YOMEDIA

Tả một người ở địa phương em sinh sống - Văn mẫu lớp 5

Tải về
 
NONE

Học247 xin giới thiệu đến các em bài văn mẫu Tả một người ở địa phương em sinh sống dưới đây nhằm giúp các em thêm trân trọng và quý mến những người hàng xóm thân thiện. Chúc các em có được những bài văn thật hay nhé!

ADSENSE

Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn tả về một người ở nơi em sinh sống mà em quý mến.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1 – Tả chú công an

Mỗi người xung quanh chúng ta sẽ để lại một ấn tượng khác biệt. Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn thanh bình, yên ả. Em yêu màu nâu áo vải đã bạc sờn của các bác nông dân, yêu màu trắng của tà áo học sinh và yêu màu xanh áo chú công an. Đặc biệt, trong đó có chú Tùng – chú công an xã mà em vô cùng yêu mến.

Ở những vùng nông thôn chúng em, các chú công an không nhiều như thị trấn, thủ đô nhưng người nào cũng nhiệt tình, trách nhiệm. Chú Tùng là một trong số các chú công an công tác tại xã. Chú khoảng hơn ba mươi tuổi, có một người vợ đảm đang, tháo vát và cô con gái xinh xắn, hoạt bát. Chú cao cao, gầy gầy nhưng bóng lưng thì thẳng tắp như thân cây tùng. Nước da rám nắng khỏe mạnh, nổi bật trong bộ quân phục màu xanh. Ấn tượng đầu tiên mà chú để lại trong lòng mọi người là khuôn mặt vuông chữ điền nghiêm nghị, chính trực. Sống mũi chú cao, thẳng và đôi mắt đen láy, sáng ngời, nụ cười hiền lành, thân thiện đem đến cho người ta cảm giác ấm áp như những người thân quen. Mọi người thường nói, đó là ngoại hình của người thanh niên liêm chính. Chú thường mặc bộ quân phục màu xanh lá cây, giống như màu áo bộ đội ngày xưa. Trên túi áo ngực có thêu tên, ve áo đình phù hiệu và cấp bậc. Vầng trán cao của chú che đi bởi chiếc mũ cứng, nổi bật biểu tượng cờ đỏ sao vàng.

Ngày ngày, chú đều có mặt ở ủy ban nhân dân xã. Dù công việc chính là bảo vệ an ninh trong khu vực nhưng chú luôn chủ động đón tiếp nhân dân, sẵn lòng giúp đỡ khi mọi người có thắc mắc. Chú tỉ mỉ hướng dẫn bà con nông dân các thủ tục hành chính về hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng và giấy tờ các loại. Nhiều lúc, bà con không hiểu, chú kiên nhẫn giải thích rõ, đến khi bà con gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, chú mới nở nụ cười yên tâm. Mọi người đến xã rất yên tâm và thoải mái vì lúc nào cũng có chú Tùng sẵn lòng giúp đỡ. Trong cơ quan, chú cũng vui vẻ, hòa đồng, không ngại ngần khi đồng nghiệp nhờ, cấp trên giao việc nên ai cũng yêu mến chú. Có những đêm đã khuya, mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ, chú Tùng vẫn thức, cẩn thận kiểm tra lại các cánh cửa ở ủy ban, xem ngoài đường có thanh niên nào còn chưa vê, nhẹ nhàng nhắc nhở rồi mới yên tâm về với gia đình của mình.

Chú yêu thương những đứa trẻ con, nhiều lần còn tự mình đưa các bạn nhỏ về nhà vì bị lạc. Nhiều thanh thiếu niên nghịch ngợm, gây gổ đánh nhau nhưng chú không bao giờ dùng bạo lực đe dọa mà kiên nhẫn giảng giải, khuyên nhủ. Có anh sau này thay đổi, ngoan ngoãn còn nuôi ước mơ trở thành người công an tốt như chú. Chú cười động viên, dạy anh ấy cả những đức tính mà người công an tương lai cần có.

Mùa bão lũ năm trước, chú đã khiến người dân quê em cảm động, biết ơn mãi. Cơn bão bất ngờ ập đến, mưa gió, sấm chớp đùng đùng, trời bỗng nhiên sụp tối. Ai cũng lo lắng, hoảng sợ không thôi. Nhưng giữa mưa bão, chú lặn lội đi khắp mọi nhà, dặn dò và giúp đỡ chống bão đến tận sáng hôm sau. Chú không đắn đo lao mình vào dòng nước chảy siết cứu sống một bạn nhỏ đang chơi vơi ngụp lặn. Sự cống hiến và tấm lòng vì dân nhân ái của chú đã đem đến cho làng quê an ninh, trật tự và cuộc sống yên tâm, hạnh phúc. Tất cả mọi người đều yêu mến và cảm phục tinh thần bộ đội cụ Hồ của chú Tùng.

Nhiều năm trôi qua, chú Tùng vẫn là chú công an mà người dân quê hương em quý trọng, tin cậy. Chú gắn bó với bà con như người thân trong gia đình. Hình ảnh chú công an trẻ tuổi, nhiệt thành mà tốt bụng đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của quê hương em. Em rất yêu quý và kính trọng chú.

2. Bài văn mẫu số 2 – Tả bác trưởng thôn

Quê hương, chỉ hai tiếng ấy thôi mà thân thương biết mấy! Tất cả những gì của quê hương đã ghi sâu vào trái tim mỗi người con, ghi sâu vào trái tim em. Người dân quê em vừa hiền lành vừa chăm chỉ. Đặc biệt là bác trưởng thôn. Em rất yêu quý và kính trọng bác ấy.

Từ những ngày còn thơ bé, em đã quen với việc nhìn thấy bác khắp làng trên xóm dưới. Em không biết tên đầy đủ của bác, chỉ nghe mọi người gọi bác là bác Rạng. Bác là đồng đội cùng nhập ngũ với bác cả nhà em, năm nay bác đã ngoài năm mươi tuổi. Nhưng bác vẫn còn nhanh nhẹn, khỏe mạnh lắm. Dáng người bác cao và hơi gầy, nước da sạm đen vì sương vì gió của cuộc sống nông thôn. Có lần, bác trao phần thưởng khuyến học ở thôn cho em, em được bắt tay bác. Đôi tay ấy rất to, chai sần và thô ráp. Có lẽ bởi vì những gian nan, vất vả mà bác đã trải qua hơn nửa đời người. Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy bác chính là khuôn mặt chữ điền chính trực, chất phác. Vầng trán cao đã có nhiều nếp nhăn. Đôi mắt bác vẫn sáng, tinh nhanh và nụ cười luôn thường trực trên môi. Giọng bác trầm ấm, dõng dạc, gặp ai bác cũng không quên chào hỏi, tiếng cười cứ vang lên không ngớt.

Bác hiền lành, thân thiện và rất tốt bụng. Bác là người trưởng thôn mẫu mực nhất. Ngày ngày, bác vẫn luôn dậy sớm, cùng vợ và bà con chăm lo cánh đồng lúa, nông sản trong thôn. Bác không ngại chân lấm tay bùn, lội bì bõm dưới ruộng, làm cỏ, bón phân, cùng trò chuyện với bà con. Nhiều người ở thôn khác nhìn thấy, vô cùng ngạc nhiên. Bác đưa tay lấm bùn, quệt mồ hôi đầm đìa trên trán, cười thoải mái: “Ngày xưa, cụ Hồ dạy, làm cán bộ cũng phải ăn cùng, ngủ cùng, làm cùng với dân. Huống chi cũng là bà con lối xóm, cùng nhau làm việc để giúp đỡ lẫn nhau. Bà con ấm no, tôi cũng vui vẻ”. Câu trả lời của bác khiến ai cũng cảm động. Cuộc sống nhà bác trước kia khó khăn, vất vả nhưng nhiều năm nay đã khá giả hơn rất nhiều rồi. Bác đi học tập về, làm kinh tế giỏi nhưng cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm, động viên bà con mạnh dạn làm kinh tế. Rất nhiều hộ gia đình ở thôn em nhờ bác giúp đỡ, hỗ trợ vốn mà vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, điều mà em ấn tượng và kính trọng nhất ở bác là tấm lòng nhân ái, trân trọng và phát triển tinh thần hiếu học. Bác lập ra một quỹ khuyến học dành riêng cho những bạn nhỏ có thành tích học tập tốt. Đến mùa thi đại học, bác vẫn chỉ mặc bộ quần áo màu xanh bộ đội giản dị, đến những nhà có con sắp thi đại học, động viên và trao cả quà tặng. Bà con được bác động viên, ai cũng quyết tâm cho con đi học. Quê hương em ngày càng phát triển hơn, trở thành khu vực nông thôn mới, xanh, sạch, đẹp, văn minh, tiến bộ. Tất cả đều nhờ công lao và tấm lòng của bác. Bác lặng lẽ quan tâm đến từng người, từng gia đình, sẵn sàng giúp đỡ mọi người về cả tài chính lẫn tinh thần. Học được cái gì mới, cái gì hay là bác ngay lập tức về chỉ lại cho người dân, chỉ mong cuộc sống của mọi người bớt khổ cực hơn. Cảm động vì tấm lòng và năng lực của bác, gần mười năm nay, bao thế hệ người trong thôn vẫn luôn tin tưởng bầu bác làm trưởng thôn. Rất nhiều người con xa quê, nhớ về quê mẹ thân yêu, nhớ gia đình, nhớ cánh đồng, dòng sông, nhớ cây đa quán nước, và nhớ cả bác trưởng thôn hiền lành, nhân hậu có nụ cười ấm áp.

Mỗi mảnh đất ta từng gắn bó đều khiến ta yêu thương. Quê hương chính là mảnh đất ấy. Quê hương đã in vào máu thịt em. Em cảm thấy rất may mắn khi quê hương mình có bác trưởng thôn như vậy.

3. Bài văn mẫu số 3 – Tả người hàng xóm

Đường Lê Duẩn Trung tâm thương mại huyện Tân Châu, nơi gia đình em ở có khoảng hai trăm hộ, phần lớn là dân buôn bán và cán bộ Nhà nước. Cạnh nhà cậu Út, nhà nào cũng có cửa hàng buôn bán cần thiết phục vụ đời sống bà con trong xóm cũng như khách thập phương hàng ngày. Trong cửa hàng mà gia đình em thường đến đây để mua sắm, do cô Cẩm phụ trách.

Em rất thích cô vì cô có thái độ phục vụ niềm nở và chu đáo đối với khách hàng. cô Cẩm khoảng ba mươi tuổi, dáng người cân đối. Chị có mái tóc đen huyền xõa ngang vai rất phù hợp với gương mặt trắng hồng xinh đẹp. Làn mi dài cong vút với đôi mắt long lanh như biết cười, biết nói. Đôi môi phơn phớt hồng càng làm cho nụ cười của cô thêm thân thiện dễ gần. Mỗi lần cô cười để lộ hàm răng trắng đều như hạt bắp. Vì thế, khách đến mua hàng rất thiện cảm với cô Cẩm. Cửa hàng của cô, hàng hoá được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng nên những lúc đông khách, đôi tay nhanh nhẹn của cô chỉ vài động tác quen thuộc là vớ đúng món hàng mà khách hàng cần đến. Không để khách phải đợi lâu, cô luôn tươi cười giới thiệu các chủng loại mặt hàng và giá trị sử dụng hợp với túi tiền của người dân ở xa đến cũng như bà con lối xóm khi cần. Không ba ngoa, nói thách như những người bán hàng trong khu phố chợ, cô dịu dàng giải thích những gì khách hàng chưa rõ và đổi lại hàng theo yêu cầu của khách. Đối với những khách hàng khó tính, cô vui vẻ lựa lời sao cho “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” . Em chưa bao giờ thấy cô gắt gỏng với người mua hàng. Bởi vậy, nên cửa hàng của cô lúc nào cũng đông khách. Người vào mua đồ cũng có, người đến xem hàng cũng có. Thật là một cửa hàng nhộn nhịp. Ai cũng vui vẻ nhận thấy: cô Cẩm là người bán hàng có duyên tạo được nhiều thiện cảm với khách hàng. Mỗi khi thưa khách, em mới có dịp nhỏ to cùng cô: cô Cẩm ơi! cô hay ghê, chỉ tích tắt đã giải quyết xong công việc một cách nhanh chóng. Em ngồi nãy giờ mải mê xem cô bán hàng mà quên mất, cô bán cho em một bọc ống hút và viên xà phòng hiệu “Cỏ may” bạc hà mà mẹ cháu thường đến mua chọn nhé! Có ngay . . . để cô lấy cho cháu, nhanh như cắt mọi thứ đã được vào túi nilon gọn gàng. Công việc buôn bán là thế đấy. Tuy vui thật nhưng thật khó, không như chúng tôi thường tổ chức “nhà chòi” về việc mua bán hàng. Khi có khách đến đông thì đòi hỏi phải nhanh và vui tươi chiều khách như cô Cẩm mới có thể giải quyết xong công việc một cách nhanh chóng và thu hút khách như thế này.

Em yêu cô Cẩm, cô đúng là người hàng xóm thân thiết nhất của mọi người và mọi nhà cũng như khách thập phương.

4. Bài văn mẫu số 4 – Tả bà cụ bán hàng nước

Quê hương là nơi chôn rau cắt rốn, là mảnh đất thiêng liêng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Đối với em, quê hương có rất nhiều ý nghĩa. Em yêu cây đa đầu làng, yêu cánh đồng lúa rộng mênh mông, yêu dòng sông êm đềm...và yêu bà cụ bán hàng nước dưới gốc cây đa.

Em sinh ra và lớn lên ở một vùng nông thôn, nơi có những cánh diều tung bay, những cánh đồng xanh mãi tận chân trời, những cánh cò nghiêng nghiêng chao lượn. Trong kí ức tuổi thơ yên bình ấy, bà cụ bán hàng nước ghi lại dấu ấn vô cùng sâu đậm. Mọi người trong làng gọi bà là bà Tư. Bà Tư đã bước sang tuổi bảy mươi – độ tuổi xế chiều. Dấu vết của thời gian đã in sâu lên cái lưng còng của bà. Khuôn mặt già nua với những nếp nhăn và chấm đồi mồi nhưng lại hồng hào, phúc hậu như những bà tiên trong truyện cổ tích. Vết chân chim tràn đầy nơi khóe mắt đã minh chứng cho quãng đời vất vả nhọc nhằn mà bà trải qua. Thế nhưng, ánh mắt hấp háy của bà lại tinh tường lắm, dường như có thể nhìn thấu mọi chuyện trên đời. Mái tóc bà đã bạc trắng như cước, vấn gọn gàng xung quanh đầu rồi vòng ra bên ngoài chiếc khăn mỏ quạ màu đen. Miệng bà lúc nào cũng móm mém nhai trầu. Đôi bàn tay bà nhăn nheo và chai sạn, những đường gân chằng chịt nổi rõ lên.

Bà Tư là người hiền lành, tốt bụng. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi người chồng và ba người con trai yêu quý của bà. Rời khỏi cuộc chiến, bà trở về quê hương, được nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Ai nghe đến nỗi bất hạnh cuộc đời bà cũng ngậm ngùi xót xa, chỉ riêng bà luôn bình tĩnh và nở nụ cười hiền hậu. Quán nước bà dựng dưới gốc cây đa, đã hơn hai mươi năm qua đi. Ngày ngày, khi ánh bình minh dần buông xuống khắp làng quê, bà lọ mọ chuẩn bị nước, bánh trái rồi gánh chiếc đòn gánh trên vai. Thân hình gầy gò của bà đổ ngả theo ánh nắng, tiến về phía mái rơm dưới gốc cây đa. Cả ngày dài, bà cứ lặng lẽ ngồi đó, mọi người đi qua chào hỏi, bà sẽ ân cần đáp lại. Giọng bà không rõ ràng, rành mạch như ngày còn trẻ nhưng ấm áp và thân thiết lạ thường. Lũ trẻ trong xóm chúng em ai cũng yêu quý và hay quấn quýt lấy bà.

Tuổi già cô đơn, bà coi mọi người như những người thân thiết trong gia đình, đối xử rất tử tế. Bà sẵn sàng mời khách cốc nước chè thanh thanh, ngọt ngọt để xua tan mệt mỏi, nhọc nhằn. Những chiếc bánh bà tự tay gói thường trao tay những đứa trẻ con để dỗ chúng nín khóc. Bà âm thầm, lặng lẽ trở thành một phần của mái đình, cây đa, trở thành một phần không thể thiếu của vùng quê yên bình này. Khách thập phương dừng chân nơi đây đã coi bà là biểu tượng cho nơi họ vô tình đi qua. Những người con xa quê hương mỗi khi nhớ về quê nhà cũng luôn bồi hồi nhớ đến hình ảnh bà cụ hiền hậu thường ngồi trong ánh chiều tà của quán nước đầu làng ngày xưa.

Hình ảnh bà cụ lưng còng trong chiếc áo bà ba màu nâu như màu của đất và hương vị của trà của bánh bà Tư đã trở thành hình ảnh tươi đẹp trong kí ức tuổi thơ của bao thế hệ người trên quê hương em. Em rất yêu quý và thương bà. Từ trong sâu thẳm trái tim, em mong bà sẽ luôn hạnh phúc, mặc cho cuộc đời đã nhiều nỗi đau.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF