Hóa thân vào những que diêm kể lại câu chuyện Cô bé bán diêm là một trong những tài liệu hữu ích dành cho các em tham khảo, nhằm giúp các em biết cách làm bài văn được chính xác và hấp dẫn hơn. Chúc các em học tốt! Ngoài ra, để làm phong phú thêm kiến thức cho bản thân, các em có thể tham khảo thêm bài văn mẫu Cảm nhận về cái kết của truyện Cô bé bán diêm.
1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý
2. Dàn bài chi tiết
a. Mở bài:
- Giới thiệu về que diêm (xưng tôi): Tôi còn nhớ nhớ như in, vào một đêm cuối năm đầy rét mướt với hơi sương phủ ngập, vậy mà chúng tôi vẫn lang thang trên phố trong chiếc giỏ của cô bé tội nghiệp. Lúc này, ngoài đường phố đã dần thưa thớt ít người qua lại, ánh đèn sáng rực từ cửa sổ chiếu xuống lòng đường và mùi ngỗng quay lan tỏa khắp nơi. “Thời khắc giao thừa sắp đến rồi mà sao cô chủ vẫn chưa về nhà nhỉ?” Ai nấy trong chúng tôi đều có cùng suy nghĩ về điều đó nhưng chỉ biết nằm im bất động và cầu nguyện rồi ai cũng sẽ được người tốt bụng nào đó mua và mang về nhà để đón năm mới trong sự ấm cúng chứ không phải lạnh giá như thế này.
b. Thân bài:
- Nói về xuất thân của mình:
+ Tôi là một trong những chiếc que diêm được cô chủ nhỏ mua về từ một tiệm tạp hóa trong thành phố.
- Nói về những việc đã được chứng kiến, được nghe từ cô bé bán diêm:
+ Tôi co ro trong chiếc hộp nhỏ vì hôm nay là Giáng sinh cơ mà .
+ Tiếng rao bán diêm của cô chủ vang vọng mãi trên các đường phố lạnh cóng ..đầy tuyết lạnh rơi phủ dày đặc hàng gang.
+ Cô chủ bán chúng tôi đi để mang về những đồng tiền ít ỏi trang trải phần nào cuộc sống khó khăn của gia đình và bản thân cô.
+ Cô chủ bán rất rẻ, chỉ một xu cho một que diêm thế mà không ai mua chúng tôi cả. Lý do thật dễ hiểu, không ai đi ra trời lạnh như thế này trong đêm 30 chỉ để mua diêm cả . Càng về đêm , trời càng lạnh, cô chủ chắc cũng như chúng tôi, đang co ro trong bộ áo mỏng ,rẻ tiền.
+ Tôi nghe văng vẳng tiếng nhạc Giáng sinh, tiếng mọi người vui vẻ chúc nhau năm mới khi cô bé đi qua những con phố.
- Khi chứng kiến những hành động của cô bé bán diêm:
+ Thỉnh thoảng tôi cảm thấy cô dừng chân rất lâu ở một nơi chốn nào đó. Có thể đó là một cửa hàng với những cây thông trang trí thật đẹp.
+ Có thể đó tiếng cười vui vẻ của một gia đình nào đó sẽ thật ấm cúng và đầy đủ với gà tây,rượu và bánh trái. Cô chủ nhỏ của chúng tôi như có vẻ như đói lắm rồi, cô nép vào những tòa nhà để nép mình trước những cơn gió lạnh. Cô bật cháy chúng tôi, từng que diêm một.
+ Khi đến lượt tôi thì cô bé đã ngã xuống nền tuyết giá lạnh. Trước khi vụt tắt tôi vẫn thấy trên môi cô bé hé nở một nụ cười .Nụ cười của hạnh phúc. chắc hẳn cô chủ đang mơ một giấc mơ đẹp trong đêm đông. Một đêm giáng sinh- noel thật là an lành.
c. Kết bài:
- Cuộc sống không có ước mơ thì quả thật nhạt nhẽo, mỗi que diêm là một ước mơ của một tâm hồn bé bỏng và trong sáng, mỗi ánh lửa bùng cháy là chút tình thương đâu đó còn sót lại của lòng nhân. Câu chuyện kết thúc thật buồn nhưng đâu đó ta vẫn thấy một kết thúc có hậu, chắc hẳn cô bé đã nghĩ rằng mình đã về với mẹ của mình, được nép vào lòng mẹ như cô hằng mơ ước.
-“Hãy biết ước mơ dù đôi khi ước mơ cũng chỉ là mơ ước, nhưng hãy cứ tiếp tục ước mơ …” đó là thông điệp đằng sau câu truyện, cô bé chết nhưng không phải một cái chết vô nghĩa, cô vẫn còn đâu đó trong suy nghĩ của những người lớn chúng ta rằng sống phải có hoài bảo, trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt đến như thế nào thì cũng không được bỏ cuộc hay trong những giấc mơ trẻ thơ thương xót cho một tâm hồn bé không có nhiều điều kiện như mình – đó là lòng nhân ái.
3. Bài văn mẫu
Đề bài: Bằng một bài văn ngắn, em hãy hóa thân vào những que diêm kể lại câu chuyện Cô bé bán diêm.
Gợi ý làm bài:
3.1. Bài văn mẫu số 1
Đêm giao thừa, trời rét mướt, trong khi mọi người đang quây quần sum họp đầm ấm và hạnh phúc trong những mái nhà rực rỡ ánh đèn thì chúng tôi - những que diêm vẫn nằm trong bao và trên giỏ của cô bé bán diêm.
Tôi và những que diêm khác đã cùng với cô bé đầu trần chân đất ấy đi khắp ngõ ngách trên phố nhưng thật buồn khi suốt cả ngày cũng chẳng có ai trong số những bao diêm chúng tôi được bán đi. Đêm giao thừa nên mùi ngỗng quay thơm lừng khắp phố, chắc hẳn cô chủ của chúng tôi đang nhớ bà nội lắm, bởi quãng thời gian có bà là những tháng ngày đầm ấm. Từ khi Thần Chết đến cướp bà đi, cuộc sống của cả gia đình đã tiêu tán, cô phải chui rúc ở một xó tối tăm, suốt ngày nghe tiếng chửi rủa của cha cô. Cô bé ôm chiếc giỏ đựng chúng tôi vào lòng rồi ngồi nép vào một góc tường giữa hai ngôi nhà, cô thu đôi chân sát vào người bởi ngay chúng tôi cũng cảm thấy trời mỗi lúc càng rét hơn. Hôm nay cô đã không về nhà, chúng tôi biết vì sao, bởi chúng tôi không ai được bán đi thì cô về nhà sẽ bị cha đánh, mà tôi cũng nghĩ dù cô bé có về nhà cũng chẳng khác hơn ở đây là bao, nơi cha con cô ở là gác sát mái nhà, những vách hở khiến gió vẫn thổi rít vào trong. Hé nhìn qua bao diêm, tôi thấy bàn tay cô bé đang cứng đờ, rồi bỗng nhiên tôi nghe tiếng cô thì thầm với chính mình:
- Chà! Giá quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét chút nhỉ? Giá mình có thể rút một que diêm ra quẹt vào tường mà hơ ngón tay nhỉ?
Thế rồi, mạnh mẽ hơn, cô lại quẹt lửa anh bạn thứ hai. Lửa lại cháy và sáng rực. Ánh mắt cô bé lại vui lên. Khuôn mặt đỏ hồng rạng rỡ. Nhưng không đầy một phút sau, anh bạn tôi vụt tắt. Trước mặt cô bé chỉ còn là những bức tường lạnh lẽo, dày đặc, tối tăm. Phố xá vẫn vắng teo và lạnh buốt. Tuyết phủ trắng xóa, gió bấc vi vu và mấy người khách qua đường quần áo ấm áp vội vã đi đến nơi hò hẹn.
Cô chủ không còn nghĩ về cha. Cô không còn sợ. Cô quẹt thêm một que diêm nữa. Lần này cảm giác như anh bạn của chúng tôi bốc cháy lâu hơn. Niềm vui cũng dừng lại trên khuôn mặt của cô chủ tôi lâu hơn đôi chút. Không biết lúc này cô bé đang nghĩ đến cái gì, đến cây thông Nô-en hay đến người bà yêu quý.
Cô bé lại quẹt thêm một que diêm nữa. Một ánh sáng xanh tỏa ra xung quanh. Cô bé cười và reo lên hạnh phúc:
- Bà ơi! Cho cháu đi với! Cháu biết rằng diêm tắt thì bà cũng biến đi mất như lò sưởi, ngỗng quay và cây thông Nô-en ban nãy. Nhưng xin bà đừng bỏ cháu ở nơi đây. Trước khi bà về với Thượng đế chí nhân, bà cháu ta đã từng sung sướng biết nhường nào. Dạo ấy bà từng chủ cháu rằng nếu cháu ngoan ngoãn, cháu sẽ được gặp lại bà. Bà ơi! Cháu van bà, bà xin với Thượng đế chí nhân cho cháu về với bà. Chắc Người không từ chối đâu.
Anh bạn thứ tư của chúng tôi vụt tắt. Thế là cái ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt cô chủ nhỏ cũng biến mất luôn. Nhưng cô bắt đầu lôi ra tất cả chúng tôi và quẹt sáng. Dường như cô chủ của chúng tôi đang muốn níu kéo một điều gì. Chúng tôi nối nhau chiếu sáng như giữa ban ngày. Và chúng tôi nhận ra trên khuôn mặt kia đang nở ra một nụ cười mãn nguyện. Một xó tường bỗng vụt sáng lên nhưng cũng chỉ một phút sau nó lại trở về với cái tối tăm lạnh lẽo. Chúng tôi đã thắp lên những tia sáng cuối cùng còn cô chủ của chúng tôi thì bỗng nhiên gục xuống. Có lẽ cô mệt quá. Cô đã không ăn và không nghỉ suốt những ngày qua nên chắc bây giờ đang đói lả. Chúng tôi thương cô chủ quá và cầu mong sao cho đêm giao thừa qua thật là nhanh.
Sáng ngày mùng một, tuyết vẫn phủ kín mặt đất, nhưng mặt trời lên, trong sáng và chói chang trên bầu trời xanh nhợt. Chúng tôi – những que diêm còn sót lại trong túi của cô chủ đêm qua bỗng nghe thấy tiếng gọi của một người phụ nữ:
- Cháu bé ơi! Cháu bé ơi! Cháu là con cái nhà ai mà ra nông nỗi thế này.
Người đi đường cũng bắt đầu xúm lại. Họ tò mò đoán và ngắm nghía cô gái có đôi má hồng và đôi môi đang cười mỉm nằm giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết hẳn. Người đàn bà khi nãy rẽ đám đông ra để chen vào. Tay bà mang theo một cốc sữa đang còn nóng và một chiếc áo lông cừu đang còn mới. Uống một cách khó khăn vài ngụm sữa, cô chủ đã mơ màng tỉnh lại. Mấy người đàn ông giúp người phụ nữ đưa cô chủ về một ngôi nhà nhỏ rồi họ tản mác đi chơi. Bây giờ cô chủ đã tỉnh hẳn và đang ngồi bên lò sưởi.
- Cháu cảm ơn bà! Cô chủ nói.
Người phụ nữ nhanh nhảu đáp:
- Không có gì đâu cháu ạ! Nhìn cháu ta đã đoán ra tất cả mọi việc rồi. Ta cũng buồn như cháu. Trước đây ta cũng có một cô cháu gái nhưng Thượng đế chí nhân đã rước nó đi. Giờ ta gặp cháu đâu phải chăng là Thượng đế thương ta mà trả cho ta đứa cháu. Ta tuy nhỏ nhưng rất rộng lòng thương. Nếu cháu muốn, cháu có thể ở đây với ta làm bạn.
Cô bé không đáp lời người phụ nữ. Mắt cô bé rưng rưng nhìn những bông tuyết đang rơi trắng xóa ngoài khung cửa. Nhưng rồi bỗng nhiên cô quay lại, sà vào vòng tay âu yếm của người thiếu phụ và nức nở: Bà ơi! Bà ơi! Bà thương cháu mà trở về với cháu thật hay sao!
3.2. Bài văn mẫu số 2
Đó là một đêm cuối năm đầy rét mướt với hơi sương phủ ngập, vậy mà chúng tôi vẫn lang thang trên phố trong chiếc giỏ của cô bé tội nghiệp. Lúc này, đường phố đã dần thưa thớt ít người qua lại, ánh đèn sáng rực từ cửa sổ chiếu xuống lòng đường và mùi ngỗng quay lan tỏa khắp nơi. "Thời khắc giao thừa sắp đến rồi mà sao cô chủ vẫn chưa về nhà nhỉ?" Ai nấy trong chúng tôi đều có cùng suy nghĩ về điều đó nhưng chỉ biết nằm im bất động và cầu nguyện rồi ai cũng sẽ được người tốt bụng nào đó mua và mang về nhà để đón năm mới trong sự ấm cúng.
Lời cầu nguyện của chúng tôi có lẽ sẽ không trở thành sự thật. Bởi đêm ba mươi thì còn ai ra đường để mua diêm làm gì nữa cơ chứ? Giờ này mọi người đã sum vầy bên gia đình, thưởng thức bữa ăn cuối năm bên cạnh lò sưởi ấm áp và đón chờ năm mới đến. Tất cả mọi người trong chúng tôi ai cũng hiểu điều đó và chắc hẳn cô chủ nhỏ bé của chúng tôi cũng biết điều đó. Những bước chân của cô không ngừng lại mà vẫn đi mãi, lang thang trong gió rét với một niềm hi vọng đang dần chìm vào vô vọng. Niềm hi vọng đang dần biến mất và thay vào đó là vẻ mặt lo lắng dẫn hiện rõ trên gương mặt của cô bé tội nghiệp. Không gian xung quanh đang dần chìm vào tĩnh lặng bởi tiếng bước chân người đi bộ đang thưa dần. Mùi ngỗng quay càng lúc càng đậm hơn khiến bước chân cô gái nhỏ nhanh hơn. Qua khe hở của bao diêm, chúng tôi thấy sự tuyệt vọng đã bắt đầu hiện rõ hơn trên đôi mắt cô chủ. Có lẽ, khung cảnh xung quanh gợi lại trong cô những kỉ niệm mà cô vẫn hằng mong chúng sẽ trở thành sự thật. Cô nhớ lại năm xưa cũng được đón giao thừa cùng bà nội hiền hậu ở nhà. Nhưng thời gian hạnh phúc của cô bé thật ngắn ngủi khi thần chết đã cướp người bà của em đi mất. Từ khi gia sản tiêu tan, gia đình em phải lìa xa ngôi nhà xinh xắn có dây trường xuân bao quanh để đến một xó tối tăm. Hằng ngày, cô bé phải nghe những lời mắng nhiếc thậm tệ của người bố vì tù túng mà trở nên thô bạo. Em không còn được chăn ấm nệm êm, không còn những bữa ăn ngon mà thay vào đó là hoàn cảnh đáng thương.
Càng về khuya, tuyết càng rơi nhiều. Bóng tối, cơn lạnh lẫn cơn đói như phủ lên, như quấn vào hình hài nhỏ bé ốm yếu. Bé vào núp bên vỉa hè giữa hai dãy nhà cao để tránh cơn gió quái ác và tìm chút hơi ấm trong đêm. Ngồi nghỉ một lát, chợt nhớ ra bao diêm, bé lấy ra một cây, quẹt lên để sưởi cho mấy ngón tay bớt cóng. Cây diêm cháy bùng lên thật sáng, thật ấm, nhưng chỉ một lát thì tắt mất, làm bé càng bực mình hơn trước. Bé thử quẹt lên một cây diêm thứ hai. Khi cây diêm cháy bùng lên, bé thấy trước mặt mình một bàn đầy thức ăn, những món đặc biệt của ngày lễ giáng sinh. Bé mừng quá, đưa tay ra chụp lấy thì ngay lúc ấy cây diêm tắt, để lại bé trong bóng tối dày đặc, với cái lạnh bây giờ càng khủng khiếp hơn. Bé sợ quá, sợ lạnh, sợ tối, vội vàng lấy bao giấy đổ diêm ra hết, rồi cứ quẹt lên từng cây một, hết cây này đến cây khác. Trong ánh sáng của mỗi cây diêm bé thấy mình được về nhà, được gặp lại người mẹ thân yêu. Mẹ âu yếm bế bé đến gần bên lò sưởi, mặc cho bé chiếc áo choàng dài thật ấm, thật đẹp, xong nhẹ nhàng đút cho bé từng miếng bánh ngon. Mẹ trìu mến ôm bé vào lòng, vuốt ve, hỏi han đủ chuyện. Mỗi lần que diêm tắt, hình ảnh người mẹ thân yêu tan biến, bé hoảng sợ, vội vàng quẹt lên một que khác, mẹ lại hiện ra. Cứ như thế, tay bé cứ say sưa quẹt hết mớ diêm này đến mớ diêm khác. Rồi như người điên, bé lấy que diêm châm vào cả hộp diêm. Khi ánh lửa bùng lên, bé thấy mẹ cúi xuống bế bé lên, mang bé bay bổng về nơi đầy tiếng hát, đầy những người thân yêu, bé không còn thấy lạnh, thấy đói gì nữa.
Sáng hôm sau, những người trong phố tìm thấy em bé đáng thương nằm chết bên cạnh đống diêm vãi tung tóe trong ngõ hẻm.
-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----