YOMEDIA
NONE

cảm nhận của em

nếu cảm nhận của em về bài ca dao số 1 trang 35,bài ca dao số 4 trang 38

 

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (1)

  • Dưới đây là bài văn biểu cảm ngắn, nêu những cảm nhận về hai bài ca dao trong "Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người". Mời bạn tham khảo!

    Bài ca dao số 1, SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 trang 35

    Bài ca dao là lời của người mẹ nói với con. Mẹ trở thành nhân vật trữ tình trong câu ca dao, còn người con trở thành đối tượng để câu ca dao hướng đến. Phải biết rằng tình yêu thương của cha mẹ dành cho con không chỉ thể hiện trong việc lo cho con có được những điều kiện hàng ngày như ăn, ở, mặc, học hành… mà còn thể hiện trong cả lời ru của mẹ. Lời ru là để đưa con vào giấc ngủ nhưng cũng chứa đựng trong đó biết bao tình yêu thương chan chứa, bao mong ước và hi vọng vào con trong tương lai. Bài ca dao dưới đây làm xúc động lòng người bởi đã gợi nên công ơn trời bể của cha mẹ đối với những người con thân yêu của mình:

    Công cha như núi ngất trời

    Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông

    Núi cao bể rộng mênh mông

    Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

    Mở đầu bài ca dao, tác giả dân gian nhắc đến “công cha”, “nghĩa mẹ”. Đó là công sinh thành, dưỡng dục. Đó là ơn nghĩa "mang nặng đẻ đau" và những yêu thương mẹ dành cả cho con. Ví “công cha”, “nghĩa mẹ” như "núi ngất trời", như "nước ở ngoài biển Đông" là lấy cái trừu tượng của tình phụ mẫu so sánh với cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên. Ví "công cha" với "núi ngất trời" là khắng định sự lớn lao, ví "nghĩa mẹ" như "nước biển Đông" là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng và sự dạt dào.

    Đây cùng là một nét riêng trong tâm thức của người Việt. Hình ảnh người cha thì rắn rỏi, mạnh mẽ, cha như cột trụ trong gia đình. Hình ảnh mẹ không lớn lao, kì vĩ nhưng sâu xa, rộng mở và dạt dào cảm xúc hơn. Đối "công cha" với "nghĩa mẹ", "núi" với "biển" là cách diễn đạt quen thuộc, đồng thời cùng làm cho các hình ảnh được tôn cao thêm, trở nên sâu sắc và lớn lao hơn.

    Phép so sánh trên đã làm nổi bật một ý nghĩa sâu xa: Công ơn cha mẹ vô cùng to lớn, không thể nào cân đong đo đếm hết được: “Núi cao bể rộng mênh mông”. Bởi vậy, kết lại bài ca dao, tác giả dân gian đưa ra lời nhắn nhủ: "Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!" Nhắc đến “cù lao chín chữ” là nhắc đến công ơn mang nặng đẻ đau, công ơn sinh thành dưỡng dục nuôi nấng con thành người của cha, mẹ. Để có con khôn lớn hôm nay, cha mẹ đã trải qua bao vất vả, đau đớn, cực nhọc,... Bởi vậy, nghĩ đến công ơn cha mẹ, bài ca dao thiết tha nhắn nhủ những người con “ghi lòng con ơi!” những công ơn trời bể ấy. Tiếng “ơi!” vang lên thể hiện tình cảm tha thiết, mong muốn chân thành, cảm động của tác giả dân gian.

    Bài ca dao khép lại để lại trong lòng người đọc niềm xúc động thiêng liêng về công ơn trời bể của những đấng sinh thành. Và hơn thế là định hướng về cách sống, cách bày tỏ lòng biết ơn dành cho cha cho mẹ.

    Bài ca dao số 4, SGK Ngữ văn lớp 7 tập 1 trang 38

    Bài ca dao dưới đây có hai cái đẹp: Cái đẹp của cánh đồng và cái đẹp của cô gái thăm đồng. Cả hai cái đẹp đều được miêu tả rất hay. Cái hay ở đây là cái hay riêng của bài ca dao này, không thấy có ở bất kì một bài ca dao nào khác.

    Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

    Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông,

    Thân em như chèn lúa đòng đòng,

    Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

    Bài ca dao nói về quê hương và con người miền Trung, nơi những từ ni, tê trở thành quen thuộc trong cách chỉ nơi chốn của người dân nơi đây. Thấp thoáng trong câu ca dao là đồng ruộng bao la, bát ngát, là sự trù phú của quê hương. Ẩn hiện trong đó là bóng dáng cô thôn nữ mảnh mai, duyên dáng đang hòa quyện với ruộng đồng bao la tạo thêm sức sống cho quê hương.

    Hai câu đầu trong bài ca dao có kết cấu không giống với những bài ca dao khác:

    Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát,

    Đứng bên tê đồng, ngó bên ni đồng, cũng bát ngát mênh mông.

    Một không gian bao la được gợi ra trong hai câu ca dao. Đọc câu ca dao ta có cảm giác hai câu là một, nhưng thực tế sự nhắc lại như vậy càng làm tăng sự mênh mông vô tận của cánh đồng quê hương dù nhìn từ góc độ nào. Nếu bài ca dao chỉ có hai câu thôi thì mới diễn tả được một khung cảnh rất chung chung và chưa nói lên được điều gì. Chỉ đến khi đọc hai câu tiếp theo thì cái hồn của câu ca dao mới hiện ra. Ở hai câu đầu, cô gái phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ cánh đồng lúa quê hương để chiêm ngưỡng sự "bát ngát mênh mông" của nó, thì ở hai câu cuối, cô gái lại tập trung ngắm nhìn, quan sát và đặc tả riêng một "chẽn lúa đòng đòng" và liên hệ so sánh với bản thân mình một cách rất hồn nhiên:

    Thân em như chẽn lúa đòng đòng,

    Phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai.

     

    Cô thôn nữ với nhựa sống tràn trề như "chẽn lúa đòng đòng" dưới "ngọn nắng hồng ban mai". Hình ảnh này đã làm nổi bật cô gái trong một cánh đồng lúa mênh mông bát ngát. Hình ảnh cô gái chỉ là một chẽn lúa trong cả một cánh đồng mênh mông bát ngát nhưng vẫn vượt lên trên tất cả. Đứng trước một cánh đồng mênh mông bát ngát, cô gái chợt nghĩ về thân phận của mình. Câu cuối cùng chính là sự bâng khuâng, lo lắng của cô gái về thân phận của mình. Từ "thân em" trong câu ca dao thứ ba đã gợi lên thân phận của người con gái trong xã hội. Cô gái trong bài ca dao trên cũng lo lắng cho số phận của mình. Cô gái xuất hiện thật là đẹp, nhưng hồng nhan bạc phận, cô gái nhìn ngọn lúa phất phơ đã liên tưởng đến sự phất phơ của đời mình.

    Bài ca dao đã phản ánh phần nào thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Vai trò làm chủ bản thân, tự định đoạt số mệnh của họ hầu như không có. Cuộc sống của họ hoàn toàn phụ thuộc vào các đấng cha mẹ, đức lang quân.

      bởi Lê Bảo An 14/09/2017
    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF