YOMEDIA

Ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến

Tải về
 
NONE

Học247 mời các em tham khảo tài liệu Ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến dưới đây để hiểu hơn về nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao trong chương trình Ngữ văn 11. Chúc các em có thêm tài liệu hay. Và để củng cố kiến thức đã học, các em có thể tham khảo thêm bài giảng Chí Phèo.

ATNETWORK

1. Sơ đồ tóm tắt gợi ý

2. Dàn bài chi tiết

a. Mở bài:

- Nam Cao được coi là một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại.

- Trong truyện Chí Phèo, sự bức ép của xã hội, sự tuyệt vọng đến cùng cực đã đẩy Chí Phèo đến con đường tự sát và giết luôn cả kẻ thù của mình là Bá Kiến, đây là một cái kết không có hậu nhưng lại là cái kết hợp lý để giải quyết tất cả các nút thắt và bi kịch trong cuộc đời bất hạnh của Chí.

b. Thân bài:

* Bi kịch của Chí Phèo:

- Bi kịch mồ côi cha mẹ, thiếu tình yêu thương.

- Bi kịch bị đổ oan, vào tù rồi dần lưu manh hóa, tha hóa trong nhân cách.

- Bi kịch bị từ chối quyền làm người, bị vùi dập ước muốn sống lương thiện bằng những định kiến cay nghiệt của người đời.

=> Nhưng bản chất hắn vẫn là một anh canh điền lương thiện, hắn sẵn sàng ra tay rạch mặt mình, nhưng không hề làm tổn thương đến kẻ thù, kẻ vốn đẩy hắn đến những bi kịch mãi về sau này.

* Cuộc gặp gỡ nhân văn đầy ngang trái với Thị Nở:

- Chính là cái bi kịch to lớn nhất, và cũng là bi kịch cuối cùng trong cuộc đời mà Chí Phèo phải gánh chịu.

- Tình yêu đã đánh thức cái tâm hồn ham sống, ham hạnh phúc, mong ước về một mái ấm gia đình trong Chí.

- Thế nhưng cái định kiến cay nghiệt của bà cô, những lời thuật lại đầy tức tối của Thị Nở chính là cú giáng cuối cùng vào tâm hồn tàn tạ, tuyệt vọng của Chí, dồn Chí Phèo đến cái cách giải quyết tiêu cực nhất là chết!

* Cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến:

- Chí nhận ra rằng kẻ thù lớn nhất, độc ác nhất trong cuộc đời Chí luôn luôn chỉ có một mà thôi đó chính là tên Bá Kiến, tiềm thức đã ngủ yên biết bao năm nay của hắn bỗng được thức tỉnh.

- Chí Phèo giết Bá Kiến để trả thù, để xả hết bao nỗi khốn nhục uất ức mà hắn phải chịu bấy lâu nay, để trả thù cho cái lương thiện mà tên Bá Kiến đã cướp mất của hắn.

- Chí Phèo chính là đại diện cho tầng lớp nông dân cùng khổ trước cách mạng tháng tám vùng dậy đấu tranh, chống lại cái cường hào áp bức của tầng lớp thống trị lúc bấy giờ bằng cách thức liều lĩnh, đơn độc, bằng con đường bạo lực.

- Tố cáo mạnh mẽ bộ mặt độc ác và tàn nhẫn của xã hội cũ đã đẩy người nông dân lương thiện đến chốn cùng đường tuyệt lộ, khiến họ không còn lối thoát buộc phải giải quyết bằng những cách thức đau đớn nhất.

- Chi tiết tự sát của Chí Phèo chính đánh dấu mạnh mẽ sự trở lại của tính người trong cái tâm hồn vốn tàn tạ của Chí, là một phương cách quyết liệt và tiêu cực để giữ lại cái phần người vừa được thức tỉnh của hắn, để chống lại cái sự tha hóa đã ăn mòn gần hết nhân cách của hắn.

- Cái chết để chứng minh cho khao khát được trở về cuộc đời lương thiện, của một con người vừa phát hiện ra cái lương thiện quay về ngự trị trong tâm hồn của Chí Phèo.

c. Kết bài:

- Với truyện ngắn Chí Phèo bức tranh xã hội hiện thực Việt Nam tàn ác đã được Nam Cao lột tả một cách sinh động và chân thực nhất, theo đó những giá trị nhân văn, nhân đạo đã được bộc lộ một cách sâu sắc.

- Sự xót thương, thông cảm cho những thân phận con người ở dưới đáy xã hội, bị chèn ép, chà đạp, bị tước quyền được sống lương thiện. Đồng thời tố cáo bộ mặt tàn ác, vô nhân tính của chính quyền thực dân nửa phong kiến đã dồn ép con người đến đường cùng, buộc họ phải lựa chọn cách giải thoát cuối cùng là cái chết để được quay về với tấm lòng lương thiện thuở ban đầu, để bảo vệ cái nhân cách của mình khỏi sự tha hóa tồi tệ.

3. Bài văn mẫu

Đề bài: Em hãy viết một bài văn ngắn phân tích ý nghĩa cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến.

Gợi ý làm bài:

3.1. Bài văn mẫu số 1

Chí Phèo là nhân vật chính trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, đồng thời cũng là nhân vật điển hình của nền văn học Việt Nam. Chí Phèo là đại diện tiêu biểu cho những người nông dân cùng khổ bị đẩy vào tấn bi kịch tha hóa về nhân tính. Cuối cùng, khi đã được thức tỉnh về nhân tính, Chí Phèo đã quyết định giết chết Bá Kiến, người đã đẩy mình vào con đường tha hóa và lựa chọn cái chết như cách để tự giải thoát cho bản thân.

“Chí Phèo” kết thúc bằng hai cái chết của Chí Phèo và Bá Kiến, cái chết này không chỉ là lựa chọn của Nam Cao để khép lại tấn bi kịch của cuộc đời Chí mà nó còn là chi tiết nghệ thuật độc đáo, một cái kết mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Sau khi bị Thị Nở “ném” vào mặt những lời miệt thị khắc nghiệt của bà cô Thị Nở, quá đau khổ, tuyệt vọng khi con đường trở về làm người lương thiện bị chặn đứng, Chí Phèo đã uống đến hai chai rượu và mang dao đến nhà Thị Nở với ý định “chém chết cả nhà nó”. Tuy miệng nói đến nhà Thị Nở để trả thù nhưng bước chân của Chí lại đi đến nhà Bá Kiến.

Qua cách xây dựng những xung đột, mâu thuẫn của truyện, Nam Cao đã chứng tỏ cho chúng ta thấy một cảnh quan hiện thực hết sức rõ ràng, mãnh liệt, ông thấy rõ mối xung đột giai cấp ở nông dân, địa chủ đã lên mức sâu sắc và không có gì để xoa dịu. Nam Cao xây dựng cho mối quan hệ bá Kiến – Chí Phèo trở nên hết sức gay gắt, mối tình dang dở với thị Nở cũng là cách đổ thêm dầu vào lửa, biến cơn say, cơn buồn, cơn thất tình ở Chí Phèo thành lòng căm hận, tức tối, quyết đến nhà thị Nở để trả thù. Nhưng quy luật không phải như thế, quy luật đã kéo Chí đi nhưng là đến nhà bá Kiến chứ không phải ai khác. Kẻ đáng giết là bá Kiến, mọi xấu xa bắt đầu từ bá Kiến thi cũng sẽ kết thúc từ bá Kiến. Với cái kết thúc bất ngờ dữ dội của thiên truyện ngắn. Nam Cao đã cho chúng ta thấy kết quả tất yếu sẽ xảy ra, điều đó là không thể tránh khỏi. Giai cấp thống trị có thể khôn ngoan, xảo quyệt, mánh khóe, có thể đàn áp làm lu mờ cả ý thức của người dân thì trong họ ngọn lửa lòng căm ghét những kẻ bóc lột vẫn âm ỉ cháy. Ở Chí, cho dù tâm trí tê liệt, mọi cái bị xóa sổ trong trí nhớ của hắn thì tận trong cơn say, hắn vẫn như mơ màng nhận thấy điều gì. Chí quyết tâm đến nhà thị Nở để trả thù là biểu hiện bên ngoài, trong tiềm thức Chí chỉ có bá Kiến, không đòi rượu, không đòi tiền mà đòi lại bộ mặt và tâm hồn – những thứ bị tước đoạt. Qua cái chết của bá Kiến, chúng ta đã nhận ra quy luật của cuộc đời: những kẻ vấy máu người phải đền tội theo luật nhân quả đã đành, nhưng những kẻ ném đá dấu tay như bá Kiến cũng không tránh khỏi quy luật “ ác giả ác báo”. Càng mưu mô nham hiểm thì càng nhận được cái kết cục bi đát và bất ngờ. Trong bài toán của mình, bá Kiến đã rất khôn ngoan, cứ tưởng rằng Chí Phèo sẽ là Binh Chức, Năm Thọ nhưng hắn đâu lường được tình yêu của thị Nở đã trở thành một thứ thần dược rũ lốt quỷ để Chí thành người…và cuộc báo thù đã xảy ra.

Nhưng cái chết của bá Kiến mới chỉ được một nửa công việc, Chí Phèo làm nốt phần việc còn lại bằng cách giết luôn cả mình. Nếu còn sống, Chí Phèo vẫn phải tiếp tục cuộc đời quỷ dữ của mình vẫn phải đối chọi với con trai của bá Kiến. Ta còn nhớ Nam Cao đã cho một nhân vật của mình ăn bả chó tự tử, đó là lão Hạc. Nay ta lại thấy Chí Phèo tự kết liễu đời mình. Phải chăng, với suy nghĩ riêng của Nam Cao, những con người quá khốn khó, quá cùng quẫn thì chỉ có cái chết mới giải thoát được tất cả? Chí Phèo phải chết mới chấm dứt cuộc đời nhục nhã của mình để hóa kiếp sang một con người khác tốt đẹp hơn?

Chí đã vung dao lên, lưỡi dao của Chí đã lấy đi mạng sống của Bá Kiến, và cũng chính lưỡi dao ấy đã lấy đi mạng sống của Chí. Lựa chọn cái chết đầy dữ dội của hai nhân vật Bá Kiến và Chí Phèo để khép lại truyện ngắn, nhà văn Nam Cao không chỉ tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc mà còn truyền tải rất nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Cái chết của Bá Kiến và Chí Phèo còn thể hiện được sự phản kháng của con người dưới đáy xã hội đối với chế độ bóc lột đã đẩy họ đến bước đường cùng. Hành động của Chí có phần liều nhất, manh động nhưng đó lại là đòn chí tử đối với những kẻ có tội ác, mà đại diện ở đây chính là Bá Kiến. Cái chết của Bá Kiến là sự đền tội cho bao tội ác mà hắn gây ra cho người dân làng Vũ Đại, cái chết của Chí Phèo lại mang tính giải thoát cho bi kịch của bản thân. Cái chết tuy không làm thay đổi được toàn bộ cục diện đen tối của xã hội nhưng đó chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những con người sống trong xã hội ấy, cần phải vùng lên đấu tranh bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, bảo vệ cuộc sống tốt lành, lương thiện.

Như vậy, thông qua cái chết của hai nhân vật Chí Phèo và Bá Kiến, tác giả Nam Cao đã lên án gay gắt chế độ phong kiến đã đày đọa, chà đạp con người, từ đó thể hiện thái độ trân trọng đối với những phần “người” tốt đẹp bên trong những con người dưới đáy xã hội ấy.

3.2. Bài văn mẫu số 2

Truyện ngắn Chí Phèo khép lại bằng hai cái chết của hai nhân vật đối địch nhau: bá Kiến và Chí Phèo. Một người bị giết, một người tự sát. Hai cái chết xảy ra cùng một lúc: Chí Phèo văng dao tới chém bá Kiến túi bụi và quay ngang lưỡi dao còn vấy máu kẻ thù vào cổ họng mình. Vì sao lại có chuyện lạ như vậy? Giết được kẻ thù, lẽ ra phải sống, nhưng sao Chí Phèo lại tự sát? Điều này chỉ có thể lí giải khi ta nhìn lại toàn bộ cuộc đời nhân vật trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ, trong quan hệ khác với các nhân vật khác của truyện.

Nhân vật điển hình xuất sắc của nhà văn Nam Cao là Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên ra đời năm 1941. Chí là một người nông dân vốn lương thiên, hiền lành, nhưng từ khi gặp Bá Kiến cuộc đời Chí lại bước sang trang sách mới. Chí bị Bá Kiến cho đi tù oan, bị lưu manh hóa, côn đồ hóa. Sau khi gặp Thị Nở, gặp được tình yêu của đời mình, được hưởng tình cảm yêu đương. Chí thèm muốn được lương thiện. Tuy nhiên không phải lúc nào "quay đầu cùng là bờ", không thể hoàn lương Chí tuyệt vọng. Chí cầm dao giết Bá Kiến sau khi đã nốc rất nhiều rượu rồi tự sát. Vậy là một kẻ bị giết và một kẻ tự giết. Tuy nhiên người ta vẫn không lí giải được hành động của Chí là say hay tỉnh?

Tại sao người ta lại nói rằng không biết Chí đang say hay tỉnh. Bởi vốn từ trước đến giờ mỗi khi uống rượu là Chí lại chửi, chửi đời, chửi người, nhưng lần này Chí không chửi, Chí đã nói những lời rất tỉnh táo. Hắn khẳng định: "Tao muốn làm người lương thiện!". Một câu đầy uất hận: "Ai cho tao lương thiện?" và một câu khiến người ta đau lòng "Tao không thể là người lương thiện nữa". Chí hiểu, chí biết mình như thế nào, tình yêu đã đánh thức Chí, nhưng nó cũng đã kết thúc cuộc đời của Chí. Bởi vậy ta mới nói quay đầu không phải lúc nào cũng là bờ. Hắn hiểu rõ mình, hắn hiểu rằng không phai vết sẹo nào cũng lành lại được, hắn hiểu rằng những vết mảnh chai trên mặt, dấu vết của tội lỗi, của bao lần rạch mặt, ăn vạ, ức hiếp, gây rối không bao giờ lành đực, không bao giờ thay đổi được. Chí còn hiểu rõ rằng bản thân mình đang muốn gì, đang cần gì, ai làm cho mình như vậy. Như vậy là Chí rất tỉnh. Vả lại lời văn của Nam Cao cho chúng ta thấy rõ khi Chí Phèo uống thêm chai rượu nữa nhưng "càng uống càng tỉnh ra". Tỉnh ra, Chí buồn, khóc rưng rức rồi ra đi với con dao ở thắt lưng. Phải nói, theo cách dẫn truyện Nam Cao, Chí Phèo đang tỉnh.

Thế nhưng cuộc gặp gỡ nhân văn với Thị Nở lại cũng chính là cái bi kịch to lớn nhất, và cũng là bi kịch cuối cùng trong cuộc đời mà Chí Phèo phải gánh chịu. Gặp thị, Chí Phèo thấy mình như sống lại, tình yêu ấy đã đánh thức cái tâm hồn ham sống, ham hạnh phúc, mong ước về một mái ấm gia đình trong Chí, dù hắn đã bước sang đến dốc bên kia của cuộc đời. Thế nhưng cái xã hội vốn bất công, vốn cay nghiệt với hắn chỉ cho hắn được đê mê, được hạnh phúc có năm ngày chẵn rồi người ta lại dội cho hắn một gáo nước lạnh, dìm hắn vào vực sâu của tuyệt vọng. Những lời không thể cay nghiệt hơn của bà cô, chính là thông điệp của cả cái làng Vũ Đại, của cả cái xã hội này dành cho hắn "Đàn ông đã chết hết hay sao mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy chồng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ". Con người ta nhẫn tâm xoáy sâu vào cái bi kịch vào cái nỗi đau vốn gần liền vảy của hắn, hơn thế nữa những lời ấy giá như là lời của một người nào khác chứ chẳng phải Thị Nở truyền cho hắn nghe trong tức tối thì có lẽ Chí đã chẳng đau đớn và tuyệt vọng đến như thế.

Tình yêu của hắn đã bị cả cái xã hội này bóp chết, cả cái xã hội này, thậm chí đến cả Thị Nở cũng chối từ hắn thì sống liệu có còn ý nghĩa? Tuy nhiên giữa những người trong cuộc thì chẳng ai có thể nhận ra rằng, thị chẳng hề tức Chí mà thực chất rằng, thị đang tức thay cho Chí, thị tức cho cái phần người vừa mới quay lại không bao lâu của Chí bị những lời lẽ đay nghiến vùi dập, thị tức lắm. Bi kịch của Chí Phèo ở chỗ ấy, họ không hiểu nhau nên thành ra cái tức tối của người đàn bà dở hơi lại chính là cú giáng đoàn cuối cùng vào tâm hồn tàn tạ, tuyệt vọng của Chí, dồn Chí Phèo đến cái cách giải quyết tiêu cực nhất là chết! Bởi Chí đã ý thức được cái thân phận lạc loài không cha không mẹ, Chí bàng hoàng tuyệt vọng đuổi theo nắm lấy tay thị như người chết đuối nắm lấy cọng rơm cứu mạng cuối cùng, thế nhưng cọng rơm ấy cũng tuột khỏi tay Chí, Chí chết thật rồi chết từ trong tâm hồn cô độc, lạc lõng.

Hắn lại say, hắn định giết thị, giết cả bà cô để trả thù nhưng Chí Phèo lại không bước vào nhà Thị Nở, mà theo như Nam Cao nói thì "Những thằng điên và thằng say rượu không bao giờ làm những cái mà lúc ra đi chúng định làm". Nhưng có phải như vậy không, xét kỹ người ta mới thấy rằng có lẽ trong tiềm thức của một thằng say rượu như Chí đã dần tỉnh táo, hắn chợt nhận ra Thị Nở chẳng có lỗi, tình yêu thương của thị thức tỉnh tính người của hắn, bà cô của thị cũng không có lỗi, những lời cay nghiệt của bà ta thức tỉnh Chí bằng định kiến của một dân làng tỉnh táo, để Chí Phèo ý thức về bi kịch của bản thân. Chí nhận ra rằng kẻ thù lớn nhất, độc ác nhất trong cuộc đời Chí luôn luôn chỉ có một mà thôi đó chính là tên Bá Kiến, tiềm thức đã ngủ yên biết bao năm nay của hắn bỗng được thức tỉnh, cùng dậy hét lên trong tuyệt vọng đau đớn "Ai cho tao lương thiện?...Tao không thể làm người lương thiện nữa. Biết không...Chỉ còn một cách...Biết không...". Chí Phèo giết Bá Kiến để trả thù, để xả hết bao nỗi khốn nhục uất ức mà hắn phải chịu bấy lâu nay, để trả thù cho cái lương thiện mà tên Bá Kiến đã cướp mất của hắn. Nhìn sâu hơn người ta thấy Chí Phèo chính là đại diện cho tầng lớp nông dân cùng khổ trước cách mạng tháng tám vùng dậy đấu tranh, chống lại cái cường hào áp bức của tầng lớp thống trị lúc bấy giờ. Dẫu đó là cách thức liều lĩnh, đơn độc nhưng không còn cách nào khác, chỉ còn con đường bạo lực, chỉ có bạo lực mới có thể giải quyết được tất cả những vấn đề bất công, tàn ác mà bè lũ tay sai phong kiến đã gây ra cho nhân dân ta lúc bấy giờ. Mặt khác cái chết của Bá Kiến và Chí Phèo còn tố cáo mạnh mẽ bộ mặt độc ác và tàn nhẫn của xã hội cũ đã đẩy người nông dân lương thiện đến chốn cùng đường tuyệt lộ, khiến họ không còn lối thoát buộc phải giải quyết bằng những cách thức có vẻ tàn ác, suy cho cùng đó là cái giá mà một kẻ độc ác như Bá Kiến phải nhận.

Chí Phèo giết được Bá Kiến rồi, sau đó hắn tự sát, tại sao hắn lại tự sát? Kẻ thù duy nhất của hắn đã chết đáng lý ra hắn có thể tiếp tục bước tiếp cuộc đời quỷ dữ của mình như bao nhiêu lâu nay hắn đã từng, nhưng Chí lại chọn cho mình cái chết. Có thể nói rằng, chi tiết tự sát của Chí Phèo chính là chi tiết đánh dấu mạnh mẽ sự trở lại của tính người trong cái tâm hồn vốn tàn tạ của hắn, Chí không thể tiếp tục làm quỷ dữ được nữa, hắn có khao khát được làm người lương thiện, thế nhưng cuộc đời này không cho hắn được cái quyền ấy, thì chi bằng hắn chết đi kết thúc hơn 40 năm cuộc đời mòn mỏi, đầy bi kịch của mình. Chí Phèo chọn cho mình cái chết có thể nói là một phương cách quyết liệt và tiêu cực để giữ lại cái phần người vừa được thức tỉnh của hắn, để chống lại cái sự tha hóa đã ăn mòn gần hết nhân cách của hắn. Cái chết của Chí Phèo chính là cái chết để chứng minh cho khao khát được trở về cuộc đời lương thiện, của một con người vừa phát hiện ra cái lương thiện quay về ngự trị trong tâm hồn của hắn, dẫu rằng ngoài hắn và Thị Nở thì chẳng ai hay biết điều ấy.

Cái chết của Bá Kiến và Chí Phèo còn nói lên sự phản kháng của con người dưới đáy xã hội. Dù sự phản kháng này là manh động, liều lĩnh, đơn độc nhưng cũng giáng một đòn chí tử, đích đáng vào kẻ có tội ác, đầu mối của những bi kịch trong cái làng Vũ Đại khốn khổ. Kẻ gieo gió đã phải gặt bão. Bá Kiến đã bị trừng phạt bởi chính người mà hắn đã đào luyện thành tên tay chân đắc lực. Bá Kiến chết cùng với tội lỗi của hắn. Chí Phèo chết trong người cố nông đáng thương, đáng giận ấy gục xuống trên vũng máu, chưa phải là hết chuyện. Sẽ có thể có Chí Phèo con ra đời nếu xã hội bất công, xấu xa ấy chưa thay đổi.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON