Hướng dẫn soạn bài mạch lạc trong văn bản, giúp các em thấy được tính chất và mục đích của mạch lạc trong văn bản qua việc phân tích các ví dụ và văn bản cụ thể. Đồng thời, bài soạn còn giúp các em giải quyết các dạng bài tập 1 và 2 trong SGK một cách đầy đủ và chi tiết. Chúc các em có phần soạn bài thật tốt để thuận lợi hơn trong quá trình tiếp thu bài giảng tại lớp.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Mạch lạc trong văn bản
- Khái niệm mạch lạc trong văn bản là gì?
- Rút ra kết luận
1.2. Các điều kiện để một văn bản có tính mạch lạc
- Điều kiện để văn bản có tính mạch lạc
- Đề tài và chủ đề giữa các phần, các đoạn?
- Trình tự giữa các phần, các đoạn?
2. Soạn bài Mạch lạc trong văn bản
2.1. Mạch lạc trong văn bản
Câu 1.
- Dựa vào hiểu biết về hai chữ "mạch lạc" trong Đông y, em hãy xác định mạch lạc trong văn bản có những tính chất gì trong số những tính chất dưới đây?
- Trôi chảy thành dòng, thành mạch
- Tuần tự đi qua khắp các phần, các đoạn của văn bản
- Thông suốt, liên tục, không đứt đoạn.
Gợi ý làm bài
- Mạch lạc trong văn bản có tính chất
- Các phần và các đoạn các câu trong văn bản đó phải nói về cùng một chủ đề, đề tài, nó phải biểu hiện được nội dung xuyên suốt trong một tác phẩm.
- Cần có sự thống nhất, và logic với nhau các câu có sự thống nhất mạch lạc dễ hiểu.
- Trôi chảy thành dòng thành mạch, trình tự đi qua khắp các phần, các đoạn trong văn bản,thông suốt liên tục không dứt đoạn.
Câu 2. Có người cho rằng: "Trong văn bản mạch lạc là sự tiếp nối giữa các câu các ý theo trình tự hợp lý bởi". Em có tán thành với ý kiến đó không? Vì sao?
Gợi ý làm bài
- Em tán thành với ý kiến trên.
- Lý do: Để đảm bảo được sự thống nhất trôi chảy, thành mạch về nội dung và hình thức thì văn bản phải có tính mạch lạc. Tức là giữa các câu các ý phải được tiếp nối theo một trình tự hợp lý.
2.2. Các điều kiện để một văn bản có tính mạch lạc
Câu 1. Văn bản "Cuộc chia tay của những con búp bê" kể về nhiều sự việc (mẹ bắt hai con phải chia đồ chơi; hai anh em Thành và Thuỷ rất thương nhau; chuyện về hai con búp bê; Thành đưa em đến lớp chào cô giáo và các bạn; hai anh em phải chia tay; Thuỷ để cả hai con búp bê lại cho Thành) nhưng tại sao vẫn hợp lí, thống nhất? Sự việc nào là sự việc chính trong truyện này? Sự việc chính ấy gắn với những nhân vật chính nào?
Gợi ý làm bài
- Truyện có thể kể về nhiều sự việc. Tuy nhiên, để các sự việc trong truyện có sự kết nối mạch lạc với nhau và các sự việc đều cùng xoay quanh chủ đề chung nên văn bản vẫn thống nhất và hợp lý.
- Các sự việc của truyện "Cuộc chia tay của những con búp bê" cùng thống nhất trong chủ đề gìn giữ tổ ấm gia đình, gìn giữ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình.
- Sự việc chính trong truyện là cuộc chia tay của hai anh em Thành, Thuỷ; cuộc chia tay giữa những con búp bê cũng chính là hình ảnh biểu trưng cho sự việc chính này. Các sự việc khác đều tập trung phục vụ cho sự thể hiện sự việc đó.
- Như vậy, sự việc chính của truyện cũng không thể tách rời các nhân vật chính. Không thể xem những sự việc không quan hệ mật thiết với nhân vật chính là sự việc chính và ngược lại.
- Ngoài sự thống nhất chủ đề, đối với văn bản truyện thì sự việc chính, nhân vật chính là những điểm quan trọng tạo nên mạch lạc. Bên cạnh đó, hệ thống từ ngữ của văn bản cũng có vai trò to lớn trong việc thể hiện mạch lạc.
Câu 2. Các từ ngữ: "chia tay", "chia đồ chơi", "chia ra", "chia đi", "chia rẽ", "xa nhau", "khóc",... cứ lặp đi lặp lại trong bài đồng thời với sự lặp lại các từ ngữ biểu thị ý không muốn chia cắt như: "anh cho em tất", "chẳng muốn chia bôi", "chúng lại thân thiết quàng tay lên vai nhau", "không bao giờ để chúng nó ngồi cách xa nhau",... Sự lặp lại này có vai trò gì trong mạch lạc của văn bản?
Gợi ý làm bài
- Chủ đề chính trong bài nói về sự chia tay đau đớn của hai anh em, những hình ảnh chia cắt lặp đi lặp lại nhằm làm tăng mức độ diễn đạt sự chia phôi giữa hai anh em.
→ Được coi là mạch lạc trong văn bản vì nó thống nhất với chủ đề của tác phẩm.
Câu 3.
- Trong văn bản "Cuộc chia tay của những con búp bê" có đoạn kể việc hiện tại, có đoạn kể việc quá khứ, có đoạn kể việc ở nhà, có đoạn kể việc ở trường, có đoạn kể chuyện hôm qua, có đoạn kể chuyện sáng nay,…Hãy cho biết các đoạn ấy được nối với nhau theo mối quan hệ nào trong các mối quan hệ dưới đây
- Liên hệ thời gian.
- Liên hệ không gian.
- Liên hệ tâm lí (nhớ lại).
- Liên hệ ý nghĩa (tương đồng, tương phản).
- Những mối liên hệ giữa các đoạn ấy có tự nhiên và hợp lí không?
Gợi ý làm bài
- Tìm hiểu sự mạch lạc của văn bản “Cuộc chia tay của những con búp bê”
- Các đoạn văn được nối với nhau bằng nhiều mối quan hệ
- Đoạn kể về quá khứ với đoạn kể về hiện tại → Liên hệ tâm lí.
- Đoạn kể về việc ở nhà với đoạn kể về việc ở trường → Liên hệ không gian.
- Đoạn kể chuyện hôm qua với đoạn kể về chuyện sáng nay → Liên hệ thời gian.
- Đoạn kể về tâm trạng của hai anh em với đoạn kể về cảnh vật bên ngoài → Liên hệ tương phản.
- Cảnh chia đồ chơi với cảnh chia tay của hai anh em → Liên hệ tương đồng.
- Các đoạn văn được nối với nhau bằng nhiều mối quan hệ
⇒ Những mối liên hệ giữa đoạn là tự nhiên hợp lí.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Mạch lạc trong văn bản để củng cố hơn nội dung bài học.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1. Hãy tìm hiểu tính mạch lạc của các văn bản:
a. "Mẹ tôi" (Ét-môn-đô đơ A-mi-xi)
b. "Lão nông và các con" (La Phông-ten)
c. "Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả" (Tô Hoài)
a. Tính mạch lạc của văn bản Mẹ tôi (Ét-môn-đô đơ A-mi-xi) được thể hiện như thế nào?
Gợi ý làm bài
a. Phân tích tính mạch lạc của văn bản: "Mẹ tôi" (Ét-môn-đô đơ A-mi-xi)
- Truyện xoay quanh nội dung chủ đạo, đó là lời căn dặn của người cha đối với người con rằng: tình yêu thương và lòng kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng và cao quý hơn cả. Thất đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó.
- Nội dung này đã được triển khai một cách hợp lí và mạch lạc
- Người cha nhắc đến lỗi của đứa con
- Tiếp đó, ông khéo léo nhắc về những kỉ niệm, nhắc về tình yêu thương sâu sắc mà người mẹ đã và đang dành cho con.
- Qua đó, làm cho đứa con cảm nhận sâu sắc hơn lỗi lầm của mình, biết tự nhận ra phải trái.
- Bài văn kết thúc bằng những lời nói rất kiên quyết của người cha khi căn dặn và nhắc nhở đứa con mình.
b. Văn bản “Lão nông và các con” (La Phông-ten)
- Bố cục
- Mở bài. 2 câu đầu: Giá trị của lao động
- Thân bài. 14 câu tiếp theo: Hành trình lao động
- Kết bài . 4 câu còn lại: Kho vàng đây là sức lao động của con người
- Ba phần của văn bản đều tập trung thể hiện chủ đề: “Lao động là vàng”.
→ Văn bản có tính mạch lạc.
c. Phân tích tính mạch lạc của văn bản: “Giữa ngày mùa” (Trích"Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả" - Tô Hoài)
"Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau. Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra trông thấy màu trời có vàng hơn mọi khi. Lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm, không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng sẫm. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối quả chín vàng đốm. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng, như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, từng đốt ngần phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Tất cả đượm một màu trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không có cảm giác héo tàn, hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông".
Gợi ý làm bài
- Phân tích tính mạch lạc của văn bản trên các phương diện như chủ đề, trình tự tiếp nối, hệ thống từ ngữ, mối liên hệ,...
- Chủ đề: Cảnh sắc vàng của làng quê giữa ngày mùa.
- Trình tự miêu tả:
- Theo sự quan sát của tác giả từ bao quát đến cụ thể, từ xa đến gần, từ cao xuống thấp.
- Bắt đầu là liên hệ về thời gian
- Tiếp đến, liên hệ chủ yếu giữa các câu là liên hệ không gian
- Cụ thể
- Câu đầu giới thiệu bao khái quát sắc vàng, giữa thời gian “mùa đông” và trong không gian “làng quê”.
- 12 câu tiếp theo những biểu hiện phong phú của sắc vàng: màu trời vàng, lúa vàng, quả chín vàng, lá vàng, rơm vàng, mái nhà vàng, con gà con chó “cũng vàng mượt”, một “dòng chảy của sắc vàng” bao trùm lên cảnh vật.
- Hai câu cuối nhận xét và cảm xúc về sắc vàng đó.
- Hệ thống các tính từ chỉ những sắc thái khác nhau của màu vàng cũng góp phần tạo nên mạch lạc của văn bản về sắc vàng của làng quê này.
→ Trình tự ba phần thống nhất, ý chủ đạo rõ ràng, mạch lạc.
Câu 2. Tại sao trong truyện "Cuộc chia tay của những con búp bê" tác giả không kể lại tỉ mỉ nguyên nhân dẫn đến sự chia tay của bố mẹ Thành, Thuỷ? Như vậy có làm cho truyện thiếu mạch lạc không?
Gợi ý làm bài
- Sự việc chính của câu chuyện là cuộc chia tay giữa hai anh em Thành, Thuỷ và hai con búp bê. Các sự việc khác đều phải tập trung vào sự việc này.
- Kể tỉ mỉ về nguyên nhân dẫn đến sự chia tay của bố mẹ Thành, Thuỷ sẽ làm mất đi sự tập trung ấy và vì thế làm giảm đi sự thống nhất chủ đề, mạch truyện sẽ bị phân tán khiến văn bản thiếu mạch lạc.
- Ngoài ra, nếu dựa vào chuyện của người lớn (câu chuyện cuộc chia tay của bố mẹ Thành và Thủy) sẽ không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 7, dễ gây phản tác dụng.
4. Hỏi đáp về bài Mạch lạc trong văn bản
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.