Đội ngũ giáo viên HOC247 đã biên soạn một cách chi tiết các câu hỏi trong bài Thực hành tiếng Việt trang 42 nhằm giúp các em bước đầu nhận biết và phân tích tác dụng tính liên kết, mạch lạc trong văn bản. Bên cạnh đó, bài giảng Thực hành tiếng Việt trang 42 - CD sẽ hỗ trợ các em nắm vững kiến thức bài học hơn!
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Liên kết trong văn bản
- Liên kết là sự thể hiện mối quan hệ về nội dung giữa các câu, các đoạn, các phần của văn bản bằng phương tiện ngôn ngữ thích hợp.
- Ví dụ, trong đoạn văn sau, nhờ biện pháp lặp từ (đàn) và thay thế bằng từ đồng nghĩa (công chúa - nàng) mà các câu có sự gắn bó chặt chẽ với nhau về nội dung: “Một hôm, Thạch Sanh ngồi trong ngục tối, đem đàn của vua Thuỷ Tề cho ra gảy. Tiếng đàn vẳng đến hoàng cung, lọt vào tai công chúa. Vừa nghe tiếng đàn, công chúa bỗng cười nói vui vẻ. Nàng xin vua cha cho mọi người đánh đàn vào cung." (Thạch Sanh).
1.2. Mạch lạc trong văn bản
- Mạch lạc là sự thống nhất về chủ đề và tính lô gích của văn bản. Một văn bản được coi là có tính mạch lạc khi các phần, các đoạn, các cầu của văn bản đều nói về một chủ đề và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. Chẳng hạn, tính mạch lạc của văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ (Phạm Văn Đồng) được thể hiện ở chỗ:
+ Các phần, các đoạn, các cầu của văn bản đều bàn luận xoay quanh chủ đề đức tính giản dị của Bác Hồ.
+ Các phần, các đoạn, các câu của văn bản được sắp xếp theo một trình tự hợp lí:
• Phần mở đầu nêu chủ đề bàn luận: Đời sống vô cùng giản dị, khiêm tốn của Bác Hồ.
• Các phần, đoạn tiếp theo nêu các chủ đề nhỏ với các nội dung cụ thể làm rõ chủ để chung của văn bản: Đức tính giản dị của Bác Hồ được thể hiện trong sinh hoạt (ăn, ở, làm việc); Đời sống vật chất giản dị của Bác Hồ được kết hợp hài hoà với đời sống tâm hồn vô cùng phong phú, cao thượng, Không chỉ giản dị trong sinh hoạt, Bác Hồ còn rất giản dị trong nói, viết.
2. Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 42 Ngữ văn 7 Tập 2 Cánh Diều
Câu 1: Hãy làm rõ tính mạch lạc của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh) bằng cách chứng minh các phần, các đoạn, các câu của văn bản này đều nói về một chủ đề và được sắp xếp theo một trình tự rất hợp lí.
Trả lời:
Tính mạch lạc của văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ được thể hiện ở chỗ:
- Các phần các đoạn, các câu của văn bản đều xoay quanh chủ đề lòng yêu nước của nhân dân ta
- Các phần, các đoạn, các câu được sắp xếp theo một trình tự hợp lí:
+ Phần mở đầu nêu chủ đề bàn luận: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta là một truyền thống vô cùng quý báu.
+ Các phần, các đoạn tiếp theo nêu các chủ đề nhỏ với các nội dung cụ thể làm rõ chủ đề chung của văn bản: Long yêu nước thể hiện qua những trang sử hào hùng của dân tộc, qua thời kì kháng chiến hiện tại:ở tất cả các giai cấp, các lứa tuổi, từ chiến trường đến hậu phương, trên khắp các vùng miền. Và lòng yêu nước ấy kết thành sức mạnh để chiến thắng quân xâm lược.
Câu 2: Phân tích tính liên kết của văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh):
a) Các câu trong đoạn văn thứ nhất và đoạn văn thứ hai của văn bản được liên kết với nhau bằng những từ ngữ nào? Hãy chỉ ra những từ ngữ đó.
b) Xác định những câu có tác dụng liên kết đoạn văn chứa chúng với đoạn văn đứng trước trong văn bản trên.
Trả lời:
a) Các câu trong đoạn văn thứ nhất và đoạn văn thứ hai được liên kết với nhau bằng các từ: đó là, chúng ta.
b) Những câu có tác dụng liên kết đoạn văn chứa chúng với đoạn văn đứng trước trong văn bản trên: “ Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của nhân dân ta” lien kết với đoạn trước nói về tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Câu 3: Tìm vị ngữ là cụm động từ trong những câu dưới đây. Xác định động từ trung tâm và thành tố phụ là cụm chủ vị trong mỗi cụm động từ đó.
a) Ở việc làm nhỏ đó, chúng ta càng thấy Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ. (Phạm Văn Đồng)
b) Nhưng chớ hiểu lầm rằng Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật. (Phạm Văn Đồng)
Trả lời:
Câu |
Động từ trung tâm |
Thành tố phụ là cụm chủ vị |
a |
thấy |
Bác quý trọng biết bao kết quả sản xuất của con người và kính trọng như thế nào người phục vụ |
b |
hiểu lầm |
Bác sống khắc khổ theo lối nhà tu hành, thanh tao theo kiểu nhà hiền triết ẩn dật |
Câu 4: Viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) nêu cảm nghĩ của em về một văn bản nghị luận đã học. Chỉ ra tính mạch lạc và các biện pháp liên kết được sử dụng trong đoạn văn đó.
Trả lời:
Đoạn văn tham khảo
Văn bản “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” đã nói lên truyền thống quý báu của nhân dân ta đó là truyền thống yêu nước. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại bùng lên mạnh mẽ. Nó kết thành một làn sóng đấu tranh. Từ trong quá khứ chúng ta đã có những vị anh hùng như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi,… Đến ngày nay thì dân ta vẫn đoàn kết một lòng để dánh giặc. Từ đàn ông đến đàn bà, từ người già đến trẻ nhỏ, từ đồng bào miền xuôi đến miền ngược, từ công nhân nông dân đến đồng bào điền chủ,…Tất cả đều một lòng quyết tâm bảo vệ đất nước trong lúc nguy nan. Có thể nói tinh thần yêu nước của nhân dân ta giống như những thứ quý giá và nhiệm vụ của chúng ta là làm cho tinh thần ấy được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.
- Tính mạch lạc trong văn bản: luận điểm là Văn bản Tinh thần yêu nước củ nhân dân ta đã nói lên truyền thống quý báu của nhân dân ta. Các câu trong đoạn văn đi triển khai luận điểm.
- Các biện pháp liên kết được sử dụng trong văn bản: phép thế, phép lặp.
Để củng cố bài học và có thêm nhiều kiến thức bổ ích, mời các em cùng tham khảo:
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Phân tích tính mạch lạc trong đoạn văn sau:
Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng – những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng sẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối quả chín vàng đốm. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng, như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng, từng đốt ngần phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Tất cả đượm một màu trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông.
Trả lời:
+ Ý tứ chủ đạo của đoạn văn là: cái màu vàng của đồng quê.
+ Câu đầu giới thiệu thời điểm (mùa đông, giữa ngày mùa) và địa điểm (làng quê) khi mùa vàng xuất hiện. Tiếp theo tác giả tả màu vàng qua các sự vật cụ thể. Hai câu cuối nêu cảm xúc về màu vàng của làng quê.
⟹ Cả hai văn bản trên, ý tứ chủ đạo là đã được thể hiện xuyên suốt, nhất quán qua các phần một cách rõ ràng, hợp lí. Như thế, cả hai văn bản trở nên rất mạch lạc và hấp dẫn.
4. Hỏi đáp về bài Thực hành tiếng Việt trang 42 Ngữ văn 7 Tập 2 Cánh Diều
Khi có vấn đề khó hiểu về bài soạn này cần giải đáp, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.