Câu hỏi Tự luận (6 câu):
-
Câu 1: Mã câu hỏi: 155098
I. ĐỌC - HIỂU
Đọc ngữ liệu sau và hoàn thành các yêu cầu bên dưới:
Sân bay Tân Sơn Nhất, ga quốc tế. Hàng dài người Việt lẫn người nước ngoài đang xếp hàng ngay ngắn đợi qua cổng hải quan, một cặp đôi từ phía sau tiến lên nhìn bảng thông tin rồi bỗng dưng... chen ngang vào khoảng trống xíu xiu ở phía đầu trước nhiều ánh mắt ngạc nhiên. Thấy bạn nữ có vẻ ái ngại, bạn nam dửng dưng trấn an: “Chẳng ai biết mình đâu, có gì mà phải ngại!”.
Câu nói đó khiến tôi chợt nhớ đến một lần trong rạp chiếu phim, chứng kiến hai bạn nữ trạc 9X thấy hàng ghế VIP trống liền kéo xuống ngồi và một nàng vô tư bình phim oang oang như giữa chợ. “Có ai biết mình đâu mà lo, khéo vẽ chuyện” - nàng ấy hồn nhiên nói với người bạn.
Hồng Vũ - gương mặt khởi nghiệp tại Mỹ, (…) khiến nhiều người ngạc nhiên với bài viết đầy giận dữ trên Facebook về những trường hợp tương tự.
“Điều khiến tôi suy nghĩ rất nhiều là vì sao mọi người lại thường im lặng trước những hành vi sai trái? Những cái nhìn ái ngại đó lẽ ra phải dành cho các bạn trẻ trên chứ?” (…). Có thời gian dài sống tại nước ngoài, Hồng Vũ cho rằng những hình ảnh trên rất hiếm gặp không hẳn vì ý thức của người phương Tây vượt trội hơn người Việt. “Một phần là do họ biết rằng mình chắc chắn sẽ bị nhắc nhở ngay khi làm điều sai, và họ sẽ bị mất mặt trước mọi người. Đây là một khía cạnh tích cực của social pressure (tạm dịch: áp lực xã hội). Ở Việt Nam, mọi người dường như còn dễ thỏa hiệp”.
(Công Nhật, Không ai biết mình, không việc gì phải ngại!, Tuổi trẻ Online, http://tuoitre.vn, số ra ngày 07.10.2017)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của đoạn trích.
-
Câu 2: Mã câu hỏi: 155099
Văn bản đề cập đến vấn đề gì trong đời sống hiện nay?
-
Câu 3: Mã câu hỏi: 155100
Tại sao hiện tượng này xảy ra nhiều ở Việt Nam, nhưng lại hiếm ở phương Tây?
-
Câu 4: Mã câu hỏi: 155101
Anh/chị có đồng tình với tư tưởng “Không ai biết mình, không việc gì phải ngại!” không?
-
Câu 5: Mã câu hỏi: 155102
II. LÀM VĂN
Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) để khuyên các bạn trẻ “đừng im lặng trước những hành vi sai trái”.
-
Câu 6: Mã câu hỏi: 155103
"Sóng là bài thơ tình tiêu biểu của Xuân Quỳnh, thể hiện một tâm hồn luôn trăn trở, khát khao được yêu thương, gắn bó". Hãy phân tích đoạn thơ sau để làm sáng tỏ nhận định trên
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh - một phương
(Trích Sóng – Xuân Quỳnh, Ngữ văn 12 tập 1, NXBGD, 2016)