HOC247 xin giới thiệu tài liệu Chuyên đề Quá trình tiêu hóa ở động vật Sinh học 11 đến các em nhằm giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức về hệ tiêu hóa của động vật trong chương trình Sinh học 11. Mời các em cùng tham khảo!
QUÁ TRÌNH TIÊU HÓA Ở ĐỘNG VẬT
I. Lý thuyết
- Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể hấp thụ được.
- Tiêu hóa ở động vật gồm: tiêu hóa nội bào với tiêu hóa ngoại bào.
1. Tiêu hóa ở động vật chưa có cơ quan tiêu hóa:
- Thức ăn được tiêu hóa nội bào
- VD: trùng giày, amip …
2.Tiêu hóa ở động vật có túi tiêu hóa :
- Túi tiêu hóa có hình túi và được hình thành từ nhiều tế bào. Túi tiêu hóa có một lỗ thông duy nhất ra bên ngoài. Lỗ thông vừa làm chức năng miệng vừa làm chức năng hậu môn.
- Trên thành túi có nhiều tế bào tuyến. Các tê bào này tiết enzim tiêu hóa vào lòng túi tiêu hóa.
- Ở túi tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào và tiêu hóa nội bào
3. Tiêu hóa ở động vật có ống tiêu hóa:
- Ống tiêu hóa được cấu tạo từ nhiều bộ phận khác nhau. Trong ống tiêu hóa, thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học và nhờ tác dụng của dịch tiêu hóa.
- Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thịt và thú ăn thực vật :
+ Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thịt:
- Bộ răng: răng nanh, răng hàm và răng cạnh hàm phát triển để giữ mồi, xé thức ăn
- Dạ dày: Dạ dày to chứa nhiều thức ăn và tieu hóa cơ học, hóa học.
- Ruột ngắn do thức ăn giàu chất dinh dưỡng.
+ Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thực vật:
- Bộ răng : răng cạnh hàm, răng hàm phát triển để nghiền thức ăn thực vật cứng.
- Dạ dày một ngăn hoặc 4 ngăn (động vật nhai lại).
- Ruột dài do thức ăn nghèo chất dinh dưỡng. Manh tràng phát triển ở thú ăn thực vật có dạ dày đơn.
II. Bài tập vận dụng
Câu 1: Cơ quan tiêu hóa của động vật nhai lại có cấu tạo và hoạt động như thế nào để có thể biến đổi thức ăn nhiều chất xơ, ít chất dinh dưỡng thành sản phẩm tiêu hóa giàu prôtêin?
Hướng dẫn giải
*) Cấu tạo cơ quan tiêu hóa ở trâu phù hợp với loại thức ăn:
- Hàm trên không có răng cửa mà có tấm sụn để giữ, bứt cỏ khi ăn. răng hàm có bề mặt rộng, nhiều nếp men răng cứng, góc quai hàm mở rộng theo chiều trái phải để nhai, nghiền thức ăn..
- Dạ dày có 4 ngăn, dạ cỏ có dung tích lớn chứa được nhiều cỏ khi ăn, dạ cỏ cũng là nơi có hệ vi sinh vật phát triển để tiêu hóa thức ăn.
*)Phương thức tiêu hóa:
- Ngoài tiêu hóa cơ học, lí học còn có tiêu hóa sinh học nhờ VSV phân giải xenlulôzơ thành đường đơn và các axit béo cung cấp cho cơ thể đồng thời là nguyên liệu cho VSV trong dạ cỏ tổng hợp prôtêin của chúng với khối lượng lớn.
- Trong quá trình nhai lại, một phần amôni (NH3) là sản phẩm thải của cơ thể được tận
thu qua tuyến nước bọt làm nguồn cung cấp nitơ cho các VSV tổng hợp aa và prôtêin.
Câu 2. Tại sao Động vật ăn thực vật lại có dạ dày to và độ dài ruột lớn?
Hướng dẫn giải
Vì thành phần chủ yếu trong thức ăn là xenlulozơ, ít protein và lipit ⇒ hàm lượng dinh dưỡng ít ⇒ khối lượng thức ăn cung cấp cần nhiều ⇒ nơi chứa thức ăn phải lớn ⇒ dạ dày phải to, ruột phải đủ dài đảm bảo tiêu hoá và hấp thụ được tốt nhất ⇒ cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho nhu cầu cơ thể.
Câu 3. Tại sao trong mề của gà hoặc chim bồ câu mổ ra thường thấy có những hạt sỏi nhỏ?. Chúng có tác dụng gì?
Hướng dẫn giải
Vì: Ở gà hoặc chim bồ câu ở khoang miệng không có răng nên chúng mổ thêm các hạt sỏi nhỏ vào mề, giúp nghiền thức ăn dễ dàng nhờ lớp cơ dày, khoẻ, chắc của mề; chà sát thức ăn được làm mềm bởi dịch tiết ra ở diều.
Câu 4: Tại sao người ta thường nói “Nhai kĩ no lâu”?
Hướng dẫn giải
Vì:
+ Ở động vật và người các chất dinh dưỡng được thu nhận từ quá trình tiêu hóa thức ăn: thức ăn được biến đổi trong hệ tiêu hóa: miếng(nhai) ⇒ thực quản ⇒ dạ dày ⇒ ruột ⇒ chất đơn giản cung cấp cho cơ thể.
+ Nhai giúp cắt nhỏ, xé, nghiền thức ăn thành những mẩu nhỏ. Càng nhai kĩ thức ăn càng nhỏ ⇒ diện tích tiếp xúc với dịch tiêu hóa cang lớn ⇒ tiêu hóa càng nhanh và thức ăn càng được biến đổi triệt để ⇒ cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn so với nhai vội vàng ⇒ cơ thể no lâu hơn.
Câu 5: Mề là tên gọi khác của bộ phận nào trong ống tiêu hoá của chim ?
A. Ruột
B. Diều
C. Dạ dày tuyến
D. Dạ dày cơ
Hướng dẫn giải
Đáp án: D
Câu 6: Dựa vào đặc điểm của cơ quan tiêu hoá, em hãy cho biết động vật nào dưới đây không cùng nhóm với những động vật còn lại ?
A. Sán dây
B. Thuỷ tức
C. Trùng roi xanh
D. Hải quỳ
Hướng dẫn giải
Đáp án: C
Câu 7: Ở động vật nhai lại, ngăn nào được xem là dạ dày chính thức của chúng ?
A. Dạ tổ ong
B. Dạ cỏ
C. Dạ lá sách
D. Dạ múi khế
Hướng dẫn giải
Đáp án: D
Câu 8: Động vật nào dưới đây có dạ dày đơn ?
A. Cừu
B. Lừa
C. Lạc đà
D. Nai
Hướng dẫn giải
Đáp án: B
Câu 9: Trong dạ dày của động vật nhai lại, vi sinh vật tiết ra enzim tiêu hoá xenlulôzơ cộng sinh chủ yếu ở đâu ?
A. Dạ lá sách
B. Dạ tổ ong
C. Dạ cỏ
D. Dạ múi khế
Hướng dẫn giải
Đáp án: C
Trên đây là toàn bộ nội dung tài liệu Chuyên đề Quá trình tiêu hóa ở động vật Sinh học 11. Để xem toàn bộ nội dung các em đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Các em quan tâm có thể tham khảo thêm các tài liệu cùng chuyên mục:
- Bài tập trắc nghiệm ôn tập Cảm ứng ở động vật Sinh học 11 có đáp án
- Kiến thức trọng tâm chuyên đề: Sinh sản ở động vật Sinh học 11
Chúc các em học tập tốt !