Thực hành tiếng Việt trang 105 - Ngữ văn 10 Tập 2 Cánh Diều
YOMEDIA
NONE

Thực hành tiếng Việt trang 105 - Ngữ văn 10 Tập 2 Cánh Diều


Để biểu đạt hoàn chỉnh ý nghĩa của một đoạn văn các em cần đảm bảo sự mạch lạc và liên kết giữa các câu văn. Bài học Thực hành tiếng Việt trang 105 thuộc sách Cánh Diều được HOC247 biên soạn dưới đây sẽ giúp các em nhận diện và biết cách sửa một số lỗi về mạch lạc và liên kết trong đoạn văn. Đồng thời, áp dụng vào giải các bài tập cụ thể và tự tin hơn trong quá trình viết văn của mình. Mời các em cùng tham khảo!

ATNETWORK
 

Tóm tắt bài

1.1. Sửa lỗi về đoạn văn và văn bản

- Văn bản phải có tính mạch lạc (liên kết về mặt nội dung) và tính liên kết (liên kết về mặt hình thức). 

- Để bảo đảm tính mạch lạc, các phần, các đoạn văn, các câu trong văn bản đều phải phục vụ chủ đề chung của văn bản và được sắp xếp theo một trình tự hợp lí.

- Để bảo đảm tính liên kết, mối quan hệ về nội dung giữa các câu, các đoạn văn, các phần trong văn bản phải được thể hiện bằng những phương tiện ngôn ngữ thích hợp.

1.2. Các lỗi thường gặp về đoạn văn và văn bản

Các lỗi thường gặp về đoạn văn và văn bản là:

 a. Lỗi về mạch lạc:

- Các câu của đoạn văn (hoặc các đoạn văn, các phần trong văn bản) không nói về cùng một chủ đề.

Ví dụ:

(1) Mọi tác phẩm nghệ thuật đều bắt đầu từ một cảm xúc. (2) Thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ giàu hình ảnh và nhạc điệu. (3) Văn xuôi không có vần.

--> Ở đoạn văn này, từng câu đều đúng nhưng mỗi câu nói về một chủ đề khác nhau. Cách sửa: viết lại các câu (2), (3) theo đúng chủ đề đã nêu ở câu (1).

- Các câu của đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) mâu thuẫn với nhau.

Ví dụ:

(1) Hình tượng người nông dân trong văn học hiện thực có những nét đẹp truyền thống. (2) Nếu đặt họ bên những nhân vật phản diện như Nghị Lại, Nghị Quế, thì họ hoàn toàn đối lập với bản chất kệch cỡm, nhố nhăng, tàn ác của bạn quan lại. (3) Chị Dậu không như Thuỷ Kiều hay Kiều Nguyệt Nga khi gặp hoạn nạn thi vào cõi Phật để hưởng chút bình an, mà chị đã đấu tranh để bảo vệ nhân phẩm.

(Dẫn theo Nguyễn Minh Thuyết)

--> Trong đoạn văn trên, ý câu (3) mâu thuẫn với ý câu (1). Cách sửa: viết lại câu (3) để thống nhất với chủ đề được nêu ở câu (1).

- Các câu của đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí. 

Ví dụ:

(1) Năm 19 tuổi chị đẻ đứa con trai, sau đó chồng chị mắc bệnh, ốm liền trong hai năm rồi chết. (2) Chị làm quần quật phụng dưỡng cha mẹ chồng, hầu hạ chồng, bú mớm cho con. (3) Có những ngày ngắn ngủi cơn bệnh tạm lui, chồng chị yêu thương chị vô cùng. 

--> Trong đoạn văn trên, các câu được sắp xếp không theo một trình tự hợp lí: Những sự việc nói Ở câu (2) và câu (3) không thể diễn ra sau sự việc ở cầu (1) Cách sửa: bổ sung từ ngữ trước câu (2) để xác định thời gian diễn ra sự việc là “trước đó, suốt thời gian chồng ốm".

b. Lỗi về liên kết:

- Biểu hiện của lỗi này là người viết không sử dụng phương tiện liên kết giữa các câu trong một đoạn văn (các phần, các đoạn văn trong văn bản) hoặc sử dụng phương tiện liên kết không phù hợp.

Ví dụ: Trong tác phẩm “Chí Phèo”, Nam Cao đã vẽ lên bộ mặt của con quỷ dữ ở làng Vũ Đại. Nhắc đến Chí Phèo là người ta lại nhớ đến một tên say, một kẻ chuyên nghế đâm thuê, chém mướn và rạch mặt ăn vạ. Nhưng tất cả những ước mơ tưởng rất bình thường của Chí đều không được xã hội thừa nhận. 

Bài tập minh họa

Bài tập: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:

Thay vì cầm một cuốn sách để đọc, nhiều người bây giờ chỉ biết lăm lăm trong tay một chiếc điện thoại thông minh. Mặc dù không thấy được ích lợi của sách trong việc bồi dưỡng tâm hồn, phát huy trí tưởng tượng và rèn luyện cách suy nghĩ nên không ít người hầu như đã vứt bỏ thói quen đọc sách. Nó tuy rất tiện lợi trong việc đáp ứng nhiều nhu cầu của con người trong cuộc sống hiện đại, nhưng lại khó giúp ta tìm được sự yên tĩnh, lắng sâu trong tâm hồn.

a. Dấu hiệu nổi bật giúp nhận ra lỗi về mạch lạc trong đoạn văn là gì?

b. Chỉ ra các dấu hiệu của lỗi liên kết trong đoạn văn.

c. Đề xuất cách sửa để đảm bảo đoạn văn có mạch lạc. 

Hướng dẫn giải:

a.  Dựa vào sự mạch lạc giữa các câu để nêu dấu hiệu nhận biết lỗi về mạch lạc.

b. Dựa vào cách sử dụng các phép liên kết giữa các câu để nêu dấu hiệu của lỗi liên kết.

c. Từ những dấu hiệu ở câu a, đưa ra cách sửa phù hợp.

Lời giải chi tiết:

a. Dấu hiệu nổi bật: câu văn thứ hai trong đoạn được triển khai không đúng với chủ đề chung của đoạn văn.

b. Dấu hiệu của lỗi liên kết:

- Phép nối được sử dụng để liên kết giữa câu một và câu hai chưa phù hợp.

- Giữa câu hai và câu ba chưa có phép liên kết hình thức.

c. Cách sửa:

- Thay thế phép nối “Mặc dù … nên…” giữa câu một với câu hai thành “Vì … nên…”, trở thành câu: 

“Vì không tìm thấy được ích lợi của đọc sách trong việc bồi dưỡng tâm hồn, phát huy trí tưởng tượng và rèn luyện cách suy nghĩ nên hầu như mọi người đã vứt bỏ thói quen đọc sách.”

- Có thể sửa câu thứ ba thành “Tuy chiếc điện thoại thông minh rất tiện lợi trong việc đáp ứng nhiều nhu cầu của con người trong cuộc sống hiện đại, nhưng nó lại khó giúp ta tìm được sự yên tĩnh, lắng sâu trong tâm hồn”.

QUẢNG CÁO

Lời kết

- Học xong bài Thực hành tiếng Việt trang 105, các em cần:

+ Nắm được khái niệm và cách sửa lỗi về mạch lạc trong đoạn văn và văn bản

+ Nắm được khái niệm và cách sửa lỗi về liên kết trong đoạn văn và văn bản

+ Vận dụng vào giải bài tập về các lỗi mạch lạc và liên kết trong đoạn văn, văn bản

Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 105 Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều

Bài học Thực hành tiếng Việt trang 105 nhằm giúp các em có thêm kiến thức bổ ích về các lỗi mạch lạc và liên kết trong đoạn văn, văn bản. Đồng thời áp dụng linh hoạt vào giải bài tập và quá trình viết văn của mình. Để nắm được nội dung của bài học này, các em có thể tham khảo bài soạn dưới đây:

Hỏi đáp bài Thực hành tiếng Việt trang 105 Ngữ văn 10 tập 2 Cánh Diều

Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em. 

-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247

NONE
AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON