Bài soạn Ca dao Việt Nam thuộc sách Cánh diều nhằm giúp các em dễ dàng hơn khi bước đầu tiếp cận những bài ca dao về tình cảm gia đình, quê hương, cội nguồn dân tộc. Để hiểu hơn về thể loại ca dao này, các em hãy cùng Học247 tham khảo bài soạn chi tiết dưới đây nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Ca dao Việt Nam tóm tắt.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Ca dao về công ơn cha mẹ.
- Ca dao về quê hương, cội nguồn.
- Ca dao về tình cảm anh em trong gia đình.
1.2. Nghệ thuật
- Thể thơ lục bát nhuần nhuyễn.
- Biện pháp tu từ so sánh được vận dụng đa dạng và sinh động.
2. Soạn bài Ca dao Việt Nam
Câu 1. Mỗi bài ca dao nói về tình cảm trong gia đình?
Trả lời:
- Bài 1 nói về tình cảm cha mẹ dành cho đứa con vô bao la rộng lớn, không thể đo đạc được.
- Bài 2 nói về lòng biết ơn, luôn hướng về, nhớ về quê hương cội nguồn của mình.
- Bài 3 nói về tình cảm anh em ruột thịt thân tình.
Câu 2. Hãy chọn và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong một bài ca dao.
Trả lời:
- Bài 1: Công cha như núi ngất trời, / Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông
→ Hình ảnh núi ngất trời và biển rộng mênh mông để nói đến công ơn của cha mẹ. Núi và biển là biểu tượng cho sự vĩnh hằng, bất diệt của thiên nhiên. Hình ảnh so sánh như một sự đối chiếu đó chính là không ai có thể đo được, không một ai có thể đếm công lao của cha mẹ.
- Bài 2: Con người có cố, có ông, / Như cây có cội, như sông có nguồn
→ Cây thì có cội có gốc, sông thì có nguồn. Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải "có cố, có ông", có tổ tiên, ông bà mới có cha mẹ, con cháu. So sánh làm cho chân lí được cụ thể, giản dị, dễ hiểu và hiện rõ.
- Bài 3: Yêu nhau như thể tay chân
→ Tay và chân là hai bộ phận của con người, hỗ trợ cho nhau. Anh em trong một gia đình cũng vậy, đều cùng cha mẹ sinh ra, đều sống chung trong một mái nhà, cùng lớn lên, có quan hệ tình cảm gắn bó với nhau. So sánh cho chúng ta thấy tình anh em là tình ruột thịt gắn bó, gần gũi với nhau rất mật thiết như tay và chân của một cơ thể.
Câu 3. Em thích bài ca dao nào nhất? Vì sao?
Trả lời:
- Em thích nhất bài ca dao thứ nhất vì những hình ảnh so sánh lớn lao, kì vĩ khiến em nhớ đến những hành động, cử chỉ, tình cảm mà cha mẹ dành cho em.
Câu 4. Nếu vẽ minh họa cho bài ca dao thứ nhất, em sẽ vẽ như thế nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả nội dung bức tranh bằng lời.
Trả lời:
- Học sinh tự vẽ hoặc miêu tả nội dung bức tranh bằng lời như sau: Những dãy núi cao nâu đậm ngút trời nằm bên tay trái bức tranh. Còn bên tay phải phái dưới là dòng nước xanh bao la của đại dương. Bên trên là bầu trời xanh cao với những đám mây bay lững lờ trôi. Núi cao thì sừng sững, biển xanh thì rì rào những con sóng bạc đầu vỗ. Có một gia đình đang ngồi trên bờ biển ngắm nhìn đất trời.
Các em có thể tham khảo bài giảng Ca dao Việt Nam để củng cố hơn nội dung bài học.
3. Hướng dẫn luyện tập
Câu hỏi: Em hãy viết một bài văn phân tích và nêu cảm nhận của mình về một trong ba bài ca dao đã học trong văn bản Ca dao Việt Nam.
Trả lời:
Từ bao đời nay, ca dao luôn gắn với đời sống của nhân dân lao động. Lời ca dao gửi gắm những tình cảm, bài học về cuộc sống. Một trong số đó là bài ca dao:
"Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi"
Bài ca dao được viết theo thể thơ lục bát mang âm điệu trầm bổng tựa như lời ru ngọt ngào của người mẹ. Mượn những hình ảnh thiên nhiên để nói đến công lao to lớn của cha mẹ đối với con cái.
Biện pháp tu từ so sánh “công cha” với “núi ngất trời”; “nghĩa mẹ” với “nước ở ngoài biển Đông”. Ở đây, tác giả dân gian đã dùng cái to lớn, vĩ đại của thiên nhiên - đó là “núi”, “biển” để thể hiện công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Có lẽ chẳng thể nào đong đếm được công lao của đấng sinh thành. Người cha có công sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ cho con nhiều điều hay lẽ phải. Người mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày. Không chỉ vậy, đứa con sinh ra còn được mẹ chăm sóc, bảo vệ từng miếng ăn, cái mặc.
Bởi vậy, tác giả dân gian mới đưa ra lời nhắn nhủ: “Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”. Nhắc đến “cù lao chín chữ” là nhắc đến công lao của cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. Chín chữ cù lao gồm có sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (theo dõi tính tình mà uốn nắn), phúc (che chở). Bởi vậy mà đứa con cần phải ghi nhớ công ơn trời bể đó, cũng như sống có trách nhiệm hơn.
Gia đình là bến đỗ bình yên nhất của mỗi con người. Vì ở đó chúng ta nhận được sự yêu thương, chăm sóc và bảo vệ của những người thân yêu. Nhờ có tình cảm gia đình, con người sẽ có thêm nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Bởi vậy mỗi người cần phải trân trọng tình cảm gia đình từ những hành động cụ nhỏ bé nhất. Tình cảm gia đình thật đáng trân trọng và bảo vệ.
Như vậy, bài ca dao đã ca ngợi công lao to lớn của đấng sinh thành - cha mẹ. Đồng thời răn dạy con người phải biết ghi nhớ và báo đáp công ơn ấy.
(Sưu tầm)
4. Một số bài văn mẫu về văn bản Ca dao Việt Nam
Ca dao Việt Nam, đây là bài soạn nằm trong bộ sách mới - Cánh diều. Với bài soạn này, các em sẽ bước đầu làm quen với thể loại ca dao, từ đó các em sẽ biết cách nhận diện và phân tích một bài ca dao cụ thể. Để cảm nhận được sâu sắc những bài ca dao này, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu về văn bản Ca dao Việt Nam dưới đây:
- Cảm nghĩ về bài ca dao Công cha như núi ngất trời
- Phát biểu cảm nghĩ về bài ca dao Anh em nào phải người xa
5. Hỏi đáp về bài Ca dao Việt Nam Ngữ văn 6
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.