YOMEDIA
NONE

Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội - Ngữ văn 10 Tập 2 Cánh Diều


Các em đã được học kiểu bài nghị luận về một hiện tượng xã hội ở Bài 1: Thần thoại và sử thi. HOC247 xin giới thiệu bài học Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội​ thuộc bộ sách Cánh Diều dưới đây. Qua đó, các em sẽ nắm được kiểu bài và yêu cầu của dạng văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí. Chúc các em có nhiều kiến thức thật bổ ích!

ATNETWORK
YOMEDIA
 

Tóm tắt bài

1.1. Kiểu bài

- Nghị luận về một vấn đề xã hội có thể bàn luận về một tư tưởng, đạo lí nhưng cũng có thể phát biểu, trao đổi về một hiện tượng có thực trong đời sống hoặc một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

- Vấn đề xã hội đưa ra bàn luận có thể là hiện tượng tích cực, cũng có thể là hiện tượng tiêu cực hoặc cả hai. 

1.2. Các lưu ý

Để viết được bài nghị luận về một vấn đề xã hội bàn về một tư tưởng, đạo lí, các em cần lưu ý:

- Lựa chọn một vấn đề tư tưởng, đạo lí nổi bật trong đời sống xã hội để làm đề tải cho bài nghị luận. Loại đề nghị luận này thường thông qua các câu danh ngôn, tục ngữ, ca dao hoặc lời phát biểu nổi tiếng của các nhân vật lịch sử... để yêu cầu người viết bàn luận, làm rõ.

- Nên tìm tòi các vấn đề tư tưởng, đạo lí có tính thời sự và liên quan đến thế hệ trẻ. Ví dụ như: lí tưởng sống của thanh niên xưa và nay, quan niệm về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc của lớp trẻ thời kì hội nhập,...

- Tìm hiểu kĩ vấn đề được lựa chọn, xác định nội dung cần được trình bày.

- Tìm ý và lập dàn ý cho bài viết: xác định luận đề, các luận điểm, lựa chọn dẫn chứng. Bố cục bài viết theo ba phần các luận điểm, lí lẽ được triển khai phải gắn bó mật thiết và xuất phát từ luận đề đã nêu. Các dẫn chứng có thể lấy từ đời sống, trong lịch sử và trong tác phẩm văn học.

- Xác định rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề đã nêu. Vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm trong thực tế để bài viết trở nên sâu sắc và có ý nghĩa xã hội hơn.

Bài tập minh họa

Bài tập: Em hãy viết bài văn nghị luận về đạo lí “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.

Hướng dẫn giải:

1. Mở bài:

- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

2. Thân bài:

- Giải thích: Nghĩa đen=> nghĩa bóng. Ăn quả thì phải nhớ đến người trồng cây=> Sống ở đời phải biết ơn, nhớ ân nghĩa

- Biểu hiện: Biết ơn với những người đã ban ơn, tôn trọng yêu quý người giúp đỡ mình...=> dẫn chứng: con cháu hiếu thảo với ông bà cha mẹ, hàng năm có những ngày để tưởng nhớ Vua Hùng, ngày nhà giáo Việt Nam...

- Lý do: Để tạo thành quả thì phải tốn rất nhiều công sức...

- Ý nghĩa: Giúp con người hoàn thiện nhân cách, tạo ra một xã hội văn minh...

- Phản đề: những người sống vô ơn sẽ gặp kết quả không tốt.

3. Kết bài:

- Liên hệ, mở rộng vấn đề.

Lời giải chi tiết:

Đất nước Việt Nam ta đã trải qua nghìn năm văn hiến, biết bao nhiêu thăng trầm lịch sử, với một nền văn hóa phong phú. Trong đó, văn hóa đạo đức được ông cha ta đặt lên hàng đầu. Câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một trong những bài học đạo đức mà ông cha ta luôn nhấn mạnh. Đúng vậy, lòng biết ơn luôn là một đức tính quan trọng của mỗi cá nhân, cũng như cả toàn xã hội.

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” - một câu tục ngữ đầy ngắn gọn mà xúc tích, dễ hiểu. Ý câu tục ngữ muốn nói, người được ăn những trái quả thơm ngon thì hãy nhớ đến người đã dày công chăm lo, tưới bón cho cái cây. Để có một trái ngọt, phải trải qua bao quy trình, từ vun trồng, chăm sóc, trải qua năm tháng mới kết quả, người trồng đã phải bỏ nhiều công sức. Cũng từ câu tục ngữ, ông cha ta muốn nhấn mạnh một bài học đối với con cháu đó là, sống ở đời thì phải biết ơn, sống có tình có nghĩa với mọi người.

Lòng biết ơn luôn tồn tại trong mỗi con người, sống có ân, có tình, có nghĩa. Họ luôn cảm thấy biết ơn, trân trọng đối với những người đã mang điều tốt đẹp cho mình. Họ luôn sống thật tốt, có tấm lòng thủy chung sâu sắc, luôn đối xử tốt với mọi người. Những người con, người cháu luôn cảm ơn công sinh thành, sinh dưỡng của cha mẹ, ông bà. Ông bà, cha mẹ đã nuôi nấng chúng ta, từ khi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, đến lúc chập chững biết đi và đến khi trưởng thành… Họ luôn dành tình cảm yêu thương cháy bỏng, luôn lo lắng quan tâm cho ta. Mỗi chúng ta có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc như bây giờ, có một sức khỏe tốt, tất cả nhờ vào người thân của mình đã chăm sóc dạy dỗ. Vì vậy, hãy luôn biết ơn, đối xử với họ thật tốt.

Những thứ chúng ta có và đang sử dụng, đều có mồ hôi công sức của bao người. Những hạt cơm trắng dẻo chúng ta ăn hằng ngày, là bao mồ hôi nắng mưa sương gió của những người dân ngày ngày ra đồng chăm bón để cho ra những hạt gạo. Hay giờ ta có thể cười vui vẻ, hạnh phúc bên người thân gia đình, bạn bè bởi chúng ta đang sống trong một đất nước có nền hòa bình, độc lập tự do yên ổn. Mà để được yên ổn như vậy, bao nhiêu thế hệ cha anh đã phải ngã xuống để bảo vệ độc lập tự do cho con cháu đời sau. Để có “trái thơm quả ngọt”, tất cả đều phải trải qua những quá trình dài và tốn nhiều công sức, cho nên chúng ta luôn phải nhớ công ơn những người đã làm ra “trái thơm” ấy cho chúng ta. Dân tộc ta luôn có truyền thống ” ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn”, và luôn được đặt lên hàng đầu. Chúng ta có ngày 10/3 ngày giỗ tổ Hùng Vương, nhớ công ơn của các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam để tôn vinh, bày tỏ sự tri ân công lao dạy dỗ của thầy cô, hay ngày 27/7 ngày thương binh liệt sĩ, để tưởng nhớ những người anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc…

Những người sống có lòng biết ơn sẽ là một nhân tố, một hạt giống tốt của cộng đồng xã hội. Khi con người biết quý trọng các thành quả mà người khác tạo ra, họ sẽ biết chia sẻ, đồng cảm hiểu cho nhau hơn. Thật đáng buồn thay cho những con người sống vô ơn. Họ là những con người sống vô cảm. Ta hẳn cũng biết đến nhiều vụ việc thương tiếc khi con cái bỏ rơi cha mẹ, không chăm sóc cha mẹ. Những người đó thật đáng lên án, và sau này họ cũng sẽ không có một cuộc sống yên ổn vì lối sống vô ơn, bạc tình, bạc nghĩa.

Đền ơn, đáp nghĩa là một truyền thống tốt đẹp của Việt Nam ta. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức này, giữ gìn nét đạo đức đẹp của dân tộc. Là một học sinh, mỗi chúng ta càng phải nhận thức rõ, hãy là con ngoan, trò giỏi, làm một công dân có ích góp phần thúc đẩy phát triển đất nước ngày một tiến bộ hơn.

Lời kết

- Học xong bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội, các em cần:

+ Nắm được kiểu bài và các lưu ý khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội

+ Vận dụng viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội cụ thể

Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều

Bài học Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội sẽ giúp các em hiểu hơn về kiểu bài và các lưu ý khi viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:

Hỏi đáp bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON