YOMEDIA

Tả cái trống trường em - Văn mẫu lớp 4

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu Tả cái trống trường em dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết bài văn tả cảnh hay và sáng tạo nhất. Đồng thời, bài văn mẫu này còn giúp các em có thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Chúc các em học tốt nhé!

ADSENSE

Đề bài: Em hãy viết bài văn ngắn tả về cái trống của trường em.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Suốt những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường cấp 1, khi sắp phải rời xa nơi đây để bước sang một chặng đường mới. Em chợt thấy có nhiều cảm xúc với chú trống nằm im lìm quanh năm ở một góc sân. Có lẽ chiếc trống trường là hình ảnh quá quen thuộc đối với mỗi ngôi trường, với từng bạn học sinh.

Chiếc trống trường là người bạn thân thiết, là “chiếc đồng hồ báo thức” đến giờ vào học, đến giờ ra chơi và đến giờ ra về. Tiếng trống trường không nói, nhưng em biết rằng nó luôn yêu quý từng thế hệ học sinh.

Trống trường được làm bằng gỗ, đóng đinh từng tấm ván mỏng lại với nhau nhưng bên trong thì rỗng tuếch. Vì bên trong rỗng thì tiếng kêu của nó mới kêu vang và xa hơn. Thường thì gỗ sẽ có màu nâu nhạt, trống trường thường đi liền với dùi trống. Đây là hai thức bất di bất dịch, luôn gắn liền với nhau vì có dùi trống thì mới có thể cất lên thành tiếng được. Mặt trống được làm bằng da trâu rất mịn và chắc chắn. Khi sờ vào đó em thấy nó mềm và mịn, lúc dùi trống gõ vào thì mặt trống lõm xuống một chút và bật ra âm thanh lớn.

Chiếc trống trường rất to, phải hai bạn học sinh ôm mới xuể, vì nó phình ở bụng, còn hai đầu lại thu nhỏ lại. Tiếng kêu của mặt trống em nhẹ hơn khi gõ vào xung quanh trống. Chiếc trống trường nằm trên một cái kệ và được bác bảo vệ đặt ở một góc sân. Quanh năm suốt tháng nó chỉ nằm đó, im lìm, khi nào đến giờ ra chơi, ra về thì nó mới kêu lên một hồi dài.

Mặc dù quanh năm bình lặng nhưng hầu như bạn học sinh nào cũng yêu quý chiếc trống trường, vì nó gắn liền với những tiết học. Hơn hết trống trường chính là mở màn cho một năm học mới nhiều thành công hơn nữa. Vào lúc khai giảng, trống trường được trang trí hoa văn rất đẹp để đồng hành với chúng em trong năm học mới.

Khi mùa hè đến, trống trường nằm im lìm bên những cây phượng già, hoa rụng lả tả. Chúng em chia tay chiếc trống trường về với gia đình thân yêu. Có lẽ lúc đó trống trường cũng được nghỉ hè. Em cứ có cảm giác nó buồn khi phải chia xa từng thế hệ học trò.

Em rất yêu quý chiếc cổng trường và dù sau này có rời xa mái trường em vẫn luôn nhớ về nó như một người bạn cũ.

2. Bài văn mẫu số 2

Cái trống có mặt ở ngôi trường em học không biết đã bao năm rồi; bác bảo vệ của trường ít nhất cũng đã mười hai năm, thế mà trống vẫn còn tốt.

Trống cao gần bằng cậu học trò lớp bốn. Trống khum khum hình bầu dục hai đầu thon lại, thân to, ba học sinh nối tay nhau mới ôm đủ vòng quanh trống.

Hai bề mặt trống là hai lớp da trâu hoặc bò dày, nhẵn thín màu vàng ngà hơi cũ. Mặt trống nhìn tựa như bề mặt nồi tráng bánh cuốn của bà Hai cạnh nhà em. Bao quanh mặt trống là thanh gỗ dẹt mỏng, sơn viền đỏ vàng, được đóng đinh tre gắn liền với thân trống.

Thân trống được ghép bằng những mảnh gỗ chắc chắn, sơn màu đỏ thẫm, phình to ở giữa. Chỗ ấy được gọi là bụng trống. Bao quanh bụng là một vành đai do hai cây mây bện xoắn vào nhau lớn bằng ngón tay cái. Nhìn từ xa trống như được mang chiếc thắt lưng giản dị, dân dã.

Thường lệ, trước giờ vào học, bác bảo vệ cầm chiếc dùi trống bằng gỗ dài bằng cả cánh tay em để nện lên mặt trống. Lúc đầu bác đánh chậm, nhỏ, càng về sau nhịp tay bác càng nhanh, càng mạnh và dồn dập. Ấy là lúc trống run lên và tỏa vào không trung những âm thanh kì lạ: Tùng! Tùng! Tùng!

Trống trường chỉ vang lên vào những giờ phút đáng ghi nhớ: bước vào niên học, bắt đầu mỗi tiết học, giờ nghỉ học, giờ ra chơi, giờ ra về và lúc bế giảng. Những lúc đi học trễ, nghe trống trường dồn dập, em rảo bước nhanh hơn. Có khi đang bí bài, nghe trống báo hết tiết học, em mừng vui hể hả. Ngược lại, đôi khi đang chạy nhảy hả hê, trống lại báo hết giờ chơi, ai nấy đều tiếc rẻ. Một lần hè đến, nghe trống trường báo hiệu bế giảng năm học, lòng chúng em xao xuyến bâng khuâng, buồn vui lẫn lộn.

Trống trường thực sự là bạn đồng hành của đời học sinh chúng em. Mai đây, chúng em lớn lên, có thể đi bất cứ nơi nào trên Tổ quốc song mãi mãi tiếng trống trường vẫn bập bùng trong kỉ niệm.

3. Bài văn mẫu số 3

Đối với một người học sinh, tiếng trống trường luôn là một âm thanh quen thuộc. Tiếng trống báo hiệu thời gian giải lao đã đến. Sân trường đang vắng lặng không một bóng học sinh, chỉ có những chú chim nhỏ đang bay nhảy khắp nơi. Bỗng nhiên “tùng, tùng, tùng” – âm thanh ấy kéo lên vang vọng khắp sân trường khiến cho mấy chú chim nhỏ giật mình bay vọt. Không đầy một phút sau, trong các lớp, học sinh chạy ùa ra ngoài khiến sân trường đang im ắng bỗng nhiên trở nên vui nhộn và nô nức tiếng cười. Chiếc trống thì lại nằm im ngắm nhìn những cô cậu học sinh thỏa sức vui đùa. Nhưng trong tâm trí mỗi học sinh, thì không ai lại không quý chiếc trống trường, một chiếc trống thân thuộc và luôn gắn bó trong suốt những tháng ngày học tại trường.

Chiếc trống của trường em đặt tại ngay đầu dãy nhà mà em đang học. Mỗi khi đi vào lớp em đều đi qua chiếc trống, nên nó dường như trở nên rất thân thuộc với em. Thân trống hình trụ, mặt trống hình tròn, trên đó được đóng bằng một lớp da trâu rất dày để có thể tạo ra âm vang mỗi khi đánh trống. Thân trống được sơn bằng một lớp sơn đỏ tươi, mặt trống được phủ bằng lớp da trâu có màu vàng. Trống có hai đầu của một vỏ hình trụ. Trống có thể cao bằng một em học sinh lớp Một, thân hình thì căng tròn. Chân trống được thiết kế vững chắc để trống có thể đặt lên trên mà không sợ bị đổ. Bên cạnh thân trống là dùi trống. Dùi trống là một thanh gỗ được mài tròn, và đầu dùi được bọc một lớp vải màu đỏ để khi đánh trống có thể tạo ra độ rung và tiếng vang trong thân trống.

Xung quanh thân trống là lớp viền được đóng đinh liên tiếp nhau rất chắc chắn để có thể cố định vị trí của tấm da trâu, không để tấm da có thể xê dịch hay bung ra được. Mỗi khi sắp tới giờ vào lớp và bác bảo vệ lại đi đến và cầm chiếc dùi gõ vào trống để báo hiệu cho học sinh vào lớp tiếp tục học tập.

Em rất yêu quý chiếc trống trường của em, nó luôn là một “thành viên” không thể thiếu của nhà trường và của mỗi học sinh khi cắp sách đến trường.

4. Bài văn mẫu số 4

Chú trống trường em rất oai. Hiệu lệnh của chú ban ra, cả trường ai cũng phải răm rắp làm theo. 6h30 chú cất ba hồi dài vang động xóm thôn. Học sinh thôn Hạ, thôn Thượng, thôn Trung náo nức, hối hả đến trường. Một hồi chín tiếng, học sinh các lớp xếp hàng vào lớp. Một hồi sáu tiếng báo hiệu ra chơi. Một hồi ba tiếng, học sinh lại vào học. Một hồi trống dài tan học, hàng nghìn học sinh túa ra về.

Tiếng trống trường em kêu to lắm. Từ thôn Thượng, sáng nào em cũng nghe rõ tiếng trống trường em. Cái âm thanh “Tùng! Tùng! Tùng!” lúc khoan, lúc nhặt, lúc dồn dập cứ dội vào lòng em, giục em rảo bước. Chẳng hề cần ăn uống mà chú ta cần mẫn, siêng năng, rất đúng giờ. Ba tháng hè chú nằm nghỉ. Suốt năm học trừ ngày lễ, ngày Chủ nhật là chú được nằm chơi, còn từ thứ 2 đến thứ 7 ngày hai buổi, chú dõng dạc truyền lệnh. Khi nào chú cũng nhắc thầy trò: “Đúng giờ! Đúng giờ! Nhanh lên! Nhanh lên!”

Tiếng trống ngày khai trường, tiếng trống tan học… cái âm thanh bình dị, thân thuộc ấy đã để lại trong tâm hồn em bao kỉ niệm đẹp về mái trường thân yêu, về tình thầy, tình bạn một thời thơ bé.

Mới ngày nào vào học lớp Một, nghe tiếng trống trường ngày khai giảng mà hồi hộp. Thế mà nay em đã là cậu học sinh lớp Bốn rồi. Càng thấy yêu càng thấy nhớ cái âm thanh rộn ràng ấy mỗi buổi mai khi hừng đông rực đỏ.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF