Văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần đã cho người đọc cảm nhận được sự trân trọng thế giới tự nhiên, tình phụ tử và ý nghĩa về những món quà. Bài soạn Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần thuộc sách Kết Nối Tri Thức dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức lí thú về tác phẩm đồng thời bồi đắp tình thiên nhiên và cách nhận và trao những món quà của các em . Chúc các em học tập vui vẻ!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
Tác phẩm cho chúng ta biết một cách cảm nhận vẻ đẹp của thế giới tự nhiên xung quanh ta: cảm nhận bằng mọi giác quan. Đồng thời gửi đến thông điệp về tình người cách cho và nhận quà nó là cả một nghệ thuật. Qua đó cho thấy tình yêu thiên nhiên, tình cha con và tình cảm với những "món quà" của các nhân vật.
1.2. Nghệ thuật
- Sử dụng bút pháp ẩn dụng
- Từ ngữ giàu tính biểu tượng
2. Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
2.1. Chuẩn bị đọc
Câu 1: Kể tên một số loài hoa em biết. Em có thể nhận ra các loài hoa ấy bằng những cách nào?
Trả lời:
- Một số loài hoa mà em biết là: hoa Lan, hoa Quỳnh, hoa Mười Giờ, hoa hồng…
- Em có thể nhận ra các loài hoa ấy bằng những cách khác nhau ví dụ: ngửi để nhận ra mùi hương, quan sát hình dáng, màu sắc của cây hoa.
Câu 2: Theo em, nhan đề Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ gợi điều gì thú vị?
Trả lời:
Theo em, nhan đề “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” là một nhan đề rất độc đáo và thú vị, nó là sự kết hợp giữa hai về nội dung đối lập “nhắm mắt” và “mở cửa sổ”. Dường như các nhân vật trong tác phẩm đang cảm nhận cuộc sống theo một cách mới lạ, đi ngược với lẽ tự nhiên “vừa mở mắt vừa mở cửa sổ”. Cách đặt nhan đề như vậy đã kích thích sự tò mò và hào hứng ở người đọc.
2.2. Trải nghiệm cùng văn bản
Câu 1: Những chi tiết trong lời kể về bố của nhân vật tôi.
Trả lời:
Những chi tiết trong lời kể về bố của nhân vật tôi là:
- Nhân vật bố là một người yêu thiên nhiên: “Bố trồng rất nhiều hoa…Bố làm cho tôi một bình tưới nhỏ bằng cái thùng đựng sơn rất vừa tay. Bố lấy hộp lon gò thành cái vòi sen nữa”.
- “Bố” là một người nhẫn nại, dịu dàng, khi nhân vật tôi đoán sai các loài hoa “bố nói không sao cả, dần dần tôi sẽ nói đúng”.
- “Bố” luôn được mọi người dành tình cảm đặc biệt “Thằng Tí hay đem cho bố tôi những trái ổi…Những trái ổi to được nó lựa để dành cho bố đều có bịch ni lông đàng hoàng”.
=> Nhân vật “tôi” hết mực yêu thương bố của mình, coi bố là “món quà to bự” của mình.
Câu 2: Lời nói, cử chỉ, hành động của các nhân vật.
Trả lời:
Nhân vật bố:
- Lời nói, cử chỉ: nhẹ nhàng, ân cần, tràn đầy yêu thương.
- Hành động: yêu thiên nhiên, quan tâm chăm sóc vườn hoa, yêu thương, chỉ bảo con cái nhẹ nhàng.
Nhân vật “tôi”:
- Lời nói, cử chỉ: Ngoan, lễ phép, giàu tình cảm.
- Hành động: ham học hỏi.
Câu 3: Vì sao nhân vật “tôi” có thể giúp bố cứu được bạn Tí?
Trả lời:
Nhân vật “tôi” có thể giúp bố cứu được bạn Tí nhờ khả năng lắng nghe âm thanh tài tình, xác định chính xác khoảng cách phát ra tiếng hét và cứu được Tí đang bị đuối nước.
Câu 4: Vì sao nhân vật “tôi” thích gọi tên bạn Tí và bố?
Trả lời:
Nhân vật “tôi” thích gọi tên bạn Tí và bố vì chỉ để nghe âm thanh từ cái tên bởi mỗi cái tên là một âm thanh tuyệt diệu.
Câu 5: Cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” khi nghe bố giảng giải về những món quà.
Trả lời:
Nhân vật “tôi” đã hiểu ra lời giảng giải của bố về những món quà, “món quà bao giờ cũng đẹp và khi ta cho hay nhận món quà, ta cũng đẹp lây vì món quà đó”. Và “Tôi” nhận ra bố là món quà to bự của mình!
Câu 6: Điều bí mật nhân vật “tôi” muốn chia sẻ là gì?
Trả lời:
Điều bí mật mà nhân vật tôi muốn chia sẻ đó là nhân vật “tôi” đã cảm nhận, nhận biết các loài hoa bằng “con mắt thần” nằm ở “mũi”.
2.3. Suy ngẫm và phản hồi
Câu 1: Nhân vật “tôi" đã được bố dạy cho cách nhìn" đặc biệt như thế nào để nhận ra những bông hoa trong vườn?
Trả lời:
Nhân vật “tôi” đã được bố dạy cho cách nhận ra những bông hoa trong vườn không phải bằng mắt mà bằng cảm giác của đôi tay và cách ngửi mùi hương của hoa.
Câu 2: Nhân vật người bố chủ yếu được miêu tả qua lời kể của nhân vật nào? Việc lựa chọn người kể chuyện như vậy có tác dụng gì?
Trả lời:
- Nhân vật người bố chủ yếu được miêu tả qua lời kể của nhân vật “tôi”.
- Việc lựa chọn người kể chuyện như vậy sẽ giúp lột tả được tính cách của nhân vật bố, vừa thể hiện được tình cảm của nhân vật “tôi”.
Câu 3: Nêu cảm nhận về tính cách của nhân vật người bố. Chỉ ra một số chi tiết khiến em có những cảm nhận đó.
Trả lời:
- Cảm nhận về tính cách của nhân vật người bố: Yêu thiên nhiên, yêu thương và kiên nhẫn dạy con cách cảm nhận vẻ đẹp và sự sống của khi vườn, gần gũi chia sẻ và nói chuyện với con như hai người bạn thân thiết, coi con là “món quà” quý giá nhất cuộc đời.
- Chi tiết khiến em có những cảm nhận đó là:
+ Trồng rất nhiều hoa và chăm sóc chu đáo.
+ Dạy con cách nhận biết các loại hoa bằng cách ngửi, khi con đoán sai thì động viên con, lần sau sẽ đoán đúng.
+ Chia sẻ với con về ý nghĩa của việc cho đi và nhận lại một món quà.
Câu 4: Vì sao nhân vật “tôi” có thể biết chính xác tiếng kêu cứu của bạn Tí vang lên từ đâu? Chi tiết này có mối liên hệ với chi tiết nào trước đó?
Trả lời:
- Nhờ luyện tập, lắng nghe và đoán vị trí phát ra âm thanh mà nhân vật tôi đã có thể biết chính xác tiếng kêu cứu của bạn Tí vang lên từ đâu và cứu bạn.
- Chi tiết này có mối liên hệ với chi tiết: Nhắm mắt và đoán vị trí của từng loại hoa trong vườn…đoán khoảng cách khi chỉ nghe tiếng bước chân mà bố đã dạy cho nhân vật tôi.
Câu 5: Liệt kê những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về bố và bạn Tí. Những chi tiết đó cho thấy đặc điểm tính cách nào của nhân vật “tôi"?
Trả lời:
- Những chi tiết tiêu biểu miêu tả cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật “tôi” về bố và bạn Tí:
+ Yêu quý bố, đón nhận sự quan tâm, cử chỉ chăm sóc từ bố, coi bố là món quà to “bự” nhất của mình.
+ Coi Tí là người bạn thân nhất, sẵn sàng chia sẻ những bí mật ngọt ngào của hai bố con với bạn của mình. Ngoài ra, nhân vật tôi thấy tên của Tí phát ra một âm thanh tuyệt diệu bởi càng thân với mình bao nhiêu thì âm thanh đó càng tuyệt diệu bấy nhiêu.
=> Nhân vật “tôi” là một người nhạy cảm, tinh tế và biết yêu thương.
Câu 6: Khi “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, nhân vật “tôi” đã phát hiện được những “bí mật” gì? Theo em, những “bí mật" ấy mang lại điều gì cho cuộc sống hằng ngày của nhân vật?
Trả lời:
- Khi “vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, nhân vật “tôi” đã phát hiện được những “bí mật” là tiếng bước chân, biết chính xác người cso bước chân đó cách xa bạn bao nhiêu mét; mùi hương của các loại hoa đang nở trong vườn, hiểu được khu vườn đang nói gì.
- Những “bí mật" ấy khiến cho cuộc sống của nhân vật “tôi” ngày càng trở nên thú vị, mang lại niềm vui, hạnh phúc hàng ngày và làm giàu cho tâm hồn của nhân vật “tôi”.
Câu 7: Em có đồng tình với những điều nhân vật người bố nói về các “món quà” không? Vì sao?
Trả lời:
Em đồng tình với những điều nhân vật bố nói về các “món quà” vì vẻ đẹp của món quà không nằm ở giá trị vật chất của nó mà thể hiện ở tình cảm chân thành, yêu thương của người gửi, điều đó mới khiến món quà trở nên trân quý.
Nhằm giúp các em hiểu hơn về bài soạn này, các em có thể tham khảo thêm:
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Hãy viết đoạn văn (khoảng 5 -7 câu) về một “món quà" em đặc biệt yêu thích.
Trả lời:
Mỗi một món quà đều có những ý nghĩa và giá trị khác nhau. Với tôi, món quà đắt giá nhất mà tôi được nhận đó chính là những trải nghiệm trong cuộc sống. Đó là những lần tôi bị điểm kém do tính chủ quan, không soát lại bài trước khi nộp. Tôi đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: buồn, chán nản, thất vọng vì đã phụ sự kì vọng của cha mẹ. Tôi đã quyết tâm thay đổi. Nhờ những trải nghiệm đó mới có tôi như ngày hôm nay: tỉ mỉ, cẩn thận không chủ quan dù là việc đơn giản hay nhỏ nhất. Hơn thế thành tích học tập của tôi cũng được cải thiện rất nhiều.
4. Hỏi đáp về bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
5. Một số văn mẫu bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần Ngữ văn 7 tập 1 Kết Nối Tri Thức
Văn bản Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ - Nguyễn Ngọc Thuần đã đem đến cho người đọc câu chuyện về cách dạy con trai cảm nhận thiên nhiên xung quanh của người bố, đó chính là cách cảm nhận qua mọi giác quan. Đồng thời muốn gửi gắm thông điệp về cách gửi quà và nhận quà. Để cảm nhận được một cách sâu sắc về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây: