Nhằm giúp các em chuẩn bị bài được tốt hơn trước khi đến lớp với bài học Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ, Học 247 mời các em tham khảo bài soạn dưới đây. Hi vọng rằng bài soạn sẽ mang đến cho các em những kiến thức bổ ích và thú vị.
1. Tóm tắt nội dung bài học
1.1. Nội dung
- Qua việc miêu tả nỗi cô đơn, buồn khổ của người chinh phụ với những sắc thái khác nhau, đoạn trích thể hiện tiếng nói tố cáo chiến tranh phong kiến và bày tỏ nỗi khao khát được sống trong tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ nói riêng, của con người nói chung.
1.2. Nghệ thuật
- Bút pháp miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế, bút pháp ước lệ, tả cảnh ngụ tình
- Ngôn từ chọn lọc, nhiều biện pháp tu từ được sử dụng như: so sánh, từ láy....
2. Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ chương trình chuẩn
Câu 1: Hãy chỉ ra các yếu tố ngoại cảnh thể hiện tâm trạng người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó.
- Các yếu tố ngoại cảnh thể hiện tâm trạng người chinh phụ và ý nghĩa diễn tả nội tâm của các yếu tố đó:
- Hình ảnh người chinh phụ lẻ loi ở mọi nơi, mọi lúc: lẻ loi trong căn phòng vắng, lẻ loi cả khi bước ra ngoài, lẻ loi ban ngày và lẻ loi, cỏ độc hơn trong cảnh đêm khuya. Người chinh phụ hết đứng lại ngồi, dạo quanh “hiên vắng”, “gieo” từng bước nặng nề, tấm rèm thưa hết buông xuống (rủ) lại cuộn lên (thác) nhiều lần, đặc biệt hình ảnh đối bóng với ngọn đèn trong căn phòng vắng đã cực tả cảnh lẻ loi, đơn chiếc.
- Hình ảnh ngọn đèn: Trong những đêm cô đơn, buồn khổ người thiếu phụ chỉ có ngọn đèn vô tri vô giác chia sẻ bao nỗi ưu tư. Đêm đêm, người thiếu phụ ngồi bên ngọn đèn mong ngóng, nhớ nhung, sầu muộn cho đền khi cái bấc đèn cháy rụi thành than hồng rực như hoa. Thời gian cứ thế trôi qua trong nỗi tuyệt vọng của người thiếu phụ. Nhà thơ tả ngọn đèn leo lét nhưng chính là để tả không gian mênh mang và sự cô đơn trầm lặng của con người.
- Âm thanh tiếng gà: Tiếng gà là âm thanh duy nhất trong đêm nhưng nó ngay lập tức bị chìm đi trong cái cô tịch của đêm.
- Bóng cây hòe: gợi ra thêm cảm giác hoang vắng và đáng sợ mà thôi. Cảnh vật quạnh hiu bởi lòng người đang sầu đau tê tái vì nỗi nhớ mong và sự khát khao hạnh phúc đang tràn ngập trong lòng.
- Hai câu cuối đoạn miêu tả cảnh cành cây ướt đẫm sương đêm, tiếng côn trùng rên rỉ phun lên từ ruột đất. Người chinh phụ lọt thỏm vào đêm. Cảnh sương tuyết gió mưa buốt giá đồng hành với nỗi buốt giá lạnh lẽo của lòng người.
Câu 2: Theo anh (chị), những dấu hiệu nào cho thấy nỗi cô đơn của người chinh phụ?
- Trước hết người chinh phụ ở đây vì quá đau khổ nên đã không chú ý đến cách ăn mặc, trang điểm theo đúng công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ phong kiến xưa, khiến cho dáng vẻ tiều tụy, không chỉnh tề:
Hương gượng đốt hồn đà mè mải./ Gương gượng soi lệ lại chứa chan.
- Đây là tả nội tâm qua ngoại hình, hành động, được nói lên qua từ “gượng” láy lại hai lần trong hai câu thơ. Không chỉ tả việc đốt hương, soi gương mà chính là để bộc lộ nỗi lòng của người chinh phụ. Nàng còn đốt hương với ai nữa khi “hồn đà mê mải” (tâm trí lan man, không tập trung), còn soi gương làm gì nữa khi “lệ lại chứa chan” (soi gương mà nước mắt chảy khiến cho hình trong gương bị nhòe mờ). Tất cả là do nỗi cô đơn, trống vắng của nàng. Ngay trước đoạn trích này là khổ thơ:
Há như ai hồn say bóng lẫn,
Bỗng thơ thơ, thẩn thẩn như không.
Trâm cài, xiêm giắt thẹn thùng,
- Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo, đã bộc lộ rõ cái dáng vẻ tiều tụy của nàng trong một nỗi cô đơn đến thẫn thờ cả tâm trạng.
- Nỗi cô đơn còn được thể hiện qua hành động lặp đi lặp lại của người chinh phụ: rủ rèm rồi lại cuốn rèm (“Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen”), đi đi lại lại trong hiên vắng một mình (“Dạo hiến vắng thầm gieo từng bước”) như để chờ đợi một tin tốt lành báo người chồng sắp trở về mà không nhận được một tin tức nào. Cách tả này càng khiến cho nỗi cô đơn thêm mỏi mòn trong một sự đợi chờ vô vọng.
- Nỗi cô đơn càng được bộc lộ trong nỗi kinh sợ khi người chinh phụ gảy đàn:
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.
- Đàn cầm và đàn sắt - những nhạc cụ gợi đến sự gắn bó lứa đôi của tình vợ chồng ngày nào còn đoàn tụ. Giờ đây, trong cảnh cô đơn lẻ loi, người chinh phụ chỉ
- “gượng gảy ngón đàn” ngày xưa vì không còn phù hợp, và nàng đã gảy trong nỗi kinh sợ dây đàn bị chùng hay đứt báo hiệu điềm gở trong tình vợ chồng.
- Và đặc biệt, nỗi cô đơn hiện lên sâu thẳm khi một mình nàng ngồi đôi diện với ngọn đèn trong đêm khuya “gà eo óc gáy sương”:
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.
- Biết bao tâm trạng nhưng chỉ có một nỗi cô đơn ghê gớm đang bủa vây nỗi lòng của người chinh phụ. Nỗi cô đơn đã được đẩy lên đỉnh cao thành một nỗi cô đơn điển hình cho những người vợ đang mỏi mòn chờ chồng từ chiến trận mà không rõ ngày trở về.
Câu 3: Hãy cho biết vì sao người chinh phụ đau khổ
Người chinh phụ đau khổ vì:
- Lo lắng cho sự an nguy của người chồng nơi chiến trận.
- Tuổi trẻ qua đi vội vã (hạnh phúc và tình yêu cũng sẽ mất theo – khao khát
- được sống trong tình yêu và hạnh phúc lứa đôi).
- Niềm tin vào cuộc sống tương lai mỏng manh và mờ nhạt
Câu 4 *: Xác định những câu thơ là lời của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó.
- Những câu thơ là lời của người chinh phụ và cho biết giá trị biểu hiện của nó:
- Ngôn ngữ của người chinh phụ trong đoạn thơ (cũng như trong cả khúc ngâm) là ngôn ngữ giãi bày, bộc bạch để nói lên nỗi lòng của mình trong cảnh lẻ loi, đơn chiếc, một mình cô đơn vò võ chờ chồng từ chiến trận trở về. Đó là thứ ngôn ngữ nội tâm được bộc lộ chân thành, sâu sắc, rất thực. Tự nàng nói với mình để vợi nỗi đau buồn, sầu muộn, nhớ nhung, mong chờ... Vậy thì có gì mà phải màu mè, giấu giếm, tô vẽ? Nỗi lòng nàng ra sao trong cảnh cô đơn ấy, nàng làm gì, nghĩ gì... nàng đã nói lên đúng như vậy. Chính vì thế mà ngôn ngữ bộc bạch của nàng ở đây rất tha thiết, tự nhiên, rất thực. Không phải ngôn ngữ nói mà chính là lòng nàng tự nói lên, tự bộc bạch.
- Đây là lúc nàng tâm sự với ngọn đèn: Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?/ Đèn có biết dường bằng chẳng biết,/ Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.
- Rồi nàng ngậm ngùi với những vật dụng quen thuộc - hương, gương, đàn: Hương gượng đốt hồn đà mê mải,/ Gương gượng soi lệ lại chứa chan./Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,Dây uyên kinh đứt phím loan ngại chùng.
- Nàng tự bạch nỗi sầu muộn trong cô đơn: Mối sầu dằng dặc tựa miền biển xa.
- Nàng nói lên nỗi nhớ thương cháy lòng đối với người chồng ngoài biên ải xa xôi:
Lòng này gửi gió đông có tiện?
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
Non Yên dù chẳng tới miền,
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời.
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
- Tất cả đã tạo nên một ngôn ngữ đẫm chất trữ tình, giàu giá trị biểu hiện của người chinh phụ với giọng điệu than thở, than vãn có ngầm cả ý oán trách. Lời than trực tiếp của nhân vật trữ tình - người chinh phụ - khiến cho hoàn cảnh bi kịch của người chinh phụ đậm nét và có tính chất khách quan. Ngôn ngữ giãi bày rất thực ấy đã nói lên một tình cảnh cô đơn, một nỗi sầu muộn rất thực và một nỗi khát khao cũng rất thực của người chinh phụ: khát khao về hạnh phúc lứa đôi của những người phụ nữ mong chồng trở về sum họp.
Câu 5: Đọc diễn cảm đoạn trích (nếu ngâm được càng tốt). Hãy nhận xét về nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát (có so sánh với các thể thơ mà anh (chị) biết)
- Nhận xét về nhạc điệu của thể thơ song thất lục bát qua đoạn trích.
- Thể thơ song thất lục bát đã đáp ứng tốt nhất yêu cầu diễn tả nội tâm nhân vật trong các khúc ngâm, ở đoạn trích này, ta có thể thấy rõ điều đó.
- Thể thơ song thất lục bát, có cả vần chân (cước vận) và vần lưng (yêu vận) đã tạo thành nhạc điệu nhịp nhàng mà da diết, réo rắt cho câu thơ, thích hợp với việc diễn tả nội tâm đau buồn với những âm điệu oán trách, than vãn, sầu muộn, nhớ thương... Có thể lấy khổ cuối đoạn trích này làm ví dụ:
Trời thăm thẳm xa vời khôn thấu,
Nỗi nhớ chàng đau đáu nào xong.
Cảnh buồn người thiết tha lòng,
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ để nắm thêm những nội dung trọng tâm của bài học.
3. Soạn bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ chương trình Nâng cao
Câu 1: Đoạn trích có thể chia làm mấy đoạn nhỏ? Nêu ý chính của mỗi đoạn.
Gợi ý:
- Đoạn 1 (từ câu 1 đến câu 16): Tâm trạng cô đơn, trống trải của người chinh phụ
- Đoạn 2 (từ câu 17 đến câu 28): Nỗi nhớ thương người chồng ở phương xa.
- Đoạn 3 (từ câu 29 đến câu 36): Trong lòng người chinh phụ rạo rực niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi.
Câu 2: Phân tích những việc làm, ý muốn và cảm giác của người chinh phụ thể hiện tâm trạng cô đơn, trống trải (từ câu 1 đến câu 16).
Gợi ý:
- Những việc làm, ý muốn và cảm giác của người chinh phụ thể hiện tâm trạng cô đơn, trống trải: dạo hiên vắng, ngồi bên rèm thưa, soi gương, gảy đàn.
- Tái hiện hình ảnh của người chinh phụ một mình ở nhà, hết đi ra ngoài hiên lại vào trong phòng, cuốn rèm lên rồi lại rủ rèm xuống. Những động tác, cử chỉ lặp đi được lặp đi lặp lại nhiều lần như không mục đích, diễn ra theo sự chi phối của sự xáo động trong tâm hồn. Thời gian dường như trôi đi một cách nhàm chán, nặng nề, tẻ nhạt, ẩn giấu trong trạng thái tâm lí khắc khoải, bồn chồn, không biết chia sẻ cùng ai.
Câu 3: Hãy tìm và phân tích các chi tiết ngoại cảnh có tác dụng biểu hiện tâm trạng cô đơn, xót xa của người chinh phụ (từ câu 17 đến câu 28).
Gợi ý:
- Các chi tiết ngoại cảnh có tác dụng biểu hiện tâm trạng cô đơn, xót xa của người chinh phụ: cành cây sương đượm, tiếng trùng, mưa phun, tuyết, cây liễu, cành ngô, sâu tường, chuông chùa.
- Nơi mà người ra chiến trận không biết ngày trở về, để lại nơi quê nhà bao người phụ nữ đã hóa vọng phu. Cái không gian xa vời mà nỗi nhớ phải đi qua tiếp tục được khắc họa. Đó là sự xa cách vô hạn của nỗi nhớ, sự xa cách tình chồng vợ giữa chinh phu và chinh phụ khiến nỗi nhớ nhung chìm vào vô vọng. Nỗi nhớ khi thì thăm thẳm, lúc thì dàn trải được so sánh với đường lên bằng trời. Nỗi nhớ vô hạn, mênh mông, không thể đến đích, không thể đền đáp, không dễ gì đo đếm. Tác giả đã cụ thể hóa và hình tượng hóa nỗi nhớ triền miên, vô tận, choán đầy tâm trí, choán ngợp không gian, vừa da diết, giằng xé, vừa giày vò tâm trí người chinh phụ. Trời đất thì khôn cùng, nỗi nhớ cũng khôn cùng, suy tưởng thì có hạn, người chinh phụ đành trở về để đối mặt với thực tại.
- Trở về, hướng ra ngoại cảnh nhưng tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, thiên nhiên cũng thấm đẫm nội tâm con người. Những yếu tố ngoại cảnh soi chiếu vào nhau, cái buồn như dâng lên ở mọi phía, người chinh phụ nhỏ bé càng thêm cô độc, thiểu não.
Câu 4: Tâm trạng người chinh phụ trong đoạn cuối (từ câu 29 đến câu 36) có gì khác so với hai đoạn trên? Học thuộc lòng tám câu cuối.
Gợi ý:
- Tám câu cuối là bức tranh tả cảnh ngụ tình đặc sắc nhất trong Chinh phụ ngâm. Chữ thốc rất mạnh trong câu "Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên" báo hiệu sự chuyển sang một tâm trạng mới ở người chinh phụ. Cảnh hoa - nguyệt giao hoà khiến lòng người rạo rực, khao khát hạnh phúc lứa đôi.
Câu 5: Phân tích các biện pháp tu từ, nhạc điệu làm nên giá trị nghệ thuật của khúc ngâm qua đoạn trích.
Gợi ý:
- Tác giả chọn và dùng từ rất đắt: Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước, Sương như búa, bổ mòn gốc liễu, Tuyết dường cưa, xẻ héo cành ngô, Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên,...
- Đặc biệt, tác giả đã khai thác và sử dụng hàng loạt từ láy: gà eo óc, hòe phất phơ, khắc giờ đằng đẵng, mối sầu dằng dặc, hồn mê mải, lệ châu chan, trời thăm thẳm, nhớ đau đáu,...
- Về nhạc điệu, tác giả đã phát huy một cách tài tình nhạc điệu trầm bổng, du dương của thể song thất lục bát giống như những đợt sóng dào dạt diễn tả tâm trạng người chinh phụ hết nhớ lại thương, hết thương lại nhớ trong tình cảnh lẻ loi đơn chiếc.
Câu 6: Nêu khái quát về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.
Gợi ý:
- Bằng nghệ thuật tả cảnh tả tình điêu luyện, tác giả đã diễn tả thành công những cung bậc cảm xúc khác nhau trong lòng người chinh phụ và thông qua đó lên án chiến tranh phi nghĩa, đề cao hạnh phúc lứa đôi...
- Tác phẩm Chinh phụ ngâm đã toát lẻn tư tưởng chủ đạo trong ván chương một thời, đó là tư tưởng đòi quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc rất chính đáng của con người.
4. Hướng dẫn luyện tập
Câu 1: Hãy vận dụng các biện pháp nghệ thuật tả tâm trạng trong đoạn trích để viết một đoạn văn (hoặc thơ) ngắn miêu tả một nỗi buồn hay niềm vui của bản thân anh (Chị).
Gợi ý trả lời
- Để có thể viết được đoạn văn hay đoạn thơ miêu tả một niềm vui hay nỗi buồn của bản thân mình cần đọc tham khảo kĩ các đoạn thơ có sử dụng biện pháp nghệ thuật miêu tả nội tâm trong sách này để hiểu rõ đặc trưng của nghệ thuật. Sau khi nắm được cách thức, cần định hướng nội dung của đoạn văn (ví dụ niềm vui khi được đặt chân vào trường mới, nỗi buồn khi một người thân qua đời hay khi phải chia tay một người bạn thân vì bạn chuyển đến ngôi trường mới,…), lập ý và lựa chọn cách trình bày rồi mới tiến hành công việc viết. Sau khi viết xong, cần đối chiếu lại với yêu cầu xem đoạn văn (đoạn thơ) đã đạt được chưa. Nếu cần, hãy sửa lại.)
5. Một số bài văn mẫu về bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Đặng Trần Côn là người làng Mọc, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Hiện chưa rõ năm sinh, năm mất của ông, chỉ biết ông là một danh sĩ nổi tiếng hiếu học, tài ba sống vào khoảng nửa đầu thế kỉ XVIII. Cảm xúc trước hiện thực những cuộc chiến tranh do giai cấp phong kiến đương thời tiến hành chém giết lẫn nhau để tranh giành địa vị hoặc đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nông dân, Đặng Trần Côn đã sáng tác “Chinh Phụ Ngâm” để nói lên những khổ đau, mất mát của con người, nhất là tình cảnh người vợ lính trong chiến tranh. Để nắm vững nội dung bài học cũng như dễ dàng viết những bài văn liên quan đến tác phẩm này, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
6. Hỏi đáp về bài Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.