Nhằm giúp các em củng cố lại đặc điểm một số thể loại nghệ thuật sân khấu truyền thống, HOC247 đã biên soạn bài học Tự đánh giá: Xử kiện thuộc sách Cánh Diều dưới đây để hiểu hơn về bộ mặt của xấu xa của những kẻ thuộc bộ máy cai trị như tri huyện và đề lại, qua đó cho thấy xã hội phong kiến xưa với những góc khuất, những kẻ tham lam dựa vào quan chức để nhũng nhiễu dân chúng. Đồng thời kiểm tra lại mức độ nắm vững kiến thức trong Bài 3: Kịch bản chèo và tuồng. Để từ đó có những kế hoạch học tập hiệu quả hơn. Chúc các em học tập vui vẻ!
Tóm tắt bài
1.1. Tự đánh giá: Xử kiện
Đọc văn bản Xử kiện và hoàn thành những câu hỏi dưới đây:
Câu 1: Sự việc trong đoạn trích diễn ra ở đâu?
A. Chốn huyện nha
B. Nhà Thị Hến
C. Nhà Trùm Sò
D. Nhà Đề Hầu
Trả lời:
Đáp án đúng là: A
Chốn huyện nha
Câu 2: Thành ngữ cú nói có, vọ nói không trong lời của Huyện Trìa có nghĩa là gì?
A. Lời khai của Trùm Sò mâu thuẫn, không trung thực
B. Lời trình của Đề Hầu mâu thuẫn với lời khai của Trùm Sò và Thị Hiến
C. Lời khai của Trùm Sò và Thị Hến mâu thuẫn, không biết đúng sai, phân định thế nào cho thoả đáng
D. Lời khai của Thị Hến với Đề Hầu và Huyện Trìa không thống nhất
Trả lời:
Đáp án đúng là: C
Lời khai của Trùm Sò và Thị Hến mâu thuẫn, không biết đúng sai, phân định thế nào cho thoả đáng.
Câu 3: Phương án nào phát biểu đúng về nhân vật Thị Hến trong văn bản?
A. Bị Trùm Sò vụ oan tội tàng trữ đồ ăn trộm, bắt giải quan
B. Chăm chỉ lao động, không làm việc gì bất chính
C. Khai báo trung thực, đầy đủ
D. Lợi dụng thói háo sắc của quan lại để tìm cách thoát tội.
Trả lời:
Đáp án đúng là: D
Lợi dụng thói háo sắc của quan lại để tìm cách thoát tội.
Câu 4: Dòng nào thể hiện nhận xét đúng về việc xử kiện của Huyện Trìa và Đề Hầu trong văn bản?
A. Đổi trắng thay đen
B. Con kiến mà kiến củ khoai
C. Nén bạc đâm toạc tờ giấy
D. Có tiền mua tiên cũng được
Trả lời:
Đáp án đúng là: A
Đổi trắng thay đen
Câu 5: Văn bản Xử kiện có gì giống với các văn bản khác trong Bài 3?
A. Đều là kịch bản sân khấu dân gian
B. Đều thể hiện số phận bất hạnh của người phụ nữ
C. Đầu thể hiện khát vọng hạnh phúc lúa đôi của người phụ nữ
D. Đều thể hiện tiếng cười phê phán các thói hư tật xấu trong xã hội
Trả lời:
Đáp án đúng là: A
Đều là kịch bản sân khấu dân gian
Câu 6: Tình huống tạo ra tiếng cười trong đoạn trích trên là gì?
Trả lời:
Tình huống tạo ra tiếng cười trong đoạn trích trên là việc xử án không dựa theo bằng chứng hay sự công bằng mà dựa trên thủ đoạn, lời nói ngon ngọt của bị can mà có thể thoát tội.
Câu 7: Phân tích ý nghĩa của tiếng cười trong đoạn trích Xử kiện.
Trả lời:
Tiếng cười trong đoạn trích Xử kiện là tiếng cười mỉa mai, phê phán thói hư, tật xấu của quan lại, con người trong xã hội. Quan lại thì háo sắc, đam mê sắc đẹp, vì vậy mà phán trong sạch cho Thị Hến. Con người thì nắm được tật xấu đó của quan lại mà tìm cách thoát tội. Nó cho thấy sự mục nát của xã hội phong kiến lúc bấy giờ.
Câu 8: Đặc điểm của kịch bản tuồng được thể hiện như thế nào ở văn bản Xử kiện?
Trả lời:
Đặc điểm của kịch bản tuồng được thể hiện qua văn bản Xử kiện là ở những thủ pháp xây dựng nhân vật độc đáo, yếu tố gây cười và cái kết bất ngờ đi ngược lại với luân lí thôngg thường.
Câu 9: Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) bày tỏ suy nghĩ của em về bản án mà Huyện Trìa đưa ra.
Trả lời:
Đoạn văn tham khảo
Trong đoạn trích Xử kiện, ta bắt gặp bản án mà Huyện Trìa đưa ra vô cùng vô lí. Ông kết tội vợ chồng Trùm Sò không dựa trên những chứng cứ mà dựa vào việc vợ chồng họ ăn hiếp một quả phụ mà khép cho họ có tội. Qua đó, ta thấy Huyện Trìa dù là quan đứng đầu huyện, đại diện cho công lí nhưng lại xử án theo bản năng của mình và bị chi phối bởi lời nói và vẻ ngoài của Thị Hến. Từ đó ta thấy bản án của Huyện Trìa là bản án sai, không công bằng Thị Hến được trả tự do còn vợ chồng Trùm Sò thì vừa mất của cải, vửa phải gánh tội. Điều này phản ánh một góc khuất của xã hội ngày xưa khi quan có quyền lộng hành.
1.2. Hướng dẫn tự học
- Truy cập Internet hoặc tìm trong sách, báo thông tin về vở tuồng chèo truyền thống.
+ Chọn lọc và thu thập các tư liệu gồm: bài viết, hình ảnh, video,... liên quan đến bài học.
+ Đánh giá tư liệu (Các thông tin này đã đầy đủ, chính xác và phù hợp chưa? Thông tin có liên quan đến bài học không?).
+ Ghi chép những ấn tượng, đặc sắc của vở tuồng chèo truyền thống.
- Suy nghĩ những thói quen và quan niệm em thấy cần thay đổi trong cuộc sống và lên kế hoạch thực hiện.
Bài tập minh họa
Bài tập: Viết đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về tiếng cười châm biếm của tác giả dân gian thể hiện qua đoạn trích Xử kiện, SGK Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều.
Hướng dẫn giải:
- Đọc lại đoạn trích Xử kiện, SGK Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều
- Vận dụng kiến thức bản thân và tư liệu sách báo, internet
Lời giải chi tiết:
Vở tuồng Xử kiện đã thể hiện cái nhìn châm biếm của tác giả về thói tham nhũng, xử kiện dựa trên đồng tiền của một bộ phận quan lại thối nát vô lương tâm trong xã hội cũ. Tác giả để cho nhân vật tự giới thiệu, bộc lộ bản chất của mình thông qua lời thoại, cử chỉ và ngôn ngữ, không cần dùng đến một từ ngữ phê phán hay bình luận nào. Đây là một cách thể hiện rất khéo léo. Thông qua câu chuyện ở huyện đường, tác giả vừa châm biếm vừa phê phán tầng lớp quan lại, nhưng đồng thời cũng phơi bày trước mắt bạn đọc một xã hội lừa lọc, thủ đoạn và thiếu tình người. Tiếng cười được gửi gắm trong tác phẩm vừa sâu cay vừa mang ý nghĩa phê phán sâu sắc.
Lời kết
- Học xong bài Tự đánh giá: Xử kiện, các em cần nắm:
+ Nắm được khái niệm, đặc điểm của thể loại tuồng, chèo
+ Hiểu được ý nghĩa châm biếm của đoạn trích Xử kiện
+ Vận dụng kiến thức để phân tích đặc điểm tuồng, chèo trong một tác phẩm cụ thể
Hỏi đáp bài Tự đánh giá: Xử kiện Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247