YOMEDIA
NONE

Cảm nhận về nội dung và nghệ thuật của bài Phò giá về kinh

Nêu cảm nhận của em về nội dung và nghệ thuật của bài Phò giá về kinh

Theo dõi Vi phạm
ATNETWORK

Trả lời (1)

  • Trong văn học trung đại Việt Nam, yêu nước là một đề tài lớn thu hút đông đảo các nhà văn, nhà thơ chắp bút. Dân tộc Việt Nam trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trong quá trình đó dân tộc ta liên tiếp phải đối phó với những vó ngựa của kẻ xâm lược. Tuy nhiên, bằng sức mạnh của lòng đoàn kết, của tinh thần đấu tranh, lòng tự tôn dân tộc, thì nước ta đã vượt qua bao thăng trầm, khẳng định được nền độc lập như ngày nay. Cũng viết về tình yêu tha thiết đối với đất nước cùng sự tự hào đối với sức mạnh của dân tộc, Trần Quang Khải đã sáng tác bài thơ “Phò giá về kinh”. Đọc bài thơ ta sẽ cảm nhận được thấm thía, tình yêu cũng như sự tự hào to lớn này.

    Bài thơ “Phò giá về kinh sư” được Trần Quang Khải sáng tác khi quân ta thu lại được kinh thành Thăng Long trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai, lúc này tác giả đang nhận nhiệm vụ về Thiên Trường để bảo vệ, phò giá hai vị vua trở về kinh đô. Bài thơ này đã thể hiện được niềm tự hào to lớn về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta cũng như sức mạnh chống xâm lược của toàn quân, đồng thời qua đó cũng thể hiện được niềm tin mãnh liệt vào vận mệnh vững bền của quốc gia, dân tộc.

    “Đoạt sóc Chương Dương độ

    Cầm Hồ Hàm Tử quan”

    Dịch:

    (Chương Dương cướp giáo giặc

    Hàm Tử bắt quân thù)

    Trong hai câu thơ đầu tiên, Trần Quang Khải đã gợi lại những chiến thắng hiển hách của dân tộc trong niềm tự hào. Đó chính là những chiến thắng ở Chương Dương và Hàm Tử, tuy đây không phải những chiến thắng lớn nhất, lừng lẫy nhất của quân ta nhưng đây lại là những chiến thắng cuối cùng, quyết định sự thắng lợi của quân ta. Nhà thơ nhớ lại những giây phút hân hoan, đầy tự hào đó “Chương Dương cướp giáo giặc”, nhà thơ dùng những động từ chỉ hành động để nói về những chiến thắng của quân ta. Tuy nhiên, ta có thể thấy, ở phần phiên âm, nhà thơ dùng từ “đoạt” mang nhiều ý nghĩa hơn ở phần dịch thơ “cướp”. Vì về sắc thái, từ “cướp” chỉ hành động không chính nghĩa, dùng sức mạnh để chiếm đoạt, như vậy sẽ làm mất đi sự hào hùng vốn có của câu thơ.

    Từ “đoạt” vừa thể hiện được sự thắng lợi của quân ta với giặc khi đoạt được vũ khí – thứ mà chúng dùng để gây chiến tranh, gây ra đau khổ cho dân ta, mà còn thể hiện được tư thế, thái độ của người chiến thắng, quân ta đứng trên thế chủ động, dùng chính nghĩa mà đoạt đi giấc mộng bạo tàn, phi nghĩa của quân giặc. Hiểu như thế ta không chỉ thấy tính chính nghĩa của hành động mà còn thể hiện được tư thế của một dân tộc anh hùng, chính nghĩa. Ở cửa Hàm Tử cũng ghi dấu một trận chiến oai hùng, một chiến thắng thật đáng tự hào, đó là khi ta giành được thắng lợi cuối cùng, cái gian ác đã bị diệt trừ, nền độc lập được bảo vệ “bắt quân thù”.

    “Thái bình tu trí lực

    Vạn cổ cựu giang san”

    Dịch:

    ( Thái bình nên gắng sức

    Non nước ấy nghìn thu)

    Nếu ở hai câu thơ đầu, Trần Quang Khải đã dẫn ra những chiến thắng để thể hiện lòng tự hào về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, thì ở hai câu thơ cuối này, nhà thơ lại hướng đến khẳng định sự vững bền của nền độc lập, của không khí thái bình cũng như tin tưởng tuyệt đối vào vận mệnh trường tồn của đất nước. “Thái bình nên gắng sức” , thái bình là không khí hòa bình, yên ả của đất nước sau khi đã giành được độc lập, đã đánh đuổi được lũ giặc ngoại xâm. Ở câu thơ này, tác giả thể hiện niềm tự hào song cũng là lời nhắc nhở đầy chân tình “nên gắng sức”. Bởi Việt Nam luôn là đối tượng xâm chiếm của những kẻ thù, tuy ta có sức mạnh có tinh thần đấu tranh mạnh mẽ chống giặc nhưng cũng không nên chủ quan, phải luôn gắng sức để duy trì không khí thái bình và đề cao sự cảnh giác đối với các thế lực bên ngoài. Nhà thơ còn thể hiện một niềm tin bất diệt đối với vận mệnh của đất nước, nhà thơ tin chắc rằng, khi toàn dân ta gắng sức cho nền độc lập, cho không khí thái bình ấy thì dân tộc ta sẽ không còn bị cản trở bởi bất cứ thế lực nào nữa, vận mệnh đất nước sẽ cứ vậy đi lên, cứ mãi vững bền “Non nước ấy nghìn thu”.

    Như vậy, bài thơ “Phò giá về kinh” của Trần Quang Khải là một bài thơ đề cao sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tự hào về truyền thống anh hùng, truyền thống chính nghĩa ấy. Đồng thời, bài thơ cũng thể hiện được ý thức của bản thân nhà thơ đối với vận mệnh cũng như sự trường tồn của đất nước, không chỉ là ý thức cho mình, Trần Quang Khải còn đưa ra những lời khuyên chân thành đến với toàn thể nhân dân, những con người anh hùng của một dân tộc giàu truyền thống.

      bởi phạm dung 21/09/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
ATNETWORK
ON