YOMEDIA
NONE

Soạn bài Từ hán Việt - Ngữ văn 7

Qua bài soạn từ Hán Việt giúp các em biết được thế nào là yếu tố Hán Việt cũng như là làm quen với 2 loại từ ghép Hán Việt là từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ. Chúc các em có bài soạn thật tốt để thuận tiện hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng tại lớp. Hy vọng những tài liệu này giúp quý thầy cô và các em có những tiết dạy và học sôi động, hiệu quả hơn tại lớp.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học 

1.1. Đơn vị cấu tạo từ Hán Việt

  • Trong tiếng Việt có một khối lượng khá lớn từ Hán Việt. Tiếng để cấu tạo từ Hán Việt gọi là yếu tố Hán Việt.
    • Ví dụ minh họa: nam (phía nam), quốc (nước), sơn (núi), hà (sông)...
  • Phần lớn các yếu tố Hán Việt không dùng độc lập như từ mà dùng để tạo từ ghép
    • Ví dụ minh họa: quốc, sơn, hà...
  • Có nhiều yếu tố Hán Việt đồng âm nhưng nghĩa khác xa nhau.
    • Ví dụ minh họa: thiên...

1.2. Từ ghép Hán Việt

  • Từ ghép Hán Việt có 2 loại chính (giống như từ ghép Thuần Việt): từ ghép đẳng lập và từ ghép chính phụ.
    • Ví dụ minh họa
      • Từ ghép đẳng lập: sơn hà, xâm phạm...
      • Từ ghép chính phụ: giang san...
  • Trật tự của các yếu tố trong từ ghép chính phụ Hán Việt
    • Từ ghép chính phụ có yếu tố chính đứng trước yếu tố phụ ⇒ Giống với trật tự từ ghép Thuần Việt.
      • Ví dụ minh họa: ái quốc, thủ môn, chiến thắng...
    • Từ ghép chính phụ có yếu tố phụ đứng trước yếu tố chính ⇒ Khác với trật tự từ ghép Thuần Việt.

      • Ví dụ minh họa: thiên thư, thạch mã, tái phạm...

⇒ Trật tự sắp xếp trong từ ghép chính phụ Hán Việt là chính phụ và phụ chính

2. Soạn bài Từ Hán Việt

2.1. Đơn vị cấu tạo từ Hán Việt

Câu 1.

  • Các yếu tố Hán Việt trong bài "Nam quốc sơn hà"
    • "Nam": phương nam
    • "Quốc": nước
    • "Sơn": núi
    • "Hà": sông.
  • Cách dùng các yếu tố
    • "Nam" có thể dùng độc lập lập như một từ đơn đặt câu như: phía nam, nước Nam, miền Nam, gió Tây nam...
    • "Quốc", "sơn", "hà": không dùng được như một từ đơn độc lập mà chỉ làm yếu tố cấu tạo từ ghép: quốc sơn, giang sơn, sơn hà.

Câu 2.

  • Tiếng thiên trong từ thiên thư có nghĩa là “trời”. Còn thiên trong các từ Hán Việt: thiên niên kỉ, thiên lí mã, (Lí Công Uẩn) thiên đô về Thăng Long lại có nghĩa khác.
    • "Thiên" trong "thiên niên kỉ" nghĩa là nghìn năm.
    • "Thiên" trong "thiên lí mã" nghĩa là nghìn dặm ngựa.
    • "Thiên" trong (Lí Công Uẩn) "Thiên đô về Thăng Long" có nghĩa là dời đi, dời khỏi.

⇒ Các từ đồng âm nhưng nghĩa khác nhau.

2.2. Từ ghép Hán Việt

Câu 1.

  • Các từ sơn hà, xâm phạm (trong bài "Nam quốc sơn hà") thuộc loại từ ghép đẳng lập.
  • Giang san (trong bài "Tụng giá hoàn kinh sư") thuộc loại từ ghép chính phụ.

Câu 2.

a. Các từ "ái quốc", "thủ môn", "chiến thắng" thuộc từ ghép chính phụ. Trật tự của các yếu tố trong cá từ này giống với trật tự các tiếng trong từ ghép thuần Việt cùng loại, bời vì yếu tố chính đứng trước và yếu tố phụ đứng sau:

  • Ái quốc  

     C   P 

  • Thủ môn                 

      C   P            

  • Chiến thắng

      C    P                

b. Các từ "thiên thư" (trong bài "Nam quốc sơn hà"), "thạch mã"  trong bài "Tức sự"), "tái phạm" (trong bài "Mẹ tôi")  thuộc loại từ ghép chính phụ. Nhưng các yếu tố trong các từ ghép này có sự khác biệt so với trật tự tiếng Việt: yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau:

  • Thiên thư  

       P      C                      

  • Thạch mã 

        P      C                       

  • Tái phạm   

       P      C    

Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Từ Hán Việt để củng cố hơn nội dung bài học.      

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu 1. Phân biệt nghĩa của các yếu tố Hán Việt đồng âm

  • Phi
    • Phi 1 (phi công, phi đội): máy bay
    • Phi 2 (phi pháp, phi nghĩa): trái, không phải
    • Phi 3 (cung phi, vương phi): vợ lẽ của vua hay vợ của thái tử hoặc các vương hầu
  • Hoa
    • Hoa 1 (hoa quả, hương hoa): bộ phận cấu thành hoa quả
    • Hoa 2 (hoa mĩ, hoa lệ): cảnh vật đẹp lộng lẫy
  • Gia
    • Gia 1 (gia chủ, gia súc): nhà
    • Gia 2 (gia vị, gia tăng): thêm vào

Câu 2.  Tìm từ ghép có chứa yếu tố Hán Việt : quốc, sơn, cư, bại

Yếu tố Hán Việt Từ ghép Hán Việt
Quốc Quốc gia, cường quốc, quốc kì, quốc vượng, quốc tế, ...
Sơn Giang sơn, sơn hà, sơn nam, thanh sơn, hồng sơn,...
Cư trú, dân cư, di cư, tản cư, định cư, ngụ cư, ...
Bại Thất bại, chiến bại, đại bại, thảm bại, bại vong, ...

Câu 3. Xếp các từ ghép Hán Việt vào các nhóm thích hợp

Thứ tự Từ ghép Hán Việt
Chính trước, phụ sau Hữu ích, phát thanh, bảo mật, phóng hỏa
Phụ trước, chính sau Thi nhân, đại thắng, tân binh, hậu đãi

Câu 4. Tìm 5 từ ghép Hán Việt có yếu tố phụ đứng trước, yếu tố chính đứng sau và 5 từ ghép Hán Việt có yếu tố chính đứng trước, yếu tố phụ đứng sau.

Thứ tự Từ ghép Hán Việt
Chính trước, phụ sau Nhật mộ, phủ môn, cách mạng, phòng bệnh, nhập gia.
Phụ trước, chính sau Gia sư, học viện, phàm phu, bạch mã, góa phụ.

4. Hỏi đáp về bài Từ Hán Việt

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON