Bài soạn dưới đây sẽ gợi ý cho các em những kiến thức cần thiết để chuẩn bị bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ một cách chu đáo nhất trước khi đến lớp. Mong rằng các em sẽ có được một bài soạn như ý trước khi đến lớp.
1. Tóm tắt nội dung bài học
- Khái niệm hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
- Mỗi hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ có hai quá trình
- Các nhân tố chi phối hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ.
2. Soạn bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ chương trình chuẩn
Bài tập 1:
a. Hoạt động giao tiếp diễn ra giữa các nhân vật giao tiếp: Vua và các bô lão. Các nhân vật giao tiếp ở đây có vị thế xã hội khác nhau: Vua là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, còn các bô lão là những đại diện tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân.
b. Các nhân vật giao tiếp lần lượt đổi vai giao tiếp. Người nói đưa ra câu hỏi, người nghe trả lời một cách tương ứng
c. Hoạt động giao tiếp diễn ra ở điện Diên Hồng. Lúc này quân Nguyên Mông kéo đến 50 vạn quân ồ ạt xâm lược nước ta
d. Hoạt động giao tiếp hướng đến nội dung hòa hay đánh giặc Nguyên Mông, đó là vấn đề hệ trọng của quốc gia, dân tộc
e. Mục đích giao tiếp: Lấy ý kiến của mọi người, thăm dò lòng dân để hạ mệnh lệnh quyết tâm giữ gìn đất nước trong hoàn cảnh gian nguy.
Bài tập 2:
a. Hoạt động giao tiếp diễn ra giữa người viết sách giáo khoa và giáo viên, học sinh. Về lứa tuổi và trình độ nghề nghiệp có sự khác nhau:người viết có lứa tuổi cao hơn, có trình độ hiểu biết cao hơn... người đọc là lớp trẻ, có trình độ hiểu biết về vấn đề thấp hơn.
b. Hoạt động giao tiếp được tiến hành trong nhà trường, trong hoàn cảnh của nền giáo dục quốc dân.
c. Nội dung giao tiếp thuộc lĩnh vực văn học. Đề tài là những nét tổng quan về văn học Việt Nam. Nội dung giao tiếp gồm những vấn đề cơ bản: Các bộ phận hợp thành của văn học Việt Nam, quá trình phát triển của văn học viết Việt Nam và con người Việt Nam qua văn học.
d. Mục đích giao tiếp:
Xét từ phía người viết: Trình bày một cách tổng quan một số vấn đề cơ bản về văn học Việt Nam
Xét từ phía người đọc: Tiếp nhận và lĩnh hội những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam theo tiến trình lịch sử thông qua việc học các văn bản. Đồng thời qua đó rèn luyện và nâng cao các kĩ năng nhận thức, đánh giá các hiện tượng văn học và kĩ năng tập làm văn
e. Văn bản sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành văn học. Câu văn phức tạp, nhiều thành phần nhưng rất mạch lạc và chặt chẽ về cấu trúc, trình bày rõ ràng.
Các em có thể tham khảo thêm bài giảng Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ để chuẩn bị thật tốt bài học trước khi đến lớp.
3. Soạn bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ chương trình Nâng cao
Câu 1: Hãy chỉ ra các nhân tố giao tiếp có liên quan đến văn bản Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử.
Gợi ý:
- Các nhân tố giao tiếp có liên quan đến văn bản Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử:
- Nhân vật giao tiếp: người phát (người viết) và người nhận (người đọc)
- Công cụ giao tiếp và kênh giao tiếp: kênh viết - đọc thông qua chữ viết.
- Nội dung giao tiếp: Tổng quan nền văn học Việt Nam qua các thời kì lịch sử
Câu 2: Trong giao tiếp hàng ngày, bao giờ người Việt cũng phải lựa chọn từ xưng hô cho phù hợp. Từ những hiểu biết của anh (chị) về hoạt động giao tiếp, hãy giải thích lí do của sự lựa chọn đó. Hãy phân tích cách xưng hô giữa nhân vật Cải và thầy lí trong truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày.
Gợi ý:
- Trong giao tiếp hàng ngày, bao giờ người Việt cũng phải lựa chọn từ xưng hô cho phù hợp
- Xưng hô của người Việt chủ yếu dựa vào quan hệ đẳng cấp và tuổi tác. Ðẳng cấp thì có nhiều loại: không nhất thiết phải là chức vụ trong hệ thống công quyền, ngay cả thứ bậc trong gia đình hay một số nghề nghiệp trong xã hội cũng là những đẳng cấp cần tuyệt đối tôn trọng trong cách xưng hô.
- Từ xưng hô tiếng Việt không chỉ dùng để xưng và hô nhằm thể hiện mối quan hệ giữa đối tượng khi giao tiếp mà còn là phương tiện để biểu đạt tình cảm. Khi đối tượng giao tiếp thay đổi thì từ xưng hô thay đổi theo.
- Giao tiếp không chỉ nhằm thông báo một nội dung nào đó mà còn nhằm chinh phục tình cảm của người khác.
- Cách xưng hô giữa nhân vật Cải và thầy lí trong truyện cười Nhưng nó phải bằng hai mày:
- Cải xưng là con và gọi là thầy lí → thể hiện rõ địa vị xã hội của người giao tiếp.
Câu 3: Nêu một số câu tục ngữ, ca dao khuyên chúng ta nên cẩn thẩn, biết lựa chọn cách nói năng phù hợp trong giao tiếp hằng ngày.
Gợi ý:
- Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên
- Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe
- Lời nói chẳng mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau
- Đất tốt trồng cây rườm rà
Những người thanh lịch nói ra dịu dàng
- Người thanh tiếng nói cũng thanh
Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu
- Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo
- Rượu lạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm
- Kim vàng ai nỡ uốn câu
Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời
- Ăn có nhai, nói có nghĩ.
- Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,
Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.
4. Hỏi đáp về bài Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ
Nếu có thắc mắc cần giải đáp các em có thể để lại câu hỏi trong phần Hỏi đáp, cộng đồng Ngữ văn HỌC247 sẽ sớm trả lời cho các em.
-
Phân tích các nhân tố giao tiếp trong Đến đây mận mới hỏi đào...chưa ai vào
Hãy phân tích các nhân tố giao tiếp trong hoạt động giao tiếp sau:
''Đến đây mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa?
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.''
(các nhân tố giap tiếp: nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, phương tiện và cách thức giao tiếp)