YOMEDIA
NONE

Soạn bài Về thăm mẹ - Ngữ văn 6 Tập 1 Cánh diều

Bài thơ Về thăm mẹ là lời của người con thể hiện cảm xúc nhớ nhung mẹ của mình sau bao ngày xa cách. Để cảm nhận về tình cảm này một cách cụ thể hơn, các em hãy cùng Học247 tham khảo bài soạn Về thăm mẹ nằm trong chương trình sách Cánh diều chi tiết dưới đây nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Về thăm mẹ tóm tắt.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Nội dung

- Về thăm mẹ là bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con. 

1.2. Nghệ thuật

- Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm.

- Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, liệt kê.

2. Soạn bài Về thăm mẹ

Câu 1. Bài thơ là lời của ai? Thể hiện cảm xúc về ai? Cảm xúc như thế nào? (Đối chiếu với dự đoán ban đầu của em để xác nhận hoặc điều chỉnh).

Trả lời:

- Bài thơ là lời của người con.  

- Thể hiện cảm xúc về mẹ. 

- Cảm xúc nghẹn ngào, nhớ nhung, yêu thương sau bao ngày xa cách.

Câu 2. Cảnh vật quanh ngôi nhà của người mẹ hiện lên với những hình ảnh nào? Những hình ảnh ấy đã giúp tác giả thể hiện được tình cảm gì?

Trả lời:

- Cảnh vật quanh ngôi nhà của người mẹ hiện lên với những hình ảnh: chum tương, chiếc nón mê, cái áo tơi, đàn gà con vào ra quanh cái nơm, trái na quá vụ...

Câu 3. Xác định biện pháp tu từ ở khổ thơ thứ hai và chỉ ra tác dụng của biện pháp ấy.

Trả lời:

- Biện pháp nghệ thuật ẩn dụ “nón mê”, “áo tơi” tượng trưng cho sự lam lũ của người mẹ. Đó là những ngày tháng dầm mưa dãi nắng cầy bừa đến mức nay còn áo chỉ lủn củn trông khó coi, nón trở nên cũ và rách nát - sự nhọc nhằn mà người mẹ đã phải trải qua.

Câu 4. Điều gì làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…”?

Trả lời:

Điều làm người con “Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…”:

- Khi nhìn thấy trái na chín cuối vụ trên cây mẹ vẫn để phần – tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.

- Khi nhận thấy mọi vật trong nhà đều do bàn tay mẹ vun vén, xếp đặt, chăm chút – sự tần tảo, chăm lo của người mẹ dành cho gia đình.

- Khi nhìn thấy chiếc nón mê tàn, cái áo tơi cũ mòn đã cùng mẹ lặn lội qua bao mưa nắng – sự khó khăn, vất vả, lãm lũ mà người mẹ đã trải qua.

Câu 5. Nhận xét cách gieo vần lục bát trong câu: "Áo tơi qua buổi cày bừa/ Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm".

Trả lời: 

- Cách gieo vần ở câu “Áo tơi qua buổi cày bừa / Giờ còn lủn củn khoác hờ người rơm.” là bừa (tiếng thứ 6 ở câu lục) - hờ (tiếng thứ 6 ở câu bát). 

- Trong cặp lục bát trên có sự đối xứng nhau trong các thanh ở các tiếng 2, 4, 6. Câu lục là B - T - B (tơi - buổi - bừa); câu bát là B - T - B - B (còn - củn - hờ - rơm).

Câu 6. Hình dung và tái hiện lại cảnh người con về thăm ngôi nhà của mẹ trong bài thơ bằng cách vẽ tranh minh họa hoặc miêu tả bằng lời văn.

Trả lời: 

Hình dung và tái hiện lại cảnh người con về thăm ngôi nhà của mẹ trong bài thơ:

Đó là một chiều đông lạnh lẽo, sau từng ấy năm, tôi mới quay trở lại ngôi nhà thân thương thưở nhỏ của mình. Căn nhà im ắng, chắc lẽ mẹ tôi không có ở nhà. Khu bếp lạnh lẽo không có khói khiến không gian trở nên hiu quạnh. Tôi dừng chân tại hiên nhà, ngồi ngẩn ngơ ngắm nhìn xung quanh đợi mẹ quay về. Bỗng cơn mưa ập đến, chụm tương đã đậy chặt. Những hạt mưa làm ướt cái áo tơi lủn củn, ướt chiếc nón mê rách nát mà mẹ để trên người rơm.

Các em có thể tham khảo bài giảng Về thăm mẹ để củng cố hơn nội dung bài học.

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Viết đoạn văn cảm nhận về hình ảnh quê nhà của tác giả trong bài thơ “Về thăm mẹ”.

Trả lời:

Quê hương là nơi thân thuộc đối với mỗi người bởi vậy nó thường được nhắc đến với những hình ảnh, ngôn từ cùng tình cảm gần gũi thân thương nhất. Trong bài thơ “Về thăm mẹ”, hình ảnh của một ngôi nhà nơi thôn quê dân dã được tác giả tái hiện với những sự vật quen thuộc như “chum tương”, “nón mê”, “áo mưa”, “đàn gà”, “cái nơm”, “trái na”,... Tất cả những hình ảnh ấy làm hiện lên trước mắt người đọc một khung cảnh ấm cúng, thân thuộc và gần gũi của cái gọi là quê hương. Đồng thời, khung cảnh ấm áp ấy còn ẩn chứa đằng sau tình cảm mến yêu mà tác giả ấp ủ bấy lâu đối với nơi mình sinh ra và lớn lên, đối với người mẹ đang mỏi mòn chờ con. Quê nhà của tác giả tuy đơn sơ, mộc mạc, giản dị nhưng thứ tỏa sáng và làm chúng trở nên có linh hồn, có tình cảm chính là sự gắn bó và yêu quý của con người nơi đây đối với chúng. Quê nhà yên bình chính là niềm hạnh phúc, vui vẻ của những đứa con xa quê, và còn gì tuyệt vời hơn khi ta được nhìn thấy những người thân yêu, có hình ảnh của người bà, người mẹ tựa cửa ngóng đợi con về. Khung cảnh quê nhà đã được tác giả truyền tải yêu thương, mộc mạc và chất chứa bao nỗi niềm với những đứa con nhớ nhà, xa mẹ.

4. Một số bài văn mẫu về văn bản Về thăm mẹ

Bài Về thăm mẹ này sẽ mang đến cho các em những cảm xúc chân thành về tình cảm mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Để hiểu hơn về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu bài Về thăm mẹ dưới đây:

5. Hỏi đáp về bài Về thăm mẹ Ngữ văn 6

Khi gặp bất cứ khó khăn gì trong việc tìm hiểu bài soạn này, các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON