YOMEDIA
NONE

Suy nghĩ về câu tục ngữ Uống nước nhớ nguồn và Thương người như thể thương thân

M.n giúp e với ạ! Em đang học lớp 7 và đang tập làm quen với văn nghị luận xã hội nên có nhiều bài tập dạng này.

Đề: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ:''Uống nước nhớ nguồn''

Suy nghĩ về câu tục ngữ:''Thương người như thể thương thân''

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (1)

  • Đề: Suy nghĩ của em về câu tục ngữ:''Uống nước nhớ nguồn''

    Từ xưa đến nay truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây luôn là nét văn hóa được gìn giữ và phát triển. Đất nước ta đã phải trải qua bao nhiêu thăng trầm, ghi nhớ công ơn và hướng về quá khứ là điều nên có. Chúng ta ngày càng phải phát huy truyền thống này để tạo sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ cũng như giữa mọi người với nhau.

    Uống nước nhớ nguồn là một câu tục ngữ mà cha ông ta đúc rút kinh nghiệm, nó có ý nhắc nhở, khuyên nhủ mọi người cần phải có lòng biết ơn, tôn trọng những người đã có công lao tạo nên cuộc sống của mình hiện nay. Uống nước nhớ nguồn là đạo lý được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống của mỗi người.

    Biểu hiện của lòng thành kính, biết ơn, nhớ về nguồn cội rất phổ biến, ngay trong mỗi lời nói, cử chỉ, hành động của bạn.

    Đất nước chúng ta đã phải trải qua 4000 năm đô hộ của phương Bắc, bao nhiêu năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những mất mát, hi sinh và nhiều hậu quả sau chiến tranh vẫn còn nặng nề cho đến ngày hôm nay. Cha ông ta đã phải đánh đổi cả mạng sống, tuổi thanh xuân, những ước mơ còn dang dở để mang lại sự hòa bình thống nhất cho dân tộc. Công lao đó quá vĩ đại và cần được trân trọng. Những lớp người đi sau đang thừa hưởng công sức và xương máu đó. Chúng ta cần hướng về cội nguồn, hướng về những người đã khuất để tưởng nhớ, biết ơn với tấm lòng thành kính nhất. Dù họ đã về với đất mẹ nhưng họ vẫn luôn sống mãi trong tâm trí của những người ở lại.

    Hằng năm cứ vào dịp 27/7, đất nước ta đều tổ chức ngày lễ long trọng để tưởng nhớ công lao những người anh hùng đã ngã xuống vì sự nghiệp độc lập dân tộc và thăm hỏi, tặng quà những thương binh, gia đình có công với cách mạng. Đây là một biểu hiện của lòng biết ơn, đạo lý uống nước nhớ nguồn mà nhân dân ta đã bảo tồn và gìn giữ.

    Mỗi một người sinh ra đều có ba mẹ, họ là những người có công ơn sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta nên người. Ba mẹ đã phải chịu bao nhiêu khổ cực để mang đến cuộc sống tốt đẹp nhất cho đứa con của họ. Sự hi sinh thầm lặng ấy những người con không bao giờ có thể trả hết. Nhưng chúng ta vẫn thể hiện lòng thành kính, biết ơn bằng cách học hành chăm chỉ, giúp đỡ những việc nhỏ. Sau này thành tài phụng dưỡng ba mẹ già, chăm lo cho ba mẹ những năm tháng cuối đời.

    Cha ông ta có câu “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” cũng chính là sự thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công lao đối với mình.

    Lòng biết ơn sẽ tạo nên tình cảm, mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Lòng biết ơn cần xuất phát từ trái tim của mình, như thế mới bày tỏ được lòng thành kính thiêng liêng nhất.

    Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại những người không có lòng biết ơn đối với quá khứ, với người có công ơn sinh thành và nuôi dưỡng. Như thế chúng ta đang tự đẩy bản thân mình ra xa khỏi cuộc đời của họ. Những năm gần đây tình trạng con cái bỏ rơi cha mẹ lúc về già đang rất nhiều. Họ có quyền được chăm sóc và con cái có trách nhiệm phải phụng dưỡng họ. Nhưng trên các báo đài chúng ta vẫn đau lòng khi đọc những tin “Con cái bỏ rơi cha mẹ…”. Thực trạng này thật đáng buồn và đang lên án.

    Khi sống không biết nhớ về cội nguồn, không có tấm lòng biết ơn thì cuộc sống chúng ta chẳng có ý nghĩa gì. Những gì chúng ta hưởng thụ ngày hôm nay có máu và nước mắt của những người đi trước.

    Đối với thế hệ trẻ thì tinh thần và truyền thống này cần phải phát huy để họ ý thức được điều mình nên làm như thế nào. Phát động các phong trào tưởng nhớ anh hùng liệt sỹ, thăm hỏi các gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn…Đó là những hành động thiết thực nhất.

    Như vậy đạo lý uống nước nhớ nguồn là đạo lý tạo nên nét bản sắc của dân tộc Việt Nam. Vì thế chúng ta hãy không ngừng mở rộng trái tim, sống biết ơn quá khứ, biết ơn những người có ảnh hưởng đến bản thân mình.

    Suy nghĩ về câu tục ngữ:''Thương người như thể thương thân''

    Tình cảm yêu thương giúp đỡ lẫn nhau là một đặc điểm nổi bật, là truyền thống trong quan niệm sống của ông cha ta. Tình cảm ấy ngày càng được phát huy và thấm sâu vào máu thịt của mỗi người dân. Cùng với với những câu tục ngữ, ca dao như:

    Nhiễu điều phủ lấy giá gương

    Người trong một nước phải thương nhau cùng

    Lá lành đùm lá rách… ông bà ta cũng có dạy thật cụ thể qua câu Thương người như thể thương thân. Đây là một lời khuyên chí tình chí nghĩa nhằm nhắc nhở con cháu phải biết yêu thương giúp đỡ người khác như yêu thương chính bản thân mình.

    Câu tục ngữ một lời nói tự nhiên chân thành ngắn gọn, mà lại chứa chan bao điều giáo huấn, câu tục ngữ được tách thành hai vế, một bên là người đồng loại; một bên là bản thân bởi cách so sánh như thể. Như vậy, lời dạy trên muốn nhấn mạnh: Nếu ta thương thân ta như thế nào thì ta phải yêu thương mọi người như thế; bởi lẽ bản thân là quan trọng, là cái quí giá nhất, cái mà luôn luôn được mọi người lo lắng, chăm sóc và vun vén. Nếu như người khác không may gặp khó khăn, hoạn nạn thì ta nên giúp đỡ họ như thương yêu chính bản thân mình.

    Thật vậy, là người sống trong xã hội không ai sống lẻ loi, đơn độc mà tập hợp thành đoàn thể, cộng đồng. Trong gia đình ta có mối quan hệ anh em, những người cùng huyết thống, cùng có những kỉ niệm vui buồn bên nhau. Họ chẳng khác nào như chân với tay trong cùng một cơ thể. Do đó, khi họ gặp hoạn nạn khó khăn ta làm sao có thể quay lưng làm ngơ cho được, bởi máu chảy ruột mềm.

    Anh em như thể tay chân

    Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.

    Rộng hơn là bạn bè, bà con hàng xóm, những người đã cùng ta tối lửa tắt đèn có nhau. Tuy không cùng máu mủ nhưng họ lại là người có tình có nghĩa sâu nặng với ta. Những lúc trái gió trở trời, những khi cùng đường bí lối, họ đến với ta bằng những tấm lòng chân thành để chia bùi xẻ ngọt. Tình nghĩa ấy thật sâu đậm nào khác gì anh em một nhà. Vì vậy khi họ không may rơi vào hoàn cảnh khó khăn lẽ nào ta lại ngoảnh mặt . Lúc này thái độ nhường cơm xẻ áo, chị ngã em nâng là một việc làm mà ta phải thực hiện tốt.

    Ngay đến cộng đồng xã hội mà ta đang sống, những người dù ở miền ngược hay miền xuôi, dù nơi rừng núi hay đồng bằng cũng đều là anh em, bởi lẽ họ với ta cùng một dân tộc có chung một mẹ Âu Cơ… Chính mối quan hệ gắn bó này tạo nên tình cảm thương thân tương ái giữa con người với con người trong xã hội. Tình cảm ấy đã bao đời nay trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trải qua những năm tháng kháng chiến gan khổ, gay go cả nước đều chung lòng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau để đi đến thắng lợi vẻ vang. Và cũng đã biết bao lần toàn dân ta đã hưởng ứng tích cực lời kêu gọi

    Miếng khi đói bằng gói khi no

    Mang vật dụng chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân của thiên tai lũ lụt. Những việc làm ấy đã thể hiện rất rõ tấm lòng “Thương người như thể thương thân” mà ông cha ta đã truyền dạy. Tình cảm cao đẹp ấy là một đạo lí, là một nét đẹp của con người, là nền tảng để xây dựng một xã hội văn minh, hạnh phúc.

    Thế nhưng, trong xã hội hiện nay vẫn còn không ít người chỉ quan tâm đến bản thân không nghĩ đến người khác. Họ thờ ơ bàng quan trước nỗi đau của đồng bào, đồng loại. Hạng người này thật đáng phê phán.

    Ta cũng nên hiểu rằng yêu thương người khác như yêu thương chính bản thân mình là một việc làm tốt đáng để cho mọi người thực hiện noi theo. Ngày nay, câu tục ngữ không còn mang ý nghĩa hẹp của cá nhân mà nó mang nội dung rộng lớn hơn, nó trở thành tình cảm chung, nếp sống chung của toàn xã hội. Và tình cảm nhân đạo ấy được phát triển lan rộng qua mối quan hệ với cả cộng đồng nhân loại.

    Câu tục ngữ Thương người như thể thương thân là một bài học sâu sắc về đạo lý làm người. Yêu thương người khác như yêu thương chính bản thân mình. Nó mãi mãi nhắc nhở ta về lòng nhân ái, về tình người mỗi người chúng ta cần phải thực hiện tốt. Phát huy truyền thống tốt đẹp ấy của cha ông là ta vừa thể hiện nhân cách làm người vừa góp phần xây dưng một đất nước văn minh tiến bộ.

      bởi Nguyễn trọng huấn Huấn 22/02/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF