YOMEDIA
NONE

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 48 - Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều

Câu hỏi tu từ được sử dụng nhiều trong thơ văn nhằm tăng tính biểu đạt và nhấn mạnh nội dung muốn biểu đạt. Bài soạn Thực hành tiếng Việt trang 48 thuộc sách Cánh Diều dưới đây sẽ giúp các em có thêm kiến thức về khái niệm và tác dụng của câu hỏi tu từ. Từ  đó, vận dụng kiến thức giải các bài tập cụ thể. Chúc các em học tập vui vẻ!

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Khái niệm câu hỏi tu từ

- Câu hỏi tu từ là những câu hỏi được con người đặt ra nhưng lại không hướng tới việc tìm kiếm câu trả lời. Hoặc cũng có thể là câu trả lời đã có sẵn ở trong câu hỏi được đặt ra.

- Câu hỏi tu từ có hình thức của một câu nghi vấn, có dấu hỏi chấm ở cuối câu.

1.2. Tác dụng câu hỏi tu từ

- Nhấn mạnh nội dung mà người nói muốn biểu đạt.

- Câu hỏi tu được đặt ra chỉ để tập trung sự chú ý của người nghe hoặc là người đọc vào một mục đích cụ thể nào đó.

- Về hình thức đó là một câu hỏi nhưng về bản chất thì nó sẽ là câu khẳng định hoặc là câu phủ định có cảm xúc.

- Loại câu này được sử dụng rất nhiều trong các văn bản nghệ thuật. Nó làm cho lời văn trở nên sinh động và mang lại cho người đọc những tưởng tượng đầy lí thú.

- Trong cuộc sống hàng ngày bạn cũng có thể bắt gặp những câu hỏi tu từ trong các cuộc đối thoại.

2. Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 48 Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều

Câu 1: Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai), các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập (trái ngược) nhau về nghĩa. Hãy chỉ ra điều đó và cho biết cách bố trí như vậy có tác dụng gì.

Trả lời:

- Trong hai khổ đầu của bài thơ Đỗ Trung Lai các dòng thơ được bố trí thành từng cặp có sự đối lập (trái ngược) nhau về nghĩa:

+ Cặp thứ nhất:

Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng.

Sự đối lập nhau trong cặp 1 là lưng mẹ còng >< cau vẫn thẳng.

+ Cặp thứ hai: 

Cau - ngọn xanh rờn

Mẹ - đầu bạc trắng. 

Sự đối lập nhau trong cặp 2 là cau ngọn xanh >< đầu mẹ bạc trắng.

+ Cặp thứ ba: 

Cau ngày càng cao

Mẹ ngày một thấp. 

Sự đối lập nhau trong cặp 3 là cao cao >< mẹ thấp.

+ Cặp thứ tư: 

Cau gần với giời

Mẹ gần với đất. 

Sự đối lập nhau trong cặp 4 là cau gần trời >< mẹ gần đất.

- Sự bố trí các cặp câu với các hình ảnh đối lập nhau như vậy có tác dụng khắc họa hình ảnh người mẹ ngày một già, ngày một héo mòn theo thời gian.

Câu 2: Nêu tác dụng miêu tả, biểu cảm của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong khổ thơ dưới đây:

Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ

(Đỗ Trung Lai)

Trả lời: 

Trong đoạn thơ có sử dụng hình ảnh so sánh: cau khô được ví như sự khô gầy của mẹ. Hình ảnh mẹ đặt song song với hình ảnh cau khô gợi lại trong chúng ta hình ảnh người mẹ gầy guộc, xanh xao cùng với làn da nâu ngăm ngăm và nhăn nheo. Hình ảnh so sánh nhẹ nhàng mà sao chua xót, đau đớn đến thế. Đọc những câu thơ mà lòng ta như thắt lại, rưng rưng. Người con nâng miếng cau khô trên tay như nhìn thấy hình ảnh khô gầy của mẹ mà xót xa “không cầm được lệ”. Một hình ảnh so sánh giản đơn mà có sức gợi và sức biểu cảm vô cùng lớn.

Câu 3: Câu hỏi “Sao mẹ ta già?” trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện tình cảm của tác giả?

Trả lời:

Câu hỏi “Sao mẹ ta già?” trong bài thơ Mẹ (Đỗ Trung Lai) là một câu hỏi nhưng không nhằm mục đích mang lại câu trả lời mà dùng để bộc lộ tình cảm, cảm xúc của tác giả với mẹ. Nhìn thấy hình ảnh mẹ gầy guộc, ngày một già đi mà không làm gì được bèn bất lực thốt lên câu hỏi đó để thiện sự đau đớn, xót xa có phần bất lực.

Câu 4: Tìm các câu hỏi trong bài thơ Ông đồ (Vũ Đình Liên). Tác giả sử dụng những câu hỏi đó để biểu đạt điều gì?

Trả lời: 

- Các câu hỏi trong bài thơ Ông đồ (Vũ Đình Liên) là:

+ Người thuê viết nay đâu?

+ Hồn ở đâu bây giờ?

- Những câu hỏi nhưng không để hỏi mà để bộc cảm xúc của tác giả trước nên Hán học bị mai một, lãng quên. Câu hỏi “người thuê viết nay đâu” vang lên như một lời ai oán, xót xa. Giờ đây, người ta chẳng còn chơi chữ, mua chữ, thay vào đó là những thú chơi của phương Tây. Cuối bài thơ một câu hỏi vang lên “hồn ở đâu bây giờ” như một sự cảm thương, nuối tiếc cho những giá trị truyền thống đã mất.

Để củng cố bài học và có thêm nhiều kiến thức bổ ích, mời các em cùng tham khảo:

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Phân tích câu hỏi tu từ trong câu ca dao sau:

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Trả lời:

Trong câu ca dao trên, cách hỏi ấy chỉ như là hỏi bâng quơ thế nhưng lại mang một hàm ý sâu sa nhất định, đó là sự tỏ tình đầy tế nhị cũng không kém phần hài hước của chàng trai:

Bây giờ mận mới hỏi đào

Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?

Chàng trai như đang tìm hiểu về cô gái, hỏi như vậy để biết rằng cô đã có người thương người nhớ chưa, đồng thời cũng là để ngỏ ý của mình. Bởi lẽ nếu không thích không thương người ta thì tại sao lại hỏi người ta làm gì. Bằng lối giao tiếp như thế câu chuyện mận đào cứ thế mà hiện lên thật sự sinh động đẹp đẽ. Hình ảnh “vườn hồng” hiện lên mang một nét nghĩa rất đẹp. Vườn hồng ấy hay chính là khu vườn tình yêu của chàng trai cô gái, nó cũng chính là trái tim của người con gái kia. Hỏi như vậy chàng trai muốn biết rằng trong tim cô đã có bóng hình ai chưa. Rõ ràng ở trên ta thấy đào biểu tượng cho cô gái trong cuộc giao tiếp này nhưng câu sau tác giả lại nói là vườn hồng. Ở đây vườn hồng không phải là nét nghĩa là vườn của cây hồng, không phải trái hồng mà đó khu vườn trái tim ngập tràn màu hồng yêu thương. Khi yêu hay trong tình yêu màu hồng được lên ngôi và nó tượng trưng cho tình yêu cũng như vẻ đẹp của người con gái. Trái tim cô gái giống như một khu vườn ngập tràn màu hồng ấy khiến cho chàng trai muốn bước chân vào đó, ngập tràn say đắm trong vẻ đẹp đó.

4. Hỏi đáp về bài Thực hành tiếng Việt trang 48 Ngữ văn 7 Tập 1 Cánh Diều

 

Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF