Mời các em học sinh lớp 6 cùng tham khảo bài học Về thăm mẹ nằm trong sách Cánh diều dưới đây. Bài học này sẽ mang đến cho các em những cảm xúc chân thành về tình cảm mẫu tử thiêng liêng, cao quý. Cùng Học247 tham khảo nhé!
Tóm tắt bài
1.1. Chuẩn bị
a. Đôi nét về tác giả, tác phẩm:
* Tác giả:
- Đinh Nam Khương (1949 - 2018).
- Quê quán: Thôn Đục Khuê, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
- Chức danh: Từng là phó chủ tịch Hội Đông y Mỹ Đức, Hà Nội; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
- Giải thưởng:
+ Giải A cuộc thi thơ 1981 - 1982 - Báo Văn nghệ.
+ Tặng thưởng bài thơ hay nhất 1992 - Báo Văn nghệ Quân đội.
+ Tặng thưởng chùm thơ hay nhất 2001 - Báo Văn nghệ.
+ Giải B cuộc thi thơ Lục bát 2002 - 2003.
* Tác phẩm:
- Xuất xứ: Trích Mẹ (Tuyển thơ) - 2002.
- Thể thơ: Lục bát.
b. Tìm hiểu về thể thơ lục bát:
- Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mỗi bài thơ ít nhất gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng sáu tiếng (dòng lục) và dòng tám tiếng (dòng bát). Thơ lục bát gieo vần chân và vần lưng. Tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng lục tiếp theo.
- Ví dụ:
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.
(Việt Nam quê hương ta, Nguyễn Đình Thi)
- Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn (mỗi nhịp hai tiếng). Lục bát là thể thơ có sức sống mãnh liệt, mang vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.
c. Tìm hiểu từ khó:
- Thơ thẩn: Lặng lẽ và đang có suy nghĩ vẩn vơ, lan man.
- Chum tương: Chum dùng đựng tương.
- Nón mê: Nón cũ và rách nát, đồ dùng để đội đầu che nắng mưa.
- Áo tơi: Áo che mưa bằng lá cọ, không có tay.
- Lủn củn: Thấp, ngắn, trông khó coi.
d. Nội dung chính:
Bài thơ thể hiện cảm xúc, suy nghĩ của người con về nỗi nhớ mong, yêu thương dành cho người mẹ.
e. Bố cục bài học: Tìm hiểu theo 2 mạch nội dung chính như sau:
- Hình ảnh người mẹ thương con.
- Tình cảm của người con với mẹ.
1.2. Đọc hiểu
a. Hình ảnh người mẹ thương con:
- Hình ảnh mẹ gắn liền với bếp lửa: "Bếp chưa lên khói, mẹ không có nhà".
→ Thể hiện sự tần tảo, đảm đang → Mang những đặc điểm điển hình của người mẹ, người phụ nữ Việt Nam.
- Tình yêu thương của mẹ gắn với những sự vật gần gũi đời thường:
+ Chum tương đã đậy.
+ Áo tơi lủn củn.
+ Nón mê ngồi dầm mưa.
+ Đàn gà, cái nơm hỏng vành.
→ Tất cả các sự vật đều gần gũi, có vẻ cũ kĩ, xấu xí, không trọn vẹn.
→ Sự vất vả, tích cóp, tiết kiệm của người mẹ để nuôi con khôn lớn. Tình yêu của mẹ đối với con trọn vẹn.
- Tình thương của mẹ kết lại bởi hình ảnh: "Trái na cuối vụ mẹ dành phần con."
→ Chỉ là một trái na nhưng thể hiện rõ nét nhất sự yêu thương của mẹ: trái na đã đến cuối vụ mà mẹ không nỡ hái, vẫn chờ con về để cho con.
=> Người mẹ tần tảo, vất vả, tiết kiệm, hi sinh để lo cho con ăn học trưởng thành mà quên bản thân mình.
b. Tình cảm của người con với mẹ:
- Hoàn cảnh: "Con về thăm mẹ chiều đông".
- Biểu hiện:
+ Dáng hình: "Thơ thẩn vào ra" → Khi ở nhà một mình, ngắm nhìn những cảnh vật xung quanh, con ngờ ngợ một cảm giác bâng khuâng, tha thẩn, mang nét buồn, nét thương.
+ Cảm xúc:
- "Nghẹn ngào" → cố kìm nén, cảm động không nói nên lời.
- "Rưng rưng" → không thể kìm nén, nước mắt chỉ trực chờ rơi.
1.3. Tổng kết
- Về nội dung: Về thăm mẹ là bài thơ thể hiện tình cảm của người con xa nhà trong một lần về thăm mẹ mình. Mặc dù mẹ không ở nhà nhưng hình ảnh mẹ hiễn hữu trong từng sự vật thân thuộc xung quanh. Mỗi cảnh, mỗi vật đều biểu hiện sự vất vả, sự tần tảo, hi sinh và đặc biệt là tình thương yêu của mẹ dành cho con.
- Về nghệ thuật:
+ Thể thơ lục bát nhịp nhàng, biểu cảm.
+ Kết hợp thành công các biện pháp tu từ: ẩn dụ, liệt kê.
Bài tập minh họa
Bài tập: Em hãy sưu tầm một số bài thơ lục bát nói về tình cảm cha mẹ dành cho con cái hoặc ngược lại.
a. Hướng dẫn giải:
- Tìm những bài thơ đó trên các phương tiện như: Internet, sách văn học, báo chí,...
- Chú ý tìm đúng bài thơ được viết theo thể thơ lục bát.
b. Lời giải chi tiết:
Hôm nay con viết vài lời
Gửi mẹ yêu dấu trong đời của con
Với con mẹ mãi còn son
Dù thời gian có xói mòn tuổi xuân
Cảm ơn mẹ những ân cần
Hy sinh tất cả âm thầm vì con
Mẹ người đẹp nhất thế gian
Ngắm mẹ con thấy chứa chan nhựa đời
Thứ tha con nhé mẹ ơi
Những khi con trót lỡ lời mẹ đau
Cảm ơn mẹ những lo âu
Mỗi khi con ốm canh thâu mẹ ngồi
Dù cho mấy chục tuổi rồi
Với mẹ con mãi muôn đời nhỏ con
Môi mẹ không còn màu son
Cũng vì nhường lại cho con môi hồng
Bao la tình mẹ một lòng
Dạt dào nghĩa mẹ biển Đông sóng tràn
Ơn cao như núi ngút ngàn
Bao giờ trả hết muôn vàn công ơn
Cầu mong mẹ mãi bình an
Vui cùng con cháu ngập tràn yêu thương
Soi cho con mọi bước đường
Đời con cần mãi tình thương mẹ hiền.
(Về thăm mẹ - Mộc Miên)
Vu lan mùa lễ đã về
Đôi hồng xinh thắm cận kề trên tay
Lòng thành con trẻ ở đây
Kính dâng cha mẹ vui vầy nơi xa
Từ khi mẹ mất còn cha
Bao nhiêu khổ nhọc thân già phải lo
Liêu xiêu một bóng gầy gò
Để đàn con nhỏ được no ấm lòng
Một chiều trời đổ cơn giông
Mây giăng khắp lối trên dòng suối mơ
Cảnh thiên như đã đợi chờ
Để cha thôi hết bơ vơ cõi trần
Con thời ở lại tủi thân
Nhớ cha thương mẹ ôm phần mồ côi
Cuộc đời sóng gió nổi trôi
Cay bùi ngọt đắng khổ rồi cũng qua.
(Kính dâng cha mẹ - Khuyết Danh)
Lời kết
- Học xong bài này, các em cần nắm:
+ Bố cục tìm hiểu một văn bản chương trình Ngữ văn 6 SGK Cánh diều gồm: Chuẩn bị, đọc hiểu.
+ Cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng.
+ Hiểu được những tình cảm của người con dành cho mẹ của mình.
Soạn bài Về thăm mẹ
Bài thơ Về thăm mẹ là lời của người con thể hiện cảm xúc nhớ nhung mẹ của mình sau bao ngày xa cách. Để cảm nhận về tình cảm này một cách cụ thể hơn, các em có thể tham khảo bài soạn chi tiết hoặc tóm tắt dưới đây:
Hỏi đáp bài Về thăm mẹ Ngữ văn 6
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
Một số bài văn mẫu về văn bản Về thăm mẹ
Văn bản Về thăm mẹ nhằm giúp các em cảm nhận được tình cảm của người con dành cho mẹ của mình một cách cảm động và sâu sắc. Để hiểu hơn về văn bản này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu bài Về thăm mẹ dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 6 HỌC247