YOMEDIA
NONE

Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 2) - Ngữ văn 6 Tập 1 Cánh diều

Bài soạn Thực hành Tiếng Việt (Bài 2) nằm trong sách Ngữ văn 6 Cánh diều dưới đây đã được Học247 biên soạn một cách chi tiết nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng nhận biết và sử dụng từ láy, biện pháp tu từ ẩn dụ. Chúc các em học tập thật tốt nhé! Ngoài ra, để nắm vững hơn nội dung bài học, các em có thể tham khảo thêm Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 2) tóm tắt.

 

1. Tóm tắt nội dung bài học

1.1. Ôn lại khái niệm và đặc điểm về từ láy

- Từ láy: Là từ giữa các tiếng có quan hệ với nhau về mặt âm. Trong đó, một bộ phận của tiếng hoặc toàn bộ tiếng được lặp lại.

- Từ láy được chia làm 2 loại:

+ Từ láy bộ phận.

+ Từ láy toàn bộ.

1.2. Biện pháp tu từ ẩn dụ

- Ẩn dụ (so sánh ngầm) là biện pháp tu từ, theo đó, sự vật, hiện tượng này được gọi bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.

2. Soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 2)

Câu 1. Tìm từ láy trong những câu thơ dưới đây. Chỉ ra nghĩa và tác dụng của chúng đối với việc thể hiện nội dung mà tác giả muốn biểu đạt.

a.

Bàn tay mang phép nhiệm mầu

Chắt chiu từ những dãi dầu đấy thôi.

(Bình Nguyên)

b.

Nghẹn ngào thương mẹ nhiều hơn…

Rưng rưng từ chuyện giản đơn thường ngày.

(Đinh Nam Khương)

Trả lời: 

Từ láy trong những câu thơ:

a.

- Chắt chiu: Dành dụm cẩn thận, từng tí một.

- Dãi dầu: chịu đựng lâu ngày tác động của nắng mưa, sương gió và những nỗi gian khổ, vất vả.

=> Tác dụng: Nhấn mạnh, làm rõ sự lam lũ, khổ cực của người mẹ để tạo ra những phép nhiệm mầu đem đến một cuộc sống tốt đẹp cho đứa con của mình.

b.

- Nghẹn ngào: xúc động không nói thành lời.

- Rưng rưng: chỉ nước mắt ứa ra đọng đầy ở tròng mắt nhưng chưa chảy xuống thành giọt.

=> Tác dụng: Bày tỏ sự xúc động từ sâu kín trong lòng tác giả khi chứng kiến những hành động, công việc chất chứa tình yêu thương của mẹ dành cho mình.

Câu 2. Tìm ẩn dụ trong những câu thơ dưới đây. Nêu tác dụng của các ẩn dụ đó đối với việc miêu tả sự vật và biểu cảm.

Vẫn bàn tay mẹ dịu dàng

À ơi này cái trăng vàng ngủ ngon

À ơi này cái trăng tròn

À ơi này cái trăng còn nằm nôi...

[...]

À ơi này cái Mặt Trời bé con...

(Bình Nguyên)

Trả lời: 

- Ẩn dụ trong bài thơ: cái trăng vàng/ cái trăng tròn/ cái trăng còn nằm nôi/ cái Mặt Trời bé con → chỉ người con.

- Tác dụng:

+ Làm hình ảnh thơ trở nên sinh động, hấp dẫn.

+ Thể hiện tình cảm yêu thương vô bờ của người mẹ với con: với mẹ con là trăng, là Mặt Trời, là điều quan trọng nhất.

Câu 3. Trong cụm từ và các câu tục ngữ (in đậm) dưới đây, biện pháp ẩn dụ được xây dựng trên cở sở so sánh ngầm giữa những sự vật, sự việc nào?

a.

Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

(Bình Nguyên)

b.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. 

(Tục ngữ)

c.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

(Tục ngữ)

Trả lời: 

a.

Ru cho cái khuyết tròn đầy

Cái thương cái nhớ nặng ngày xa nhau.

(Bình Nguyên)

- Cơ sở: cái khuyết tròn đầy tương đồng với đứa con còn nhỏ, chưa phát triển toàn diện.

b.

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. 

(Tục ngữ)

- Cơ sở:

+ Ăn quả tương đồng với sự hưởng thụ thành quả lao động.

+ Kẻ trồng cây tương đồng phẩm chất với những người lao động tạo ra thành quả.

c.

Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

(Tục ngữ)

- Cơ sở:

+ Mực - đen tương đồng với cái tối tăm, cái xấu (tương đồng về phẩm chất)

+ Đèn - rạng tương đồng với cái sáng sủa, cái tốt, cái hay, cái tiến bộ (tương đồng về phẩm chất).

Câu 4. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 4 - 5 dòng) về chủ đề tình cảm gia đình, trong đó sử dụng ít nhất một ẩn dụ.

Trả lời:

Không ai khác, bố chính là thần tượng của tôi. Bố tôi vốn không phải một người hoa mĩ nên thật hiếm gặp những lần bố nói lời yêu thương ngọt ngào. Tình cảm ấy bố đặt cả vào trong những hành động chăm sóc sớm chiều dành cho các con. Bố tôi chưa một lần dạy dỗ chúng tôi bằng roi vọt mà luôn dùng ngôn từ. Người thợ hoàn kim ấy rèn giũa cho những viên ngọc thô như chúng tôi biết đâu là phải trái, đúng sai để trở nên sáng hơn, đẹp hơn mỗi ngày. Bố không chỉ dạy chúng tôi tri thức, bố dạy chúng tôi cả cách làm người.

- Ẩn dụ:

+ Người thợ hoàn kim ấy - bố tôi.

+ Sáng hơn, đẹp hơn - sự trưởng thành, phát triển và hoàn thiện bản thân.

Trên đây là những gợi ý trả lời chi tiết và đầy đủ nhất hệ thống câu hỏi thuộc phần hướng tìm hiểu bài học mà các em phải hoàn thành trong quá trình soạn bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 2). Ngoài ra, để củng cố và nâng cao kiến thức bài học được tốt hơn mời các em xem thêm bài giảng Thực hành Tiếng Việt (Bài 2)

3. Hướng dẫn luyện tập

Câu hỏi: Tìm ẩn dụ trong những câu thơ dưới đây. Nêu tác dụng của các ẩn dụ đó.

"Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ"

(Viếng Lăng Bác, Viễn Phương)

Trả lời:

- Biện pháp tu từ ẩn dụ: hình ảnh "mặt trời" trong câu thơ thứ 2.

- Tác dụng: "Mặt trời" trong câu thơ thứ 2 tượng trưng cho chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với dân tộc Việt Nam, Bác cũng giống như ánh mặt trời của thiên nhiên, đem lại ánh sáng cho nhân dân. Nhưng đó là ánh sáng của cách mạng giúp nhân dân giành lại được độc lập, tự do.

4. Hỏi đáp về bài Thực hành Tiếng Việt (Bài 2) Ngữ văn 6

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON