YOMEDIA

Tả con chim bồ câu mà em quan sát được - Văn mẫu lớp 4

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu Tả con chim bồ câu mà em quan sát được dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về hình dáng của chú chim bồ câu. Từ đó, các em có thể dễ dàng viết bài văn tả về chú chim bồ câu hay nhất. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

ATNETWORK

Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn tả về con chim bồ câu mà em đã quan sát được.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Từ ngày về hưu, ông nội em mới có điều kiện để thực hiện thú nuôi chim bồ câu mà ông ấp ủ từ lâu. Suốt một tuần liền, ông tự tay đóng chuồng. Hai chiếc chuồng chim bằng gỗ sơn xanh có bốn ngăn, cửa chuồng khoét thành hình tròn, sơn viền màu trắng trông rất hấp dẫn được đặt trên cọc gỗ giữa vườn, dưới gốc cây bưởi lớn. Ông em bảo chim bồ câu rất thích ở trong những chiếc chuồng đẹp đẽ, thoáng mát và cao ráo.

Hôm đi mua chim, ông em chọn được hai cặp bồ câu Nhật, lông trắng muốt, đuôi xoè rộng như đuôi công, trông rất dễ thương. Ngày ngày, ông tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng chúng.

Thấm thoắt đã hơn một năm. Từ hai cặp chim ban đầu, bầy chim giờ đã hơn chục con, thành một gia đình đông đúc. Mỗi sáng ông em rải thóc, rải đậu trên mặt sân, đàn chim sà xuống, tranh nhau mổ. Có những con rất dạn dĩ, mổ đậu xanh từ trong tay ông. Ông trìu mến vuốt ve chúng và nói với em rằng ông rất thích nghe tiếng chim gù buổi sáng, bởi âm thanh ấy làm cho tâm hồn thanh thản. Đàn chim ăn no, vỗ cánh nối đuôi nhau bay vút lên. Ông em nhìn theo, nở một nụ cười mãn nguyện. Trên sân lúc này chỉ còn mấy chị bồ câu đang nuôi con nhỏ, vẫn cặm cụi nhặt nhạnh từng hạt thóc, hạt đậu còn vương vãi.

Trên ngăn chuồng bên trái có cặp chim non mới nở được hai tuần. Trông chúng mới ngộ nghĩnh làm sao! Chiếc mỏ màu hồng nhạt to quá cỡ lúc nào cũng há ra như chờ đợi. Tiếng kêu chim chíp yếu ớt. Đôi chân nhỏ xíu lẩy bẩy đỡ tấm thân trụi lủi, thưa thớt mấy đám lông măng. Đôi mắt chúng tròn xoe, ngơ ngác nhìn ngó xung quanh, lấy làm lạ lắm. Ôi! Đói bụng quá rồi! Sao mẹ đi kiếm mồi mãi vẫn chưa về nhỉ? Sốt ruột, hai chú ra trước cửa chuồng ngóng đợi.

Ô! Mẹ về rồi kìa! Chim non khẽ kêu lên sung sướng. Chim mẹ chao nghiêng đôi cánh rộng, nhẹ nhàng đáp xuống bên con.

Chim con cuống quýt đòi ăn. Chim mẹ mớm mồi từng chút, từng chút vào cái mỏ háu đói. Mặc cho chim con thúc giục, chim mẹ chẳng vội vàng. Xong xuôi, nó âu yếm vuốt ve con. Chim bố nãy giờ đứng ở đầu chuồng cất tiếng gù gù, vẻ hài lòng lắm.

Chim bồ câu xinh đẹp và duyên dáng được coi là biểu tượng cho cuộc sống hoà bình trên trái đất. Em yêu quý chim bồ câu và càng yêu quý cuộc sống thanh bình của đất nước.

2. Bài văn mẫu số 2

Ai đã đến nhà thờ Đức Bà ở thành phố Hồ Chí Minh thì chắc chắn sẽ không thể quên được hình ảnh của từng đàn chim bồ câu bay trong nắng chiều vàng ươm. Em cũng vậy, hình ảnh của chú chim bồ câu trắng đã in sâu trong tâm trí em từ nhỏ tới giờ.

Đó là một ngày chủ nhật, cả gia đình em quyết định đến tham quan nhà thờ Đức Bà để giải tỏa căng thẳng sau một tuần học tập và làm việc mệt mỏi. Bước đến nơi, điều đầu tiên thu hút em chính là hình ảnh của các chú chim bồ câu trắng muốt đang thong thả, hồn nhiên cúi ăn các đồ ăn mà người du lịch thả cho. Giữa đường đi bao người qua lại, đàn chim vẫn nhẹ nhàng mổ từng hạt thóc hay từng miếng hạt ngô nhỏ nhỏ. Em có thời gian chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng. Chú chim bồ câu có thân hình không lớn, chỉ to bằng bắp tay người lớn. Bộ lông màu trắng mượt như tuyết bao phủ toàn bộ cơ thể chú trông như một cục bông nhỏ. Thân hình nhỏ nhắn khiến chú chim thật đáng yêu. Đôi chân màu hồng hồng, các ngón bé xíu co duỗi linh hoạt giúp chú có thể thuận tiện trong khi bay và di chuyển trên mặt đất. Đôi cánh khi dang rộng vỗ lên những tiếng "vù...vù.." nghe thật vui tai. Các lớp lông trên cánh xếp đều nhau tạo thành hình tam giác rất đẹp. Phần bụng có lông tơ mịn màng, điểm một vài đốm đen nhỏ nhỏ xinh xinh như những bông hoa điểm lên trên nền tuyết trắng. Cái đuôi ngắn, giúp cho chú bay nhanh hơn trên không. Cái cổ hơi dài, khi chú di chuyển cứ gật gù không ngừng trông thật ngộ nghĩnh. Cái đầu nhỏ bằng nắm tay em, nổi bật là chiếc mỏ màu vàng nhạt hơi khoằm. Chiếc mỏ ấy giúp chú có thể nhặt được đồ ăn và đưa vào miệng. Đôi mắt nhỏ màu hạt cườm toát lên sự thông minh, nhanh nhẹn của loài được cho là thông minh thứ bảy trên thế giới. Cái đầu ấy luôn ngó nghiêng như đứa trẻ ham khám phá thế giới xung quanh. Chúng rất thân thiện và gần gũi với mọi người, khi em lại gần, chúng không tỏ ra sợ hãi mà rất tự nhiên, thậm chí có chú bồ câu mạnh dạn hơn, lại gần và ăn thức ăn trên lòng bàn tay em. Lúc ấy em cảm thấy rất vui. Khi cả đàn chim cùng nhau bay lên, tạo thành khung cảnh rất đẹp, như là biểu tượng cho sự tự do, hòa bình. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều cặp vợ chồng chọn nơi đây là nơi để chụp ảnh cưới.

Em rất yêu loài chim bồ câu đáng yêu, với đôi mắt tròn xoe hiền hòa. Mong rằng em sẽ sớm được đi thăm lại nơi ấy đến được nhìn ngắm những loài vật bé bỏng mà thông minh ấy.

3. Bài văn mẫu số 3

Một sáng mùa hè, trời xanh trong và cao. Không gian tràn ngập mùi rơm rạ của vụ lúa mới. Sân đình vàng óng lúa thơm. Vài chú chim bồ câu đáp xuống sân, thơ thẩn đi lại, mổ thóc ở đống rơm tuôn ra từ máy tuốt lúa. Trong số ấy, em thích nhất chú chim bồ câu lông trắng.

Chú chim bồ câu bạo dạn đi trên sân lúa. Máy tuốt lúa đã ngừng quay, để lại trên sân một đống lúa to. Chú chim đi vòng quanh đống rơm, mổ lấy những hạt thóc thừa còn sót lại trên cọng rạ. Chú có bộ lông trắng như tuyết, đầu tròn và thân hình thon lẳn. Mắt chú chim đẹp thật: to và đen láy, viền mắt màu đỏ hồng. Mỏ chú chim màu vàng ngà. Ức của nó có lông màu trắng, bóng mượt, mịn màng như nhung. Chú chim câu có đôi chân thấp, hồng hồng, mang một dúm lông trắng như tua chi. Chú chim đi lại từ tốn ung dung trên sân. Đầu chú lắc lư, lắc lư. Nom chú mới bình thản, dạn dĩ làm sao! Chim bồ câu đẹp, hiền lành nên được chọn làm biểu tượng hòa bình. Ngày xưa chim bồ câu được huấn luyện thành chim đưa thư. Ngày nay, với kĩ thuật viễn thông và phần mềm in-tơ-nét, việc liên lạc giữa con người đã trở nên nhanh chóng, chim bồ câu vẫn được con người yêu quý vì chúng đẹp và rất hiền lành. Ở Luân Đôn, thủ đô nước Anh, chim bồ câu sống tự do từng đàn lớn và chúng rất bạo dạn. Quả thật, có theo dõi và ngắm nhìn một chú chim bồ câu kĩ càng, em mới thấy hết vẻ đẹp mà tạo hoá đã ban cho giống chim bồ câu này.

Em rất yêu quý chim bồ câu. Khung cảnh làng quê thật thanh bình và đẹp dù cánh đồng vừa gặt chỉ còn trơ gốc rạ có đôi chim bồ câu thơ thẩn nhặt thóc. Hình ảnh đẹp ấy in vào tâm trí em những kỷ niệm êm đềm không bao giờ quên.

4. Bài văn mẫu số 4

Vợ chồng cô Tú chuyển vào Vũng Tàu công tác đã tặng bố mẹ em một đôi chim bồ câu và cái chuồng chim tuyệt đẹp. Các anh chị đừng cho em là kẻ khoe khoang, chứ cái chuồng chim ấy được đóng bằng gỗ dầu, có ô cửa tròn, được trang trí bằng hoa văn, có lõi thép bảo vệ, đẹp như một cung điện thời trung cổ.

Trong số những loài chim đã biết, em chưa thấy âm thanh nào, tiếng hót nào ấm áp bằng tiếng gù của đôi chim bồ câu nhà em. Sớm sớm, chiều chiều, đôi uyên ương chúc đầu vào nhau, cặp cánh khép lại, cái đuôi xòe ra, khẽ cất tiếng gù êm ái. Nắng sớm vừa tỏ ngọn cau, chim tung cánh bay lượn. Lúc thì bay vút từng không, lúc thì xòe cánh như chiếc tàu lượn. Lúc thì nhởn nhơ cùng sánh bước dạo chơi trên sân nhà. Có cặp tình nhân nào thơ mộng hơn thế?

Bồ câu là một loại chim hiền, dễ nuôi. Một ít hạt kê, một vài nhúm đậu, cốc nước thật trong thật sạch là chim đủ no rồi. Chim trống, chim mái lúc nào cũng ở bên nhau. Chim trống lớn hơn chim mái, cạp cánh to và dài hơn. Chim mái trông xinh xắn, duyên dáng và yểu điệu. Bộ lông xám màu bạc óng ánh pha nước biển ngời lên. Cái đầu tròn như quả táo, cặp mỏ màu ngà pha màu nâu nhạt, cặp mắt đen láy, tròn, mở to như hai hạt đậu óng ánh. Có một đường tròn nhỏ đỏ au viền quanh cặp mắt. Mắt bồ câu là biểu tượng cho vẻ đẹp phúc hậu, hiền dịu của thiếu nữ xưa nay. Cặp chân bồ câu có đeo chùm lông mịn màng, óng ánh như những tua chỉ vàng, chỉ bạc. cái đuôi bồ câu lúc bay lên, lúc đáp xuống xòe ra như nửa chiếc quạt giấy bằng lụa bạch, làm cho cánh chim bay nhẹ nhàng, thảnh thơi.

Bồ câu mắn đẻ; thịt bồ câu thơm và bổ. Bồ câu hầm hạt sen, táo tàu, nhân sâm, ăn một lần nhớ cả đời.

Lễ hội dân gian thi thả chim bồ câu là một trò chơi hấp dẫn, thú vị. Em còn nghe nói, ở các đồn công an biên phòng hiện nay vẫn dùng chim bồ câu để đưa thư.

Chim bồ câu xòe cánh là biểu tượng cho hòa bình. Trên nền vải xanh, hiện lên một vài cánh chim bồ câu, hình ảnh ấy trở thành khát vọng của hàng triệu con người trên Trái Đất. Nghe tiếng chim gù, nhìn thấy bồ câu bay, con chim bé nhỏ ấy càng trở nên thân thương với em biết bao. Mong sao cho cuộc sống của mọi người được bình yên, hạnh phúc như đôi chim câu nhà em. Người già nghe tiếng chim bồ câu gù mà thấy mình như trẻ lại. Tuổi thơ thấy chim bồ câu bay là thấy chân trời mở rộng và sáng lên!

5. Bài văn mẫu số 5

Kì nghỉ hè vừa qua, em đã có dịp về quê ngoại chơi với ông bà. Suốt hai tháng liền, em được đắm mình vào không gian của làng mạc, được vui đùa với các bạn đồng trang lứa vô cùng đáng yêu, được cùng ông bà hàng ngày hái rau, trồng hoa, nuôi gà,… đặc biệt là được cùng ông chăm sóc những con bồ câu do chính tay ông bà nuôi.

Em rất thích những chú bồ câu ấy. Chúng có bộ lông mềm mại, màu xám pha chút xanh đậm. Ông em nói đó là những con bồ câu mái. Đôi mắt chúng tròn và đen láy, có một đường viền màu đỏ xung quanh mắt. Cái đầu cứ lắc lư để ngắm nghía trời đất trông thật thú vị. Cái mỏ màu nâu nhỏ nhắn, trông rất dễ thương. Hai đôi cánh của chúng úp vào thân như một lớp áo khoác đang bảo vệ chúng khỏi cái khắc nghiệt của thời tiết. Nếu như phần lông từ đầu tới cổ của chúng là phần lông mềm mại nhất thì phần lông vũ của chúng là phần cứng cáp nhất. Những chiếc lông vũ đều góp phần nâng cánh của chúng bay cao, bay xa hơn nữa trên bầu trời. Cặp chân của chúng rất thấp, có màu vàng sậm, bên dưới có những chiếc móng nhỏ giúp chúng có để đậu vững chắc hơn trên các cành cây.

Những chú bồ câu thường cất tiếng kêu “gù gù”, như một thứ âm thanh đọng lại, làm cho lòng em cảm thấy thật thư thái và dễ chịu như đang được nghe một thứ âm hưởng quê hương. Những con chim bồ câu còn có khả năng đặc biệt về trí nhớ, chúng dù có bay xa đến đâu thì vẫn luôn nhớ đường về. Bởi vậy mà khi xưa bồ câu được coi là một phương tiện đưa thư. Ông em thường rắc kê để chúng ăn, chúng cũng thường bay đi kiếm mồi nhưng luôn quay trở về. Ông nói, sau này những con bồ câu mái sẽ đẻ trứng và sẽ có thêm những chú bồ câu xinh xắn khác ra đời.

Dù đã trở về nhà, về với thành phố nhưng mỗi lần được nghe một tiếng bồ câu kêu ở đâu đó, em lại nhớ về những tháng ngày cùng ông bà chăm sóc đàn bồ câu ở quê nhà. Đó sẽ là những điều rất khó để quên, ở hiện tại và cả trong tương lai.

-----Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp-----

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON