Bài giảng hôm nay sẽ đưa các em đến với nền văn học Nhật Bản qua bài học Thơ Hai-kư của Ba-sô. Học 247 mong rằng qua một số bài thơ của Ba-sô sẽ các em sẽ có thêm những kiến thức thú vị và bổ ích. Mời các em tham khảo bài giảng dưới đây.
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
a. Tác giả
- Ma-su-ô Ba-sô (Mastuo Bashoo, 1644 – 1694) là nhà thơ hàng đầu của Nhật Bản, quê ở tỉnh I-ga (nay là tỉnh Mi-ê)
- Gia đình ông thuộc tầng lớp võ sĩ cấp thấp
- Khoảng năm 28 tuổi chuyển đến Ê-đô (Tô-ki-ô) sống và sáng tác thơ Hai-cư với bút danh Ba-sô (Ba tiêu)
- Mười năm cuối đời, ông đi khắp đất nước viết du kí và làm thơ Hai-cư. Ông mất ở O-sa-ka khi mới 50 tuổi.
b. Về thể loại thơ Hai-cư
- Mỗi bài có số lượng từ rất ít; khoảng 17 âm tiết
- Tứ thơ: ghi lại một phong cảnh với vài sự vật cụ thể... từ đó gợi lên một cảm xúc, tư duy nào đó.
- Quý ngữ: từ chỉ thời điểm, mùa
- Thấm đẫm tinh thần thiền tông và văn hóa phương Đông: con người và vạn vật có quan hệ khăng khít, nhất là thể hóa.
- Gợi chứ không tả, tượng trưng, giàu sự tưởng tượng, âm thầm, kín đáo.
1.2. Đọc - hiểu văn bản
a. Bài 1
Đất khách mười mùa sương.
Về thăm quê ngoảnh lại
Ê-đô là cố hương
- Bài thơ thể hiện tình cảm gắn bó, thân thiết với nơi mình đang ở
- Ba-sô quê ở Mi-ê, sau khi sống ở Ê-đô 10 năm, ông về thăm quê. Chính lúc trở về với quê hương, ông chợt nhận ra Ê-đô thân thiết như quê hương của mình.
b. Bài 2
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô
- Bài thơ thể hiện nỗi buồn, niềm thương tiếc thời gian, những kỉ niệm trong quá khứ
- Ba-sô ở kinh đô Tô-ki-ô từ thời trẻ, sau đó lên Ê-đô. Hai mươi năm sau cuối đời ông trở lại, nghe tiếng chim Đỗ Quyên hót giữa kinh đô ngày nay mà nhớ kinh đô xưa, một kinh đô trong quá khứ.
c. Bài 3
Lệ trào nóng hổi
tan trên tay tóc mẹ
làn sương thu
- Bài thơ mang đến cho người đọc những cách hiểu khác nhau, tuy nhiên dẫu có đa nghĩa như thế nào thì âm hưởng chung, cảm xúc chung độc giả cảm nhận được đó là cảm xúc xót xa, nghẹn ngào, lắng đọng trong tâm hồn dạt dào, da diết.
- Năm 1864, Ba-sô 40 tuổi, ông làm cuộc du hành đến vùng Kan-sai, gần quê mình, về đến quê nhà thì hay tin mẹ mất. Người anh đưa cho ông di vật còn lại của mẹ là một mớ tóc bạc. Nỗi xót xa được thể hiện ở giọt lệ nóng hổi rơi xuống bàn tay đang cầm mớ tóc bạc của người mẹ đã khuất.
- Quý ngữ (từ chỉ mùa) của bài thơ là sương thu. Làn sương thu ở đây có thể là giọt lệ như sương, hay là mái tóc của mẹ bạc như sương, và cũng có thể đó là cuộc đời như giọt sương, ngắn ngủi vô thường,… Sương – tóc – lệ tan hoà, tạo nên hình tượng thơ mờ ảo, đa nghĩa.
d. Bài 4
Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?
gió mùa thu tái tê.
- Câu hỏi tu từ của Ba-sô: tiếng vượn hú não nề gợi liên tưởng tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc
- Hiện thực khốc liệt của đất nước Nhật Bản những năm đói kém (Nhiều gia đình túng quẫn quá, ko nuôi nổi con đành phải bỏ chúng vào rừng, thậm chí có khi còn đang tâm giết cả những đứa trẻ sơ sinh vì ko nuôi nổi tất cả.)
- Gió mùa thu tái tê → tiếng gió đang than khóc cho nỗi đau buồn của con người ⇒ Bài thơ cho thấy trái tim nhân đạo của Ba-sô
e. Bài 5
Mưa đông giăng đầy trời
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi.
- Hình ảnh ẩn dụ: chú khỉ đơn độc trong mưa lạnh
- Những người nông dân nghèo khổ.
- Những em bé nghèo tội nghiệp.
→ Bài thơ thể hiện tình yêu thương sâu sắc đối với những con người nghèo khổ.
f. Bài 6
Từ bốn phương trời xa
cánh hoa đào lả tả
gợn sóng hồ Bi-oa
- Quý ngữ: hoa anh đào → mùa xuân.
- Cảnh những cánh hoa đào rụng lả tả làm mặt hồ lăn tăn sóng gợn → cảnh tĩnh; đơn sơ, giản dị và đẹp.
→ Cảnh tượng thể hiện sự tương giao của cảnh vật trong vũ trụ
g. Bài 7
Vắng lạng u trầm
thấm sâu vào đá
tiếng ve ngâm
- Quý ngữ: tiếng ve → mùa hè.
- “Vắng lặng”, “u trầm” → sự vắng vẻ, u tịch của thiên nhiên.
- Tiếng ve → âm thanh vô hình.
- Đá →vật thể hữu hình.
→ Tác giả cảm nhận được thiên nhiên tĩnh lặng đến mức có thể nghe được tiếng ve rền rĩ như thấm vào lòng đá. ⇒ Sự cảm nhận chuyển đổi cảm giác tinh tế của tác giả. ⇒Tinh thần thiền tông: sự tương giao của các sự vật, hiện tượng.
h. Bài 8
Nằm bệnh giữa cuộc lãng du
mộng hồn còn phiêu bạt
những cánh đồng hoang vu
- Hoàn cảnh: Bài thơ được viết vào 8-10- 1694 ở Ô-sa-ka, lúc cuối đời của tác giả, khi ông nằm bệnh, đau yếu, bệnh tật.
- “Cuộc lãng du”→ cuộc đời như một chuyến lãng du phiêu bồng bất tận
→ Cuộc đời của Ba-sô là lang thang, lãng du, phiêu bồng. Vì vậy, ngay khi sắp lìa cõi đời, ông vẫn còn lưu luyến, muốn tiếp tục cuộc viễ du bằng linh hồn của mình. Và ta như thấy hồn Ba-sô lang thang trên khắp những cánh đồng hoang vu
2. Soạn bài Thơ Hai-cư
Thơ Hai-cư là một thể loại quan trọng của thơ ca truyền thống Nhật Bản. Nếu xưa kia thơ nặng tính trào lộng, hài hước thì giờ đây chính nhờ sự cách tân của Ba-sô mà chất lãng mạn, trữ tình đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong thơ Hai-cư Nhật Bản. Để hiểu sâu hơn về những vấn đề này, các em có thể tham khảo bài soạn văn tại đây: Bài soạn Thơ Hai-cư.
3. Một số bài văn mẫu Thơ Hai-cư
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247