YOMEDIA
NONE

Kể lại sự việc Gióng ra trận

Viết đoạn văn kể lại sự việc Gióng ra trận đánh giặc và thắng giặc

Theo dõi Vi phạm
ADSENSE

Trả lời (5)

  • Tôi được sinh ra trong một dân tộc giàu truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Từ bao đời, bao thế hệ đều có những người anh hùng xả thân bảo vệ non sông, độc lập của dân tộc. Là một người con của quê hương Việt Nam nên tôi cũng mang trong mình tình yêu, sự hiên ngang, bất khuất không chịu nhường bước trước kẻ thù. Khi giặc Ân kéo vào nước ta, trước sự ủng hộ, động viên của bố mẹ, hàng xóm và con người Việt Nam thì tôi đã lên đường đánh giặc, đánh đuổi quân Ân, mang lại độc lập cho dân tộc. Và mọi người thường gọi tôi với cái tên Thánh Gióng.

    So với những đứa trẻ cùng trang lứa khác thì tôi có sự khác biệt, bởi nếu những đứa trẻ khác đến ba tuổi thì có thể cười đùa và nói những câu đơn giản. Nhưng khi đến ba tuổi thì tôi lại hoàn toàn trái ngược, tôi không cười, không nói, điều này trở thành câu chuyện kì lạ truyền tai trong hàng xóm, láng giềng. Còn bố mẹ tôi cũng rất buồn phiền, lo lắng, nhưng không vì vậy mà chán ghét hay ruồng bỏ tôi, bố mẹ tôi dành trọn tình yêu, sự quan tâm để nuôi dưỡng tôi mỗi ngày. Thời đại tôi sống có nhiều biến loạn, đặc biệt lên trong số đó, chính là nạn giặc ngoại xâm.

    Năm ấy, quân Ân ở Trung Hoa kéo sang xâm lược với mưu đồ thôn tính đất nước ta, cũng vì vậy mà cuộc sống của người dân trở nên vô cùng khốn khổ, chúng hoành hành ngang ngược, bóc lộc, cướp bóc tài sản của nhân dân một cách vô lí. Chúng coi thường pháp luật, hiên ngang bành trướng thế lực của mình. Trước sự hống hách của quân giặc, sự lầm than khổ sở của người dân, triều đình phong kiến đã gấp rút cử sứ giả đi khắp nơi trong nước để tìm kiếm những người tài giỏi, những con người tài trí có thể giúp nước vượt qua nạn ngoại xâm.

    Khi sứ giả đi ngang qua làng, tiếng nói vang vọng khắp các ngõ ngách, nó khẩn khiết đến mức tôi vốn là một đứa trẻ không nói không cười dù đã lên ba lần đầu cất tiếng nói. Tôi còn nhớ rất rõ, câu nói đầu tiên của cuộc đời mình, đó là “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”, lúc ấy mẹ tôi rất bất ngờ, vui sướng vì đứa con của mình cuối cùng cũng có thể cất tiếng nói như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng cùng với đó là sự hoảng sợ, lo lắng, vì tội khi quân là tội mất đầu. Ban đầu mẹ tôi còn do dự nhưng trước sự thuyết phục da diết của tôi thì cuối cùng mẹ cũng ra ngoài mời sứ giả vào

    Khi sứ giả vào nhìn thấy tôi cũng bất ngờ không kém, bởi có lẽ người trong tưởng tượng của vị sứ giả này hoàn toàn trái ngược, không phải một người anh hùng cao lớn mà lại là một đứa trẻ. Nhưng không để trạng thái hoài nghi, đánh giá ấy diễn ra lâu, tôi đã chủ động yêu cầu sứ giả về tâu với nhà vua làm cho tôi mộ bộ áo giáp sắt, một chiếc mũ sắt, một cây gậy sắt, một con ngựa sắt, ba ngày sau tôi sẽ lên đường đánh giặc. Sau đó dù vẫn còn có những nghi ngờ nhưng việc nước gấp rút, vi sứ giả nọ cũng nhanh chóng trở về kinh thành tâu vua.

    Từ ngày quyết định lên đường đánh giặc cứu nước, tôi ăn bao nhiêu cũng không đủ no, uống bao nhiêu cũng không hết khát, người lớn nhanh như thổi, nhưng cơm trong nhà tôi cũng vì vậy mà nhanh chóng cạn kiệt. Nghe tin tôi xung phong ra trận, những người hàng xóm đã chung tay góp cơm, góp gạo nuôi lớn tôi. Điều này làm cho tôi rất cảm kích và cảm nhận được sự ấm áp của tình người, cũng vì vậy mà quyết tâm chiến thắng giặc Ân, mang lại tự do, hòa bình cho mọi người càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

    Đúng ngày hẹn, sứ giả mang áo giáp sắt, ngựa sắt đến cho tôi, không hề chần chừ, tôi mặc trang phục, cưỡi ngựa sắt một đường phi ra trận mặc, quyết chiến cùng giặc Ân, cuộc chiến này tôi dù đơn phương độc mã nhưng từ đầu đến cuối, người làm chủ trận địa vẫn là tôi, tôi dùng gậy sắt đánh bại những kẻ cướp nước. Trước sức mạnh phi thường, ý chí sắt đá của tôi, quân giặc hoảng sợ mà bỏ chạy toán loạn. Trong cuộc chiến bỗng nhiên cây gậy sắt bị gãy, không hề lao lung, tôi đã tiện tay nhỏ khóm tre bên đường làm vũ khí đánh giặc, cũng vì vậy mà lũ giặc bị đánh đuổi khỏi bờ cõi không còn chút dấu vết.

    Sau khi chiến thắng, mặc dù muốn về chung vui cùng bố mẹ, hàng xóm nhưng tôi vốn không phải người thường, tôi là người nhà trời, được cử xuống trần gian để cứu dân cứu nước khỏi nạn ngoại xâm, khỏi ách đô hộ của quân xâm lược phương Bắc. Vì vậy mà ngay khi hoàn thành trong nhiệm vụ của mình tôi đã cưỡi ngựa lên núi Sóc Sơn cùng ngựa bay lên trời.

    Được trải nghiệm cuộc sống tuy nghèo đói nhưng ấm áp tình cảm, dù gian khó nhưng vẫn ngoan cường, đoàn kết của người dân là một trong những dấu ấn khó quên trong cuộc đời của tôi. Hoàn thành nhiệm vụ cứu dân cứu nước lại là một trong những chiến công tôi cảm thấy vui sướng và tự hào nhất.

      bởi Nguyễn Quỳnh 18/10/2018
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • YOMEDIA

    Video HD đặt và trả lời câu hỏi - Tích lũy điểm thưởng

  • Giờ văn hôm nay cô giáo không giảng dạy cho chúng em nghe như mọi khi, mà chúng em được học theo một phương pháp mới vừa hay, vừa hiệu quả mà giúp chúng em nhớ mãi. Đó là tập đóng kịch, chúng em học bài về Thánh Gióng và em được cô giáo cho đóng vai Gióng kể lại chuyện Thánh Gióng cho các bạn trong lớp cùng nghe. Câu chuyện như sau các bạn nhé:

    Vào đời Hùng Vương thứ 6, sau khi đánh đuổi xong giặc Ân sang xâm lược bờ cõi Văn Lang giúp đời sống nhân dân bình yên trở lại, ta được triệu về trời để tâu lại sự việc với Ngọc Hoàng.

    Vừa về tới cổng Thiên Đình, ta thấy mọi cảnh vật nơi đây đều đã rất xa lạ so với hạ giới. Ngay lúc ấy, ta được triệu vào yết kiến Ngọc Hoàng. Người có hỏi ta:
    – Ở dưới trần gian con vẫn khoẻ chứ? Sinh hoạt hàng ngày ở dưới đó ra sao? Cơm ở trần gian có ngon hơn ở trên Thiên Đình này không? Cảnh trí dưới đó ra sao, có đẹp bằng Thiên giới không con?

    – Dạ thưa ngài! ở dưới trần gian, cảnh sinh hoạt thường ngày của bà con nông dân rất vui vẻ, ấm áp tình làng nghĩa xóm, con người yêu thương, đùm bọc nhau, cơm con ăn rất ngon vì các món ăn đều rất ngon và lạ miệng. Còn cảnh trí ở trần gian thì thật tuyệt, thưa ngài. Đúng là cảnh “Sơn thuỷ hữu tình” đấy ạ! – Tôi nhanh miệng trả lời.
    – Ồ! Vậy sao con. Bây giờ con hãy kể chuyện con đánh giặc Ân giúp nhân dân cho ta nghe đi!
    – Vâng ạ!

    Thế rồi ta bắt đầu say xưa kể:

    – Thưa ngài! Từ khi ngài sai con xuống trần gian làm người trần để làm việc tốt, con đã đầu thai vào người vợ ông lão có tiếng là ăn ở phúc đức nhưng bao nhiêu năm vẫn chưa có con. Song con đã nghĩ ra một cách: một hôm con đã đặt một dấu chân rất to ở ngoài đồng để chờ đợi người vợ đi làm đồng.

    Đúng như mong ước, hôm ấy bà lão đã đi làm đồng, rồi trông thấy vết chân to khác thường, thấy lạ, bà bèn đặt chân lên ướm thử xem chân mình thua kém bao nhiêu. Thế là về nhà ít lâu sau bà đã thụ thai, rồi mười hai tháng sau đã sinh ra con. Hai vợ chồng nhà ông lão rất vui mừng, họ chăm chút con từng li từng tý. Nhưng đến năm ba tuổi, con vẫn không biết đi, không biết đứng, mà cũng chẳng biết ngồi, cứ đặt đâu là nằm đấy. Năm ấy, lũ giặc Ân tràn sang xâm lược bờ cõi nước Văn Lang ta. Thế giặc vô cùng mạnh, đi đến đâu chúng đốt phá nhà cửa, cướp bóc của cải, giết hại dân lành đến đó. Trước tình hình nguy kịch và đau lòng của nước nhà , nhà vua dưới trần rất lo lắng bèn sai sứ giả đi tìm người hiền tài đánh giặccứu nước. Khi nghe thấy tiếng loa của sứ giả vang lên ở đầu làng, con bèn ngồi dậy gọi: “Mẹ ơi! Mẹ đi mời sứ giả vào đây cho con.”

    Thấy con ngồi được, lại nói được, vợ chồng bà lão vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khôn xiết và nhanh chóng mời ngay sứ giả vào nhà. Sứ giả vừa bước vào tới cửa con nói ngay: “Ngươi hãy mau mau về bảo với nhà vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một áo giáp sắt, một cái roi sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Sứ giả trần gian vô cùng ngạc nhiên, xong đã nhanh chóng về tâu với nhà vua. Nhà vua lập tức mời các thợ đúc khéo tay nhất trong cả nước ngày đêm gắng sức làm những thứ mà con dặn. Đồng thời, cũng ngay từ khi từ biệt sứ giả, con ăn rất khoẻ, ngày ngày lớn nhanh như thổi, cơm cha mẹ con ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong mặc vào đã đứt chỉ. Thấy vậy, cả làng liền góp gạo nuôi con. Mong con mau lớn khoẻ để giết giặc cứu nước. Hôm ấy, giặc đến chân núi Trâu, người của nhà vua cũng vừa kịp tới mang đủ những thứ con cần. Con liền ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, rồi mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, vươn vai biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt, vỗ vào mông ngựa, ngựa hí vang. Con nhảy lên lưng ngựa. Xông ra trận, giặc bị con lấy roi sắt quật ngã túi bụi, hồn bay phách lạc, chúng quay đầu bỏ chạy, giẫm đạp lên nhau mà chết. Vừa lúc ấy, roi sắt của con bị gãy, lập tức con nhổ những cụm tre bên đường quật tan lũ giặc. Giặc chết như ngả rạ, đám tàn quân bị con đuối đến chân núi Sóc. Đến đấy, con bèn cởi áo giáp sắt gửi lại trần gian rồi một mình cùng ngựa từ từ bay lên trời. Con chỉ thương hai vợ chồng ông bà lão.

    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Khi nghe tin sứ giả báo đất nước lâm nguy, cần người tài giỏi ra giúp nước, Thánh Gióng đã vùng dậy, vươn vai một cái bỗng trở thánh một tráng sĩ oai phong lẫm liệt,mình cao hơn trượng. Tráng sĩ mặc áo giáp , cầm roi rồi vỗ mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng. Gióng nhảy lên mình ngựa, ngựa thét ra lửa, Gióng thúc ngựa phi nhanh đi đánh giặc. Ngựa sắt bỗng chồm lên, phun thẳng ra đàng trước một luồng lửa đỏ rực. Gióng thúc chân, ngựa phi như bay, sải từng bước dài hàng chục con sào, rung chuyển cả trời đất. Chỉ trong chớp mắt, ngựa đã xông đến đồn trại giặc bấy giờ đang đóng la liệt cả mấy khu rừng. Lưỡi gươm của Gióng vung lên loang loáng như chớp giật. Quân giặc xông ra chừng nào chết chừng ấy. Khi gươm bị gãy, Gióng vẫn rất nhanh trí và không hề bối rối nhổ một bụi tre bên đường xông tới quật tới tấp vào đám quân giặc. Gióng giết hết lớp giặc này đến lớp giặc khác, giặc chết như rạ. Đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn. Chỉ sau một trận đánh, Gióng đã chiến thắng toàn bộ giặc Ân, giết chết tướng giặc, trừ xong nạn nước. Lúc bấy giờ ngựa Gióng đã tiến đến chân núi Sóc Sơn. Gióng bèn cởi toàn bộ giáp, nón rồi cả người lẫn ngựa bay thẳng lên trời.

      bởi ミ★Bạch Kudo★彡 26/06/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Mười mấy tuổi, tôi đã từng xem nhiều lễ hội trong làng. Hằng năm, cứ vào mùa xuân, bố tôi thường dẫn tôi đến chò sân đình, ở đố, đôi mắt trẻ thơ của tôi cứ ngây ra trước bao cảnh sắc. Nhưng suốt đời tôi vẫn không thể nào quên được cảnh làng tôi tiễn đưa cậu bé Gióng lên đường đi đánh giặc Ân, cứu nước.

    Đó là vào một buổi sáng trời không mưa cũng không nắng. Có lẽ trời đất cũng rầu lòng trước cảnh vó ngựa kẻ thù đang giày xéo lên Tổ quốc mình.

    Mới sớm tinh mơ, con đường làng hẹp đầy vết chân trâu đã lũ lượt người Người đâu mà lắm thế! Tôi có cảm tưởng cả nước Vàn Lang của Vua Hùng đang đổ dồn về đồng đất làng tôi. Không còn nhận ra gương mặt con đường làng quen thuộc nữa. Nó đã trở thành một dòng suối người, chảy như thác đổ.

    Còn ngoài đình làng thì khỏi phải nói, chật như nêm cối. Ai cùng muốn chen vào giữa sân. Hơn hai chục anh trai làng lực lưỡng đang nắm tay nhau làm thành một vòng rào, cố giữ không cho mọi người tràn lên mảnh sân gạch giờ trở nên quá bé nhỏ so với cái vóc dáng khổng lồ của con ngựa sắt.

    Các cụ bô lão đang sửa soạn lễ tế trời đất, cao lớn là thế, mà chỉ mới đứng ngang bụng ngựa. Nhờ nhanh nhẹn, tôi đã len lỏi vào sát bên trong, do vậy có thể nhìn kĩ được con ngựa thần kì này. Bờm ngựa dựng đứng lên như một hàng chông sắt. Thỉnh thoảng ngựa vẫy đuôi. Tôi hình dung cái đuôi ấy chi cần quệt vào thằng giặc nào là thằng ây đủ chết mất ngáp. Ngựa lại còn dậm chân, làm gạch sân đình vốn nung rất chín, cũng nát thành cám. 

    Con ngựa sắt đã hùng vĩ, phi thường, chủ của nó càng hừng vĩ, phi thường hơn! Làm sao có thể tưởng tượng được một cậu bé kém tôi cả chục tuổi, cách đây mấy tháng còn nằm toong gióng treo, chưa biết đi, chưa biết nói, giờ đã trở nên một tráng sĩ oai phong lẫm liệt trong bộ giáp sắt, đầu đội mũ sắt, tay cầm roi cũng bằng sắt!

    Đã đến giờ tế lễ. Mọi người im lặng. Không khí trang nghiêm hẳn. Hồn thiêng sông núi đang chứng giám giờ phút lịch sử này. Chỉ một lát nữa thôi, cậu bé Gióng làng tôi sẽ lên đường ra chiến trường. Gióng dắt ngựa đứng trước sân đình, sau lưng cụ già cao niên nhất làng và vị sứ giả của vua Hùng. Khi hai cụ mỗi người một bó hương rõ to, cháy rực, tiến thẳng đến bàn thờ Tổ quốc thì Gióng và ngựa sắt đều cúi đầu. Cả làng nín thở. Nhiều bà mẹ khóc. Gióng lại dắt ngựa hướng ra cổng làng.

    Lúc ấy tôi bỗng thấy mẹ Gióng, với tà áo nâu và tấm lưng còng như mọi bà mẹ quê tôi, lao về phía Gióng. Gióng vội quỳ xuống và cúi gập người ôm lấy mẹ. Gióng hôn lên mái tóc mẹ giờ đã pha nhiều sợi bạc, rồi đặt cây roi sắt dưới đất, lấy tay lau nước mắt cho mẹ. Tôi ngước nhìn Gióng và thấy trên má Gióng ươn ướt vài giọt nước mắt. Con ngựa sắt ngoảnh cổ sang một bên, không nhìn cảnh chia tay của mẹ con Gióng. Dường như nó sợ xúc động…

    Tiếng phèng la vang liên hồi. Gióng hôn mẹ lần cuối rồi cầm roi sắt đứng lên. Cụ già cao niên nhất làng và sứ giả Vua Hùng đi trước, về phía cổng làng. Đám đông dạt ra như sóng rẽ. Gióng dắt ngựa sắt đi tiếp sau. Các bà cụ đìu mẹ Gióng đi theo. Cả làng đi theo. Không nhận ra gương mặt con đường làng quen thuộc nữa. Nó lại trở thành một dòng suối người, chảy như thác đổ.

    Cổng làng hiện rõ trong tầm mắt. Gióng bước lên lưng ngựa, quay lại chào cả làng rồi vung roi, giật cương, chân thúc vào mình ngựa, ngựa sắt hi vang trời, vẫy mạnh đuôi, phi nước đại, nhanh như một mùi tên bắn. 

    Gióng và ngựa sắt đã mất hút ở phía chân trời mà mọi người vẫn còn sững sờ như tỉnh như say. Đến lúc ấy, cả làng mới thôi không theo người ra trận, cả làng bắt đầu hướng mắt về một người khác: mẹ Gióng. Hình như ai cũng nghĩ rằng giá không có người mẹ này thì làm sao có được người con anh hùng như Gióng kia.

    Và bầu trời như cơ hồ hửng nắng.

     

      bởi Najoon Jeon 26/06/2019
    Like (0) Báo cáo sai phạm
  • Cả lớp đang say sưa, chăm chú nghe cô giảng bài thì một tiếng trống giòn giã vang lên báo hiệu giờ ra chơi đã đến.Chúng em gấp sách vở rồi vội vàng ào ra sân trường trong niềm vui và háo hức. Ai cũng mong chờ giờ ra chơi đến để có thể giải tỏa những căng thẳng sau một giờ học kéo dài. 

    Học sinh từ các lớp ùa ra như đàn ong vỡ tổ. Sân trường đang yên ắng bỗng chốc được lấp đầy bởi tiếng cười nói vui vẻ làm không khí nhộn nhịp hẳn lên. Bầu trời trong xanh vời vợi, vài chú chim đang chuyền cành bỗng ngừng hót để xem chúng em chơi đùa. Sân trường chìm trong cái nắng vàng ngọt như rót mật, vài cơn gió mát thoảng qua làm mái tóc ai tung bay phơi phới. Trên sân trường diễn ra rất nhiều các trò chơi bổ ích phù hợp với lứa tuổi học sinh. Dưới gốc bàng râm mát, một nhóm bạn đang chơi trò bịt mắt bắt dê. Cảnh tượng trông hết sức thú vị khi các bạn cứ đi đi lại lại vòng quang gốc cây. Bạn bị bịt mắt đưa tay dò dẫm khắp nơi, những chú dê khác thì nín thở đứng yên một, thi thoảng vang lên một tiếng cười khúc khích.

    Ở bãi cỏ xanh rộng là một tốp bạn nam đang chơi trò đá bóng. Các cầu thủ trên sân đều rất hăng say, nhiệt tình, mồ hôi đã thấm ướt lưng áo nhưng tinh thần của các bạn thì không hề giảm sút, ngược lại càng say mê hơn. Những cổ động viên xung quanh thì hò hét khản giọng để cổ vũ cho đội mình yêu thích, mỗi lần quả bóng được sút vào lưới là một loạt các tiếng: “Vào rồi” reo lên đầy phấn khích. Ở góc khác, một số bạn nữ đang chơi chuyền, bàn tay của các bạn phải thật nhịp nhàng và khéo léo để nhặt que chuyền thật nhanh mà quả bóng không bị rơi xuống đất. Trông các bạn như những nghệ sĩ xiếc điêu luyện vậy.

    Dưới bồn cây là mấy bạn đang ngồi tết tóc cho nhau. Bác phượng già đứng trầm ngâm dang rộng cánh tay che bóng mát để các bạn chơi đùa. Ở giữa sân trường, hai bạn nam chơi đá cầu đang thu hút rất nhiều sự chú ý của người xung quanh. Quả cầu lông vũ màu trắng bay qua bay lại thoăn thoắt, nhịp nhàng từ chân bạn này sang chân bạn kia. Mỗi lần quả cầu bay lên, mọi người lại nín thở, ngước mắt nhìn theo để xem bạn đối diện có đỡ được không. Trong sự ngỡ ngàng của người đứng xem, quả cầu vẫn không bị rơi xuống dù một thời gian khá lâu đã trôi qua. Ai cũng ngưỡng mộ sự dẻo dai, khéo léo cùng kĩ thuật đá cầu điêu luyện của các bạn, quả là những chân đá cừ khôi, những nghệ sĩ tung hứng thật xuất sắc.

    Ở ghế đá, mấy bạn nhàn nhã hơn đang ngồi đọc sách hoặc say sưa thảo luận về một bài toán khó, thỉnh thoảng các bạn lại cười rộ lên vì phát hiện ra điều gì đó thú vị. Khung cảnh sân trường giờ ra chơi thật phong phú, đa dạng, ai cũng tham gia vào trò chơi một cách đầy hăng hái, say mê. 

    Tiếng trống lại vang lên một lần nữa. Mọi cuộc vui đành kết thúc trong niềm tiếc nuối. Giờ ra chơi tuy ngắn ngủi nhưng thật có ý nghĩa, nó là một cơn gió mát giúp chúng em thổi bay những mệt mỏi và tiếp thêm năng lượng để bắt đầu những giờ học bổ ích tiếp theo. Học sinh đã vào lớp hết, quang cảnh sân trường lại trở về vắng lặng như cũ, chỉ còn bác phượng già đứng lặng im như người bảo vệ cho sân trường.
     

    Like (0) Báo cáo sai phạm

Nếu bạn hỏi, bạn chỉ thu về một câu trả lời.
Nhưng khi bạn suy nghĩ trả lời, bạn sẽ thu về gấp bội!

Lưu ý: Các trường hợp cố tình spam câu trả lời hoặc bị báo xấu trên 5 lần sẽ bị khóa tài khoản

Gửi câu trả lời Hủy
 
NONE

Các câu hỏi mới

AANETWORK
 

 

YOMEDIA
AANETWORK
OFF