Với mong muốn đem đến cho các em học sinh có thêm nhiều tài liệu ôn tập, chuẩn bị thật tốt cho kì thi HK1 sắp đến, ban biên tập HỌC247 xin gửi đến các em Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 có đáp án năm 2021-2022 Trường THPT Lê Chân dưới đây. Chúc các em có một kì thi thật tốt!
TRƯỜNG THPT LÊ CHÂN |
ĐỀ THI HỌC KÌ 1 MÔN: NGỮ VĂN 10 NĂM HỌC: 2021-2022 (Thời gian làm bài: 90 phút) |
ĐỀ SỐ 1
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Một năm đi qua. Mùa xuân thứ hai đã đến. Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở khác của đất hoang… Một mảnh vải trắng làm rèm che cửa, một giàn liễu leo có những chấm hoa đỏ thắm như nhung ở mé hiên phía trước, bóng lá loáng mướt của rặng chuối, màu càng rực của khóm đu đủ, mấy con ngỗng bì bạch ở mé nhà, tiếng guốc đi lẹp kẹp, bóng dáng nặng nề của những chị có mang ở khu gia đình, những ngọn đèn le lói, mảng thuốc bay qua ánh đèn trông rõ từng sợi xanh. Tiếng cười the thé, tiếng thủ thỉ, tiếng la hét, tiếng trẻ con khóc. Người ta làm việc, người ta yêu nhau, và làm cho nhau đau khổ. Những nỗi niềm, những tâm sự, những mong ước. Cuộc sống vĩ đại đã trở lại rồi”.
(Mùa lạc - Nguyễn Khải)
Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt của đoạn trích trên.
Câu 2 (0,75đ): Thiên nhiên mùa xuân được tác giả miêu tả như thế nào?
Câu 3 (0,75đ): Những biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn? Tác dụng?
Câu 4 (1đ): Qua đoạn trích trên, anh/chị hãy nêu cảm nhận của mình về sự hồi sinh của đất trời những ngày đầu đất nước dành lại độc lập.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội về giá trị của bản thân trong cuộc sống.
Câu 2 (5đ): Sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thủy cung, Trọng Thủy đã tìm gặp lại Mị Châu. Hãy tưởng tượng và kể lại câu chuyện đó.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 1
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt của đoạn trích: miêu tả, tự sự, biểu cảm.
Câu 2 (0,75đ):
Thiên nhiên mùa xuân được tác giả miêu tả: Màu xanh thẫm của đỗ, của ngô, của lạc, màu xanh non của lá mạ, màu đỏ tươi của ớt chín lấn dần lên các thứ màu nham nhở khác của đất hoang, một giàn liễu leo có những chấm hoa đỏ thắm như nhung ở mé hiên phía trước, bóng lá loáng mướt của rặng chuối, màu càng rực của khóm đu đủ.
Câu 3 (0,75đ):
- Những biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn: so sánh (đỏ thắm như nhung), liệt kê (thiên nhiên và hoạt động của con người), điệp.
- Tác dụng: Tái hiện sự hồi sinh của cảnh vật và cuộc sống con người.
Câu 4 (1đ):
- Nêu cảm nhận của mình về sự hồi sinh của đất trời những ngày đầu đất nước dành lại độc lập:
+ Thiên nhiên tươi mới, tràn đày sức sống hơn.
+ Con người vui vẻ, hân hoan, tích cực tham gia lao động sản xuất.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý Nghị luận xã hội về giá trị của bản thân trong cuộc sống
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: giá trị của bản thân trong cuộc sống.
2. Thân bài
a. Giải thích: Giá trị của bản thân: là những điều cốt yếu tạo nên mỗi con người bao gồm ngoại hình, tính cách, cá tính, nhân phẩm, ý chí. Mỗi con người đều có những đặc điểm và giá trị khác nhau tạo nên dấu ấn riêng biệt của người đó.
b. Phân tích
- Nhờ có những giá trị riêng biệt của bản thân mà con người có những khả năng khác nhau, tư duy khác nhau tạo nên sự đa dạng cho cuộc sống, cho xã hội.
- Xã hội phát triển là nhờ vào những giá trị riêng biệt của nhiều cá nhân tạo thành.
- Nếu con người không có những giá trị riêng biệt, xã hội sẽ bão hòa, không có những sự phong phú, đa dạng ngành nghề,… và dần dần xã hội mất đi niềm vui, con người sẽ biến thành những chiếc máy.
- Mỗi người cần phải tự nhận biết được những giá trị riêng biệt của bản thân để phát triển mình và tìm cho mình hướng đi thích hợp nhất.
c. Chứng minh
- Học sinh tự lấy dẫn chứng tiêu biểu, xác thực để minh họa cho bài làm của mình.
d. Phản đề
- Trong cuộc sống có những người không nhận biết được những giá trị của mình mà chỉ nghe theo sự sắp xếp của người khác, lại có những người quá tự cao tự đại, ảo tưởng về giá trị của bản thân mình cho mình là hơn người,… → những người này đáng bị thẳng thắn phê phán.
3. Kết bài
- Khái quát lại tầm quan trọng của những giá trị của bản thân và liên hệ bản thân, đưa ra bài học.
---(Để xem tiếp đáp án những câu còn lại vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 2
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Nói về ở Bắc Kinh, có một vị viên ngoại họ Vương tên Lưỡng Tùng, tự Tử Trinh, tính tình thuần thục trung hậu, gia kế thường thường, không dồi dào cũng không túng kém. Vợ họ Hà, cũng là người hiền năng, sinh được một con trai tên Vương Quan, học tập nghiệp nho, và hai gái, chị tên Thúy Kiều, em tên Thúy Vân, tuổi đều đang độ thanh xuân. Cả hai chị em đều thạo thơ phú. Riêng Thúy Kiều vẻ ngoài tha thướt, tính chuộng hào hoa, lại thích âm luật, rất thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân dáng yêu kiều, hiền dịu, thấy Thúy Kiều thạo hồ cầm, thường nhân lúc rảnh can ngăn chị:
- Âm nhạc không phải là công việc khuê phòng, e người ngoài nghe biết, không được nhã!
Thúy Kiều nghe em can, nhưng không cho thế là phải, thường soạn bài ca Bạc mệnh, phả vào hồ cầm, trăm vần thê lương, khiến người nghe thấy đều chau mày rơi lệ.
(Thanh Tâm Tài Nhân, Kim Vân Kiều truyện, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999)
Câu 1 (0,5đ): Nêu phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2 (0,5đ): Thúy Kiều và Thúy Vân được miêu tả như thế nào?
Câu 3 (1đ): Ngoài những thông tin trên, bằng vốn hiểu biết của mình, anh/chị hãy nêu thêm những nét về Thúy Kiều mà anh/chị biết.
Câu 4 (1đ): Qua lời nói của Thúy Vân, anh/chị hiểu thêm điều gì về người con gái xã hội bấy giờ?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận về câu nói “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
Câu 2 (5đ): Đóng vai Tấm kể lại chuyện Tấm Cám.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 2
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
Phương thức biểu đạt chính của văn bản: tự sự.
Câu 2 (0,5đ):
Thúy Kiều vẻ người tha thướt phong lưu, tính chuộng hào hoa, thích âm luật, thông thạo ngón hồ cầm. Thúy Vân dáng yêu kiều, hiền dịu. Cả hai chị em đều trong độ thanh xuân.
Câu 3 (1đ):
Những nét về Thúy Kiều: xinh đẹp sắc sảo, là cô gái có cá tính, có một tình yêu thật đẹp với Kim Trọng nhưng gia đình gặp hoạn nạn phải bán mình chuộc cha, nhường mối lương duyên lại cho em và sống cuộc đời phiêu bạt, bất hạnh…
Câu 4 (1đ):
Người con gái trong xã hội bấy giờ: Họ có những ranh giới nhất định, phải tuân theo lễ giáo, không được lựa chọn cuộc sống của mình, phải nghe theo sự sắp xếp của người khác…
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý bài văn nghị luận Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: ý kiến: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.
2. Thân bài
a. Giải thích
Ý kiến khuyên nhủ chúng ta hãy biết yêu thương, san sẻ những điều nhỏ nhặt nhất với những người xung quanh, những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình vì như thế chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương, sự tôn trọng của mọi người, cuộc sống này sẽ trở nên vui vẻ và hạnh phúc hơn.
b. Phân tích
- Biểu hiện của người sống “cho đi”
- Luôn luôn giúp đỡ, muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
- Sống yêu thương, chan hòa với những người xung quanh, không tính toán nhỏ nhen.
- Luôn muốn lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến với mọi người.
- Lợi ích của lối sống “cho đi”
- Trong xã hội có rất nhiều mảnh đời chịu bất hạnh, đau thương, khổ cực, việc chúng ta yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ những người đó làm xoa dịu, giảm bớt nỗi đau của họ, xã hội cũng sẽ phát triển đẹp đẽ, vững mạnh hơn.
- Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về nhân vật, sự việc yêu thương, chia sẻ làm minh chứng cho bài làm văn của mình.
d. Phản đề
Trong xã hội vẫn có không ít người có tính ích kỉ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình mà không cần suy nghĩ cho người khác, lại có những người vô cảm mặc kệ nỗi đau của đồng loại,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: ý kiến: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” và rút ra bài học, liên hệ bản thân.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 2 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 3
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Trên mạng xã hội, mỗi người là một ông bầu của chính mình trong cuộc xây dựng cho mình một hình ảnh cá nhân. Chúng ta đã trở nên kỳ quặc mà không hề biết. Hãy hình dung cách đây mười năm, trong một buổi họp lớp, một người bỗng nhiên liên tiếp quẳng ảnh con cái, ảnh dã ngoại công ty, ảnh con mèo, ảnh bữa nhậu, ảnh lái ô tô, ảnh hai bàn chân mình, ảnh mình trong buồng tắm lên bàn – chắc hẳn người đó sẽ nhận được những ánh mắt ái ngại (…)
Chiếc smartphone đã trở thành một ô cửa nhỏ dẫn người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn. Nhưng càng kết nối, càng online, thì cái đám đông rộn ràng kia lại càng làm chúng ta cô đơn hơn. Chỗ này một cái like, chỗ kia một cái mặt cười, khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp. Ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay một tác phẩm nghệ thuật lớn, trên mạng xã hội ta bị xáo trộn, bứt rứt, và ghen tị với cuộc sống của người khác như một người đói khát nhìn một bữa tiệc linh đình qua cửa sổ mà không thể bỏ đi. Đêm khuya, khi các chấm xanh trên danh sách friend dần dần tắt, người ta cuộn lên cuộn xuống cái news feed để hòng tìm một status bị bỏ sót, một cứu rỗi kéo dài vài giây, một cái nhìn qua lỗ khóa vào cuộc sống của một người xa lạ, để làm tê liệt cảm giác trống rỗng.
(Trích Bức xúc không làm ta vô can, Đặng Hoàng Giang)
Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần hay vật chất?
Câu 2 (0,5đ): Theo tác giả, chiếc smartphone đem đến cho con người những lợi ích và tồn tại gì?
Câu 3 (1đ): Tại sao tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn”?
Câu 4 (1đ): Qua những cảnh báo trong đoạn trích, anh/chị rút ra bài học gì?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận về câu nói: "Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ".
Câu 2 (5đ): Cảm nghĩ của anh/chị về thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ qua một số bài ca dao than thân.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 3
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
Đoạn trích trên bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống tinh thần.
Câu 2 (0,5đ):
- Lợi ích của chiếc smartphone: khiến người ta thoát khỏi sự buồn chán của bản thân, và cái rung nhẹ báo tin có thông báo mới của nó bao giờ cũng đầy hứa hẹn.
- Tồn tại: làm chúng ta cô đơn hơn.
Câu 3 (1đ):
- Tác giả cho rằng, những trải nghiệm trên mạng xã hội sẽ “ngược với cảm giác đầy đặn, được bồi đắp khi chúng ta đứng trước thiên nhiên hay hay một tác phẩm nghệ thuật lớn” vì: khắp nơi là những câu nói cụt lủn, phần lớn các tương tác trên mạng hời hợt và vội vã. Càng bận rộn để giao tiếp nhiều thì chúng ta lại càng không có gì để nói trong mỗi giao tiếp.
Câu 4 (1đ):
- Bài học được rút ra từ những cảnh báo trong đoạn trích: không nên lạm dụng quá nhiều vao chiếc smartphone, biết cân bằng giữa cuộc sống thực tại và thế giới ảo; dành thời gian nhiều hơn cho bản thân và những người xung quanh.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý Nghị luận về câu nói Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ
1. Mở bài
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: câu nói Nghị lực và bền bỉ có thể chinh phục được mọi thứ.
2. Thân bài
a. Giải thích
- Nghị lực: là sự nhẫn nại, cố gắng, quyết tâm vươn lên, theo đuổi mục tiêu của mình cho dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại và vấp ngã.
- Câu nói khuyên con người ta nên kiên trì, nhẫn nại và cố gắng với những gì mình đang làm, đang theo đuổi.
b. Phân tích
- Tất cả mọi việc trên đời này không phải dễ dàng mà thành công được, để đạt được thành công, chúng ta phải cần có ý chí theo đuổi mục tiêu. Có thể nói, ý chí, nghị lực chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến thành công của con người.
- Nếu trong xã hội con người ai khi gặp khó khăn cũng bỏ cuộc thì xã hội sẽ không phát triển được như hiện nay, con người sẽ rơi vào bế tắc.
- Người có ý chí, nghị lực luôn là tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo, giúp xã hội này tiến bộ hơn.
---(Đáp án chi tiết phần Làm văn vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 4
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
“Hạnh phúc cho dân”, đó là điều Người đã nêu lên trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Hạnh phúc mà Người muốn đem lại cho dân là một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Hạnh phúc đó không chỉ ở những thành quả mà hôm nay cách mạng vừa đem lại cho toàn dân. Hạnh phúc đó còn đang tiếp tục đến với nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh để tiêu diệt tận cùng nguồn gốc mọi khổ đau của con người, xây dựng nên một xã hội mà mọi hiện tượng người bóc lột người đều hoàn toàn bị xóa bỏ. Trong cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, Đảng và Hồ Chủ tịch đã chọn cho nhân dân ta một con đường ngắn nhất.
(Trích “Những năm tháng không thể nào quên” – Võ Nguyên Giáp, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục, 2010, tr.209)
Câu 1 (0,5đ): Nêu câu chủ đề của đoạn trích.
Câu 2 (0,75đ): Việc lặp đi lặp lại từ “hạnh phúc” có tác dụng gì?
Câu 3 (0,75đ): Văn bản thể hiện tình cảm gì của tác giả Võ Nguyên Giáp?
Câu 4 (1đ): Hình tượng con người được nhắc đến trong văn bản trên là ai? Ấn tượng sâu sắc nhất của anh/chị về con người ấy sau khi đọc văn bản?
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận xã hội bày tỏ suy nghĩ về cách "thể hiện mình" của giới trẻ hiện nay.
Câu 2 (5đ): Phân tích bài thơ Nhàn của tác giả Nguyễn Bỉnh Khiêm.
---- HẾT ----
ĐÁP ÁN ĐỀ SỐ 4
I. Đọc hiểu văn bản
Câu 1 (0,5đ):
Câu chủ đề của đoạn trích: “Hạnh phúc cho dân”, đó là điều Người đã nêu lên trong bản Tuyên ngôn Độc lập: “dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
Câu 2 (0,75đ):
Tác dụng của việc lặp từ “hạnh phúc”: nhằm nhấn mạnh, làm nổi bật lí tưởng cao đẹp của Người là đem lại “hạnh phúc cho dân”.
Câu 3 (0,75đ):
Văn bản thể hiện sự kính trọng, ngợi ca, ngưỡng mộ, biết ơn của đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Câu 4 (1đ):
Hình tượng con người được nhắc đến trong văn bản trên là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ấn tượng về Người sau khi đọc văn bản: một con người có lí tưởng và tấm lòng cao cả, đẹp đẽ, luôn hết lòng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nói riêng và giải phóng con người cần lao trên thế giới nói chung.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ):
Dàn ý Nghị luận xã hội bày tỏ suy nghĩ về cách "thể hiện mình" của giới trẻ hiện nay
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: bày tỏ suy nghĩ về cách "thể hiện mình" của giới trẻ hiện nay.
2. Thân bài
a. Giải thích
- “Thể hiện mình”: muốn chứng minh bản thân mình là nhất hoàn hảo, cá tính, vượt trội hơn những người khác cùng trang lứa và muốn người khác phải nể phục, trầm trồ, tán dương mình. → Đây là tính cách xấu dễ gặp ở các bạn học sinh mới lớn và nó ảnh hưởng đến nhân cách các bạn sau này.
b. Thực trạng
- Nhiều bạn học sinh có những ngôn ngữ không phù hợp với lứa tuổi (nói tục, chửi bậy) để thể hiện cá tính và nghĩ rằng người khác sẽ sợ sệt mình. Có những bạn nhuộm tóc xanh đỏ, ăn mặc phản cảm để thể hiện độ “chịu chơi” của mình.
- Nhiều người coi thường nội quy trường lớp, hay luôn tạo ra những trào lưu vô bổ, gây ảnh hưởng xấu tới thầy cô, bạn bè, hút thuốc lá, uống rượu bia,… sa đà vào các tệ nạn xã hội khác.
c. Nguyên nhân
- Chủ quan: do sự thay đổi tâm sinh lí của các bạn, do bản chất hiếu thắng, ham muốn thể hiện mình, muốn mình hơn người khác.
- Khách quan; do các bạn không được dạy dỗ chu đáo, sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh dành cho con em mình; do môi trường xung quanh nhiều kẻ xấu tác động vào quá trình hình thành tính cách;…
d. Hậu quả
- Những việc làm để thể hiện mình một cách tiêu cực như thế thì không những gây ảnh hưởng xấu tới trường lớp, bạn bè, thầy cô mà còn gây sự thiếu thiện cảm trong mắt mọi người, đang dần biến mình trở thành người xấu, người vô văn hóa.
- Những thói quen, những sự “thích thể hiện” đó lâu dần sẽ trở thành tính cách của người đó, biến người đó thành người xấu, đi ngược với những phẩm chất tốt đẹp của xã hội.
e. Giải pháp
- Mỗi người tự hướng bản thân mình đến những điều tích cực, tốt đẹp, học tập theo những tấm gương sáng, tránh xa những điều xấu.
- Gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình, dạy dỗ con em mình theo con đường đúng đắn, trở thành một người tốt.
- Nhà trường cần có những biện pháp giáo dục, răn đe những học sinh có suy nghĩ và hành động lệch lạc đồng thời giáo dục các em những điều hay lẽ phải.
3. Kết bài
- Khái quát lại vấn đề nghị luận (suy nghĩ về cách "thể hiện mình" của giới trẻ hiện nay) và rút ra bài học, liên hệ bản thân.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 4 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
ĐỀ SỐ 5
I. Đọc hiểu văn bản (3đ):
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập, theo đó các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc lưu chuyển lao động trong khu vực là một yêu cầu tất yếu để tạo điều kiện thúc đẩy cho quá trình hợp tác và lưu thông thương mại giữa các nước. Như vậy, trong một cộng đồng gồm 660 triệu dân, các nhân sự có chuyên môn cao có thể tự do luân chuyển công việc từ quốc gia này tới bất kỳ quốc gia nào khác trong khối. Đây vừa tạo ra cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho lực lượng lao động Việt Nam trong công cuộc cạnh tranh khắc nghiệt với lao động trong khu vực.
(Báo Giáo Dục và Thời Đại, số 86, ngày 10/04/2015)
Câu 1 (0,5đ): Thao tác lập luận chủ yếu của đoạn trích là gì?
Câu 2 (0,5đ): Văn bản nói về vấn đề gì?
Câu 3 (0,75đ): Theo anh/chị, cơ hội và thách thức đối với lực lượng lao động Việt Nam là gì?
Câu 4 (1,25đ): Viết một đoạn văn ngắn nêu suy nghĩ của anh/chị về sự hòa nhập của con người trong thời buổi công nghiệp hóa hiện nay.
II. Làm văn (7đ):
Câu 1 (2đ): Nghị luận về Tinh thần tự giác của con người trong cuộc sống.
Câu 2 (5đ): Cảm nhận về bài thơ Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi.
---(Nội dung đầy đủ của Đề thi số 5 vui lòng xem tại online hoặc đăng nhập để tải về máy)---
Trên đây là một phần trích đoạn nội dung Bộ 5 đề thi HK1 môn Ngữ văn 10 năm 2021-2022 Trường THPT Lê Chân. Để xem thêm nhiều tài liệu tham khảo hữu ích khác các em chọn chức năng xem online hoặc đăng nhập vào trang hoc247.net để tải tài liệu về máy tính.
Hy vọng tài liệu này sẽ giúp các em học sinh ôn tập tốt và đạt thành tích cao trong học tập.
Chúc các em học tập tốt !