YOMEDIA

Kể một tấm gương mà em ngưỡng mộ nhất - Văn mẫu lớp 4

Tải về
 
NONE

Bài văn mẫu Kể một tấm gương mà em ngưỡng mộ nhất dưới đây nhằm giúp các em học sinh lớp 4 biết cách viết một bài văn kể về một câu chuyện nào đó hay và sáng tạo nhất. Bên cạnh đó, bài văn mẫu này còn giúp các em trau dồi thêm vốn từ phong phú cho bản thân. Mời các em cùng tham khảo nhé!

ADSENSE

Đề bài: Bằng một bài văn ngắn em hãy kể về một tấm gương mà em ngưỡng mộ trong cuộc sống.

Gợi ý làm bài:

1. Bài văn mẫu số 1

Trong chúng ta, hẳn ai cũng đã từng một lần được nghe về câu chuyện vượt khó học giỏi của thầy giáo Nguyễn Ngọc Kí. Thầy là một người có hoàn cảnh bất hạnh khi hai tay của thầy đều bị liệt, không thể cử động nhưng thầy lại có một tinh thần hiếu học mạnh mẽ. Chính nghị lực hơn người và sự nỗ lực không ngừng đã đưa thầy Nguyễn Ngọc Kí chạm đến đích của thành công.

Câu chuyện về cậu bé ham học Nguyễn Ngọc Kí: Nguyễn Ngọc Kí là một cậu bé tật nguyền liệt cả hai tay, vì vậy nên cậu không thể đi học như những bạn bè cùng trang lứa. Tuy vậy, Nguyễn Ngọc Kí lại có một tinh thần ham học mạnh mẽ, một ngày cậu đến lớp học để nghe cô giáo giảng bài.

Cô giáo thấy có một cậu bé thập thò ngoài cửa thì đã ra và hỏi chuyện, Nguyễn Ngọc Kí đã nói với cô giáo về nguyện vọng của mình, cô giáo rất cảm động vì tinh thần hiếu học của cậu bé, nhưng khi cô chạm vào hai cánh tay của Kí thì thấy hai tay buông thong. Dù rất buồn nhưng cô đành phải nói lời xin lỗi với cậu bé, vì với đôi tay như vậy thì cậu bé không thể cầm bút mà học tập như những bạn bè cùng trang lứa.

Nguyễn Ngọc Kí đã rất buồn nhưng thay vì chán nản thì cậu bé đã ngày ngày rèn luyện viết chữ bằng chính đôi chân của mình. Vì nhà nghèo không có giấy bút nên Nguyễn Ngọc Kí thường kẹp những viên gạch nhỏ và vẽ những nét ngoằn ngoèo lên nền nhà.

Trong một lần đến thăm Kí, cô giáo đã bắt gặp cảnh Kí đang tập viết nên vô cùng xúc động, cô giáo đã mua tặng Kí chiếc bút và cuốn vở. Có được cuốn vở mới, Kí hăng say tập viết, ban đầu chỉ là những nét nguệch ngoạc không rõ hình thù nhưng vì chăm chỉ tập luyện mà Nguyễn Ngọc Kí không những viết được chữ mà còn viết vô cùng đẹp.

Sự nỗ lực vươn lên không ngừng đã đưa Nguyễn Ngọc Kí từ một cậu bé tật nguyền thành một thầy giáo mẫu mực,một tấm gương vượt khó cho hàng triệu con người học tập và noi theo.

2. Bài văn mẫu số 2

Em muốn kể câu chuyện về bạn Hoài Nam – một học sinh nghèo có tinh thần vượt khó ham học ở trường Ngô Gia Tự, tỉnh Bạc Liêu.

Hoàn cảnh của Nam thật tội nghiệp. Cha mất sớm, mẹ bệnh tật triền miên, gia đình lâm vào cảnh túng thiếu, Nam lại là con trai lớn. Sau Nam còn một em gái nữa. Tuổi còn nhỏ mà Nam đã phải kiếm tiền để phụ giúp mẹ và tự lo cho việc học hành. Điều ngạc nhiên đối với chúng tôi là Nam học rất giỏi, luôn luôn đứng đầu lớp, thầy cô yêu mến, bạn bè nể trọng. Thời gian học thì ít, cuộc sống lại thiếu thốn mọi bề. Thế mà Nam không bao giờ than vãn với ai một lời, bạn bè lúc nào cũng thấy Nam vui vẻ lạc quan.

Sáng nào cũng vậy, khi mọi người đi ngang qua tiệm cà phê Hải Châu sẽ luôn nghe tiếng rao lanh lảnh quen thuộc của Nam: “Vé số! Vé số chiều trúng đây!”. Lúc nào cũng thấy cậu mặc chiếc quần đùi xanh đã cũ và chiếc áo sơ mi cộc tay có nhiều chỗ vá, đội một cái mũ vải bạc màu để lộ mái tóc rễ tre bờm xờm lâu ngày chưa cắt. Khác với thân hình gầy nhom, khuôn mặt cậu khá tròn trĩnh và rất sáng sủa. Đặc biệt, đôi mắt của cậu ánh lên vẻ thông minh, lanh lợi nên bao giờ Nam cũng bán hết vé số trước mọi người. Nhờ vậy mà cậu đã tranh thủ được thời gian học bài, đọc sách và làm bài tập tại ghế đá ở công viên. Thời gian buổi tối Nam tranh thủ bán vé số ở những quán cà phê đông khách kiếm thêm ít tiền. Ngoài ra, Nam còn là một người hết mình vì bạn. Thường ngày vào những giờ giải lao, Nam thường ngồi lại hướng dẫn thêm cho những bạn tiếp thu còn chậm cách làm những bài toán mới học. Cậu luôn coi việc giúp đỡ bạn là một niềm vui của mình.

Hoài Nam xứng đáng là một tấm gương sáng, một con ngoan trò giỏi được Tỉnh đoàn trao tặng suất học bổng “Học sinh nghèo vượt khó” trong năm qua.

3. Bài văn mẫu số 3

Cuối tuần vừa rồi, em được sang nhà chị Mai chơi. Hôm ấy, em được nghe chị Mai kể rất nhiều câu chuyện thú vị. Trong đó, câu chuyện khiến em ấn tượng nhất là về Linh - học sinh cùng lớp của chị Mai - một tấm gương sáng có thực về sự kiên trì vượt khó trong học tập.

Theo chị Mai kể, anh Linh là một người có thân hình cao, gầy, nhưng dẻo dai, tràn trề sức sống như một cây tre ngà. Anh ấy luôn là con ngoan, trò giỏi, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Thế nhưng, điều khiến ai cũng phải bất ngờ chính là về hoàn cảnh gia đình anh Linh. Anh ấy lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Bố mất sớm, một mình mẹ anh Linh nuôi anh ấy ăn học. Đã vậy, mẹ anh ấy lại còn ốm yếu, không thể làm được việc nặng. Thế nên, hằng ngày chăm sóc vườn rau, rồi đem ra chợ bán, kiếm sống qua ngày. Thương mẹ, hằng ngày, sau giờ học, anh Linh lại giúp mẹ cuốc đất, trồng rau, tưới cây… Rồi anh còn quét dọn nhà cửa, nấu cơm và làm các công việc nhà khác. Mỗi sáng, anh ấy dậy sớm, giúp mẹ hái rau chở ra chợ rồi mới đi đến trường. Nghe chị Mai kể, mà em vô cùng xúc động trước sự hiếu thảo của anh.

Tuy nhiên, dù luôn bận rộn với những công việc gia đình như vậy, nhưng anh Linh lại học rất giỏi. Chị Mai bảo, anh Linh chưa bao giờ đi học mà không làm bài tập về nhà hay không học thuộc bài cũ. Tiết học nào, anh ấy cũng tập trung, chăm chỉ phát biểu. Thành tích học tập của anh Linh lúc nào cũng nằm trong top 5 của cả lớp. Năm ngoái, anh ấy còn được giải ba kì thi Toán cấp thành phố nữa. Thật là đáng kinh ngạc. Dù hoàn cảnh gia đình rất nghèo khó, nhưng anh Linh luôn cố gắng học tập chăm chỉ, đạt kết quả cao. Mỗi ngày anh ấy luôn biết nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để có thể vừa là một học sinh giỏi, chăm ngoan, lại vừa là một người con hiếu thảo. Chính vì thế, mà anh Linh luôn được mọi người yêu mến và nể phục.

Trên đường trở về nhà, trong đầu em cứ mãi suy nghĩ về tấm gương vượt khó trong học tập là anh Linh. Càng nghĩ em càng cảm thấy xấu hổ về mình. Khi cuộc sống của em khá đủ đầy, nhưng lại lười biếng học hành. Nhiều lần không làm bài tập về nhà, không cố gắng hết sức trong học tập. Và em quyết tâm, từ hôm nay trở đi, em sẽ thay đổi mình. Em sẽ cố gắng học tập thật chăm chỉ, không ham chơi, sao nhãng nữa. Đồng thời, em sẽ dành thời gian để phụ giúp bố mẹ các công việc trong gia đình mà em có thể làm được.

Đối với em, anh Linh không chỉ là một nhân vật trong câu chuyện kể. Mà anh ấy còn là tấm gương sáng, là động lực để em noi theo mà thay đổi bản thân theo chiều hướng tốt hơn. Em mong rằng anh ấy luôn mạnh khỏe, học tập tốt và thật thành công trong cuộc sống.

4. Bài văn mẫu số 4

Hiếu học là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc sống của chúng ta luôn có những tấm gương vượt khó học giỏi. Lớp học thân yêu của chúng em cũng có một tấm gương sáng đáng trân trọng và nể phục về tinh thần vượt khó học giỏi.

Người bạn vượt mọi khó khăn vươn lên học giỏi trong lớp em mà ai cũng biết là Nguyễn Vũ Anh Thư. Thư là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất trong lớp. Từ nhỏ, Thư đã sống với ông bà nội vì bố mẹ bị tai nạn qua đời. Ông bà Thư đã năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi. Mọi sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào lương hưu ít ỏi của ông Thư vì là thương binh. Thư còn phải đi học nên điều kiện trong nhà vô cùng khó khăn. Hiểu được sự vất vả của ông bà, Thư luôn ngoan ngoãn nghe lời, phụ giúp ông bà mọi việc trong nhà. Trong khi chúng em xúng xính những bộ quần áo mới mà bố mẹ mua cho thì Thư chỉ mặc đi mặc lại những bộ quần áo đã cũ, đã sờn vải, bạc màu. Chúng em vui vẻ đi chơi sau giờ học ở trường còn Thư tranh thủ về nhà ngay, nấu cơm, quét dọn, phụ bà làm bánh để bán lấy tiền.

Bà Thư làm bánh ú rất ngon, thường bán ở gần đình làng hoặc thỉnh thoảng ở trước cổng trường. Mọi người biết hoàn cảnh của Thư, càng thương ông bà già mà còn cố gắng chăm lo cho cháu nên hay mua ủng hộ rất nhiều. Có những bạn không hiểu còn buông lời châm chọc Thư khi nhìn thấy bạn ấy phụ bà gánh hàng về. Những lần như thế, Thư chỉ cúi mặt chứ không nói gì. Nhiều lần em nhìn thấy, Thư vừa trông gánh bánh ú cho bà vừa đọc sách. Khi nào có người mua, bạn ấy sẽ bỏ sách xuống bán bánh, còn khi vắng khách lại cầm sách lên đọc tiếp. Em cảm phục Thư vô cùng. Sách vở của Thư toàn bộ đều là sách cũ, chủ yếu là được cho chứ không mua bao giờ. Nhiều lần cô giáo bảo cả lớp phải mua sách, Thư đều ở lại xin cô. Bạn ấy xin không mua sách mà sẽ chờ các bạn trong lớp đọc trước rồi mượn lại xem sau. Cô giáo cũng đồng ý.

Nhà nghèo nên cô bạn không tham gia các buổi học thêm, thời gian ấy đều ở nhà chăm sóc ông bà. Nhưng Thư luôn là học sinh xuất sắc trong lớp. Kết quả học tập của bạn ấy bao giờ cũng xếp đầu lớp. Dù nắng hay mưa người ta vẫn luôn thấy cô bé nhỏ nhắn cặm cụi cắt từng bó cỏ cho trâu ăn. Hay những buổi đêm đã muộn, hàng xóm vẫn thấy ánh đèn dầu mờ mờ qua khung cửa sổ nhà Thư. Thức khuya dậy sớm, bất cứ thời gian nào có thể tranh thủ được Thư đều học bài, ôn lại bài. Lớp em thường đùa Thư giống nhiều Trạng Nguyên ngày xưa ấy. Nhưng ai cũng nể phục cô bạn. Đặc biệt là kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm ấy, Thư giành giải Nhất. Không chỉ có thành tích học tập tốt, Thư còn là người bạn tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè trong lớp. Có bài tập nào khó, chỗ nào không hiểu chỉ cần hỏi bạn ấy sẽ giải thích tận tình. Nhiều đợt quyên góp ủng hộ người khuyết tật, em thấy Thư vẫn tham gia, dù chỉ là một vài đồng nhỏ bé. Tò mò, em mới hỏi:

- Gia đình cậu đã rất vất vả rồi. Mình nghĩ, cậu không cần góp đâu.

- Nhà tớ khó khăn thật, nhưng tớ vẫn may mắn vì có được cơ thể lành lặn hơn nhiều người khác.

Thư mỉm cười trả lời. Câu nói của Thư làm em giật mình nhận ra nhiều điều.Từ câu chuyện của Thư, em càng yêu quý và khâm phục tấm gương vượt khó học giỏi. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả như thế nào, chỉ cần quyết tâm và lạc quan, chúng ta đều có thể thành công.

------Mod Ngữ văn biên soạn và tổng hợp------

 

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF