Khi tạo lập văn bản, việc sắp xếp các từ ngữ trong câu phải tuân theo quy tắc cấu tạo cụm từ, cấu tạo câu hay nói cách khác phải có trật tự nhất định, nếu không nội dung biểu đạt sẽ bị lệch hoặc gây hiểu nhầm. Bài học Thực hành tiếng Việt trang 51 thuộc sách Cánh Diều dưới đây sẽ giúp các em có thêm nhiều kiến thức bổ ích về một số lỗi và cách sắp xếp trật tự từ lí. Mời các em cùng tham khảo!
Tóm tắt bài
1.1. Trật tự từ
- Trật tự từ được hiểu là thứ tự sắp xếp của từ ngữ trong câu.
- Việc sắp xếp các từ ngữ trong câu phải tuân theo quy tắc cấu tạo cụm từ, cấu tạo câu.
- Mục đích nhằm thể hiện thứ tự nhất định của sự vật, hoạt động, đặc điểm; nhấn mạnh hình ảnh, đặc điểm của sự vật, hiện tượng; liên kết cấu với những câu khác trong văn bản.
1.2. Một số lỗi thường gặp về trật tự từ
1.2.1. Sắp xếp từ ngữ không phù hợp với quy tắc cấu tạo cụm từ, cấu tạo câu
Ví dụ: “Lớp em rất có nhiều bạn không những học giỏi mà còn chơi thể thao giỏi.”
- Câu này mắc lỗi sắp xếp các yếu tố trong cụm từ không phù hợp khi từ “rất” được đặt ngay trước động từ “có”. “Rất” là phó từ, dùng trước tính từ, biểu thị ý nghĩa mức độ cao trên hẳn mức bình thường.
- Sửa lại bằng cách để “rất” trước tính từ “nhiều”: “Lớp em có rất nhiều bạn không những học giỏi mà còn chơi thể thao giỏi.”
1.2.2. Sắp xếp từ ngữ không phù hợp với yêu cầu diễn đạt
Ví dụ: “Liên hoan phim quốc tế Bu-san 2021 ở Việt Nam không được giới thiệu một cách rộng rãi.”
- Câu này sắp xếp vị trí trạng ngữ không phù hợp, gây hiểu lầm là Liên hoan phim quốc tế Bu-san 2021 diễn ra ở Việt Nam.
- Sửa lại bằng cách đưa trạng ngữ “ở Việt Nam” lên đầu câu: “Ở Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Bu-san 2021 không được giới thiệu một cách rộng rãi.”
Bài tập minh họa
Bài tập:
Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi:
Anh Dậu uốn vai ngáp dài một tiếng. Uể oải, chống tay xuống phản, anh vừa rên vừa ngỏng đầu lên. Run rẩy cất bát cháo, anh mới kề vào đến miệng, cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập tiến vào với những roi song, tay thước và dây thừng.
Gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ:
- Thằng kia! Ông tưởng mày chết đêm qua, còn sống đấy à? Nộp tiền sưu! Mau!
(Ngô Tất Tố, Tắt đèn)
a. Có thể thay đổi trật tự từ trong câu in đậm theo những cách nào mà không làm thay đổi nghĩa cơ bản của câu?
b. Vì sao tác giả chọn trật tự từ như trong đoạn trích?
c. Hãy thử chọn một trật tự từ khác và nhận xét về tác dụng của sự thay đổi ấy.
Hướng dẫn giải:
Dựa vào nội dung kiến thức phần trật tự từ để làm bài tập.
Lời giải chi tiết:
a. Có thể thay đổi câu in đậm theo các cách sau:
(1) Cai lệ gõ đầu roi xuống đất, thét bằng giọng khàn khàn của người hút nhiều xái cũ.
(2) Cai lệ thét bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, gõ đầu roi xuống đất.
(3) Gõ đầu roi xuống đất, bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ thét.
(4) Bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ gõ đầu roi xuống đất, thét.
(5) Bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, gõ đầu roi xuống đất, cai lệ thét.
(6) Thét bằng giọng khàn khàn của một người hút nhiều xái cũ, cai lệ gõ đầu roi xuống đất.
b. Tác giả chọn trật từ từ như câu trên là để đảm bảo sự liên kết với các câu trước và sau câu đó. Đồng thời cách sắp xếp như vậy cũng có tác dụng nhấn mạnh sự hung hãn của nhân vật tên cai lệ.
c. Có thể rút ra nhận xét: mỗi trật tự từ sẽ cho một hiệu quả biểu đạt ý khác nhau.
Lời kết
- Học xong bài Thực hành tiếng Việt trang 51, các em cần nắm:
+ Nhận diện các lỗi về trật tự từ.
+ Biết cách chữa các lỗi về trật tự từ.
Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 51 Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều
Bài học Thực hành tiếng Việt trang 51 nhằm giúp các em sửa chữa một số lỗi thường gặp về trật tự từ. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:
Hỏi đáp bài Thực hành tiếng Việt trang 51 Ngữ văn 10 tập 1 Cánh Diều
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247