Bài giảng hôm nay các em sẽ tìm hiểu về tác phẩm Đại cáo bình Ngô để thấy được vai trò của tác phẩm đối với dân tộc. Hơn thế, bài giảng sẽ đi sâu vào tìm hiểu nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm cũng như cho các em biết được một vài đặc trưng cơ bản của thể loại cáo. Mong rằng các em sẽ nắm được những nội dung trọng tâm của bài học, có thêm những kiến thức mới mẻ và hay.
Tóm tắt bài
1.1. Tìm hiểu chung
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Sau chiến thắng giặc Minh, Nguyễn Trãi đã thay mặt Lê Lợi viết Bình Ngô đại cáo để tuyên bố với nhân dân cả nước về quyền độc lập của đất nước
- Bài cáo được công bố vào đầu năm 1428
b. Thể loại
- Cáo là thể văn nghị luận có từ thời cổ ở Trung Quốc, thường được vua chúa và thủ lĩnh dùng để trình bày một chủ trương, sự nghiệp, tuyên ngôn một sự kiện để mọi người cùng biết.
- Cáo có thể được viết bằng văn vần, văn xuôi nhưng chủ yếu là văn biền ngẫu
- Lời lẽ đanh thép, lý luận sắc bén, kết cấu chặt chẽ, mạch lạc là đặc điểm quan trọng của bài cáo.
c. Bố cục
- Phần 1 ("Việc nhân nghĩa... chứng cứ còn ghi"): Tuyên bố lập trường chính nghĩa của cuộc chiến
- Phần 2 ("vừa rồi ... Ai bảo thần dân chịu được"): Bản cáo trạng tội ác giặc Minh
- Phần 3 ("Ta đây ... chưa thấy xưa nay"): Lược thuật quá trình kháng chiến
- Phần 4: Còn lại): Tuyên bố độc lập, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước.
d. Chủ đề
- Tác phẩm là bản tổng kết về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thể hiện niềm tự hào vô biên, niềm hân hoan vô hạn trước thắng lợi to lớn của chính nghĩa cứu nước, tài năng lãnh đạo của bộ phận tham mưu nghĩa quân, của khí phách anh hùng toàn dân tộc ta.
1.2. Đọc - hiểu văn bản
a. Nêu chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn
- Mở đầu bài cáo: Nguyễn Trãi nói với nhân dân về chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
- “Việc nhân nghĩa…trừ bạo” → Nhân nghĩa: là làm cho dân được sống yên lành, hạnh phúc, muốn lo lắng cho dân yên thì phải tiêu diệt được quân tàn bạo.
- Nước ta là nước văn hiến, bao đời xưng đế ngang hàng với phương Bắc và triều đại nào cũng có hào kiệt đứng lên trừ bạo để yên dân. Nhưng bọn Ngô luôn xâm lược nước ta cho nên chúng đều phải chịu thất bại, chứng cứ rành rành
Lưu Cung tham công nên thất bại
Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong
Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã
→ Ý tứ rõ ràng, lập luận chặt chẽ. Cách viết câu văn biền ngẫu có hai vế đối nhau chạy song song, một vế nói về ta, một vế nói về địch → tăng ý nghĩa bình đẳng, ngang hàng giữa hai quốc gia. (Từ Triệu. Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập /Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.)
- Giọng văn: đĩnh đạc, trang trọng, khẳng định mạnh mẽ chính nghĩa của dân tộc, bôc lộ niềm tự hào về truyền thống của Đại Việt, về tư thế của một quốc gia có chủ quyền
- Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi:
- Không chỉ là lòng yêu thương con người, tôn trọng điều phải
- Nhân nghĩa là làm cho dân được sống yên lành, hanh phúc trong một nước độc lập hòa binh
- Nhân nghĩa là diệt trừ lũ xâm lược bạo ngược, hung tàn
- Bọn giặc Minh dựng chiêu bài Nhân nghĩa diệt nhà Hồ phù nhà Trần để sang xâm lược nước ta. → Nguyễn Trãi nói Nhân nghĩa là chống xâm lược để vạch trần luận điều xảo trá của giặc. Phân định rạch ròi Ta là chính nghĩa, Địch là phi nghĩa.
- Lời tuyên bố của Nguyễn Trãi: cũng nhấn mạnh vào 2 yếu tố chủ quyền lãnh thổ và ý chí độc lập và nâng cao hơn 1 bước; nhấn mạnh vào sự ngang hàng, bình đẳng giữa hai quốc gia, vào nền văn hiến của dân tộc (phong tục Bắc Nam cũng khác. Hào kiệt đời nào cũng có).
b. Tố cáo tội ác của giặc Minh
- Tác giả tố cáo âm mưu thâm độc của giặc Minh:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà
Để trong nước lòng dân oán hận
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa
- Lên án chủ trương cai trị tàn bạo: Dối trời lừa dân đủ muôn nghìn kế
- Liệt kê hàng loạt tội ác mà “quân cuồng Minh” , và “bọn gian tà” gây nên:
- Tội ác diệt chủng: “nướng dân đen…vùi con đỏ” đây là tội ác mạn rợ nhất của thời Trung cổ
- Tội ác bóc lột và vơ vét của cải:
- Thuế má: Nặng thuế khóa sạch không đầm núi
- Phu phen: Nặng nề những nỗi phu phen, nay xây nhà, mai đắp đất…
- Vơ vét của cải: vét sản vật, bắt chim trả, bẫy hươu đen.
- Diệt sản xuất: Tan tác cả nghề canh cửi
- Triệt đường sống cả những người yếu đuối, khốn khổ nhất trong xã hội: Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
- Hủy hoại cả môi trường sống: Tàn hại cả giống côn trùng, cây cỏ
- Phân tích hậu quả tai hại của tội ác giặc:
- Bại nhân nghĩa nát cả đất trời
- Gây ra cho dân ta bao thảm cảnh: Người bị ép xuống biển ròng lưng mò ngọc/ Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng
- Kết tội giặc Minh:
- Độc ác thay…..…Ai bảo thần dân chịu được → Lời kết tội chất chứa khối căm hờn của nhân dân ta với kẻ thù.
- Nghệ thuật cáo trạng
- Dùng hình ảnh để tố cáo tội ác kẻ thù và khối căm hờn chất chứa của nhân dân.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
..Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán
..Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi
→ Hình ảnh diễn tả chân thực bộ mặt tàn bạo của kẻ thù
- Lời văn: ở bản cáo trang rấ thống thiết
- Điều đáng chú ý:
- Khi vạch rõ những âm mưu xâm lược của giặc Minh. Nguyễn Trãi đứng trên lập trường dân tộc
- Khi tố cáo tội ác cuả giặc, tác giả đứng trên lập trường nhân bản, nghĩa là đứng về quyền sống của người dân để tố cáo
→ Bởi thế, phần nói về chủ quyền dân tộc đã như một bản tuyên ngôn độc lập, và bản cáo trạng tội ác của giặc Minh đã chứa các yếu tố của bản tuyên ngôn nhân quyền.
c. Quá trình kháng chiến chống giặc Minh và thắng lợi
Buổi đầu khởi nghĩa
- Những khó khăn ở buổi đầu khởi nghĩa
- Địa bàn dấy nghĩa hẻo lánh: Núi Lam Sơn dấy nghĩa / Chốn hoang dã nương mình
- Thế ta và giặc không cân sức: Vừa khi cờ nghĩa dấy lên/ Chính lúc quân thù đương mạnh
- Thiếu nhân tài: Tuấn kiệt như sao buổi sơm/ Nhân tài như lá mùa thu
- Có lúc bị vây, lương thực hết, quân lính chỉ còn mấy người: Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi huyện quân không một đội
- Sức mạnh giúp nghĩa quân vượt qua nhưng khó khăn thử thách của buổi đầu dấy nghiệp thể hiện qua hình tượng Lê Lợi- lãnh tụ của nghĩa quân.
- Lê Lợi có ý thức tự giác về sứ mệnh của mình. Ông xem mối thù của nước, nỗi đau của dân như chính mình, ngày đêm canh cánh bên lòng suốt 20 năm: (Ngẫm thù lớn há đội trời chung…Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối)
- Lê Lợi ngày đêm suy nghiệm về lẽ hưng vong của các triều đại để tìm ra đường lối đánh giặc cứu nước
- Đó là đường lối cứu nước dựa vào toàn dân và phương châm: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo
- Đại nghĩa: là bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước, và đem lại cuộc sống yên ổn cho dân
- Chí nhân: là lòng nhân nghĩa ở mức cao nhất, đối với kẻ bại trận ta không giết, không gây thù oán để gây hậu họa.
- Khi đã tìm được đường lối cứi nước. Lê Lợi chủ động giải quyết ngay những khó khăn trước mắt.
- Tự ta ta phải dốc lòng, vội vã hơn cứu người chết đuối
- Ông tìm kiếm người tài: Cỗ xe cầu hiền, thường châm chăm còn dành phía tả
- Ông tập hợp nhân dân dưới cờ đại nghĩa, tạo thành một khối đoàn kết bền vững: Nhân dân bốn cõi một nhà/Dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới – Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào
- Lê Lợi có một chiến lược, chiến thuật đúng đắn: Thế trận xuất kì/ Lấy yếu chống mạnh; Dùng quân mai phục/ Lấy ít địch nhiều
- Đoạn văn có nhiều từ ngữ diễn tả tâm trạng Lê Lợi: ngẫm, căm, đau lòng nhức óc, giận, suy xét, đắn đo, trằn trọc, băn khoăn…
- Đó là đường lối cứu nước dựa vào toàn dân và phương châm: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo
Phản công thắng lợi
- Giai đoạn mở màn: Cuộc phản công là 2 trận đánh lớn: Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật - Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay
- Đặc điểm nổi bật của 2 trận mở màn này là: Đánh nhanh, thắng nhanh. Địch thua và hoảng sợ không kịp trở tay → Lời văn ngắn gọn sắc sảo, hình ảnh so sánh rất gợi hình, gợi cảm: “sấm vang chợp giật, trúc chẻ tro bay” còn quân giặc thì “nghe hơi mà mất vía, nin thở cầu thoát thân”
- Giai đoạn áp đảo: Đánh ra hướng Bắc với 2 trận: Tây Kinh quân ta chiếm lại/ Đông Đô đất cũ thu về
- Đây là 2 trận diễn ra quyết liệt vì quân ta áp sát sào huyệt của địch, chúng tung lực lượng lớn ra với sự chỉ huy của các danh tướng.
- Cái khác biệt của cuộc chiến được miêu tả bằng những hình ảnh rất khủng khiếp:
- Máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm
- Thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm
- Bao nhiêu danh tướng của giặc đã phải bỏ mạng:
- Trần Hiệp đã phải bêu đầu
- Lí Lượng cũng đành bỏ mạng
- Sau giai đoạn này thì quân giặc đã: trí cùng lực kiệt, bó tay để đợi bại vong
- Lê Lợi phát huy chiến thuật “mưu phạt tâm công” nghĩa là phá tan mưu kế của giặc và đánh tan ý chí chiến đấu của địch, không dùng gươm giáo mà quân địch vẫn chịu thua, hàng ngũ tan rã.
- Trận diệt viện cuối cùng:
- Tác giả thể hiện sự coi khinh đối với tên vua nhà Minh và 2 tên tướng giặc thống lĩnh viện binh: thằng nhãi con Tuyên Đức, đồ nhút nhát Thạnh, Thăng
- Bốn câu văn dài kể về việc điều binh khiển tướng của đôi bên, hai câu trên kể về giặc, hai câu dưới kể về ta (Đinh Mùi tháng chín….tuyệt nguồn lương thực)
- Những thắng lợi liên tiếp, giòn giã, được kể với giọng hả hê, tự hào (Ngày mười tám…/Ngày hai mươi…/ Ngày hai mươi nhăm…cùng kế tự vẫn)
- Sức mạnh tấn công của quân ta với thế long trời lở đất: Sĩ tốt kén người hùng hổ…Thông tổ kiến phá toang đê vỡ
- Hình ảnh quân giặc bại trận:
- Tướng giặc thì: Đô đốc Thôi Tụ lê gối dâng tờ tạ tội/ Thượng thư Hoàng Phúc trói tay để tự xin hàng/ Tướng giặc bị cầm tù như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng.
- Quân lính thì: khiếp vía vỡ mật, xéo lên nhau để chạy thoát thân, quay gót chẳng kịp, cởi giáp ra hàng
- Cảnh chiến trường thật là ghê sợ và cũng rất thương tâm: Lạng Giang, Lạng Sơn thây chất đầy nội….cỏ nội đầm đìa máu đen.
→ “Ở đây âm điệu trữ tình bỗng xen vào những dòng tự sự ào ạt của trận đánh. Rõ ràng cảnh tượng khách quan có tác động đến tâm tình chủ quan của người viết, khiến phải trực tiếp phát biểu cảm tưởng của chính mình” Lê Trí Viễn.
- Cảnh ta đối xử với giặc bại trận (Thần vũ chẳng giết hại….để nhân dân nghỉ sức)
- Lời bình phẩm của tác giả: Chẳng những mưu kế kì diệu/ Cũng là chưa thấy xưa nay.
- Hình tượng Lê Lợi: Hiện lên là một thiên tài quân sự lỗi lạc.
- Ông đã học tập kinh nghiệm của ông cha, thực hiện chiến lược, chiến thuật “mưu phạt tâm công” nghĩa là đánh vào ý chí chiến đấu của giặc. Nhưng quân giặc “không biết lẽ ăn năn, nên đã thay lòng đổi dạ”. Vì vậy Lê Lợi đánh đuổi tới cùng, điều binh khiển tướng khẩn trương mau lẹ (Ta trước điều binh thủ hiểm, chặt mũi tiên phong/ Ta sau lại sai tướng chặn đương, tuyệt nguốn lương thực)
- Lê Lợi cho quân đuổi giặc đến cùng nhưng lại “mở đường hiếu sinh”
→ Ở đây ta thấy rõ vẻ đẹp nhân nghĩa trí dũng của người anh hùng Lê Lợi
* Nghệ thuật
- Các câu văn thuât và kể tả có độ dài ngắn khác nhau, chạy song song từng cặp một, có sự biến hóa linh hoạt.
- Phép đối được dùng để so sánh bên ta, bên địch
- Những câu văn ngắn gọn, đanh chắc, nhịp mạnh mẽ, diễn tả khí thế phản công mãnh liệt của quân ta
"Đánh một trận sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông….đê vỡ"
- Những câu văn dài miêu tả thất bại của quân giặc, như sự thất bại còn chưa kể hết (Bị ta chẹn ở Lê Hoa….thoát thân)
- Hình ảnh được sử dụng phong phú, đa dạng
d. Lời tuyên bố hòa bình
- Nguyễn Trãi thay Lê Lợi trịnh trọng tuyên bố nền độc lập dân tộc đã được lập lại
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
→ Câu văn 6 chữ ngắn gọn, đanh chắc làm cho lời tuyên bố trở nên dõng dạc, đàng hoàng, toát lên sự vui mừng hả hê của một dân tộc đã phải chịu hai mươi năm khốn khổ, nay đã quét sạch hết quân thù.
- Tác giả bày tỏ niềm tin vững chắc vào tương lai của dân tộc ở hai phương diện: bên vững và đổi mới (Kiền khôn bĩ…..sạch làu)
- Nguyễn Trãi cũng không quên tỏ lời biết ơn tổ tông, trời đất (Âu cũng nhờ….như vậy)
- Từ cảm thán của câu văn biền ngẫu khẳng định ý nghĩa lớn lao của chiến thắng và niềm vui không xiết của nhân dân ta.
Than ôi!
Một cỗ nhung y….khắp chốn
- Bài cáo kết thúc bằng hai câu văn ngắn: chứa đựng bao vui sướng, tự hào, thiêng liêng.
Xa gần bá cáo
Ai nấy đều hay
Bài tập minh họa
Ví dụ
Đề: Phân tích ý thức dân tộc và tư tưởng nhân dân trong Đại cáo bình Ngô
Gợi ý làm bài
- Các em có thể tham khảo các gợi ý dưới đây:
- Ý thức dân tộc cần phân tích: đã có bước phát triển mới, được quan niệm toàn diện hơn: không chỉ có lãnh thổ, chủ quyền mà còn có các yếu tố văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử.
- Dẫn chứng những câu trong Bình Ngô đại cáo
- So sánh với Nam quốc sơn hà để làm rõ hơn
- Ý thức dân tộc cần phân tích: đã có bước phát triển mới, được quan niệm toàn diện hơn: không chỉ có lãnh thổ, chủ quyền mà còn có các yếu tố văn hiến, phong tục tập quán, lịch sử.
- Về tư tưởng nhân dân cần phân tích:
- Lòng thương dân:
- Những hình ảnh đau thương của người dân vô tội (Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ)...
- Lòng thương dân:
- Vai trò, sức mạnh của dân: Phân tích rõ sự gắn bó và đóng góp của dân trong sự nghiệp "dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới", đặc biệt là vai trò của tầng lớn "manh" - người dân cày lưu tán và "lệ" - người tôi tới đi ở.
3. Soạn bài Đại cáo bình Ngô
Tư tưởng nhân nghĩa trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là một trong những nội dung quan trọng mà các em cần phải nắm khi học tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Và để hiểu rõ về điều đó, các em có thể tham khảo bài soạn tại đây: Bài soạn Đại cáo bình Ngô.
4. Một số bài văn mẫu về bài Đại cáo bình Ngô
“Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của nước Nam, sau bài “Nam quốc Sơn Hà” của Lý Thường Kiệt. Đọc những câu thơ hùng hồn, hào sảng, chúng ta sẽ nhận ra tư tưởng nhân nghĩa là tư tưởng xuyên suốt bài cáo. Để cảm nhận được những điều này sâu sắc hơn, các em có thể tham khảo một số bài văn mẫu dưới đây:
-- Mod Ngữ văn 10 HỌC247