân biệt người già người trẻ, người trai, người gái. Ai ai cũng tài giỏi, xuất chúng. Tuy nhiên, em vẫn dành nhiều hơn sự kính trọng của mình cho hai vị nữ vương mạnh mẽ của nước ta: Hai Bà Trưng.
Hai Bà Trưng là tên gọi chung cho hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hai bà vốn là dòng dõi của người cai trị vùng đất Mê Linh thuở ấy. Tuy là phận nữ nhi, nhưng họ rất giỏi việc binh đao, chiến sự. Trước tình thế nhân dân ta phải oằn mình chịu sự đô hộ của lũ người phương Bắc, hai bà rất căm phẫn và tức giận. Cho đến một ngày, chồng của Trưng Trắc là Thi Sách bị giết hại, thì sự phẫn nộ được bùng lên. Hai bà quyết định đứng dậy, đánh đuổi lũ người phía Bắc kia chứ không thể cam chịu nữa.
Với tài thao lược và đức độ của mình, hai bà nhanh chóng liên kết thêm nhiều thế lực khác, mở rộng nghĩa quân. Đoàn quân đánh đâu thắng đó, đem lại nền độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, một thời gian sau, quân giặc đem một đạo quân đông đảo và tinh nhuệ quay trở lại. Hai bà đã dốc hết sức, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng nhưng vẫn thất bại. Trước tình thế đó, hai bà đã nhảy vực tự vẫn chứ thề không để rơi vào tay giặc.
Tấm gương của Hai Bà Trưng đã khiến em vô cùng kính nể và ngưỡng mộ. Em quyết sẽ học tập, rèn luyện thật chăm chỉ để xứng đáng với những gì mà hai bà và những người anh hùng khác đã hi sinh cho tổ quốc.
------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------