YOMEDIA

Tả một người em thường gặp nhất - Văn mẫu lớp 5

Tải về
 
NONE

Nhằm giúp các em học sinh lớp 5 biết cách viết bài văn tả người hay và sáng tạo nhất Học247 mời các em cùng tham khảo bài văn mẫu Tả một người em thường gặp nhất dưới đây. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

ADSENSE

Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy tả về một người em thường gặp nhất.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Nhà em sống trong một con hẻm nhỏ, xung quanh là rất nhiều ngôi nhà của các cụ già. Tuy nhiên mỗi lần đi học ra ngõ, em vẫn thường chú ý đến hình ảnh của một cụ già ngồi bán xôi ở đầu ngõ. Cụ tên Tý, sống cách nhà em 3 nhà. Ngày nào em thấy cụ ngồi bán xôi đầu ngõ.

Cụ Tý năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng mái tóc của cụ bạc phơ, trắng như cước. Cụ búi tóc củ tỏi ở trên đầu, và quấn một chiếc khăn. Cụ bảo rằng tóc cụ thưa nên cụ buộc như thế này.

Hằng ngày cụ ngồi bên một chiếc thúng thơm nức mùi xôi xéo, ngày ngày cụ dậy thật sớm để hông xôi mang bán cho mọi người để kiếm tiền trang trải cuộc sống cũng như giết thời gian.

Hàm răng của cụ đã rụng đi mấy chiếc, cụ cứ nhai trầu chóp chép mỗi khi em đi qua. Hàm răng cụ đen nháy vì ngay xưa cụ ăn nhiều trầu.

Đôi bàn tây gầy và xương, thi thoảng còn run run lên vì tuổi cao và sức yếu. Mắt cụ đã mờ đi, tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được tiền mỗi khi khách trả. Mọi người vẫn luôn thích ăn xôi ở nhà cụ vì xôi rất dẻo và thơm. Mỗi lần ăn vào là thấy no và ấm bụng.

Cụ vẫn hay mặc những bộ quần áo lụa thời trước nhìn gọn gàng. Thân hình cụ nhỏ, bước đi đã bắt đầu chậm chạp hẳn đi. Mỗi lần cụ bưng thúng xôi ra đầu ngõ bán, cụ bước đi chậm; thi thoảng có nhiều người thấy thế đã đến bê giúp cụ.

Giọng nói của cụ trầm ấm, thi thoảng nói hơi bé nên em không nghe thấy. Mỗi lần em mua xôi ở hàng cụ, cụ thường cho em thêm thật nhiều hành khô, vì em rất thích ăn hành.

Có nhiều hôm trời mưa gió, em đi học ngang qua không thấy dáng cụ, có lẽ thời tiết xấu nên cụ không bán nữa. Những lúc đó em lại thấy nhớ cụ. Một người mà em quen.

Cụ là một người hàng xóm thân thiết và tốt bụng với gia đình em. Em mong cụ luôn khỏe, luôn vui để mọi người lại được ăn xôi do cụ nấu.

2. Bài văn mẫu số 2

"Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy". Mỗi lần lời bài hát "Bụi phấn" vang lên, trong tâm trí tôi lại hiện về hình ảnh của thầy giáo Nam - thầy giáo chủ nhiệm tôi năm lớp Năm. Thầy là một người mà tôi vô cùng biết ơn và kính trọng.

Thầy Nam năm nay đã hơn năm mươi tuổi rồi. Dáng người thầy cao và có phần hơi mập. Mái tóc thầy đã có những sợi điểm bạc - bạc vì ở tuổi ấy, có mái tóc ai còn xanh đầu, bạc vì bụi phấn, bạc vì những lo toan thường nhật và vì lũ học trò tinh nghịch chúng tôi nữa. Gương mặt thầy vuông chữ điền, toát lên sự cương nghị. Đôi mắt thầy ánh lên sự cương trực với cái nhìn đầy xa xăm nhưng ánh mắt thầy dành cho học trò chúng tôi thì thật ấm áp biết bao. Sống mũi thầy rộng và vầng trán lại thật cao. Mỗi khi thầy cười, những nếp nhăn nơi khóe mắt, khóe miệng lại hằn sâu hơn, phản chiếu những lo toan và vất vả trong cuộc đời. Thầy ăn vận giản dị lắm nhưng lại vô cùng lịch lãm.

Thầy hiền và tốt với chúng tôi lắm. Có những lần học sinh bị ốm, thầy đều hỏi han tận tình, giảng lại bài cho chúng tôi. Trong lớp, nếu có ai học kém hoặc có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thầy đều cố gắng giúp đỡ như động viên các bạn cố gắng học tập, giúp đỡ các bạn cả về vật chất lẫn tinh thần. Tôi nhớ, trong lớp tôi có cái Lan, nhà nó khó khăn lắm, bố mất sớm, gánh nặng gia đình dồn cả vào đôi vai của người mẹ nhưng mẹ Lan lại hay đau ốm, có lần vì không đủ tiền nộp học, mẹ Lan định cho Lan nghỉ học nhưng thầy đã khuyên mẹ bạn ấy và sẵn lòng giúp đỡ khoản tiền học phí ấy. Thầy như người cha thứ hai luôn ân cần bảo ban, chăm sóc chúng tôi, nhắc chúng tôi mỗi khi trời lạnh phải mặc áo ấm hay buổi sáng đến trường thì không bao giờ được bỏ bữa. Nhưng cũng có lúc, thầy rất nghiêm khắc, đó là những khi chúng tôi không vâng lời thầy, về nhà có khi còn không chịu làm bài, hay có những lần mắc khuyết điểm, những lúc ấy thầy đều nhắc nhở. Vậy là thầy không chỉ dạy chúng tôi tri thức mà còn dạy chúng tôi cách sống, cách làm người. Thầy luôn được các bậc phụ huynh, đồng nghiệp và mọi người yêu mến, đó là bởi thầy không chỉ tốt bụng, nhiệt huyết mà còn hăng hái tham gia vào mọi hoạt động của trường.

Dù thời gian có trôi đi, dù sau này có không được gặp thầy thì trong trái tim tôi mãi hiện về hình ảnh của thầy. Làm sao tôi có thể quên được sự ân cần chỉ bảo cùng những bài học định hướng một nhân cách cao đẹp của thầy dành cho chúng tôi.

3. Bài văn mẫu số 3

Nhà em nằm ở giữa một khu phố nhỏ yên bình, ở ngoại ô thành phố. Cách vườn cây là đến hai nhà hàng xóm sát vách. Trong đó, có một vị hàng xóm rất đặc biệt, đó là bác Ngọc, tổ trưởng tổ dân phố.

Bác Ngọc là cái tên được cả khu phố vui vẻ và quý mến khi nhắc đến. Bác góa vợ, con gái lại lấy chồng trên thành phố nên bác sống một mình trong căn nhà nhỏ. Chính vì thường ngày bác rất tốt bụng, hễ có ai cần giúp bác đều xắn tay áo không nề hà mà đến giúp hết sức. Em không biết năm nay bác bao nhiêu tuổi, chỉ thấy bác thường mặc bộ đồ Tàu lịch sự và đẹp đẽ như mấy diễn viên trên phim. Mái tóc muối tiêu của bác được chải gọn về sau đầu, để lộ cái trán hơi hói nhẵn bóng.

Dáng người bác đậm chứ không gầy, thế nhưng mỗi bước đi đều nhanh nhẹn khỏe khoắn chứ không hề có dấu hiệu của tuổi già. Cứ mỗi sáng bác lại đạp xe một vòng quanh khu phố kiểm tra tình hình, quay về nhà đọc báo, xem thời sự và làm vài việc của khu phố. Nhà bác có một vườn cây ăn trái rộng, đây là khu vui chơi lý tưởng của đám con nít trong khu phố. Bác cũng rất thoải mái, bác nói mình bác ăn không hết nên mấy đứa cứ hái mà ăn. Chỉ chờ có vậy, chúng tôi ùa lên hái nào là xoài, ổi, mận, cóc,... ăn đến no nê. Mỗi lần như thế, bác cười hiền từ rồi chuẩn bị nước cho chúng tôi rửa tay chân nữa.

Bác Ngọc rất được lòng mọi người bởi tính tình thẳng thắn và trách nhiệm với công việc của mình. Khu phố nhờ có bác mà quy củ hơn hẳn, không có gia đình nào đánh nhau hay trộm vặt nữa. Em rất quý người hàng xóm đặc biệt này.

4. Bài văn mẫu số 4

Ngày nào đi học, em cũng đi ngang ngã năm gần nhà. Nơi ấy, xe cộ tấp nập suốt ngày đêm. Em thường thấy một chú công an đứng ngay ở bùng binh, không ngừng điều khiển cho xe cộ lưu thông. Đó là một thanh niên có vóc người cao lớn, vạm vỡ, nước da bánh mật, mặt vuông đầy đặn, đôi mắt sáng, nhanh nhẹn.

Cũng như bao chú công an giao thông khác, chú mặc bộ dồ ka ki vàng sậm. Trên chiếc áo ngắn tay cạnh cầu vai có đeo phù hiệu thuộc sắc phục cảnh sát giao thông và trên ngực bảng tên, đơn vị bằng tấm mica nền trắng -chữ xanh. Chú mặc quần tây dài gọn gàng, chân đi giày đen bóng lộn, chiếc thắt lưng bằng da màu nâu to bản hơi lệch về dưới bởi khẩu súng ngắn đeo bên hông kéo xuống, càng tăng thêm vẻ oai vệ, đĩnh đạc của người cảnh sát giao thông giữ gìn trật tự đường phố. Chiếc mũ kết đội trên đầu có đính huy hiệu cảnh sát khiến cho gương mặt của chú vừa oai nghiêm vừa rắn rỏi.

Chú đứng đó, ngày nào cũng như ngày nào, tại vòng xoay ngã năm như một vị chỉ huy oai vệ. Miệng ngậm còi, hai cánh tay thay một mệnh lệnh, đưa lên, hạ xuống, sang trái sang phải, dòng người và xe cộ cứ thế dừng lại, tuôn đi một cách trật tự, nề nếp. Thỉnh thoảng có một vài chiếc hon-da đậu chớm quá vạch sơn trắng nhô lên lấn dường, chú thổi còi ra hiệu lùi lại. Tức thì những chiếc xe ấy vội lùi ra sau vạch trắng ngoan ngoãn như các cậu học sinh vâng lời thầy dạy. Chú làm việc một cách cần mẫn và nghiêm túc, không thiên vị một người nào.

Có một lần, ba cô gái ngồi trên một chiếc xe hon-đa vù tới ngã năm nhấn ga bấm còi inh ỏi, làm cho một số người đi đường yếu bóng vía vội dạt vào hai bên lề. Chú công an vội giơ tay ra hiệu, miệng tuýt còi ra lệnh dừng lại. Chiếc xe tạt vào lề. Cả ba cô sượng sùng nói lời xin lỗi. Chú công an mỉm cười rồi từ từ rút biên lai ghi phạt. Đưa tờ biên lai cho các cô, chú còn dặn thêm: “Lần sau các cô cẩn thận thực hiện đúng luật giao thông không được chở ba”. Bấy giờ, một cô nhảy xuống đón xe buýt. Lòi nói của chú nhẹ nhàng nhưng rất dứt khoát.

Cứ thế, chú điều khiển dòng người và xe cộ lưu thông được thuận lợi, không có một tai nạn nào xảy ra ở giao lộ này. Em rất kính phục phong cách làm việc của chú, vừa có tình lại vừa có lí. Em ước mơ sau này lớn lên, em sẽ đi làm cảnh sát giao thông để giữ gìn an ninh trật tự cho đường phố.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

ZUNIA9
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF