YOMEDIA
NONE

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Bánh trôi nước

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (2)

  • Trong một xã hội phong kiến mà con người phải chịu cảnh gông cùm của những hủ tục hà khắc cùng sự chia phối của kim tiền, nỗi thống khổ dường như đã là định mệnh cho người dân nói chung và người phụ nữ nói riêng, họ là nạn nhân đáng thương nhất trong xã hội. Thế nhưng không vì thế mà những người phụ nữ ấy trở nên cũng khắc nghiệt như những gì mà số phận bắt họ phải gánh chịu. Chỉ với bốn câu thơ ngắn gọn, bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện được cả nỗi đau lẫn vẻ đẹp không bao giờ phai của người phụ nữ thời xưa.

    Ngay từ nhan đề bài thơ, ta đã hiểu phần nào nội dung của bài, bài thơ viết về chiếc bánh trôi nước nhưng đâu phải là chiếc bánh trôi đơn thuần mà nhà thơ muốn mượn hình ảnh bánh trôi nước để nói lên vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ. Câu mở đầu bài thơ ta dễ dàng nhận ra là sự miêu tả về bề ngoài chiếc bánh trôi:

    Thân em vừa trắng lại vừa tròn

    Cách xưng “em” thật nhỏ bé, khiêm nhường đi kèm với sư miêu tả “trắng- tròn”, ta có thể tưởng tượng đây là hình dáng thật của một chiếc bánh trôi. Nhưng Xuân Hương lấy điều này để liên tưởng đến vẻ đẹp của người phụ nữ, một vẻ đẹp trắng trong, tròn đầy. Những tưởng đó là vẻ đẹp được nâng niu, nhưng:

    Bảy nổi ba chìm với nước non

    “Bảy nổi ba chìm” là cách nói khái quát về cách nấu chín bánh trôi trong dân gian nhưng ở đây nhà thơ dùng cách nói thành ngữ để chỉ sư nổi đênh của cuộc đời người phụ nữ. Đọc câu thơ ta không khỏi liên tưởng đến những câu ca dao:

    Thân em như trái bần trôi

    Gió dập sóng vùi biết tấp vào đâu?

    Hay:

    Thân em như dải lụa đào

    Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?

    Người con gái trong xã hội phong kiến dường như ý thức sâu sắc được thân phận bảy nổi ba chìm của mình, một thân phận sinh ra đã bắt buộc phải chịu qua những sóng gió bể dâu, không sao tránh khỏi.

    Nhưng thân phận của họ không chỉ chịu sóng gió mà cuộc đời trút vào, họ còn phải chịu nỗi đau phụ thuộc:

    Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

    Cũng là cách làm bánh trôi nước: bánh trôi thành hình là nát hay lành đều do bàn tay của người thợ chứ bản thân bánh trôi không có quyền quyết định. Ấy cũng là số phận của người phụ nữ. Họ phải chịu cảnh “nô bộc” cuộc đời cho những người khác bởi lễ giáo, họ lép vế, bị chà đạp, không có quyền quyết định cuộc đời mình cũng không thể đấu tranh cho số phận của mình. Nhưng sau tất cả những điều ấy, Hồ Xuân Hương đã lên tiếng khẳng định:

    Mà em vẫn giữ tấm lòng son

    Cho dù có bị nát đi chăng nữa, nhân bánh trôi vẫn nguyên vẹn, cũng giống như những người phụ nữ, cho dù cuộc đời có ném họ vào sóng to gió lớn, bao nhiêu sự chà đạp lên họ khiến cho họ chịu nhiều khổ hạnh thế nào đi nữa thì có một thứ không bao giờ đổi thay đó là tấm lòng son sắc thủy chung của họ. Vẻ đẹp tâm hồn của những người phụ nữ vẫn ngời sáng ngay trong cả khi họ đang bị cuộc sống nhuốm bùn đen lên người.

    Là một người phụ nữ phải chịu nhiều đắng cay trong cuộc đời, Hồ Xuân Hương đã cất lên tiếng nói chung cho tất cả những số phận khổ đau của người phụ nữ và tiếng nói riêng cho chính bản thân mình để ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ cũng cất lên tiếng kêu khổ đau của cuộc đời họ.

    Đọc bài thơ, ta không khỏi xót xa, cảm thông trước số phận lắm khổ đau của người phụ nữ đồng thời là sự yêu mến, khâm phục trước vẻ đẹp nhan sắc và đức hạnh không bao giờ tàn phai của họ.

      bởi Hoàng giang 24/05/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Bài thơ Bánh trôi nước do nữ sĩ Hồ Xuân Hương sáng tác để nói về thân phận cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến. Đọc bài thơ ta thấy cảm thương cho số phận đau khổ nhưng lại cảm phục, trân trọng vẻ đẹp đáng quý mà son sắt thủy chung của họ.

    Bánh trôi nước là một thứ bánh dân dã, bình dị đã quá quen thuộc gần gũi với người dân lao động. Chọn đề tài này, phải chăng nữ sĩ muốn đề cập đến những con người lao động – những con người phải chịu nhiều sự áp bức trong xã hội dưới tay "Nam Quyền". Chỉ qua việc lựa chọn đề tài, ta đã thấy được tấm lòng của nhà thơ Hồ Xuân Hương, và chúng ta càng trân trọng nữ sĩ cả về tài năng lẫn tấm lòng.

    Bài thơ trước hết nói về Bánh trôi nước – chiếc bánh trôi được làm bằng bột nếp, trắng, mịn màng, bên trong có nhân đường phèn. Bánh tròn hay méo, rắn hay nát đều phụ thuộc vào "Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn". Khi luộc "lúc còn sống" bánh "chìm xuống" nhưng "khi chín" lại "nổi lên". Hình ảnh bánh trôi nước hiện lên xinh xắn, đáng yêu và vô cùng thân quen.

    Và chiếc Bánh trôi nước còn là hình ảnh ẩn dụ cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Hình ảnh người phụ nữ hiên lên với vẻ đẹp duyên dáng, mặn mà "Thân em vừa trắng lại vừa tròn". Cụm từ "thân em" mở đầu bài thơ lại gợi nhắc ta nhớ đến những bài ca dao xưa:

    "Thân em như hạt mưa sa

    Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày".

    Âm hưởng đó gợi cho người đọc bao nhiêu cảm xúc. Hai tính từ "trắng, tròn" lại đi với cặp từ "vừa..vừa" để gợi vẻ đẹp ngoại hình xinh xắn dễ thương vừa như thể hiện sự hài lòng về vẻ đẹp dễ mến. Đọc câu thơ, ta thấy hình ảnh người phụ nữ hiện lên thật dễ mến, dễ gần nhưng số phận thật bi thương. Số phận lênh đênh chìm nổi không biết trôi dạt về đâu "Bảy nổi ba chìm với nước non" Sử dụng sáng tạo thành ngữ "Bảy nổi ba chìm", tác giả đã đảo vế thành ngữ để từ "chìm" kết thúc càng gây ấn tượng về số phận khổ đau của họ. Họ như những cánh hoa trôi dập dềnh, vô định trên sóng nước cuộc đời "nước non".

    Số phận phụ thuộc vào "Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn". Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ không có bất cứ quyền nào kể cả quyền được sống và quyền tự quyết định cuộc đời. Bài thơ gợi nhắc câu thơ trong Truyện Kiều:

    "Đau đớn thay phận đàn bà

    Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".

    Thật đáng trân trọng biết bao, dù sống trong bất kì hoàn cảnh nào họ vẫn luôn giữ gìn phẩm chất với vẻ đẹp sáng ngời. Cuộc đời họ lênh đênh, chìm nổi nhưng với Hồ Xuân Hương nỗi khổ được đặt trong không gian kì vĩ – không gian "nước non", vì thế tầm vóc người phụ nữ cũng vì thế được nâng lên sánh với nước non. Từ "mặc dầu" đứng giữa "rắn nát" và "kẻ nặn" như ngầm thách thức với số phận phụ thuộc, thách thức với "tay kẻ nặn" để khơi lên 1 sức sống, 1 sự kiêu hãnh mãnh liệt. Cặp từ "mặc dầu.. mà" vang lên dõng dạc, dứt khoát khiến ta cảm nhận đó như 1 lời thề, 1 sự khẳng định: Dù hoàn cảnh nghiệt ngã thì tấm lòng thủy chung son sắt không thay đổi.

    Bài thơ kết thúc ở màu đỏ "son" nồng thắm – một vẻ đẹp mà không thế lực nào, không sức mạnh nào làm mai một hoen ố.

    Bài thơ Bánh trôi nước thực sự đã tạo được ấn tượng sâu xa trong lòng bạn đọc vẻ đẹp hoàn mĩ của người phụ nữ, về 1 bản lĩnh Xuân Hương kiên cường, mạnh mẽ dám nhìn thẳng vào số phận, thách thức với hoàn cảnh cuộc sống.

      bởi thùy trang 24/05/2020
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON